SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Đối mặt khung pháp lý Mỹ, các công ty crypto vượt qua ra sao?

Tại sao các công ty crypto vẫn muốn hoạt động tại Mỹ dù có nhiều quy định khắt khe, và họ đã làm gì để duy trì hoạt động ở quốc gia này?
Avatar
Duy Nguyen
Published Sep 08 2024
Updated Sep 09 2024
9 min read
pháp lý crypto

Mỹ và luật pháp liên quan tới crypto

Mỹ từ lâu đã được biết đến là một trong những quốc gia có khung luật pháp khắt khe nhất đối với thị trường crypto. Các quy định phức tạp đến mức đã tạo ra một nhận thức rộng rãi rằng khi một dự án công bố danh sách những quốc gia không được nhận token airdrop hay có những vụ kiện lớn liên quan đến crypto thì sẽ có Mỹ.

airdrop dự án cấm người dân mỹ
Ví dụ về một số airdrop dự án cấm người dân Mỹ

Là nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ rất quan tâm tới việc duy trì sự ổn định và vị thế của mình. Với những nhóm ngành mới đặc biệt là những ngành có tính luân chuyển giá trị cao như crypto, Mỹ thường áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ dòng tiền và ngăn chặn hoạt động phi pháp.

Để thực hiện điều này, hệ thống tài chính của Mỹ sẽ có nhiều cơ quan với các nhiệm vụ khác nhau. Điển hình như:

  • Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC): Bảo vệ nhà đầu tư bằng cách phát hành, hoàn thiện các điều luật, cũng như xử lý các hoạt động phi pháp.
  • Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính (FinCEN): Yêu cầu các công ty tích hợp các giải pháp phòng chống rửa tiền.
  • Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC): Đảm bảo tính minh bạch và công bằng trên thị trường giao dịch hàng hóa tương lai.
  • Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF): Hợp tác quốc tế để hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động tài chính phạm pháp.
  • Sở thuế vụ (IRS): Xác định tài sản nào phải chịu thuế và quy định liên quan.

Ngoài ra còn có nhiều cơ quan khác như BitLicense và các cơ quan riêng của từng bang. Mỗi cơ quan này đưa ra những quy định riêng, tạo ra một hệ thống luật pháp phức tạp mà các công ty crypto phải tuân thủ nếu muốn hoạt động ổn định tại Mỹ. Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian, tiền bạc và gây khó khăn cho các dự án nhỏ lẻ với nguồn lực tài chính hạn chế.

Một ví dụ điển hình là Ripple (XRP) – công ty này đã gặp rất nhiều khó khăn khi không tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật. Kể từ năm 2015, Ripple đã nhiều lần đối mặt với các vụ kiện từ nhiều bên khác nhau, nổi bật nhất là vụ kiện của SEC, khởi xướng từ tháng 12 năm 2020. Sau nhiều năm tranh cãi, Ripple cuối cùng phải chấp nhận nộp phạt 125 triệu USD vào tháng 8 năm nay.

Các vụ kiện liên quan đến Ripple
Các vụ kiện liên quan đến Ripple

Mặc dù hệ thống pháp luật Mỹ khắt khe và liên tục thay đổi, các công ty crypto lớn nhỏ vẫn mong muốn tiếp cận thị trường này. Lý do chính là vì khối lượng thanh khoản lớn, cơ sở người dùng đông đảo và nguồn nhân lực chất lượng mà Mỹ có thể mang lại.

Sự phát triển mạnh mẽ của sàn Coinbase, hệ sinh thái Layer 2 Base và ảnh hưởng của ETF phát hành ở Mỹ lên thị trường crypto là những minh chứng cho thấy giá trị mà thị trường này mang lại.

bitcoin etf và ethereum etf
Bitcoin ETF và Ethereum ETF thu hút được một lượng lớn giá trị giao dịch. Nguồn: Coinglass

Vậy các công ty và người dùng crypto đang làm gì để thích nghi với luật pháp Mỹ?

advertising

Sự thích nghi của các công ty và người dùng crypto với luật pháp Mỹ

Cách các công ty crypto thích nghi với luật pháp Mỹ

Như đã đề cập, môi trường pháp lý cho crypto tại Mỹ vô cùng phức tạp. Do đó, các công ty muốn tiếp cận hoặc hoạt động trong thị trường này thường xây dựng chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro và tuân thủ tối đa các quy định pháp lý.

Các biện pháp thường được áp dụng bao gồm:

  1. Đăng ký công ty ở các tiểu bang thân thiện với crypto như Delaware hay Wyoming. Những tiểu bang này không chỉ nổi tiếng với chính sách thuế ưu đãi mà còn ban hành nhiều luật lệ có lợi cho blockchain và crypto.

Ví dụ, nhiều công ty lớn như Coinbase, Ripple, Kraken, BlockFi, Paxos, Uniswap, dYdX, Compound, Aave đều đăng ký tại Delaware.

  1. Xây dựng nhiều thực thể riêng biệt để hoạt động. Cách này giúp phân tán rủi ro, tối ưu hóa phân phối lợi ích và thích ứng với các quy định khác nhau.

