Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

GMX từng khiến ai cũng mê real yield, giờ ai cũng mê… đối thủ

Từng dẫn đầu làn sóng DeFi phái sinh và real yield, GMX giờ đang tụt lại so với Hyperliquid, dYdX v4 và Drift. Vụ hack 40 triệu USD càng làm lộ rõ giới hạn mô hình cũ, trong khi các đối thủ mới ngày càng vượt trội về tốc độ, phí và trải nghiệm.
nghianq
Published 5 hours ago
13 min read
gmx hack

Thành công của GMX năm 2021 - 2023: Sản phẩm đơn giản, cơ chế khác biệt

Trong giai đoạn 2021 - 2023, GMX từng được xem là một trong những dự án nổi bật nhất trong mảng sàn giao dịch phi tập trung (DEX) cho giao dịch phái sinh. Dù không ồn ào, GMX vẫn thu hút được lượng người dùng lớn nhờ cách tiếp cận sản phẩm rất riêng: giao dịch trực tiếp với pool thanh khoản, không dùng sổ lệnh, và cơ chế chia thưởng dựa trên doanh thu thực tế.

GLP: Người dùng trở thành “nhà cái”

Thay vì để người dùng khớp lệnh với nhau như các sàn truyền thống, GMX giới thiệu mô hình gọi là peer-to-pool: khi một người giao dịch, họ sẽ đặt lệnh trực tiếp với một pool thanh khoản có tên là GLP. Pool này được tạo nên từ các tài sản như BTC, ETH, AVAX, LINK, UNI và stablecoin do người dùng khác cung cấp.

mô hình glp gmx
Mô hình GLP của GMX

Nếu trader thắng, họ lấy tiền từ GLP. Nếu thua, khoản lỗ sẽ thuộc về những người cung cấp thanh khoản (LP). Vì đa số trader thường thua lỗ, các LP sẽ có cơ hội nhận được lợi nhuận đều đặn từ chính PnL của trader, chưa kể thêm phí giao dịch.

Cơ chế định giá vAMM kết hợp oracle: Khớp lệnh theo giá bên ngoài

GMX không sử dụng sổ lệnh hay AMM truyền thống. Thay vào đó, họ áp dụng mô hình vAMM (AMM ảo) kết hợp với oracle giá để xác định mức giá giao dịch. Trader sẽ khớp lệnh với pool theo giá được lấy từ nhiều sàn thông qua Chainlink.

Mô hình này giống như một dạng “đặt cược theo giá thị trường” hơn là giao dịch trực tiếp, nhưng đổi lại nó giúp loại bỏ trung gian tạo lập thị trường và giảm thiểu tối đa trượt giá. Điểm trừ duy nhất là giá không cập nhật tức thì từng block như các sàn sổ lệnh (order book) on-chain, mà có độ trễ vài giây đến vài phút. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu khi thị trường chưa quá biến động, đây là đánh đổi hợp lý để đổi lấy trải nghiệm đơn giản và chi phí thấp.

Thu nhập từ “real yield”

Một trong những điểm hút vốn mạnh nhất của GMX chính là cơ chế thưởng minh bạch và hiệu quả. Người nắm giữ token GMX khi stake sẽ nhận được:

  • Doanh thu thực tế bằng ETH hoặc AVAX (trích từ phí giao dịch);
  • esGMX (GMX bị khóa, không thể bán ngay);
  • Multiplier Points (phần thưởng tăng theo thời gian stake).

Tương tự, người nắm giữ GLP cũng nhận thưởng từ phí và cả phần lỗ của trader, tất cả đều được trả bằng ETH/AVAX. Vì không dựa vào lạm phát token mà hoàn toàn là lợi nhuận thực (real yield), nên mô hình này đặc biệt thu hút các nhà đầu tư dài hạn.

