Các quốc gia bảo vệ nhà đầu tư crypto, GameFi & NFT trở thành tâm điểm
Kiến thức trọng tâm:
- Các quốc gia có nhiều động thái khác nhau để bảo vệ nhà đầu tư crypto;
- CME Group ra mắt hợp đồng future BTC và ETH theo đồng EUR;
- Proposal kế hoạch Endgame của MakerDAO, DeFi Kingdoms chuyển “hộ khẩu” sang Klaytn;
- Các dự án GameFi & NFT gọi vốn thành công, đây là trọng tâm của thị trường gọi vốn tuần qua.
Thông tin vĩ mô & crypto
Các quốc gia trên thế giới bảo vệ nhà đầu tư crypto
Singapore
Cơ quan tiền tệ của Singapore (Monetary Authority of Singapore - MAS) đang xem xét hạn chế các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy và các phương tiện tín dụng để giao dịch tiền điện tử, nhằm cùng nhau tham gia quản lý toàn cầu và tăng cường tạo ra các quy tắc quản lý tiền điện tử.
Ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành của MAS cho biết, các nhà quản lý trên toàn cầu đang tìm cách áp đặt các yêu cầu như hỗ trợ dự trữ an toàn và quy đổi kịp thời theo mệnh giá đối với stablecoin.
Ông cũng cho biết, sự biến động của tiền điện tử khiến chúng không thích hợp để sử dụng làm tiền và "rất nguy hiểm" đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, chứng khoán hóa, sổ cái phân tán, thể hiện quyền sở hữu và chuyển giao tài sản kỹ thuật số là những đặc điểm khiến crypto có thể mang lại tiềm năng kinh tế.
Singapore đã sớm nghiên cứu công nghệ blockchain cũng như đưa ra tham vọng trở thành một trung tâm tiền điện tử. Đảo quốc sư tử này hiện đang cố gắng đạt được sự cân bằng giữa khuyến khích đổi mới blockchain và bảo vệ các nhà đầu tư khỏi một số rủi ro khi tham gia vào một thị trường non trẻ như crypto.
Trước đó, vào đầu năm 2022, Singapore đã có nhiều động thái thắt chặt quy định về crypto, như ban lệnh cấm quảng cáo, lên kế hoạch yêu cầu các nhà cung cấp tiền điện tử phải được cấp phép tại địa phương ngay cả khi họ chỉ kinh doanh ở nước ngoài. Trong những tuần gần đây, cơ quan quản lý của Singapore đã tìm kiếm thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh và tài sản điện tử của các chủ sở hữu giấy phép thanh toán kỹ thuật số.
Cho đến nay, trong số gần 200 người nộp đơn, chỉ có hơn 10 tổ chức có giấy phép hoạt động với tư cách là nhà cung cấp mã thông báo dịch vụ kỹ thuật số.
“Với sự phát triển nhanh chóng về quy mô và mức độ phức tạp của các hoạt động tài sản kỹ thuật số, các rủi ro khác đã xuất hiện. Do đó, các cơ quan quản lý trên toàn thế giới bao gồm cả MAS đang đẩy mạnh các biện pháp ứng phó với những rủi ro mới này.” - Ông Ravi Menon chia sẻ.
Anh
Ủy ban Luật pháp của Anh gần đây đã đề xuất xem tiền điện tử là một danh mục riêng biệt trong luật tài sản của Anh - một động thái có thể mở đường cho việc thiết lập một tiêu chuẩn quốc tế cho tiền điện tử.
Với nỗ lực trở thành trung tâm dành cho các dự án crypto EU, việc mở rộng luật tài sản bao gồm cả crypto và các tài sản NFT là một bước tiến lớn của nước Anh trong việc bảo vệ nhà đầu tư, động thái này cũng giúp họ có một khung pháp lý rõ ràng hơn để xử lý những vụ hack, scam bằng luật pháp.
Úc
Úc sử dụng 'Bản đồ token' làm Khuôn khổ cho Quy định về tiền điện tử nhằm theo kịp sự phát triển của crypto và bảo vệ người tiêu dùng. Bản đồ token chứa các đặc điểm của tất cả token ở Úc, bao gồm biểu đồ loại tài sản, mã tài sản và mọi tính năng công nghệ xác định khác, theo Sydney Morning Herald.
Hàn Quốc
Bên cạnh đó, Hàn Quốc lại đang tích cực đẩy mạnh phát triển crypto tại đất nước mình. Cụ thể, Busan, thành phố cảng lớn nhất của Hàn Quốc đã hợp tác cùng sàn giao dịch FTX và Binance nhằm thành lập Sàn giao dịch Busan và xây dựng các sản phẩm blockchain chuyên biệt.
