SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Phân tích thị trường gọi vốn Q3/2022: Dòng tiền đầu tư suy yếu

Bài viết sẽ cung cấp những thông tin tổng hợp và phân tích về xu hướng của thị trường gọi vốn crypto.
Avatar
chungnguyen
Published Oct 10 2022
Updated Oct 03 2023
26 min read
thumbnail

Báo cáo sử dụng dữ liệu của hơn 3,495 thương vụ gọi vốn được công bố từ năm 2017 tới nay, tất cả dữ liệu được thu thập từ website của Messari và đội ngũ  Coin98 Insights.

Key Insights:

  • Từ đầu năm 2022 đến nay, có tất cả 1,390 thương vụ gọi vốn với tổng giá trị khoảng 35 tỷ USD.
  • Riêng quý 3/2022, có 386 vòng gọi vốn thành công với tổng giá trị khoảng 5 tỷ USD.
  • Nhiều quỹ đầu tư có số lượng thương vụ với tổng số tiền tham gia gọi vốn ấn tượng.
  • Những dự án thuộc nhóm web3 và infrastructure có số lượng thương vụ gọi vốn thành công và số tiền gọi vốn cao.
  • Hạng mục thấp nhất là NFT với số lượng thương vụ gọi vốn ít và số tiền gọi vốn trung bình không cao.
  • Thị trường gọi vốn trong năm 2022 có cùng xu hướng với thị trường crypto. Tuy nhiên, thị trường gọi vốn năm  nay sôi động hơn các năm trước.

Tổng quan thị trường gọi vốn crypto Q3/2022

Thị trường gọi vốn ngày càng sôi động theo thời gian. Cụ thể, từ năm 2017 tới nay, số lượng dự án và tổng số tiền gọi vốn đang có xu hướng tăng. Riêng đến hết quý 3/2022 có khoảng 1,390 vòng gọi vốn thành công, chiếm khoảng 40% trong tổng số vòng gọi vốn từ trước tới nay của thị trường crypto. Có thể thấy, thị trường gọi vốn đang hoạt động rất mạnh mẽ qua các năm.

Trong quý 3/2022, các dự án crypto gọi được số vốn trung bình ít hơn hai quý trước đó. Cụ thể, trong quý 3 có tất cả 386 dự án gọi vốn thành công khoảng 5 tỷ USD, với số tiền gọi vốn trung bình khoảng 13 triệu USD, ít hơn quý 2 với 23.6 triệu USD và quý 1 với 27 triệu USD. Có thể thấy, mặc dù chưa hết quý 4/2022 nhưng thị trường gọi vốn nửa đầu năm có các hoạt động nổi trội hơn.

Trong năm 2022, số lượng dự án gọi vốn và tổng số tiền gọi vốn thành công đạt đỉnh vào tháng 4, với hơn 225 dự án và gần 7 tỷ USD. Từ tháng 4 đến nay, số lượng dự án crypto gọi vốn thành công đang giảm dần về số lượng cũng như  số tiền gọi vốn.

Riêng trong tháng 9, có 97 dự án gọi vốn thành công với số tiền khoảng 1.5 tỷ USD, giảm tương ứng khoảng 57% và 78% so với tháng 4. Có thể thấy, trong năm nay, tốc độ “chốt deal” của các quỹ đầu tư (VC) giảm dần theo xu hướng giảm chung của thị trường crypto.

Từ bảng trên, có thể thấy xu hướng đầu tư của các VC vẫn tập trung vào các vòng pre-seed (trước hạt giống) và seed (hạt giống). Vòng pre-seed hoặc seed sẽ gọi số vốn trung bình dao động trong khoảng 1.7 - 6.8 triệu USD. Vì vậy, các VC với quy mô nhỏ hoặc lớn đều có thể tiếp cận  các vòng này.

Do đó, sau con sóng tăng năm 2020-2021, vòng pre-seed và seed vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong bối cảnh thị trường crypto.

Trong năm nay, số vòng Series A c gọi vốn thành công rơi vào khoảng 200 vòng với tổng giá trị gọi được khoảng 4.7 tỷ USD. Cũng trong năm 2022, số vòng seed gọi vốn thành công chiếm  khoảng 700 vòng (gấp 3.5 lần vòng Series A) với số tiền khoảng 4.8 tỷ USD. Có thể thấy các VC  đang tập trung dòng vốn đầu tư vào cả vòng seed lẫn Series A.

Điều này cho thấy các VC có xu hướng đầu tư vào các dự án đã đạt được những thành công bước đầu. Được các VC tiếp tục rót vốn vào Series A, nghĩa là dự án đã bước qua giai đoạn đầu tại vòng seed và chứng minh mình đang sở hữu mô hình kinh doanh hoạt động tốt. 

