Dự phóng hệ Fantom 2022 - Liệu Fantom có đang bị định giá quá thấp?
Trong thời gian qua, các nền tảng blockchain chính là mảng nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư nhất ở trong thị trường crypto (dựa theo số liệu từ Messari). Kể từ khi những điểm yếu về tốc độ giao dịch chậm, phí giao dịch đắt, mạng lưới dễ tắc nghẽn,... của Ethereum bị bộc lộ, những blockchain Layer-1 đã nổi lên như một giải pháp thay thế. Trong đó, Fantom là một trong những nền tảng blockchain có công nghệ tiên tiến bậc nhất hiện tại.
Có rất nhiều lí do để tin tưởng vào sự phát triển của Fantom: Công nghệ tiên tiến, hệ sinh thái DeFi với các dApps đa dạng, cộng đồng vững mạnh,... Song song với những giá trị nội tại đó của Fantom thì còn tồn tại những chỉ số khác ủng hộ cho niềm tin này, ví dụ như tỉ lệ MC/TVL (Market Cap/ Total Value Locked) của Fantom đạt mức 0.5, thấp nhất so với những blockchain khác.
Đó chính là những lí do đã khiến nhiều người bao gồm cả những anh em ở đây đã đầu tư và tin tưởng vào Fantom cũng như đồng FTM. Tuy nhiên, song song với đó là những câu hỏi:
- Tại sao giá FTM vẫn thấp thế?
- Vì sao Fantom ngon hơn blockchain X, blockchain Y mà định giá lại thấp hơn?
- Linh hồn của Fantom là Andre Cronje vừa rời đi, liệu Fantom đã thực sự trở thành một “bóng ma”?
Do vậy, trong bài viết này, mình sẽ cùng anh em đi tìm hiểu kĩ hơn nữa về hệ sinh thái Fantom và những lí do mà Fantom chưa thể phát triển mạnh mẽ như nhiều người mong đợi, cũng như dự phóng về những kịch bản để Fantom quay trở lại đà phóng của mình.
Lí do khiến hệ sinh thái Fantom chưa thể tiếp tục bùng nổ
Trước tiên, mình sẽ nêu ra cụ thể những nguyên nhân mà theo mình đã và đang khiến Fantom bị chững nhịp lại.
Tình hình thị trường chưa ủng hộ
Tới cả BTC - đồng coin lớn nhất thị trường crypto và cũng là đồng dẫn đầu cả thị trường, hiện tại cũng đã gần chia 2 kể từ đỉnh vào tháng 11 năm ngoái. Việc các đồng coin nhỏ hơn như FTM không thể tăng trưởng, thậm chí là chia nhiều lần là chuyện hết sức bình thường và dễ hiểu.
Hiện tại, chỉ số Fear & Greed đang ở mức 28/100, một con số khá thấp thể hiện mức độ sợ hãi của thị trường. Với tình hình hiện tại, các nhà đầu tư lớn và nhỏ đều không muốn bỏ tiền vào thị trường, khiến cho cả thị trường nhìn chung chưa thể đi lên.
Kèm theo đó, những tin tức xấu về vĩ mô liên tục xuất hiện, điển hình như tình hình chiến tranh căng thẳng đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Không chỉ Crypto mà cả các thị trường khác như chứng khoán cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước khi những tin tức tốt về luật pháp và chính trị xuất hiện trở lại, sẽ rất khó để thị trường Crypto đi lên trong thời điểm như bây giờ.
Các nền tảng blockchain đang “hạ nhiệt”
Nếu 2020 là năm của DeFi, thì năm 2021 chính là thời điểm mà các hệ sinh thái Layer 1 hoàn toàn chiếm lấy spotlight. Các nền tảng blockchain nổi bật như Fantom, Solana, Binance Smart Chain (hiện tại là Binance Chain),... đều có một mức tăng trưởng kinh khủng. Bản thân FTM đã x hơn 100 lần kể từ thời điểm đầu năm 2021.