Brazil
Brazil liên tục đẩy mạnh phát triển crypto. Cụ thể, gã khổng lồ trong thương mại điện tử của Brazil là Mercado Libre đã giới thiệu tiền điện tử của mình mang tên Mercado Coin, và cho phép 80 triệu người dùng của công ty mua hàng và nhận tiền hoàn lại. Trước đó, vào tháng 12/2021, Mercado Libre cũng ra mắt sàn giao dịch crypto và thu hút hơn 1 triệu người dùng chỉ sau hai tháng.
Sàn giao dịch Digitra có trụ sở tại Brazil đã ra mắt sàn giao dịch crypto dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các quỹ đầu tư tiền điện tử lớn. Đặc biệt, Digitra sử dụng công nghệ dựa trên đám mây của Nasdaq, một trong những sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất của Mỹ. Công nghệ này cho phép Digitral thu hút thanh khoản và mở rộng khối lượng giao dịch.
Để thúc đẩy sàn giao dịch phát triển, Digitra cho phép người dùng giao dịch không tốn phí và nhận airdrop DGTA - đồng native token của sàn. Digitra tạo ra lợi nhuận thông qua việc cung cấp nhiều dịch vụ bổ sung cho giao dịch tiền điện tử, thay vì thu phí giao dịch như cách truyền thống.
CME ra mắt future cho BTC và ETH theo mệnh giá đồng EUR
CME Group là sở giao dịch hàng hóa Chicago, đây là một trong sàn giao dịch phái sinh lớn nhất thế giới. CME ảnh hưởng lớn đến giá BTC khi BTC thường xuyên điền lại CME Gap vì sàn chỉ hoạt động trong khung thời gian nhất định, không hoạt động 24/7.
Vào ngày 30/8 vừa qua, CME ra mắt future cho BTC và ETH theo mệnh giá đồng EUR. CME Group đã cho phép hợp đồng tương lai BTC và ETH bằng USD trong nhiều năm, và hành động mở future BTC và ETH theo mệnh giá đồng EUR sẽ cho phép các sản phẩm future này tiếp cận với nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn.
Facebook và Instagram lần lượt hỗ trợ NFT
Facebook và Instagram đã hỗ trợ người dùng kết nối ví crypto với tài khoản của hai mạng xã hội này để chia sẻ NFTs, hiện tại hai nền tảng đang hỗ trợ 3 hệ sinh thái là Ethereum, Flow và Polygon.
Có thể thấy các trang mạng xã hội đang ngày càng đẩy nhanh quá trình hỗ trợ thị trường tiền điện tử, trước đó nhiều mạng xã hội khác như Twitter, Reddit cũng đã hỗ trợ người dùng chia sẻ các tài sản NFT hay hỗ trợ các nội dung liên quan tới crypto.
Sự kiện DeFi tuần 35
Kế hoạch “Endgame” của MakerDAO
MakerDAO là ứng dụng lending đứng sau DAI - hiện xếp thứ 4 toàn thị trường, họ đang phát triển kế hoạch cho việc “thả nổi” stablecoin DAI của mình. Theo proposal, MakerDAO sẽ cho vay DAI bằng cách nhận các tài sản thế giới thực làm tài sản thế chấp để tích lũy ETH.
Đề xuất này của MakerDAO nhắc tới 3 giai đoạn: Pigeon Stance, Eagle Stance, và Phoenix Stance, với niềm tin rằng việc sử dụng các tài sản thế giới thực làm thế chấp sẽ giúp các khoản thế chấp cho DAI trở nên bền vững hơn, và sau 3 năm, dựa vào những tài sản thế chấp có được, MakerDAO sẽ vote xem có nên thả nổi DAI hay vẫn giữ cơ chế peg với USD.
Đề xuất này nhận rất nhiều ý kiến cả ủng hộ lẫn phản đối, bởi việc thả nổi DAI tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các dự án sử dụng DAI cũng như những nhà đầu tư sở hữu DAI.
Sự kiện hệ sinh thái tuần 35
DeFi Kingdoms mở rộng sang Klaytn
DeFi Kingdoms là một dự án kết hợp giữa DeFi và GameFi trên Harmony, dự án nhận được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường khi đã có lúc đạt 1.3 tỉ USD vốn hóa. DeFi Kingdoms đã từng dẫn đầu về TVL trên Harmony, với hơn 800 triệu USD vốn hóa.