Tại những vòng tiếp theo như Series B, C, D… số dự án gọi vốn thành công và tổng giá trị gọi vốn có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, khi thị trường crypto phát triển và có nhiều dự án chất lượng xuất hiện hơn, chúng ta có thể sẽ thấy xu hướng gọi vốn chuyển dần sang các vòng sau hạt giống.

Tình hình các quỹ đầu tư crypto Q3/2022

Ít xuất hiện các quỹ đầu tư mới 

Từ đầu năm đến nay, thị trường crypto xuất hiện thêm hơn 180 quỹ do các VC quản lý với tổng giá trị lên tới gần 54 tỷ USD. Tính trung bình, mỗi quỹ đầu tư khoảng gần 300 triệu USD vào thị trường crypto.

Mục tiêu chính của những quỹ mới hình thành là thúc đẩy sự phát triển của toàn thị trường crypto thông qua việc đầu tư vào các dự án startup thuộc lĩnh vực hoạt động của quỹ. Mỗi quỹ sở hữu một đội ngũ đứng đầu và vận hành có quy mô từ một người đến hàng chục ngườii. Do đó, chiến lược đầu tư của mỗi quỹ sẽ không giống nhau.

Từ đầu năm đến nay, quỹ nào đầu tư tích cực nhất?

Thị trường crypto hiện có khoảng trên 3,000 quỹ đầu tư nằm ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Giống như việc tạo ra một token, việc thành lập một quỹ đầu tư khá đơn giản. Chỉ cần một số vốn, tên quỹ và một logo “xịn” là người ta có thể tạo ra một VC. Xét dưới góc độ nhà đầu tư, chúng ta thường quan tâm đến các VC có uy tín và quan sát những thương vụ họ tham gia.

Hãy cùng tìm hiểu xem những venture capital hoạt động tích cực từ đầu năm 2022.

Animoca Brands Coinbase Ventures là hai quỹ hoạt động tích cực nhất từ đầu năm đến nay,  họ đã tham gia đầu tư vào hơn 100 vòng gọi vốn. Ngoài việc đầu tư vào nhiều dự án,  hai VC này cũng tham gia đầu tư các  thương vụ nhỏ. Thương vụ nhỏ nhất mà Animoca Brands tham gia đầu tư có giá trị  100,000 USD,  Coinbase Ventures là 1 triệu USD.  Có lẽ hai VC này đang sử dụng chiến lược “rải tiền” để củng cố sức ảnh hưởng của mình trong thị trường. 

Nếu tính tổng giá trị của các thương vụ đầu tư, quỹ Paradigm a16z đang đứng đầu. Từ đầu năm đến nay, hai quỹ này tham gia lần lượt 31 và 54 thương vụ với tổng giá trị gọi vốn của các vòng đều hơn 4 tỷ USD. Paradigm và a16z có xu hướng tham gia những thương vụ gọi vốn lớn.

Mặc dù chưa hết năm 2022 nhưng thị trường gọi vốn đã xuất hiện những VC nổi bật về số lượng cũng như số tiền tham gia đầu tư.

Bên cạnh việc theo dõi các thương vụ gọi vốn, chúng ta cũng nên theo dõi các quỹ đầu tư để theo dấu bước chân họ. Việc chọn lọc được những quỹ đầu tư chất lượng sẽ giúp ích nhiều cho quá trình đầu tư của mỗi người.

Tìm hiểu thêm: Phân tích báo cáo quỹ a16z

Phân tích các mảng được đầu tư trong Q3/2022

Có thể chia các dự án gọi vốn thành công vào 5 nhóm chính sau:

  • Web3: Các dự án nhóm data (dữ liệu), identity (danh tính), gaming…
  • DeFi: Các dự án mảng DeFi như DEX, Lending/Borrowing…
  • Infrastructure: Các dự án nền tảng như blockchain…
  • CeFi: Các dự án thuộc nhóm CEX, công ty cung cấp dịch vụ…
  • NFTs: Bao gồm các dự án thuộc mảng NFT như các bộ sưu tập NFT.

Có thể thấy, các dự án thuộc mảng Web3 được các VC chú ý mạnh mẽ. Đặc biệt, giữa năm 2022, mỗi tháng lại có khoảng gần 100 dự án Web3 gọi vốn thành công. Trong khi đó, với 4 nhóm còn lại (DeFi, Infrastructure, CeFi, NFTs), số dự án gọi vốn thành công trong mỗi tháng thuộc  có xu hướng giảm dần.

Kết thúc tháng 9, số dự án Web3 và Infrastructure gọi vốn thành công lần lượt là 34 và 28. Trong khi đó, số dự án gọi vốn thành công ở nhóm DeFi là 15, CeFi là 8, NFTs là 12. Có thể thấy, xu hướng đầu tư của các VC thay đổi theo diễn biến xấu của thị trường. Mảng Web3 và Infrastructure được đầu tư nhiều hơn những dự án thuộc mảng DeFi, CeFi và NFTs.