Nhưng cũng như DeFi, sau khi tăng trưởng một cách mạnh mẽ tới vậy thì hiện tại các blockchain Layer-1 cũng đang dần “hạ nhiệt” để đường giá phản ánh đúng hơn giá trị thực của chúng. Chúng ta có thể thấy thực trạng này khá rõ ràng khi trong giai đoạn uptrend vừa qua đã có những blockchain được định giá tới vài tỉ đô dù hệ sinh thái tồn tại rất ít ứng dụng.
Tìm hiểu thêm: Dự phóng thị trường Crypto 2022
Theo mình thì trong giai đoạn hiện tại, performance của các nền tảng blockchain sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2021. Trong đó, sẽ có vài blockchain nổi bật và có giữ được sự tăng trưởng, còn lại sẽ bị bão hòa dần. Trường hợp này sẽ khá giống với XRP, EOS,... những blockchain đã từng được tin là “Ethereum-killer” nhưng rồi cũng dần lụi tàn sau một thời gian, chỉ có Ethereum tiếp tục tồn tại và đứng vững.
Mức độ cạnh tranh khắc nghiệt
Một khó khăn nữa mà Fantom đang phải đối đầu chính là việc các hệ sinh thái đang cạnh tranh quá gắt gao.
Cụ thể hơn, hiện tại đang có quá nhiều nền tảng blockchain tồn tại song song với Fantom, có thể kể đến như BNB Chain, Solana, Luna,... và đó thực sự là những đối thủ đáng gờm mà Fantom đang phải cạnh tranh trực tiếp. Sự cạnh tranh ở đây không chỉ là về dòng tiền mà còn là nhiều yếu tố khác như developer, ứng dụng, người dùng,...
Mỗi blockchain đều có những điểm độc đáo riêng của mình, ví dụ như:
- Ethereum có tính phi tập trung cao và các sản phẩm mang tính đột phá.
- BNB Chain phát triển mạnh mẽ về GameFi.
- Terra có Stablecoin phi tập trung riêng của mình là UST.
- Fantom có công nghệ tốt và một cộng đồng đông đảo.
Vì vậy sẽ rất khó để biết được blockchain nào sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ còn blockchain nào không. Mỗi nền tảng đều có cho mình những cơ sở riêng để thu hút dòng tiền, vì vậy dòng tiền đang được phân mảnh ra rất nhiều.
Để tiếp tục đi lên, Fantom cần thu hút dòng tiền nhiều hơn nữa. Hiện tại Fantom đang gặp khó khăn trong việc giữ lại dòng tiền đã chảy vào trong hệ sinh thái, vì hệ sinh thái còn chưa đủ hấp dẫn và dòng tiền đang được luân chuyển liên tục để tìm kiếm nguồn yield tốt nhất.
Mạng lưới tắc nghẽn
Fantom sử dụng những nền tảng công nghệ tiên tiến và hiện đại, nhờ đó đạt được những thông số kỹ thuật rất tốt.
Tuy nhiên, performance trong thực tế lại không như vậy. Fantom gần đây thường xuyên bị tắc nghẽn khiến cho tốc độ giao dịch bị chậm đi nhiều lần, cùng với chi phí giao dịch tăng lên đáng kể. Nếu bình thường một giao dịch trên Fantom chỉ tốn chưa đến $0.01, thì đã có lúc người dùng phải trả tới $3. Đây vẫn là một con số khá bé so với Ethereum, nhưng nếu so sánh với các đối thủ của Fantom như Avalanche hay Solana thì đó chính là một điểm yếu “chết người”.
Việc mạng lưới hoạt động không ổn định khiến cho Fantom chưa thể khai thác hiệu quả vào nhiều ứng dụng, ví dụ như GameFi. Các game on-chain yêu cầu rất nhiều tác vụ và giao dịch trực tiếp trên blockchain, và điều đó sẽ không thể được thực hiện với một chi phí đắt đỏ cùng với tốc độ giao dịch chậm như vậy.