Tuy nhiên, vào ngày 8/3/2022, DeFi Kingdoms thông báo ra mắt DFK Chain trên Avalanche Subnet. Ssau đó 3 tháng, Horizon Bridge của Harmony bị hack 100 triệu USD, gây thiệt hại nặng đến hệ sinh thái, khiến TVL của hệ tụt giảm mạnh và chỉ còn 36 triệu USD vào thời điểm hiện tại.
Trong tuần qua, DeFi Kingdoms đưa ra thông báo trong thời gian tới sẽ chuyển từ hệ Harmony sang hệ Klaytn - một hệ sinh thái với hơn 350 triệu USD TVL. Có thể xem đây là một động thái thể hiện sự mất tin tưởng của dự án lớn nhất hệ sinh thái này với chính blockchain họ bắt đầu phát triển dự án.
Tìm hiểu thêm: Tổng quan về hệ sinh thái Klaytn
Decentral Bank thông báo gói Incentive Program 1 triệu USN
Decentral Bank là tổ chức đứng sau sự phát triển của USN - stablecoin backed trên hệ sinh thái Near và Aurora. Từ khi Decentral Bank ra mắt USN trong quý 1/2022, việc phát triển USN trong các ứng dụng trên hệ Near chưa được chú trọng nhiều. Hệ Near chưa tung ra nhiều nguồn lực để các ứng dụng khuyến khích người dùng sử dụng USN, do vậy người dùng cũng chưa có nhiều động lực sử dụng loại stablecoin này.
Vì thế, có thể xem gói Incentive Program 1 triệu USN là một trong những hành động đầu tiên nhằm kích thích hệ sinh thái theo hướng đưa USN vào các ứng dụng trên Near như Ref Finance, Trisolaris...
Mảng stablecoin đang có nhiều diễn biến phức tạp và mỗi dự án trong mảng đều đang có những hướng đi riêng: FEI stablecoin sụp đổ, founder của Curve tiết lộ thông tin tháng 9 sắp tới sẽ ra mắt Stablecoin crvUSD. Có thể thấy cuộc chiến stablecoin sẽ ngày càng gay gắt khi có sự tham gia của Curve và Aave GHO.
Arbitrum thông báo hoàn thành bản nâng cấp Nitro
Arbitrum, một layer-2 trên Ethereum, vừa thông báo hoàn thành bản nâng cấp Nitro. Về phía người dùng, bản nâng cấp giúp tăng tốc độ và giảm chi phí mạng lưới do các dữ liệu được nén và xử lý một cách hiệu quả hơn. Về phía nhà phát triển ứng dụng, bản nâng cấp này tích hợp máy ảo WASM, giúp các dự án có thể dễ dàng phát triển giao thức hơn.
Hướng đi của Arbitrum đã tương đối rõ ràng trong thời gian tới: Arbitrum đang tập trung phát triển 2 chain khác nhau: Arbitrum One (Layer 2 - Optimistic Rollup) tập trung vào DeFi và NFT, Arbitrum Nova (AnyTrust - Sidechain) tập trung vào gaming và mạng xã hội.
Arbitrum đang được hưởng lợi rõ từ sự kiện The Merge sắp diễn ra của Ethereum. Nếu The Merge diễn ra thành công, phí giao dịch, tốc độ và độ phi tập trung của Ethereum cũng như những Layer-2 như Arbitrum sẽ tiếp tục được cải thiện đáng kể.
Helium đề xuất chuyển toàn bộ hệ sinh thái sang mạng lưới Solana
Trong tuần qua, Helium đề xuất chuyển toàn bộ hệ sinh thái sang mạng lưới Solana và bỏ blockchain Helium vì Solana có thể giúp Helium hoạt động nhanh hơn và tốt hơn.
Solana là hệ sinh thái đa dạng, network effect mạnh nhưng họ cũng gặp nhiều vấn đề về mạng lưới khi từng bị shutdown nhiều lần, hoạt động toàn mạng lưới bị ngưng trệ khi có những sự kiện lớn xảy ra, và tất cả những sự cố này gây thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư. Trong khi đó Helium là mạng không dây phi tập trung cho phép bất kỳ ai cũng có thể trở thành hotspot/node của blockchain Helium và nhận thưởng HNT bằng cách sở hữu phần cứng chuyên dụng.
Câu chuyện hợp nhất hai mạng lưới đã từng diễn ra nhiều lần khi các blockchain mua lại lẫn nhau (như Polygon và Hermez), nhưngđây là lần đầu trong khoảng thời gian dài có chuyện các mạng lưới tự nguyện sát nhập với nhau để phát triển sản phẩm hiệu quả hơn.
