Exit Scamming là gì? Dấu hiệu nhận biết hình thức Exit scam
Exit scam là gì?
Exit scam (hay exit scamming) là hình thức lừa đảo mô tả việc cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp cố gắng tạo dựng danh tiếng cho dự án của mình nhằm thu hút các nhà đầu tư, sau đó bỏ trốn cùng với số tiền thu được.
Trong thị trường crypto, exit scam xảy ra khi các nhà phát triển tiền điện tử đột ngột từ bỏ dự án và rút toàn bộ số tiền đã huy động được, để lại cho nhà đầu tư những token, tài sản vô giá trị và gần như không có khả năng phục hồi.
Exit scam hoạt động như thế nào?
Có rất nhiều hình thức để một cá nhân, tổ chức sử dụng khi muốn lừa đảo như rug pull, phishing attack… nhưng đa phần những cách này đều yêu cầu họ phải có kiến thức về lập trình (coding). Tuy nhiên, đối với exit scam, kẻ lừa đảo không cần hiểu biết quá nhiều về code mà vẫn có thể lấy tài sản từ người dùng.
Theo CertiK, đầu năm 2023, thị trường crypto có 231 dự án exit scam. Riêng tháng 5, hình thức lừa đảo này đã gây thiệt hại lên tới 38.8 triệu USD và khiến nhiều người mất niềm tin vào tiền điện tử.
Dưới đây là quy trình hoạt động cơ bản của exit scam:
- Giai đoạn marketing: Một tổ chức/cá nhân lừa đảo sẽ tạo ra một dự án crypto. Sau đó, đánh bóng tên tuổi và hứa hẹn nhà đầu tư với lợi nhuận cao, hoàn vốn nhanh. Mục đích giai đoạn này là thu hút càng nhiều người càng tốt.
- Giai đoạn gọi vốn: Sau giai đoạn thu hút, những kẻ lừa đảo sẽ tổ chức gọi vốn qua các hình thức chưa có sự kiểm định hay bảo hộ từ pháp lý như ICO, gọi vốn trực tiếp…
- Giai đoạn exit: Sau khi gọi vốn, những kẻ lừa đảo bất ngờ đóng cửa dự án mà không hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư, khiến họ bị thiệt hại nặng nề.
Các hình thức exit scam phổ biến
ICO/presale
Năm 2017, exit scam nổi lên như một hiện tượng tại thị trường crypto, khi hàng loạt dự án gọi vốn qua ICO/presale với số tiền lên tới hàng tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng thời gian ngắn, các dự án đều thông báo đóng cửa và bỏ trốn cùng số tiền của nhà đầu tư.
Ví dụ điển hình ở Việt Nam là dự án Pincoin của công ty ModernTech, mở bán token iFan thông qua ICO. Theo báo Tuổi Trẻ, Pincoin gọi thành công 660 triệu USD từ 32,000 nhà đầu tư.
Vì ICO là hình thức gọi vốn không được kiểm định bởi bên thứ ba, nên sau khi nhận 660 triệu USD, công ty ModernTech ngay lập tức biển thủ số tiền và bỏ trốn.
CEX exit scam
CEX exit scam là hình thức lừa đảo mà các sàn giao dịch tập trung (CEX) đột ngột đóng cửa hoặc biến mất, không trả lại tài sản cho người dùng, còn đội ngũ đằng sau CEX sẽ cầm tiền và bỏ trốn.
Ví dụ, MT Gox - một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn, năm 2014-2015, đột nhiên tuyên bố đóng cửa và không cho người dùng rút tiền.
Ngay sau khi nhận thấy vấn đề, chính phủ bắt tay điều tra sàn giao dịch MT Gox và phát hiện đội ngũ dự án đã biển thủ 750,000 Bitcoin của khách hàng, tương đương 500 triệu USD tại thời điểm đó.
Mặc dù, chính phủ đã tìm ra 200,000 Bitcoin để hoàn trả nhà đầu tư, số Bitcoin còn lại hiện vẫn còn là ẩn số.
Đọc thêm: Hiểu về “crypto hack” qua vụ hack sàn Mt.Gox chấn động thế giới crypto
Rug Pull
Hình thức Rug pull ám chỉ các nhà phát triển rút thanh khoản đột ngột và khiến tài sản của người dùng mất đi giá trị. Ngoài ra, rug pull chỉ phổ biến ở thị trường DeFi, khác với exit scam - hình thức lừa đảo phổ biến ở mọi thị trường.
Ví dụ, năm 2021 - Squid Game, đây là dự án lấy tên theo bộ phim nổi tiếng Hàn Quốc, nên thu hút được nhiều người dùng tham gia. Tuy nhiên, chỉ sau 48h đồng hồ khi dòng tiền đổ vào dự án, Squid Game ngay lập tức rút thanh khoản qua smart contract và đưa giá trị token về 0. Nhà đầu tư bàng hoàng vì mất tiền quá nhanh.
