SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Multicoin Capital đầu tư hơn 1 triệu đô vào Swivel Finance

Bài viết cung cấp các thông tin về lý do tại sao Multicoin Capital lại đưa ra quyết định đầu tư lớn đến vậy cho dự án Swivel Finance.
Avatar
cryptolover994
Published Mar 05 2021
Updated Jul 13 2022
11 min read
thumbnail

Vào ngày 10 tháng 12 năm 2020, Multicoin Capital đã công bố họ đã đầu tư 1.15 triệu đô ở vòng seed round vào dự án Swivel Finance - một giao thức phi tập trung cho vay lãi suất cố định, và tạo ra các sản phẩm phái sinh có lãi suất.

Cùng đầu tư vào dự án này ở vòng seed round, không chỉ có Multicoin Capital mà còn có nhiều quỹ đầu tư đình đám khác như Electric Capital, CMS Holding, Divergence Ventures, DeFiance Capital, cùng rất nhiều nhà đầu tư thiên thần như Ash Egan, Stani Kulechov đến từ Aave, Alex Pack - co-founder của Dragonfly Capital, Imran Khan và Qiao Wang đến từ Defialliance, và Thomas Klocanas từ White Star Capital.

Swivel Finance được Multicoin Capital cho là một trong những bước tiến lớn trong sự phát triển của DeFi, giúp thị trường tiền điện tử trở nên ổn định, dễ tương tác, và thu hút sự đầu tư của hàng triệu người dùng trên toàn thế giới.

Anh em hãy cùng đọc để tìm hiểu về dự án Lending cực hot này nhé!

[toc]

Swivel Finance “tấn công” mảng Lending

Hạn chế lớn nhất của Lending hiện tại

Vay và cho vay là một trong các mảnh ghép đầu tiên và quan trọng nhất của DeFi. Vào thời điểm tháng 12 năm 2020, khối lượng giao dịch phi tập trung đã bằng 15% tổng khối lượng giao dịch tiền điện tử tập trung, khối lượng cho vay phi tập trung đã bằng 11% cho vay tập trung qua các sàn.

3 dự án lớn nhất trong mảng vay và cho vay là Cream, Compound Aave. Các giao thức này giúp việc cho vay phi tập trung trở nên dễ dàng, không bị giới hạn, tuy nhiên các dự án mở đường này vẫn còn nhiều hạn chế, lớn nhất chính là sự biến đổi liên tục của lãi suất cho vay.

Ví dụ, nếu anh A cho vay token trên Compound, lượng lãi suất anh ta nhận được sẽ giao động tùy vào khối lượng được vay ở trên nền tảng này. Vào thời điểm cho vay, lãi suất của A nhận được có thể là 5%, nhưng ngày mai lãi suất đó có thể lên tới 10% hoặc giảm về 1%. Nếu lãi suất của A là 1%, chắc chắn anh ta sẽ rút token của mình ra khỏi Compound và đi tìm những nền tảng khác có lãi suất cao hơn.

Tương lai của Lending với Swivel Finance

Vấn đề này đã dẫn tới sự phát triển của các dự án tổng hợp lãi suất cho vay như Yearn Finance, Idle Finance và APY Finance - các giao thức tự động so sánh lãi suất cho vay ở các nền tảng và chuyển token của người cho vay tới nền tảng đó để tối đa lợi nhuận.

Mặc dù các dự án tổng hợp lãi suất có thể giúp những bên cho vay tìm được lãi suất tối đa, nhưng họ không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi của cả thị trường cho vay phi tập trung - đó chính là sự biến động của lãi suất. Ý tưởng về lãi suất cố định được sinh ra từ đó.

Hiện tại, cũng đã có một vài cái tên đã bắt đầu đưa lãi suất cố định vào sản phẩm của họ như Notional, UMA, Yield, Mainframe,... nhưng chưa có cái tên nào thật sự nổi bật. Bởi vậy, với sự rót vốn mạnh tay và sự hỗ trợ từ các ông lớn, Swivel Finance hứa hẹn sẽ là một cái tên nổi bật trong thời gian tới.