Sự kiện gọi vốn tuần 35
Tuần qua có 12 thương vụ gọi vốn, với tổng số tiền gọi vốn là 342 triệu USD. Sau khi phân tích số liệu về các thương vụ đầu tư thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy rằng:
- Trong những tuần gần đây, số lượng thương vụ (12 - 14 thương vụ) và số tiền đầu tư (khoảng 200 - 300 triệu USD) đều đi ngang.
- Nhiều dự án Game/ NFT/ Metaverse nhận được những khoản đầu tư giá trị lớn (8/13 thương vụ). Trong tuần qua, tổng số tiền đầu tư vào NFT/ GameFi gần 300 triệu USD.
Tiếp đến, chúng ta sẽ phân tích các thương vụ đầu tư lớn nhất tuần qua.
Limit Break gọi vốn 200 triệu USD
Limit Break là một nhà phát triển blockchain gaming do Gabriel Leydon và Halbert Nakagawa thành lập. Hai nhân vật này có bề dày kinh nghiệm trong ngành công nghiệp game, với những sản phẩm nổi tiếng như Machine Zone, Final Fantasy XV: A New Empire. Bộ NFT ăn khách có tên DigiDaigaku là sản phẩm đầu tay của Limit Break trong thị phần blockchain.
Trong tuần qua, dự án đã gọi vốn thành công 200 triệu USD từ nhiều quỹ lớn bao gồm Paradigm và Standard Crypto. Số vốn sẽ được Limit Break sử dụng để tiếp tục phát triển những tựa game, NFT mới cho thị trường.
Limit Break đang nghiên cứu phương thức chơi game mới “Free-to-own” để thay thế “Free-to-play” - phương thức này cho phép những người dùng đầu tiên mint NFT miễn phí để phát triển cộng đồng, đây cũng là cách tri ân dành cho những người ủng hộ dự án từ sớm.
Mảng NFT/ GameFi đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư. Với việc đưa ra một concept mới lạ trong mảng GameFi, rất có khả năng dự án này sẽ chiếm được mối quan tâm của thị trường GameFi trong thời gian tới.
PROOF gọi vốn 50 triệu USD vòng Series A
PROOF là một nền tảng xã hội, truyền thông và giải trí cho thị trường NFT. PROOF cung cấp cho người dùng những insight sâu nhất trong lĩnh vực NFT.
Cụ thể, dự án sẽ đưa ra review về các nghệ sĩ, NFT tiềm năng qua những bài báo hay podcast. Sản phẩm NFT đầu tiên của PROOF là Moonbirds và Oddities, và cả 2 dự án này từng gây sốt thị trường. PROOF đã kêu gọi thành công 50 triệu USD trong vòng Series A, đây là vòng tiếp sau vòng hạt giống trị giá 10 triệu USD mà dự án nhận được vào tháng 5/2022.
Trong vòng Series A, PROOF gọi vốn thành công từ nhiều quỹ lớn bao gồm Andreessen Horowitz (a16z), Seven Seven Six (quỹ đầu tư của nhà đồng sáng lập Reddit). PROOF sẽ sử dụng số tiền này để thực hiện những mục tiêu đề ra từ trước, như ra mắt Moonbirds DAO dành riêng cho những người sở hữu NFT Moonbirds. Dự án cũng đang làm việc để phát triển bộ NFT mới là Moonbirds Mythics.
Xterio gọi vốn 40 triệu USD
Xterio là một nền tảng play-to-earn gaming và giải pháp GameFi-as-a-service (GaaS). Nền tảng này được phát triển để hướng đến nhiều đối tượng. Với game thủ, đây sẽ là một nền tảng chất lượng cao, loạt game đa dạng và hấp dẫn. Đối với lập trình viên, nhà phát triển game thì Xterio sẽ là một ứng dụng dễ sử dụng với đa dạng giải pháp.
Các quỹ tham gia thương vụ 40 triệu USD này bao gồm HashKey Group, Animoca Brands và nhiều quỹ lớn khác. Số vốn sẽ được trực tiếp sử dụng để phát triển và xây dựng nền tảng Xterio.
Kết luận
Sắp tới thị trường sẽ có nhiều sự kiện đáng chú ý, từ việc “The Merge” sắp diễn ra đếnnhững sự kiện mang tính vĩ mô như công bố kết quả CPI. Trong khi thị trường đang có nhiều biến động bất ổn và chưa rõ hướng đi trong thời gian tới, những nhà đầu tư trong cả thị trường crypto lẫn tài chính truyền thống cần thận trọng để không đưa ra những quyết định sai lầm.