Phân tích Solana Q3/2022: Sau cơn mưa trời lại sáng?
Sự kiện nổi bật trên hệ Solana Q3/2022
8 lần shutdown và giải pháp
Tính riêng trong năm 2022, mạng lưới Solana đã shutdown tới 8 lần. Có nhiều nguyên nhân cho các vụ tấn công, điều này chứng tỏ thiết kế nền tảng của Solana vẫn còn rất mới và có nhiều điểm cần cải thiện.
Để giải quyết vấn đề này, Solana sẽ áp dụng hàng loạt giải pháp trong thời gian tới, nổi bật nhất bao gồm:
- QUIC: Một lớp gửi và nhận giao dịch thay thế giúp tăng tốc độ và tính ổn định của mạng.
- Stake theo tỷ trọng giao dịch QoS: Thay đổi hình thức tiếp nhận giao dịch từ FCFS (First-come-first-served - tới trước được trước) thành phân bổ theo tỷ trọng stake của node.
- Cơ chế ưu tiên cho giao dịch trả phí cao hơn: Người dùng có thể trả thêm một khoản phí để giao dịch của mình được ưu tiên. 50% số phí đó sẽ thuộc về validator, 50% còn lại sẽ bị đốt đi. Người dùng vẫn sẽ bị trừ số phí này kể cả khi giao dịch thất bại.
- Phân vùng phí: Thay vì người dùng cạnh tranh toàn cầu để đưa phí giao dịch lên đầu (tương tự như việc người dùng sử dụng Ethereum vào lúc cao điểm sẽ khiến các loại phí gas trên mạng tăng lên), Solana sẽ phân vùng phí, ví dụ nếu có một lượng lớn giao dịch swap thì phí swap sẽ cao lên, trong khi các phí khác thì không.
Tổ chức nhiều sự kiện online & offline
Không giống với nhiều hệ sinh thái khác đang “ngủ đông”, hệ sinh thái Solana liên tục tổ chức các sự kiện cả online lẫn offline như Solana Summer Camp, Solana Hacker House, Solana Breakpoint.
Có thể thấy Solana đang tạo lập một cộng đồng nhà phát triển và các dự án với quy mô và sự gắn kết ngày càng lớn.
Đa dạng các thương vụ gọi vốn
Những thương vụ gọi vốn vẫn diễn ra sôi động trên Solana. Các dự án gọi được vốn khá đa dạng từ mảng hạ tầng, gaming, NFT đến DeFi. Nổi bật trong số đó là các dự án như:
MonkeyLeague: một tựa game trên Solana
Credix: Giải pháp giúp các tổ chức tài chính tiếp cận được thanh khoản trên Solana
Magna: Platform phân phối token
Coral: Bộ công cụ hỗ trợ việc phát triển dự án trên Solana
Các dự án trên đều gọi vốn trên 10 triệu USD, có dự án gọi vốn trên 20 triệu USD.
Ngoài ra hệ sinh thái Solana còn nhiều sự kiện nổi bật như Helium chuyển sang Solana, Solana ra mắt SAGA, tổ chức Solana Hacker House...
DeFi trên hệ Solana Q3/2022
Từ đỉnh TVL, tính đến nay giá trị tài sản khóa của Solana đã giảm 90%. Nhiều dự án đã không phát triển nữa và hệ sinh thái không còn sôi động như lúc trước nữa.
Nhưng trong Q3, TVL của hệ sinh thái chủ yếu đi ngang. Các dự án có TVL cao nhất hầu như không thay đổi. Có thể nói hệ sinh thái đã trải qua một đợt thanh lọc lớn và các dự án thực sự sở hữu tầm nhìn dài hạn đã trở nên rõ ràng hơn.
Stablecoin
Thị phần stablecoin trên Solana phần lớn thuộc về fiat-backed stablecoin, cụ thể là USDC và USDT. Có nhiều mô hình khác đã và đang được thử nghiệm như Parrot, Hedge, Hubble, UXD Protocol nhưng chúng đều không chiếm được nhiều thị phần.
Hiện tại Solana vẫn đang thiếu một dự án tương tự như Maker với đồng stablecoin DAI trên Ethereum, đây là một thị trường tiềm năng cho các dự án phát triển.
Tìm hiểu thêm: Phân tích, đánh giá và dự phóng tương lai mảng stablecoin
AMM
Cuộc đua AMM trên Solana đang diễn ra trên Solana. Ở thời điểm hiện tại, Raydium đang dẫn trước với lượng giá trị tài sản khóa lớn hơn nhiều Orca. Tuy nhiên Orca với whirlpool, một sản phẩm pool tập trung tương tự Uniswap v3 đã giúp dự án có khối lượng giao dịch nhỉnh hơn Raydium.
