Fantom ra mắt gói hỗ trợ 335 triệu FTM & liên tục phát triển hệ sinh thái
Giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là một khoảng thời gian khá khó khăn cho đa số các Layer-1 blockchain. Dòng tiền liên tục được luân chuyển giữa các nền tảng, và mức độ cạnh tranh càng ngày càng lớn.
Là một trong những cái tên tiềm năng nhất, Fantom đang có những động thái gì vào lúc này? Liệu Fantom có thể tăng trưởng và vượt mặt những đối thủ khác không? Anh em hãy cùng mình tìm hiểu ngay trong bài viết thuộc series Panorama này nhé.
Trước khi tìm hiểu về những cập nhật mới nhất của hệ sinh thái Fantom, anh em có thể đọc thêm bài viết về dự phóng hệ Fantom trong năm 2022 tại đây.
Toàn cảnh về hệ sinh thái Fantom thời gian qua
Gói hỗ trợ 335 triệu FTM
Đây có lẽ là tin tức quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất tới Fantom những ngày qua. Cụ thể, vào ngày 31/3 vừa qua, Fantom Foundation đã thông báo một gói hỗ trợ mới trị giá 335M FTM (có giá trị là $480M tại thời điểm ra mắt).
Lần này Fantom đã hợp tác với Gitcoin để hỗ trợ các dự án ở trong hệ sinh thái tiếp tục phát triển và gia tăng số lượng dự án. Điều khác biệt lần này là ở trong gói hỗ trợ 370M FTM trước đây của Fantom, các dự án sẽ chỉ được tài trợ khi đã đạt được một mức TVL nhất định (cụ thể là ít nhất $16M TVL vào thời điểm hiện tại).
Sự thay đổi này đã phần nào làm chậm đi quá trình đi lên của Fantom khi Fantom chỉ khuyến khích sự phát triển của những sản phẩm đã có thành công trong giai đoạn đầu, làm giảm đi động lực cho các dự án mới xuất hiện vì họ sẽ không được nhận hỗ trợ từ sớm.
Nhờ sự hợp tác với Gitcoin, Fantom tạo ra thêm nhiều động lực để các developer tìm đến nơi đây và phát triển những dự án mới. Những sản phẩm tốt nhất và phù hợp nhất sẽ được Fantom Foundation trực tiếp chọn lọc và công nhận, từ đó có thể điều hướng cho hệ sinh thái đi theo một con đường cụ thể và rõ ràng hơn.
Cụ thể trong chương trình này, Fantom sẽ đóng góp 3M FTM vào vòng đầu tiên của Gitcoin Grants vào tháng 6 tới đây. Từ những vòng sau trở đi, con số sẽ giảm xuống còn $1.5M.
Nhận định: Theo mình, đây là một bước đi thông minh và hợp lí của Fantom vào thời điểm hiện tại.
Thứ nhất, Fantom đã nhận ra sự thiếu sót trong gói hỗ trợ trước đó của mình và từ đó muốn bổ sung thêm cho hoàn thiện. Nhờ vào gói hỗ trợ này, Fantom vừa có thể khuyến khích các dự án và developder mới, vừa có thể khuyến khích các sản phẩm đã tồn tại “lâu đời” ở trong hệ sinh thái.
Có thể để ý rằng, Fantom đã thực hiện điều đó không phải bằng cách sửa đổi gói hỗ trợ 370M FTM cũ, mà là ra mắt luôn một gói mới với trị giá gần tương đương (335M FTM). Đây là một cách tiếp cận không chỉ công bằng cho cả 2 đối tượng tham gia vào 2 gói hỗ trợ này, mà còn là một cách để Fantom Foundation tiếp tục rót vốn vào nền tảng của mình.
Cùng với đó, Fantom Foundation cũng đã khôn ngoan khi ra mắt cả 2 gói dưới giá trị của đồng native token $FTM. Điều này đã tạo ra động lực cho nhiều dự án và builder tìm tới Fantom hơn thông qua một flywheel:
Khi có thêm nhiều dự án phát triển ⇒ hệ sinh thái phát triển ⇒ giá FTM phát triển ⇒ giá trị của gói hỗ trợ và số tiền mà các dự án được nhận tăng lên ⇒ các dự án tiếp tục phát triển và thêm nhiều dự án mới muốn tìm đến.