Đọc thêm: Rug-pull - Vùng đất tối của thế giới Crypto.
Tương tự như exit scam, mô hình hoạt động của rug pull bắt đầu từ việc một cá nhân tạo nên một token và quảng cáo nó. Sau đó, họ thêm thanh khoản trên các DEX (sàn phi tập trung) và kêu gọi người dùng mua. Đến một thời điểm, cá nhân lừa đảo sẽ rút thanh khoản thông qua smart contract, và ôm tiền bỏ chạy.
Rug pull chia làm hai loại:
- Soft Rug: Là hình thức đội ngũ bán tháo token của họ và rời bỏ dự án, khiến các token này không còn giá trị và người dùng sẽ không kịp bán do giá rớt quá nhanh.
- Hard Rug: Là hình thức đội ngũ dự án tạo một mã độc (malware) trong smart contract và rút thanh khoản trong pool.
NFT Rug Pull
NFT Rug Pull là hình thức lừa đảo mà những người đằng sau các bộ sưu tập NFT đột nhiên rời bỏ dự án, khiến các NFT của người dùng mất đi giá trị. Theo Comparitech, NFT rug pull gây thiệt hại lên tới 6 triệu USD vào đầu năm 2023.
Tuy nhiên, hình thức NFT rug pull không thực sự phổ biến như những hình thức rug pull thông thường.
Các dự án exit scam tiêu biểu
Exit scam là hình thức lừa đảo đã bùng nổ vào năm 2017 và được nhiều dự án sử dụng. Dưới đây là một số dự án exit scam gây ảnh hưởng lớn tới thị trường crypto.
BitConnect (19/1/2018)
BitConnect là dự án được thành lập vào năm 2016 với token BCC. Nền tảng này từng đạt được mức vốn hóa lên tới 2.7 tỷ USD vào năm 2017 và trở thành một trong những dự án crypto lớn nhất ở thời điểm bấy giờ.
Tuy nhiên, sau sự thành công của BitConnect, đội ngũ dự án đột ngột tuyên bố đóng cửa vào tháng 1/2018. Vốn hóa 2.7 tỷ USD đột ngột giảm mạnh còn 17 triệu USD, token BCC từ 433 USD xuống còn 0.43 USD, chia 1,000 lần. Khiến BitConnect bị coi là dự án exit scam lớn nhất trong lịch sử và gây ra không ít phẫn nộ trong cộng đồng crypto.
OneCoin (4/11/2019)
OneCoin là dự án thành lập vào năm 2014 bởi Ruja Ignatova. Nền tảng từng thu hút sự chú ý của hàng triệu người dùng trên khắp thế giới vì token tăng trưởng mạnh. Mức vốn hóa của OneCoin từng đạt tới con số 4 tỷ USD vào trong khoảng 2015-2016.
Tuy nhiên, năm 2017, OneCoin bị lực lượng chức năng của các quốc gia điều tra và bày tỏ sự lo ngại về tính hợp pháp của dự án này. Nhiều đất nước như Na Uy, Thụy Điển... đã cảnh báo người dân về nguy cơ mất tiền nếu tham gia OneCoin.
Cuối cùng, đúng như lời cảnh báo, tháng 11/2019, Ruja Ignatova bị phát hiện biến mất cùng với số tiền tỷ đô của các nhà đầu tư.
Friendsies Ai (21/2/2023)
Friendsies Ai là dự án NFT thành lập vào tháng 11/2021 và gọi vốn thành công 5 triệu USD chỉ sau một đợt mint. Tuy nhiên, tháng 2/2023, Twitter của dự án đột nhiên dừng hoạt động, đội ngũ không thể liên lạc, khiến cho bộ sưu tập NFT trở thành một dự án ma.
Cách nhận biết exit scam
Hiện tại, các thủ đoạn exit scam ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn. Tuy nhiên, để nâng cao tỷ lệ phát hiện dự án exit scam, dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến.
Lợi nhuận phóng đại
Nhằm mục đích thu hút người dùng đến với dự án exit scam, kẻ lừa đảo thường thu hút người dùng thông qua những lời dụ dỗ về lợi nhuận phóng đại, APR cao tới mức khó tin. Ví dụ, BitConnect từng hứa với nhà đầu tư mức lãi suất là 1%/ ngày (một con số rất cao so thời điểm bấy giờ).
Whitepaper sơ sài
Whitepaper cho phép người dùng biết thêm về mô hình hoạt động, tokenomics… từ đó có một góc nhìn tổng quan về nền tảng. Trong một số trường hợp, nếu dự án đã có mục đích exit scam từ đầu, whitepaper thường không chỉn chu, thông tin về tokenomics không rõ ràng.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Finance Research Letter, whitepaper càng dài, chi tiết càng nhiều sẽ tỉ lệ thuận với mức độ uy tín của dự án.