Andre Cronje rời crypto
Nếu anh em theo dõi sát với thị trường và các bài viết của Coin98, anh em sẽ biết rằng gần đây Andre Cronje đã rời khỏi Crypto và DeFi.
Andre Cronje là một trong những người đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của Fantom. Ngoài vai trò là cố vấn công nghệ tại Fantom Foundation, ông còn thường xuyên phát triển và mang những dự án của mình lên Fantom, nhờ đó giúp Fantom được biết đến rộng rãi hơn. Với nhiều người, Andre chính là linh hồn của blockchain này.
Việc ông rời đi đã gây ảnh hưởng lớn tới Fantom, vì nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào “bóng ma” đơn giản vì nơi đó có sự hiện diện của Andre Cronje. Ngay khi vừa ra tin, một phần lớn dòng tiền đã ngay lập tức rút ra khỏi hệ sinh thái, khiến giá token trong hệ bị sụt giảm thê thảm.
Không có sự tham gia của các Quỹ lớn
Lí do cuối cùng và cũng là lí do mình nghĩ đa số anh em chưa để ý tới, chính là việc hệ sinh thái Fantom không có sự hiện diện của các quỹ (Venture Capital) lớn.
Token duy nhất được sự đầu tư của các quỹ mạo hiểm ở trong hệ sinh thái Fantom chính là native token của hệ, FTM. Tuy nhiên, Fantom đã mở bán token từ tháng 5 - 6/2018, và số token các VC nắm giữ đã mở khóa 100% vào đầu năm 2021.
Hiện tại, những người tham gia vào đợt mở bán token của FTM từ 2018 đang có mức lợi nhuận 26.98x, và con số này lên đến 79.17x tại thời điểm FTM đạt đỉnh vào 5 tháng trước. Với mức lãi lớn như vậy, có khả năng cao là lượng token được các quỹ đầu tư vào Fantom nắm giữ hiện tại không còn nhiều, nghĩa là các VC không còn có ảnh hưởng quá lớn tới Fantom nữa.
Việc các sản phẩm trong hệ sinh thái Fantom không nhận được sự tham gia từ các quỹ đầu tư lớn có mặt tốt là việc đầu tư vào các dự án này sẽ trở nên công bằng hơn: Phần lớn các nhà đầu tư sẽ có vị thế ngang nhau, trái với việc các nhà quỹ đầu tư mua token ở vòng Seed hoặc Private với mức giá chỉ bằng 1/10 giá token khi ra mắt.
Tuy nhiên, các VC cũng là một phần quan trọng của dự án. Điều này không chỉ nằm ở việc các VC hỗ trợ dự án phát triển sản phẩm, mà còn được thể hiện qua việc đóng góp phát triển cộng đồng, marketing, và cả việc “bơm thổi giá”.
Các VC thường đóng vai trò là các Market Maker (nhà tạo lập thị trường) giúp việc giữ giá và đẩy giá token dự án. Nhờ vậy, họ vừa có thể thu lại lợi nhuận lớn, vừa có thể marketing cho dự án.
Chính vì không có các VC hỗ trợ hệ sinh thái, Fantom trở thành nơi có mức độ speculate (đầu cơ) rất cao bởi lực mua và bán chủ yếu đến từ cộng đồng. Điều này có thể thấy khá rõ khi giá của mọi token ở trong hệ sinh thái Fantom đều lên xuống rất thất thường với biên độ lớn.
Việc giá token đang chạy “tự do” khiến Fantom chưa thể phát triển bền vững. Mặc dù dự án có thể sở hữu những thông số và phân tích cơ bản rất tốt thì giá token của dự án cũng khó có thể đi lên, dẫn tới việc trong hệ sinh thái Fantom có rất nhiều token đang có giá trị thấp hơn so với những đối thủ ở cùng lĩnh vực.
Điển hình có thể nói tới chính FTM, khi token này đang bị định giá thấp hơn rất nhiều so với những native token của các blockchain khác.