Tuy nhiên nếu xét về doanh thu thì doanh thu của Orca là không nhiều vì phần lớn khối lượng giao dịch của Orca tới từ Whirlpool. Tài sản được giao dịch nhiều nhất trên đây là các cặp stablecoin với mức phí giao dịch thấp.
Có nghĩa là hiện tại doanh thu của Raydium vẫn lớn hơn Orca, và với thông báo về việc ra mắt conentraded pools (pools tập trung) mới đây của Raydium, khả năng cao khối lượng giao dịch sẽ quay trở lại AMM hàng đầu Solana này.
Lending/borrowing
Hầu hết các dự án lending trên Solana đều giảm sút về lượng tài sản gửi vào, nhưng tỷ lệ tối ưu giữa lượng tài sản vay/tài sản cho vay lại tăng. Sau khi rời khỏi các dự án lending/borrowing, dòng tiền đầu cơ trên hệ sinh thái đã tạo ra mức lợi nhuận tốt hơn và vẫn giữ chân một lượng người dùng nhất định.
Solend là dự án nổi bật nhất trong mảng lending trên Solana. Với việc duy trì mức incentive phù hợp, hỗ trợ các tài sản mới một cách nhanh nhất, Solend đang cho thấy họ rất chú trọng đến việc duy trì vị thế của mình.
Derivatives
Thanh khoản thấp là vấn đề nhức nhối của Solana và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án phái sinh.
Nhìn từ góc độ tích cực, Solana hiện có nhiều dự án phái sinh cung cấp cho người dùng các sản phẩm khác đa dạng như: giao dịch hợp đồng vĩnh cữu, giao dịch quyền chọn, margin, thị trường dự đoán... Tuy nhiên hầu hết các sản phẩm này đang ở trong tình trạng ít người dùng.
Một ví dụ tiêu biểu của mảng phái sinh trên Solana là Mango Markets. Mango Markets là dự án sở hữu bộ sản phẩm có độ hoàn thiện hàng đầu Solana, tuy nhiên các số liệu của họ vẫn thua xa sản phẩm của các sàn CEX quen thuộc hiện tại.
Bài toán mảng phái sinh mà Solana đang đối mặt không phải là việc mang các sản phẩm phái sinh lên on-chain, mà là việc tạo ra một sản phẩm đột phá, phù hợp với tính chất thị trường DeFi như cách mà AMM và Lending pool được tạo ra.
Dù DeFi trên Solana đã trải qua một đợt suy giảm mạnh nhưng hệ sinh thái vẫn tích cực phát triển.
- Mảng stablecoin là một thị trường màu mỡ do chưa có dự án nào thực sự thách thức được vị thế của fiat-backed stablecoin hiện nay.
- Các dự án đứng đầu nhánh AMM và lending/borrowing đang làm tốt vai trò giữ vững vị thế của mình.
- Mảng derivative hiện tại tuy có nhiều sản phẩm nhưng chưa thu hút được người dùng.
Tổng kết, nếu Solana vẫn có thể thu hút các nhà phát triển mới, hệ sinh thái vẫn là mảnh đất màu mỡ để các dự án và nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội.
NFT trên hệ Solana Q3/2022
Khác với không khí ảm đạm của mảng DeFi, NFT tiếp tục là nhánh thu hút người dùng trên Solana.
Khối lượng giao dịch của Magic Eden tăng trưởng liên tục trong khi con số này ở OpenSea lại đang suy giảm, điều này cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn của NFT trên Solana.
Nguyên nhân cho “cơn sốt” NFT này phần lớn đến từ sự kiện mint y00ts NFT.
y00ts là bộ sưu tập NFT thứ hai do đội phát triển NFT Degods phát hành. Được kế thừa danh tiếng của “người anh” đi trước, y00ts nhanh chóng lọt vào top dự án có vốn hoá lớn nhất Solana, dù ảnh NFT của dự án vẫn chưa được công bố.
Sự kiện mint y00ts cũng đã tạo ra một làn gió mới cho các dự án NFT trên hệ sinh thái. Nhiều dự án đã tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian này.
Tìm hiểu thêm: 3 điều cần biết về sự kiện mint y00ts NFT
Gaming trên hệ Solana Q3/2022
Dựa trên những thông tích trong bài viết phân tích mảng GameFi của Coin98 Insights, có khả năng cao chúng ta sẽ chứng kiến sự bùng nổ của GameFi từ năm 2023 trở đi.
Solana là một trong những hệ sinh thái có nhiều game chất lượng và đã được phát triển trong một thời gian dài. Hầu hết dự án game hàng đầu trên Solana đều có kế hoạch ra mắt trong năm 2022, điều này sẽ tạo lợi thế cho hệ sinh thái trong cuộc đua thu hút người chơi trong thời gian tới.
Tổng kết
Solana đã trải qua một cuộc thanh lọc và các dự án tốt với tầm nhìn dài hạn đang dần xuất hiện rõ ràng hơn. Hệ sinh thái nhìn chung vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.