Một ví dụ tiêu biểu là Uniswap với ba thực thể: Uniswap Labs, Uniswap Protocol, và Uniswap DAO. Trong đó, Uniswap Labs chuyển quyền quản trị cho Uniswap Protocol qua Uniswap DAO, giúp tránh các ràng buộc pháp lý liên quan đến sở hữu.

những thực thể chính của uniswap
Những thực thể chính của Uniswap
  1. Áp dụng các khuôn mẫu pháp lý từ những công ty đi trước để tối ưu quy trình, giảm thiểu chi phí và tuân thủ luật pháp.

Ví dụ, nhiều công ty tối ưu hóa quy trình chứng minh tài sản không phải là chứng khoán với SEC, tích hợp hệ thống AMLKYC theo chuẩn FinCEN, hoặc lợi dụng kẽ hở pháp lý để không phải đăng ký với CFTC bằng cách tạo ra sản phẩm không được coi là phái sinh.

  1. Thiết kế sản phẩm để tránh bị phân loại vào các danh mục cần đăng ký. Ví dụ, nhiều công ty phát triển các sản phẩm không lưu ký quỹ người dùng (Dex, ví non-custodial) hoặc thiết kế token không có tính chất thu hút giá trị để tránh bị coi là chứng khoán.

Trường hợp của Uniswap là một ví dụ điển hình: dù trụ sở tại Mỹ, Uniswap Protocol là smart contract trên blockchain nên khó bị ngừng hoạt động. Ngoài ra, token UNI chưa kích hoạt tính năng "fee switch" để tránh việc bị coi là chứng khoán.

  1. Thực hiện các hoạt động khác như báo cáo định kỳ, audit, vận động hành lang và duy trì đội ngũ cố vấn pháp lý.

Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ có thể giảm thiểu, chứ không loại bỏ hoàn toàn rủi ro pháp lý. Công ty càng lớn, rủi ro bị điều tra và kiện tụng càng cao. Ví dụ, Ripple dù đã đăng ký ở Delaware vẫn phải nộp phạt một khoản lớn. Uniswap dù đã phân tách thực thể và tối ưu sản phẩm vẫn nhận cảnh báo từ SEC gần đây.

Thực tế, các dự án DeFi "phi tập trung" trên lý thuyết vẫn phụ thuộc lớn vào đội ngũ phát triển, cả về số lượng token họ nắm giữ lẫn những đóng góp cho dự án. Nếu dự án chưa có đủ khả năng tự vận hành, việc công ty mẹ bị truy tố sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của dự án.

Ngoài các vấn đề pháp lý, chi phí hoạt động tại Mỹ cũng rất lớn. Vì vậy, các công ty muốn tồn tại lâu dài tại đây cần có nguồn lực tài chính mạnh mẽ.

Cách người dùng thích nghi với luật pháp Mỹ

Người dùng crypto tại Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi các quy định pháp lý, dù mức độ không phức tạp như đối với các công ty.

Khi sử dụng dịch vụ của các công ty liên quan đến crypto, các doanh nghiệp này đã triển khai những cấu trúc pháp lý được đề cập ở trên. Do đó, người dùng chỉ cần cung cấp các thông tin theo yêu cầu, dù thủ tục có thể phức tạp hơn. Ở khía cạnh tích cực, sử dụng dịch vụ từ các công ty đã đăng ký đầy đủ sẽ mang lại sự an toàn cao hơn so với các doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp lý.

Thực tế, mặc dù người dùng Mỹ bị cấm tham gia một số hoạt động như claim airdrop, họ vẫn có cách để lách luật như sử dụng VPN, proxy, hoặc tạo tài khoản và thuê các dịch vụ ở nước ngoài. Ví dụ, gần đây có trường hợp nhân viên của Eigen Labs tại Mỹ đã claim số airdrop trị giá hàng trăm nghìn USD từ Renzo và Ether.Fi.

Tất nhiên, các hành động này tiềm ẩn rủi ro bị phạt, nhưng với mức lợi nhuận hấp dẫn, nhiều người vẫn chấp nhận mạo hiểm để thực hiện.

Luật pháp Mỹ và tác động đến thị trường crypto

Với những thách thức từ quy trình pháp lý và các lỗ hổng hiện tại, chắc chắn rằng luật pháp Mỹ sẽ tiếp tục thay đổi để trở nên hoàn thiện hơn trong tương lai.

Là quốc gia tiên phong trong việc xây dựng khung pháp lý cho crypto, Mỹ trở thành mô hình tham khảo cho nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, mỗi quốc gia sẽ áp dụng các quy định pháp lý khác nhau tùy theo mục tiêu và chiến lược của họ. Một số quốc gia có thể chọn cách kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, trong khi các nước khác lại áp dụng những quy định nhẹ nhàng hơn để thu hút nguồn vốn.

luật pháp crypto
Tình hình luật pháp crypto tại một số quốc gia trên thế giới

Nhìn chung, với tính chất lưu chuyển giá trị cao của crypto, khung pháp lý cho lĩnh vực này chắc chắn sẽ ngày càng được củng cố. Dù sớm hay muộn, các quốc gia sẽ cần thiết lập các quy định để kiểm soát dòng tiền và ngăn chặn các hành vi có thể ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia. Các công ty muốn hoạt động tại Mỹ hoặc ngoài Mỹ cũng cần chuẩn bị để thích ứng với xu hướng này.

RELEVANT SERIES