Ngược lại, có nhiều hệ sinh thái được đầu tư bởi đông đảo các VC lớn trong thị trường, từ đó tồn tại rất nhiều dự án có định giá cao ngất ngưỡng nhưng giá vẫn có thể tăng trưởng. Một vài ví dụ có thể nhắc tới là Solana với Serum ($18B FDV) hay Qredo (một dự án của Coinlist) với $4.4B FDV khi vừa mới ra mắt.
Tổng kết
Một vài lí do chính mà mình tin rằng đang khiến cho Fantom chưa thể phát triển mạnh mẽ là:
- Tình hình thị trường chưa ủng hộ.
- Các nền tảng blockchain đang “hạ nhiệt”.
- Mức độ cạnh tranh khắc nghiệt.
- Mạng lưới tắc nghẽn.
- Andre Cronje rời Crypto.
- Không có sự tham gia của các VC.
Trong đó, có nhiều điểm mà bản thân Fantom không thể thay đổi hay tác động đến, nhưng cũng có những phần mà có thể cải thiện được. Vậy, Fantom hiện đã và đang có những động thái gì? Liệu tồn tại những kịch bản nào để “bóng ma” tiếp tục hành trình tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa? Mình sẽ chỉ ra cụ thể ở ngay phần bên dưới đây.
Fantom cần yếu tố gì để tiếp tục phát triển?
Như mình đã nhắc tới ở bên trên, để Fantom tiếp tục phát triển thì nền tảng này cần phải thu hút được một vài yếu tố quan trọng:
- Dòng tiền.
- Developer.
- Người dùng.
- Ứng dụng.
Để làm được điều này, theo mình có một vài kịch bản như sau:
Phát triển nền tảng công nghệ
Tiềm lực công nghệ lớn mạnh là một trong những yếu tố quan trọng nhất đã và đang tạo nên tên tuổi của Fantom. Nhờ vào việc các giao dịch trên Fantom có đặc trưng là nhanh và rẻ, nhiều người dùng và ứng dụng đã chuyển đến đây để có thể trải nghiệm tốt hơn so với ở trên các nền tảng blockchain khác như Ethereum.
Tuy nhiên, Fantom đang không thể giữ được điểm mạnh đó của mình trong những thời điểm blockchain xuất hiện một lượng lớn giao dịch, ví dụ như lúc Geist Finance hay Solidly ra mắt.
Điều này đã khiến những nhà đầu tư quan tâm tới hệ sinh thái và sản phẩm ở trên Fantom gặp phải những trải nghiệm không tốt, dẫn đến việc dòng tiền liên tục “đến rồi lại đi”.
Để Fantom có thể áp dụng thêm nhiều ứng dụng cũng như nhận thêm người dùng và dòng tiền, theo mình đây là yếu tố đầu tiên cần phải cải thiện.
Hiện tại, Fantom đã có những động thái phát triển thêm cơ sở hạ tầng của mình, có thể kể đến như:
- Snapsync: Cải thiện tốc độ đồng bộ của các node.
- LevelDb: Hỗ trợ giảm thời gian xử lí đầu vào/đầu ra lên tới 90%.
- Flat Storage: Cải thiện khả năng thực hiện các hợp đồng thông minh.
- FVM (Fantom Virtual Machine): Máy chủ ảo riêng của Fantom, tương tự EVM (máy chủ ảo của Ethereum).
Trong tương lai, đây có thể là một bước lột xác của “bóng ma” để cải thiện trải nghiệm DeFi một cách đáng kể. Nhờ đó, nhiều dự án và developer sẽ muốn tham gia vào hệ sinh thái hơn, giúp Fantom nhận thêm người dùng và dòng tiền mới.
Đa dạng hóa các ứng dụng DeFi
Tại thời điểm hiện tại, Fantom đang sở hữu cho mình rất nhiều các sản phẩm ở trong hệ sinh thái. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm này chỉ tập trung chủ yếu ở mảng AMM, Lending & Borrowing và Yield Aggregator.