Nâng cấp mạng lưới
Fantom là một trong những nền tảng sở hữu công nghệ tiên tiến bậc nhất, nhờ vậy giúp cho mạng lưới hoạt động một cách vừa rẻ vừa nhanh. Tuy nhiên, đôi lúc Fantom vẫn bị tắc nghẽn vì có quá nhiều người dùng và giao dịch diễn ra cùng một lúc.
Để cải thiện, Fantom sẽ có những cập nhật cho cơ sở hạ tầng. Cụ thể:
- Snapsync (đã mainnet): Cải thiện tốc độ đồng bộ của các node.
- LevelDb: Hỗ trợ giảm thời gian xử lí đầu vào/đầu ra lên tới 90%.
- Flat Storage: Cải thiện khả năng thực hiện các hợp đồng thông minh.
- FVM (Fantom Virtual Machine): Máy chủ ảo riêng của Fantom, tương tự EVM (máy chủ ảo của Ethereum).
Nhận định: Đây tiếp tục là một động thái tích cực đến từ team của Fantom. Họ nhanh chóng nhận ra những vấn đề còn tồn đọng và ngay lập tức đưa ra những hướng giải quyết hợp lý. Theo mình, đây sẽ là những cải thiện tích cực cho hệ sinh thái để trải nghiệm DeFi cho người dùng trở nên tốt hơn, đặc biệt là với việc ra mắt của máy chủ ảo Fantom.
Mở rộng hình ảnh
Một động thái thú vị nữa của Fantom hiện tại chính là việc mở rộng hình ảnh của mình ra thế giới.
Như anh em đã biết, Fantom không chỉ phát triển hệ sinh thái DeFi của mình mà còn cung cấp giải pháp blockchain cho nhiều quốc gia và doanh nghiệp lớn nhỏ.
Đây là một cách tốt để Fantom mở rộng phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng của mình. Nối tiếp đó, gần đây Fantom cũng rất tích cực trong việc hợp tác với các giải đấu và vận động viên F1 - một bộ môn đua xe nổi tiếng.
Bằng cách này, Fantom có thể đem được hình ảnh của mình tới một tệp người đa dạng hơn, cụ thể là các vận động viên chuyên nghiệp và những người theo dõi thể thao. Từ đó, Fantom sẽ thu hút được thêm nhiều người dùng mới.
Hơn nữa, nhờ việc hợp tác với những vận động viên đua xe, Fantom còn có thể đem hình ảnh của họ lên trên blockchain dưới dạng NFT. Đây chính cách tiếp cận rất trực tiếp: Khi Fantom ra mắt NFT của những người nổi tiếng, người dùng muốn mua bán và sở hữu NFT sẽ phải tham gia vào mạng lưới, và từ đó mạng lưới trở nên phổ biến hơn.
Chương trình Fantom Ecosystem Spotlight
Fantom Ecosystem Spotlight là một series mà Fantom Foundation trực tiếp phỏng vấn và trò chuyện cùng với những dự án đang đóng góp cho hệ sinh thái. Bằng việc đem những câu chuyện và quan điểm của các dự án lên blog một cách công khai, Fantom không chỉ giúp những dự án đó tăng độ uy tín của mình, mà còn giúp các nhà đầu tư được tiếp cận với dự án một cách gần gũi và thân thiện hơn.
Mình sẽ tóm tắt lại các dự án mới xuất hiện trong Fantom Ecosystem Spotlight để anh em có thể nắm được tình hình:
- Hector Finance: Một dự án fork của Olympus DAO.
- Revenant: Sản phẩm giống MakerDAO, sử dụng đồng stablecoin cUSD. Revenant còn đang phát triển một Stableswap AMM.
- Pod Town: Một dự án NFT.
- RoboVault: Dự án làm về Yield Optimizer.
- NFTKEY: Một NFT Marketplace.
- Matrix: Một Yield Aggregator.
- HyperJump: Một bộ sản phẩm DeFi bao gồm AMM, Farming và Play-to-Earn game.