Nếu anh em là người mới và chưa có nhiều hiểu biết về mảng Lending, mình khuyên anh em nên tìm hiểu từ lending cơ bản và một số dự án tiên phong sẽ cho anh em những góc nhìn vô cùng cần thiết như Compound, Aave (AAVE),…. 

Đọc thêm: Lending là gì? Những điều cần biết về Lending trong Crypto

Swivel Trading

Đòn bẩy 100 lần cho giao dịch phái sinh lãi suất

Không chỉ giải quyết vấn đề về ổn định lãi suất, Swivel Finance còn đánh vào mảng phái sinh lãi suất - một mảng vô cùng tiềm năng trên thị trường tài chính truyền thống với lượng thanh khoản khổng lồ 6.5 nghìn tỉ đô giao dịch trong một ngày. 

Swivel Finance thành công trong việc mang ý tưởng này đến với thị trường tiền điện tử, bởi họ là dự án tiên phong cho phép giao dịch phái sinh lãi suất với đòn bẩy từ 10 tới 100 lần.

Swivel Trading được xây dựng theo cơ chế Order Book trên nền tảng của riêng dự án này. Các lệnh trên Swivel được đưa lên một sổ lệnh tổng hợp, và không bao giờ yêu cầu người dùng phải thế chấp vượt mức để giao dịch. Đây là một cải tiến đáng lưu ý, bởi thế chấp vượt mức từ lâu đã trở thành hiện tượng thường thấy trong DeFi.

Dành cho anh em chưa biết, thì thế chấp vượt mức là trường hợp người dùng thế chấp 1 lượng tài sản, ví dụ có giá trị $1000, nhưng họ chỉ được cho vay $400. Thế chấp vượt mức là cần thiết để tránh biến động giá mạnh trong thị trường crypto làm các khoản vay bị thanh lý.

Lợi nhuận của người dùng

Anh em hãy cùng mình đi vào một ví dụ cụ thể để hiểu được cơ chế vận hành của Swivel Trading.

Giả sử anh A có 1000 USDC và muốn đem đi cho vay 1 năm với lãi suất cố định 5%. Anh B thì có 50 USDC và muốn đánh một lệnh long chỉ số phái sinh lãi suất USDC trên nền tảng Compound, hiện tại đang ở mức 8%.

Cả hai anh A và B đưa USDC vào nền tảng, được đưa vào cùng một pool trong hợp đồng thông minh của Swivel cho tới cuối kì hạn hợp đồng. Pool đó lại được Swivel đưa lên Compound trong thời hạn hợp đồng. 

Dưới đây là các trường hợp lợi nhuận mà anh A và anh B có thể nhận được khi sử dụng sản phẩm của Swivel Finance:

Giả sử, lãi suất trung bình vẫn ở mức 8% trong suốt 12 tháng tiếp theo, anh B sẽ nhận lại được tổng cộng 84 USDC ở cuối kỳ hạn: lãi 68% so với số vốn 50 USDC ban đầu.

Thay vì chỉ nhận được 8% (4 USDC), sử dụng đòn bẩy ở mức 8.5, anh B sẽ nhận được lợi nhuận 34 USDC. Trong khi đó, mặc dù lãi suất ở Compound có thay đổi thế nào đi chăng nữa, anh A vẫn sẽ nhận được 1050 USDC ở cuối kỳ hạn, lãi 50 USDC hay 5% so với số tiền ban đầu.

Có 3 điều cần lưu ý trong thiết kế của Swivel: 

  • Dữ liệu giá và lãi suất không dựa trên sự hoạt động của oracle.
  • Vị thế của người dùng không thể bị thanh lý.
  • Swivel tổng hợp thanh khoản để đưa vào pool của Compound và Aave.

Giao thức lãi suất cố định của Swivel Finance

Cấu trúc các sản phẩm lãi suất cố định hiện tại

Các sản phẩm lãi suất cố định trong DeFi (như Yield, Notional, UMA, và Mainframe)  thường được dựa trên các trái phiếu không trái tức (cơ chế ZCB, hay zero-coupon bond - loại trái phiếu mà lãi suất được trả hết trước thời điểm phát hành hoặc được trả gộp một lần khi trái phiếu đáo hạn).