Các mảnh ghép DeFi khác hiện đang thiếu rất nhiều, hoặc vẫn còn đang được phát triển ở mức sơ sài. Ví dụ như mảng NFT ở trên Fantom, tuy có rất nhiều dự án nhưng đa số chỉ là collectibles (ảnh sưu tầm) và không có tính tương tác cũng như ứng dụng (interactive). Các NFT Marketplace tại đây cũng không có sản phẩm nào thực sự nổi bật để có thể so sánh với các hệ sinh thái khác.
Tương tự, trong thời gian qua thì GameFi và Metaverse là 2 chủ đề cực kì hot ở trong thị trường, nhưng Fantom lại không thể bắt kịp thời cơ đó. Chỉ tồn tại rất ít các dự án làm về GameFi và Metaverse ở trong hệ sinh thái Fantom, khiến dòng tiền khi muốn tham gia vào hai mảng này sẽ chọn những blockchain khác bắt kịp trend như BNB Chain hay Avalanche.
Trong tương lai, để có thể thu hút nhiều tệp người dùng hơn nữa, Fantom cần phải đa dạng hóa các sản phẩm DeFi của mình ở Layer cao hơn như Interactive NFT, GameFi, Metaverse, Derivatives,... Anh em nên chú ý tới các sản phẩm ở trên Fantom thuộc những lĩnh vực này, vì rất có thể làn sóng tiếp theo mà Fantom đón đầu sẽ có sự xuất hiện của những sản phẩm đó.
Ra mắt CEX riêng của mình
Con bài cuối cùng mà mình nghĩ hoàn toàn có thể thay đổi vị thế của Fantom hiện tại đó chính là Felix - một CEX (sàn giao dịch tập trung) được phát triển dành riêng cho Fantom.
Thực tế thì dòng tiền hiện tại đã có thể ra vào Fantom khá dễ dàng với số lượng lớn các CEX và bridge hỗ trợ. Tuy nhiên, việc có một CEX hỗ trợ riêng biệt cho Fantom sẽ giúp cho hệ sinh thái này rất nhiều, khiến dòng tiền luân chuyển dễ dàng hơn nữa đặc biệt là với các token ở trong hệ.
Tại thời điểm hiện tại, để có thể chuyển tiền từ các CEX vào Fantom thì lựa chọn duy nhất chính là sử dụng đồng FTM. Điều này đã phần nào tạo nên khó khăn cho những nhà đầu tư khi muốn tham gia vào hệ sinh thái, đặc biệt là khi phần lớn thời gian thanh khoản được giữ và luân chuyển dưới dạng Stablecoin như USDT và USDC.
Đó là chưa kể tới những thời điểm các CEX như Binance chặn việc rút và nạp vào Fantom, tạo ra khó khăn cho các nhà đầu tư. Điển hình là trong quá khứ khi giá của FTM tăng, nhưng cùng lúc đó Binance lại tạm cấm các hoạt động nạp/rút tiền lên Fantom làm cho trải nghiệm đầu tư của người dùng bị ảnh hưởng.
Những vấn đề như vậy có thể dễ dàng quản lý và cải thiện hơn nếu như Fantom có thể tự quản lí một CEX riêng. Hiện tại có rất nhiều hệ sinh thái Layer-1 được hỗ trợ bởi các CEX chuyên biệt, như Solana với FTX, BNB Chain với Binance, hay Cronos với Crypto.com.
Mình tin rằng Felix sẽ là một yếu tố quan trọng giúp Fantom thay đổi vị trí của mình.
Cần làm gì để đón đầu cơn sóng tiếp theo trong 2022 của “bóng ma”?
Mình đã cùng anh em tìm hiểu về những vấn đề của Fantom hiện tại, cũng như những kịch bản có thể xảy ra nếu Fantom tiếp tục phát triển trong thời gian sắp tới. Thời gian vừa qua thực sự là một giai đoạn khó khăn cho Fantom khi nền tảng luôn phải nhận những FUD lớn nhỏ.