Phân tích từng mảnh ghép trên hệ Fantom
Vào thời điểm hiện tại, hệ sinh thái Fantom đang trong giai đoạn tích lũy và build để chờ tín hiệu tốt đến từ market. Vì vậy, không có quá nhiều thứ diễn ra ở trong hệ sinh thái. Mình sẽ tổng hợp lại cho anh em những chi tiết cô đọng nhất về tình hình hệ sinh thái Fantom ở ngay bên dưới đây.
Infrastructure
Ngoài việc nâng cấp cả mạng lưới như nói ở trên, Fantom còn liên tục hợp tác và tích hợp với các dự án ở mảng cơ sở hạ tầng. Trong đó, có 2 mảng được đặc biệt chú trọng, đó là thanh toán và Liquid Staking.
Thời gian vừa qua Fantom đã hợp tác với rất nhiều dự án làm ở mảng thanh toán như Shopping.io, Request, CryptoRefills,... hiện tại, người dùng đã có thể sử dụng tài sản crypto ở trên Fantom để mua bán đa dạng loại tài sản thực. Đây là một bước tiến lớn giúp Fantom được sử dụng rộng rãi hơn, với tầm nhìn mass adoption trong tương lai.
Gần đây nhất, với cập nhật mới nhất từ Metamask, người dùng đã có thể mua FTM bằng thẻ Visa/ Mastercard trực tiếp qua ứng dụng Metamask mà không cần phải thông qua một CEX nào. Việc nạp/rút tiền dễ dàng hơn kèm theo nhiều nhu cầu sử dụng crypto như thanh toán đang giúp Fantom trở thành một trong những blockchain đi đầu trong tầm nhìn hiện thực hóa mass adoption.
Còn về Liquid Staking, Fantom đã tích hợp với các dự án như Ankr và Stader Labs. Đây cũng là một mảng đáng chú ý khi chúng ta đã chứng kiến Lido thành công như nào với Terra. Hiện Lido đang là dự án đứng thứ 2 về lượng TVL ở trên Terra với $9.66B. Nếu Fantom có thể làm một điều tương tự với Liquid Staking, nền tảng này có thể sẽ tăng thêm rất nhiều TVL cũng như mở ra nhiều ứng dụng mới với đồng $FTM.
AMM
Mảng AMM ở trên Fantom vẫn không có nhiều sự thay đổi khi SpookySwap vẫn là dự án dẫn đầu. Solidly là một dự án AMM tiềm năng, nhưng kể từ khi founder của dự án là Andre Cronje rời đi thì Solidly đã không còn tiềm lực mạnh mẽ như trước nữa.
Tại thời điểm bây giờ, ngoài SpookySwap ra thì dòng tiền ở trên Fantom vẫn chủ yếu nằm ở trên Curve. Đây là cách để các nhà đầu tư tin tưởng Fantom và chưa muốn rút tiền ra khỏi hệ sinh thái tham gia vào DeFi trên Fantom một cách an toàn, chờ đợi cơ hội hệ sinh thái đi lên để “skin in the game”.
Lending
Mảng Lending ở trên Fantom vẫn chưa có gì thay đổi nhiều khi Geist Finance và Scream vẫn là 2 dự án dẫn đầu. Aave V3 đã được deploy trên Fantom nhưng không tạo được nhiều dấu ấn đặc biệt như mong đợi khi hiện tại đang chỉ có $5.1M TVL.
Hiện tại, chúng vẫn đang liên tục cạnh tranh ở vị trí dẫn đầu, nhưng khoảng cách về lượng TVL là rất nhỏ. Hơn thế nữa, Geist Finance đang tạm thời đứng đầu nhưng chỉ với lượng TVL ít ỏi là $519M. Vì vậy, mình tin là mảng này ở trên Fantom vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển cho các dự án mới.