Trong thời kỳ sôi động 2021 - 2022, nhờ lượng trader lớn và tỷ lệ thua lỗ cao, LP nhận được dòng lợi nhuận đều đặn, lợi suất của GLP từng ổn định quanh mức 20 - 30% APY. Token GMX cũng tăng giá mạnh trong giai đoạn này, càng củng cố niềm tin vào hệ sinh thái.

Đơn giản, hiệu quả, đúng thời điểm

GMX không làm quá nhiều thứ, chỉ tập trung vào một sản phẩm: giao dịch phái sinh với đòn bẩy cao (30x), phí thấp, hoạt động mượt mà trên Arbitrum (và sau đó là Avalanche). Sự tối giản này kết hợp với làn sóng Layer 2 bùng nổ đã giúp GMX trở thành một trong những sàn phái sinh phi tập trung hàng đầu, đủ sức cạnh tranh trực tiếp với dYdX.

Đọc thêm: Mô hình hoạt động GMX: Thiết kế độc đáo với "Ponzi" Tokenomics

Dấu hiệu suy yếu và cú hack GMX phơi bày điểm yếu

Cuối năm 2023, sau một thời gian dài tăng trưởng mạnh, GMX bắt đầu chững lại. Mô hình sản phẩm từng được xem là sáng tạo – đặc biệt là cơ chế GLP và giao dịch không trượt giá, dần bộc lộ những hạn chế nghiêm trọng khi thị trường DeFi bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt và thay đổi liên tục.

GLP ổn định nhưng khó mở rộng

GLP – pool thanh khoản đóng vai trò trung tâm trong toàn bộ hệ thống GMX, chỉ hỗ trợ một vài đồng lớn như BTC, ETH, AVAX và một số stablecoin. Trong khi đó, các sàn đối thủ lại liên tục mở rộng danh sách tài sản, cho phép giao dịch nhiều altcoin, đáp ứng nhu cầu đa dạng của trader.

Ngoài ra, vì GLP cần phân bổ vốn ra nhiều tài sản khác nhau để giảm rủi ro, nên đôi lúc pool không đủ sâu để xử lý các lệnh lớn, đặc biệt với các token ít thanh khoản. Đội ngũ GMX từng phải đặt giới hạn vị thế tối đa (ví dụ chỉ cho mở lệnh tối đa khoảng 2 triệu USD đối với AVAX) để tránh bị thao túng, nhưng điều này lại khiến những trader lớn dần bỏ đi.

Cơ chế “zero slippage” trở thành lỗ hổng

Một trong những điểm mạnh của GMX là giao dịch không trượt giá (zero slippage) nhờ định giá theo oracle. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến hệ thống dễ bị tấn công thao túng. Vì không có cơ chế funding rate hay thanh toán giữa bên long - short như các sàn perpetual khác, giá trong GMX hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu oracle mà không thể tự điều chỉnh về cân bằng khi thị trường biến động.

Điển hình là vụ việc năm 2022, một cá voi đã mở các vị thế long AVAX/USD trên GMX với khối lượng 5 triệu USD/vị thế. Nhờ cơ chế zero slippage, người này có thể mở vị thế mà không ảnh hưởng đến giá trên nền tảng.

Sau khi mở vị thế, kẻ tấn công thực hiện các lệnh mua lớn trên các sàn tập trung như Binance và FTX, đẩy giá AVAX tăng khoảng 2.5% trên các sàn này. Khi hệ thống oracle của GMX (sử dụng Chainlink) cập nhật giá dựa trên các sàn tập trung này, kẻ tấn công đóng vị thế trên GMX với giá cao hơn và thu lợi nhuận.

biến động giá avax
Biến động giá AVAX trên sàn Binance khi bị cá voi thao túng. Nguồn: Ozark

Theo KOL Ozark, chiến lược này đã giúp kẻ tấn công thu được khoảng 430 nghìn USD lợi nhuận (sau khi đã trừ 130 nghìn USD phí trả cho GMX). Lợi nhuận của trader cũng chính là tổn thất của những LP trong pool GLP.