Tuy nhiên, trong rủi ro luôn có cơ hội. Đối với những người có niềm tin thực sự vào Fantom thì đây chính là cơ hội để chuẩn bị cho cơn sóng tiếp theo của blockchain này. Nếu anh em thuộc nhóm này thì anh em có thể thực hiện những điều sau:
Theo dõi sát với hệ sinh thái Fantom
Việc này yêu cầu anh em phải liên tục cập nhật các chỉ số ở trên Fantom như TVL, số lượng ví, số lượng giao dịch mỗi ngày, các dự án mới,... để có thể nắm bắt được liệu dòng tiền có ở Fantom không, và nếu có thì đang nằm ở đâu, từ đó sẽ có được quyết định đầu tư vào đúng thời điểm.
Anh em có thể sử dụng các tool như DeFi Llama (theo dõi TVL), FTMscan (theo dõi các chỉ số on-chain), hoặc tham khảo các nguồn thông tin như kênh twitter Fantomians để có những cập nhật liên tục trong hệ sinh thái.
Lọc ra các dự án tiềm năng
Khi anh em đã có cái nhìn tổng quan và liên tục cập nhật tình hình hệ sinh thái rồi thì sẽthấy được một số lượng đồ sộ các sản phẩm từ bé tới lớn ở trong hệ sinh thái. Để có cơ hội đầu tư, anh em cần phải chắt lọc những dự án chất lượng nhất.
Như mình đã nhắc ở bên trên, anh em nên đặc biệt chú ý tới các dự án làm ở các mảng Interactive NFT, GameFi, Metaverse, hoặc ở các mảng Layer cao hơn như Derivatives (Perpetual, Margin Trading,...) hay DeFi 2.0 (Capital Efficiency - các dự án nâng cao hiệu quả sử dụng vốn).
Đây là những nhánh cụ thể mà mình nghĩ sẽ làm chủ đạo trong cơn sóng tiếp theo của Fantom.
Chờ đợi cơ hội đầu tư
Khi anh em đã tìm được một dự án tiềm năng rồi, thì bước cuối cùng cần phải làm chính là đầu tư vào thời điểm hợp lí. Dù dự án có tiềm năng cỡ nào mà anh em không có vị thế đẹp thì cũng khó có thể kiếm được lợi nhuận.
Theo mình thì tại thời điểm hiện tại, anh em nên chờ đợi tín hiệu từ thị trường vĩ mô trước vì FTM sẽ chưa thể tăng trưởng mạnh mẽ nếu như BTC chưa thu hút được dòng tiền. Khi thị trường dần ổn định trở lại thì chúng ta có thể tìm kiếm những điểm vào hoặc các cơ hội skin in the game tốt hơn.
Tổng kết
Phía trên là một vài góc nhìn trực quan của mình cũng như những dự phóng về tương lai của Fantom. Fantom là một trong những blockchain luôn kiên trì phát triển dù cho thị trường đang tốt hay xấu, vì vậy mình tin rằng Fantom hoàn toàn có thể tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại Fantom đang gặp khá nhiều vấn đề và khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan. Mặc dù mình có niềm tin vững chắc vào Fantom, mình nghĩ rằng sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức nữa trước khi Fantom có thể trở lại đà phóng mạnh mẽ như trước.
Còn anh em thì sao, anh em có góc nhìn như thế nào về hệ sinh thái Fantom và tương lai của nó? Liệu Fantom có thể đang bị định giá quá thấp hay không?
Disclaimer: Tất cả thông tin trong bài chỉ nhằm phục vụ mục đích tham khảo và KHÔNG được coi là lời khuyên đầu tư. Đầu tư Crypto là một loại hình đầu tư mạo hiểm và anh em cần chịu trách nhiệm với mọi quyết định đầu tư của mình.