Một vài dự án Lending mới ở trên Fantom mà anh em nên theo dõi:
- Deus Finance: Dự án sử dụng cơ chế CDP tương tự như MakerDAO, với đồng stablecoin DEI. Link twitter dự án: https://twitter.com/DeusDao
- Kanpeki: Dự án lending cho phép nhận lãi suất cố định. Link twitter dự án: https://twitter.com/kanpeki_finance
- Granary: Fork của Aave V2, hỗ trợ Flash Loan. Link twitter dự án: https://twitter.com/GranaryFinance
GameFi
Như đã nói ở những bài viết trước về Fantom, GameFi là một mảng rất tiềm năng nhưng Fantom lại chưa thể tận dụng hết. Nếu Fantom có thể thành công trong việc phát triển các dự án game, hệ sinh thái có thể sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Có vẻ như Fantom đã nhận ra điều này nên đã có những thay đổi tích cực hơn. Các dự án game phát triển trên Fantom đều được chính trang twitter của Fantom Foundation retweet lại, giúp các dự án tăng độ tin cậy của mình, từ đó có thể tiếp cận người dùng dễ dàng hơn.
Hơn nữa, Fantom Foundation cũng đã mở rộng gói hỗ trợ trước đó của mình (trị giá 370M FTM) sang cả các dự án về game. Lí do là vì trong chương trình khuyến khích này, các dự án trong hệ sinh thái sẽ nhận được grant dựa theo lượng TVL của mình.
Nhưng anh em cũng biết rằng, các dự án game không hề có TVL, đồng nghĩa với việc không thể nhận được sự hỗ trợ từ Fantom Foundation. Thay vào đó, các dự án game sẽ được nhận tiền hỗ trợ dựa theo số lượng người chơi hàng tháng (Monthly Active Users).
Tuy mảng GameFi ở trên Fantom mới chỉ “chớm nở”, đây cũng là một dấu hiệu tốt khi Fantom đã mở rộng sự quan tâm của mình tới các mảng đa dạng hơn và tiềm năng hơn. Cho tới thời điểm hiện tại, đã xuất hiện 4 tựa game ở trong hệ sinh thái này.
Kết luận
Theo góc nhìn của mình, Fantom đang phát triển đúng hướng khi liên tục đưa ra giải pháp và cố khắc phục những vấn đề mà mạng lưới đang gặp phải (như tắc nghẽn). Điều này thể hiện mức độ quan tâm của Fantom Foundation dành cho nền tảng của mình khi họ không ngừng build và cải tiến dù gặp phải nhiều FUD gần đây.
Khác với nhiều hệ sinh thái khác khi chỉ đơn thuần “rót tiền” vào mà không có mục đích sử dụng cụ thể và hiệu quả, Fantom đã biết sử dụng số tiền của mình đúng đắn bằng cách liên tục hỗ trợ và khuyến khích sự tăng trưởng của các dự án lẫn developers. Đó là hướng đi bền vững và dài hạn cho hệ sinh thái, thay vì dùng tiền chỉ để tăng thêm incentives và yield cho người dùng.
Để tổng kết lại, mình sẽ gói gọn bài viết với một vài ý quan trọng như sau:
- Fantom ra mắt thêm một gói hỗ trợ với giá trị 335M FTM nhằm thúc đẩy những dự án mới tham gia vào hệ sinh thái.
- Fantom sẽ có những cập nhật nâng cấp mạng lưới trong thời gian sắp tới, nhằm cải thiện chất lượng trải nghiệm DeFi.
- Fantom đang cố gắng mở rộng hình ảnh của mình tới những người dùng non-crypto, một bước đi khá giống với những gì FTX hay Solana đang làm.
- GameFi đang được chú trọng phát triển nhiều hơn. Anh em nên theo dõi những động thái của Fantom với GameFi trong thời gian tới, vì rất có thể đây sẽ là quân bài của Fantom trong mùa tăng trưởng tiếp theo.
Anh em nghĩ sao về sự phát triển của Fantom gần đây? Liệu Fantom có còn tiềm năng, và liệu Fantom có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa để vượt mặt các đối thủ của mình như Avalanche hay BNB Chain không?
Cuối cùng thì anh em đừng quên theo dõi kênh twitter Fantomians để liên tục có những thông tin và cập nhật mới nhất của hệ sinh thái Fantom nhé!
Đọc thêm: Mina Protocol gọi 92 triệu đô từ Three Arrows, FTX & các bên khác