Dù sau đó GMX đã cập nhật phiên bản v2 với các cơ chế như funding rate và pool riêng biệt cho từng tài sản, nhưng rõ ràng đội ngũ đã phản ứng chậm, trong khi các đối thủ thì liên tục đổi mới.

Mất dần sức hút trước thế hệ DEX mới

Từ năm 2023, nhiều dự án phái sinh mới nổi lên với công nghệ và trải nghiệm vượt trội:

  • dYdX tung bản v4 với chain riêng.
  • Hyperliquid cho phép khớp lệnh on-chain dưới 1 giây.
  • Drift trên Solana kết hợp vAMM, sổ lệnh phi tập trung và thanh khoản tức thời.
gmx tvl volume
TVL GMX (cả v1 và v2) đã giảm 44% từ ATH. Nguồn: DefiLlama

Trong khi đó, GMX vẫn bám vào nền tảng Arbitrum và mô hình GLP cũ, tính năng không có gì mới mẻ. Trader chuyên nghiệp, những người cần tốc độ và công cụ nâng cao (như lệnh limit, stop loss…) dần rời bỏ GMX.

Dù GMX đã ra mắt bản v2 vào năm 2023 và mở rộng sang Solana vào đầu 2025, nhưng tốc độ cập nhật vẫn không theo kịp nhịp độ phát triển của thị trường. Số liệu đã nói lên tất cả: khối lượng giao dịch không có sự đột phá, trong khi tổng giá trị khóa (TVL) của GMX duy trì xu hướng giảm từ cuối năm 2023.

Đọc thêm: Phân tích mô hình hoạt động GMX v2

Giọt nước tràn ly với vụ hack 40 triệu USD

Ngày 9/7/2025, GMX v1 bị hacker tấn công, gây thiệt hại khoảng 40 - 42 triệu USD trên cả Arbitrum và Avalanche. Kẻ tấn công đã khai thác lỗi thiết kế trong hợp đồng smart contract, cụ thể là bug re-entrancy cho phép thao túng cách tính giá GLP, mint GLP không hợp lệ và rút tài sản vượt mức giá trị nạp vào.

Vụ tấn công buộc GMX phải tạm ngừng hoạt động GMX v1, khóa toàn bộ giao dịch và chức năng nạp/rút GLP để ngăn thiệt hại lan rộng. Giá token GMX ngay lập tức giảm từ 14 USD xuống còn 10 USD chỉ trong vài giờ.

Theo phân tích từ SlowMist, đây là lỗi logic nghiêm trọng, không phải bug kỹ thuật phức tạp. Điều này càng khiến cộng đồng lo lắng: một dự án DeFi hoạt động nhiều năm như GMX lại có thể dính một lỗi cơ bản đến vậy. Dù GMX v2 không bị ảnh hưởng và đội ngũ đã phát đi lời kêu gọi hacker trả lại tài sản để nhận thưởng 10%, nhưng niềm tin của người dùng gần như đã mất.

GMX và cuộc cạnh tranh với Hyperliquid, dYdX v4, Drift

Thị trường phái sinh DeFi hiện không còn là sân chơi riêng của GMX. Những cái tên như Hyperliquid, dYdX v4 hay Drift đang trỗi dậy mạnh mẽ, mang đến trải nghiệm tiệm cận với sàn CEX: nhanh, rẻ, và đầy đủ công cụ cho trader. Vậy đâu là khác biệt lớn nhất giữa GMX và các đối thủ mới?

Cách tổ chức thanh khoản: Mô hình của GMX đang lép vế

Mô hình GLP của GMX giúp đơn giản hóa thao tác, không cần sổ lệnh, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào dữ liệu oracle và lượng vốn có sẵn trong pool. GLP cũng bị giới hạn tài sản hỗ trợ, dẫn đến thanh khoản không đủ sâu cho các cặp altcoin, điểm yếu ngày càng rõ khi nhu cầu giao dịch đa dạng hơn.