Khi thị trường đi vào xu hướng giảm, số lượng các khoản đầu tư của các VC cũng giảm đi. Họ phải tái cơ cấu quỹ để tập trung vào các dự án tiềm năng về lâu dài khi thị trường hồi phục trở lại. Hơn nữa, các dự án rủi ro cao thuộc nhóm NFTs hoặc DeFi sẽ được các quỹ cân nhắc kỹ lưỡng  trước khi “xuống tiền” đầu tư.

Riêng trong quý 3, có tất cả 377 dự án gọi vốn thành công với tổng giá trị gọi vốn hơn 5 tỷ USD. Nếu chia các vòng gọi vốn thành các nhóm bao gồm Web3, DeFi, Infrastructure, CeFi và NFTs, mảng Web3 và Infrastructure có số lượng gọi vốn thành công cao  nhất.

Trong khi đó, các dự án nhóm DeFi, CeFi và NFTs đều gọi vốn thành công với tổng số tiền rơi vào khoảng 500 triệu USD hoặc thấp hơn. Có thể thấy, xu hướng đầu tư trong quý 3 của các quỹ chủ yếu tập trung vào mảng Web3 và Infrastructure.

Web3 thu hút dòng tiền đầu tư

Trong quý 3, số lượng dự án thuộc nhóm Web3 gọi vốn thành công với tổng số tiền gọi vốn áp đảo các nhóm còn lại - khoảng 168 vòng gọi vốn với tổng giá trị khoảng 1.8 tỷ USD. Web3 là một nhóm rộng bao gồm nhiều nhóm nhỏ hơn bao gồm data, identity, wallet, gaming, infrastructure, metaverse…

Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về nhóm Web3 với các nhóm tập hợp các dự án kể trên. Có những nhóm nhỏ khác cũng thuộc Web3 nhưng chỉ có 1 - 2 dự án gọi vốn thành công nên sẽ không được  phân tích trong bài viết này.

Nhóm infrastructure trong web3 có khoảng 16 vòng gọi vốn thành công, vòng cao nhất là 100 triệu USD. Nhóm này chủ yếu bao gồm các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, cho phép xây dựng hoặc cung cấp dịch vụ cho các bên thứ ba. Một số dự án nổi bật như:

  • Thirdweb: Nền tảng cho phép xây dựng dApp, gọi vốn thành công 24 triệu USD vòng Series A từ quỹ Haun Ventures, Coinbase Ventures, Shopify…
  • Safe: Nền tảng quản lý tài sản Web3, gọi vốn 100 triệu USD vòng chiến lược (Strategic) từ các quỹ nổi bật như 1kx, A&T Capital, Digital Currency Group, ParaFi Capital, Coinbase Ventures…

Trong quý 3/2022, nhóm gaming trong web3 có khoảng 84 dự án gọi vốn thành công với tổng số tiền gọi vốn lên đến gần 600 triệu USD. Có thể thấy, các dự án liên quan tới mảng Gaming được các VC quan tâm đầu tư mạnh.

Trong bối cảnh thị trường đã tồn tại những dự án gaming nổi bật như Axie Infinity hoặc The Sandbox từng có vốn hóa vài tỷ tới chục tỷ USD, việc trong tương lai xuất hiện một hay nhiều dự án gaming có mức vốn hóa tương tự là điều có thể xảy ra.

Các dự án mảng Gaming có thể là play-to-earn game, nền tảng gaming hay các đơn vị làm game. Họ gọi vốn từ nhà đầu tư để  hiện thực hóa các ý tưởng có cơ hội phát triển trong tương lai.

Có thể kể tên những dự án gọi vốn nổi bật trong quý 3/2022 như sau:

  • Vegas One, nền tảng web3 casino, gọi vốn thành công 50 triệu USD vòng hạt giống vào tháng 7, được các công ty từ Mỹ và Trung Quốc đầu tư.
  • Animoca Brands, quỹ đầu tư và đồng thời là đơn vị kết nối mảng gaming với web3, gọi vốn thành công khoảng 75 triệu USD từ các nhà đầu tư như Liberty City Ventures, 10T Fund… Animoca Brands là  đơn vị nổi tiếng chuyên đầu tư vào mảng gaming trong thị trường crypto. Ngoài ra, họ cũng thành lập một đơn vị có trụ sở tại Nhật Bản tên là Animoca Brands KK. Công ty con này đã gọi vốn thành công 45 triệu USD để phát triển gaming và NFTs tại Nhật Bản.
  • Gunzilla Games, một studio phát triển game, gọi vốn thành công 46 triệu USD từ các quỹ đầu tư nổi tiếng như Republic Labs, Animoca Brands, Jump Crypto… Đơn vị này dự kiến phát hành game Off The Grid (OTG) với phong cách cyberpunk (khoa học viễn tưởng) và có lối chơi battle royale (chiến đấu sinh tồn). Game dự kiến phát hành vào cuối năm 2023.