Dựa trên sự vận hành của trái phiếu không trái tức ZCB, người đi vay sẽ tạo ra một lượng trái phiếu tổng hợp, mà lượng trái phiếu đó có thể đổi thành một lượng tiền ở cuối kỳ hạn. Người cho vay sẽ là người mua trái phiếu, người đi vay sẽ tạo ra và bán lượng trái phiếu đó. 

Giá trị thế chấp và điều kiện thanh lý trái phiếu sẽ được quản lý bởi ZCB (zero-coupon bond) Protocol. Protocol này hoạt động dựa trên dữ liệu từ các oracle bên ngoài, và như các giao thức cho vay khác, nếu tài sản thế chấp bị tụt giá quá mức, tài sản của họ sẽ bị thanh lý theo hình thức đấu giá.

Mặt khác, về phía người cho vay, Swivel giữ tài sản và vị thế cho vay của họ trên các giao thức mà do chính họ lựa chọn, từ đó làm giảm đi rủi ro tiền của người dùng bị đưa vào các smart contract không đáng tin cậy.

Đòn bẩy giao dịch cao gấp… 100 lần

Swivel tuyên bố có thể cung cấp đòn bẩy giao dịch ở mức 10 tới 100 - mức cao hơn rất nhiều so với mức từ 0.5 đến 0.75 từ các nền tảng khác như Yield, Notional, UMA, và Mainframe nhờ việc loại bỏ thế chấp vượt mức. 

Họ tự tin rằng, với khả năng cung cấp đòn bẩy vượt trội như vậy, họ có thể nhận được lượng thanh khoản dồi dào từ các nhà đầu cơ lãi suất.

Để tránh gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư, Swivel khẳng định lại rằng, họ chỉ cung cấp dịch vụ đầu cơ lãi suất đòn bẩy cao và dịch vụ cho vay (lending) lãi suất cố định, chứ không cung cấp dịch vụ vay (borrowing) với lãi suất cố định. Anh em nên phân biệt rõ để tránh gây nhầm lẫn, dẫn đến thất thoát tài sản không đáng có.

Chân trời DeFi mới đang mở ra

Thị trường tiền điện tử thời gian gần đây càng ngày càng sôi động bởi lượng người tham gia mới tăng nhanh chóng. Trong tình trạng lãi suất ngân hàng đang cực thấp như hiện nay, ngày sẽ càng nhiều người có nhu cầu “cho vay lãi suất cố định 10% một năm” bước chân vào thị trường này. 

Các ứng dụng như Outlet, Linus, Dharma, BlockFi, Celsius đã phát triển giao diện người dùng để đáp ứng nhu cầu trên, với lượng thanh khoản lấy từ các pool thanh khoản tập trung hoặc từ Compound và Aave. Bởi vậy, sự chú ý của người dùng tới mảng Lending và giao dịch phái sinh lãi suất sẽ ngày càng lớn hơn.

Swivel được xem như cơ hội đầu cơ lãi suất đầu tiên trong DeFi. Với đòn bẩy cao (từ 10 tới 100), Swivel sẽ mở ra cơ hội này cho các nhà đầu cơ, mở ra thị trường phái sinh lãi suất sôi động cho thị trường tiền điện tử.

Đọc thêm: Tại sao lãi suất cố định quan trọng với DeFi

Lời kết

Tới giờ, có lẽ anh em đã có thể hiểu được vì sao Swivel Finance lại có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư và quỹ đầu tư danh tiếng “xuống tiền” như vậy. Tiềm năng của mảng đầu cơ lãi suất trong thị trường truyền thống là vô cùng lớn, trong khi mảng này lại vẫn đang bị ngó lơ trong DeFi. 

Theo mình, nếu muốn mang thị trường truyền thống đến với DeFi, thì Swivel Finance chắc chắn đã là người tiên phong dẫn đầu trong lĩnh vực vô cùng tiềm năng này.

Còn anh em nghĩ gì về dự án này? Liệu đây có phải là một cơ hội đầu tư tốt hay không? Hãy cùng chúng mình comment thảo luận ở phía bên dưới bài viết nhé!

Anh em có thể tham khảo bài viết gốc tại đây.

RELEVANT SERIES