Trong khi đó, Hyperliquid triển khai sổ lệnh hoàn toàn on-chain với độ chia giá nhỏ, hiển thị độ sâu lệnh rõ ràng. Thanh khoản được đảm bảo nhờ HLP (pool từ nguồn USDC cộng đồng nạp vào) và các market maker chuyên nghiệp.

dYdX v4 chọn hướng riêng khi xây chain dạng Cosmos độc lập, giữ sổ lệnh on-chain và cho validator xử lý khớp lệnh. Drift trên Solana kết hợp cả ba yếu tố: định giá bằng vAMM, đặt lệnh bằng sổ lệnh on-chain và bơm thanh khoản tức thì qua JIT. Mô hình của 3 đối thủ của GMX hướng đến việc tạo trải nghiệm tiệm cận sàn tập trung, điều mà thị trường ngày càng ưu tiên.

Tốc độ và trải nghiệm: Hyperliquid vượt trội

Hyperliquid nổi bật với tốc độ khớp lệnh dưới 1 giây – nhanh tương đương sàn CEX. Nhờ vận hành trên chain riêng, mọi thao tác đều mượt mà, hỗ trợ tốt cho các chiến lược scalping hoặc giao dịch theo biến động nhanh. Drift cũng có tốc độ cao nhờ nền tảng Solana, còn dYdX v4 tuy có chain riêng nhưng vẫn bị độ trễ vì xử lý qua validator.

Ngược lại, GMX phụ thuộc vào oracle cập nhật theo chu kỳ, nên khó phản ứng nhanh khi thị trường biến động. Điều này đặc biệt bất lợi với trader ưa thích đánh sóng ngắn.

Về trải nghiệm, GMX hướng tới sự đơn giản, phù hợp người dùng phổ thông. Tuy nhiên, nền tảng này thiếu các công cụ nâng cao như lệnh stop loss, take profit, biểu đồ nâng cao, và việc phải xác nhận trên ví nhiều lần gây phiền hà.

hyperliquid perp dex
Hyperliquid có giao diện tương tự sàn CEX

Các đối thủ như Hyperliquid, dYdX và Drift đều đã cải thiện điều này: hỗ trợ giao diện CEX, đặt lệnh nâng cao, thao tác mượt mà hơn, giúp giữ chân được các trader chuyên nghiệp.

Phí giao dịch: Hyperliquid đang rẻ nhất thị trường

GMX v2 thu phí khoảng 0.1% khi mở hoặc đóng vị thế, cộng thêm phí vay tính theo giờ – tổng lại khá cao, nhất là khi giao dịch nhiều. Trong khi đó, Hyperliquid chỉ tính phí 0.01% (maker) và 0.035% (taker), thấp nhất trong các DEX hiện nay. dYdX nằm ở mức trung bình (0.01 - 0,05%), còn phí trên Drift dao động từ 0 - 0,10% tuỳ cặp giao dịch và tier người dùng (dựa trên khối lượng giao dịch).

Với những người giao dịch khối lượng lớn, khác biệt này rất đáng kể. Chẳng hạn, trade 1 triệu USD mỗi tháng trên Hyperliquid chỉ mất khoảng 350 USD phí, trong khi GMX tốn hơn 1,000 USD.

Khả năng mở rộng

Về hạ tầng kỹ thuật, Hyperliquid tự tin với chain riêng xử lý hơn 20,000 giao dịch/giây (TPS). dYdX v4 tạm “đủ dùng” với khoảng 1,000 TPS. Solana (nơi Drift hoạt động) có thể đạt tới 65,000 TPS trên lý thuyết, nhưng đôi khi không ổn định. GMX chạy trên Arbitrum – phí rẻ nhưng giới hạn TPS hơn, vẫn đủ dùng ở hiện tại, nhưng khó mở rộng nếu số giao dịch tăng vọt.

RELEVANT SERIES