Đọc thêm: Tokenomics là gì? Ván bài lật ngửa với nhà tạo lập thị trường
Liên tục quảng cáo về giá token
Đối với những dự án có định hướng phát triển rõ ràng và dài hạn, các quảng cáo của họ sẽ tập trung chủ yếu vào công dụng và lợi ích của sản phẩm dành cho người dùng.
Tuy nhiên, đối với những dự án có mục đích lừa đảo từ đầu, nền tảng đa phần sẽ sơ sài và khó quảng cáo. Vì vậy, đội ngũ nền tảng chuyển hướng quảng cáo sang giá token và hứa hẹn chúng sẽ tăng gấp nhiều lần.
Không có kiểm tra bảo mật (audit)
Kiểm tra bảo mật là hoạt động kiểm tra smart contract của token với mục đích xác minh tính an toàn của dự án, từ đó hạn chế đi những hành động như rug pull, exit scam…. Vì vậy, đối với những nền tảng chưa có kiểm toán, người dùng nên cẩn trọng vì khả năng bị lừa đảo cao.
Ngoài ra, chi phí để được audit của một số doanh nghiệp là khá cao (CertiK, Trailofbits…). Nên thông thường, những dự án có ý định lừa đảo ngay từ đầu sẽ hạn chế sử dụng các dịch vụ audit.
Không có thông tin đội ngũ dự án
Nếu người dùng thấy một dự án tiềm năng, nhưng đội ngũ phía sau lại không thể tìm được trên các trang thông tin. Người dùng nên nâng cao cảnh giác với những dự án này, bởi nguy cơ xuất hiện exit scam rất cao.
Hiện có nhiều dự án lớn vẫn chưa tiết lộ thông tin đội ngũ, nhưng người dùng cũng nên lưu tâm tới vấn đề ẩn danh này.
Bitpetite là dự án ẩn danh, nhưng đã exit scam hàng triệu USD từ nhà đầu tư.
Hoạt động theo mô hình Ponzi
Mô hình kinh doanh phi pháp Ponzi là nơi mà người đầu tư tới trước trả lợi nhuận cho người đầu tư tới sau. Do đó, cách thức này sẽ cho những người đến sớm có một mức lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, nếu như không còn người mới tham gia, dự án sẽ sụp đổ và số tiền từ tất cả nhà đầu tư cũng bị “đỉnh tháp” ôm toàn bộ và biến mất. Đây là mô hình Bitconnect và OneCoin áp dụng.
Về bản chất, bất cứ khoản đầu tư nào đều mang một tỷ lệ rủi ro nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ này đối với các khoản đầu tư vào các mô hình Ponzi là cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng, nên nhiều nhà đầu tư dễ bị mờ mắt trước lợi nhuận mà thường bỏ qua vấn đề về rủi ro.
Đọc thêm: Ponzi là gì? Tại sao nhiều nhà đầu tư Crypto vẫn sập bẫy Ponzi?
Những nền tảng đánh giá dự án
Dưới đây là một số nền tảng dùng để đánh giá dự án:
- Telegram Bot: Hiện tại, Telegram có nhiều Bot kiểm tra mức độ uy tín của từng dự án thông qua việc kiểm tra thanh khỏa, thời gian khóa thanh khoản, phí giao dịch… Những con Bot này bao gồm: HoneyPot, SafeAnalyzer…
- LunarCrush: Nền tảng phân tích mức độ truyền thông và mạng xã hội của dự án. Thông thường, những dự án lừa đảo luôn có mức độ truyền thông cao vào thời điểm thành lập dự án.
- Token Sniffer: Là nền tảng đánh giá smart contract, pool thanh khoản, số lượng người nắm giữ… Từ đó, nền tảng tổng hợp cho người dùng chỉ số thể hiện độ tin cậy từ token dự án.
Tuy nhiên, đây chỉ là những công cụ hỗ trợ người dùng kiểm tra dự án và chưa thể chính xác hoàn toàn. Vì vậy, người dùng hãy luôn tỉnh táo và nghiên cứu trước khi xuống tiền đầu tư bất kỳ dự án nào.
Xem thêm: Cách check Scam và cách phòng tránh trong Crypto.
Một số câu hỏi về Exit scam?
Những người đứng sau dự án exit scam có bị xử theo pháp luật không?
Có. Trước đây các dự án như OneCoin, BitConnect… đều bị chính phủ điều tra vì tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nghiêm cấm những tổ chức có ý định lừa đảo người dân thông qua crypto.
Người dùng lấy lại được số tiền bị mất không?
Hiện tại, luật pháp có thể hỗ trợ người dùng lấy lại số tiền đã mất. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần đính chính thông tin, tìm kiếm các đối tượng liên quan mới có thể hỗ trợ việc hoàn trả.
Không có quy định nào bắt buộc hoàn trả toàn bộ số tiền thiệt hại, con số này sẽ được quyết định bởi cơ quan có thẩm quyền.