Nhóm metaverse trong web3 có khoảng 15 dự án gọi vốn thành công với tổng giá trị khoảng 200 triệu USD. Xu hướng metaverse nổi lên từ giai đoạn cuối năm 2021 và hiện tại những dự án thuộc mảng này vẫn tiếp tục gọi vốn thành công. Cùng điểm qua 10 dự án metaverse gọi vốn nổi bật trong tuần qua.

Nhóm identity trong web3 có 8 dự án gọi vốn thành công, với tổng số tiền gần 100 triệu USD. Người tham gia web3 có thể tạo identity (danh tính) đại diện cho chính bản thân mình. Từ đó, các ứng dụng khác như tín dụng, metaverse hoặc social… sẽ có thể tích hợp với identity nhằm thúc đẩy môi trường web3.

Đặc biệt, trong quý 3, Binance Labs công bố đầu tư vào SPACE ID, dự án làm tên miền .bnb cho mạng BNB và đã mở cho người dùng mint một số tên miền. Mặc dù số tiền gọi vốn không được công bố, SPACE ID được cộng đồng crypto kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho mảng identity trong thời gian tới.

Ngoài ra, dự án Unstoppable Domains gọi vốn thành công 65 triệu USD vòng Series A với sự tham gia của Pantera Capital, Alchemy, Spartan Group, OKX, Polygon, Coingecko Ventures… Có thể  thấy sau khi ra mắt một thời gian, các dự án identity khác đang bắt đầu có những bước đi tiếp theo.

Nhóm data trong web3 có 10 dự án gọi vốn với tổng số tiền khoảng 120 triệu USD. Đây là nhóm dự án  làm về mảng dịch vụ data, chuyên thu thập và cung cấp dữ liệu cho các tổ chức khác hoặc cho người dùng.

Có thể kể tới các dự án mảng data gọi vốn sau:

  • Messari, công ty cung cấp dữ liệu và báo cáo, gọi vốn thành công 35 triệu USD vòng Series B. Với số vốn gọi được cao nhất nhóm, công ty  dự định tuyển thêm nhân viên và phát triển các sản phẩm khác nhằm phục vụ nhu cầu người dùng.
  • Space and Time, dự án phi tập trung hóa dữ liệu web3, gọi vốn thành công 10 triệu USD vòng hạt giống và 20 triệu USD vòng chiến lược, với sự góp mặt của Digital Currency Group, Hashkey Capital, IOSG Ventures…
  • Bitquery gọi vốn 8.5 triệu USD vòng hạt giống với sự tham gia của Binance Labs.
  • Kwil gọi vốn 9.6 triệu USD với sự tham gia của hai quỹ lớn gồm FTX và Digital Currency Group.

Ít xuất hiện các dự án DeFi gọi vốn “khủng”

Trong quý 3, có khoảng 53 dự án nhóm DeFi gọi vốn thành công với tổng giá trị gọi vốn khoảng 580 triệu USD. Tính trung bình, mỗi dự án  gọi được khoảng 11 triệu USD. Nếu so sánh với nhóm web3 hoặc infrastructure, có thể thấy dòng tiền do các quỹ đầu tư vào nhóm DeFi ngày càng ít.

Tiếp theo, chúng ta sẽ phân tích những nhóm nhỏ thuộc DeFi như yield, lending/borrowing, DEX, derivatives và bridge.

Nhóm yield có hoạt động nổi bật nhất với 12 dự án gọi vốn thành công. Tuy nhiên, 11/12 dự án nhóm này gọi vốn vòng pre-seed, seed và strategic với số tiền dưới 7 triệu USD, trong khi đó chỉ có duy nhất  dự án Meow gọi thành công 22 triệu USD vòng Series A với sự tham gia của Tiger Global Management và FTX. 

Nhóm lending/borrowing có 9 dự án gọi vốn thành công với số vốn gọi được từ 2.4 - 23 triệu USD. Giống như nhóm yield, trong quý 3, nhóm lending/borrowing chỉ có một dự án gọi vốn vòng Series A, còn lại là các dự án gọi vốn vòng seed và strategic. 

Nhóm DEX có 5 dự án gọi vốn thành công với tổng số tiền gọi vốn gần 50 triệu USD. Dự án Krypton gọi 7 triệu USD vòng seed với sự tham gia của Framework Ventures, Hashkey Capital, MEXC Exchange, SamsungNext…

Trong khi đó, dự án Hashflow, DEX với zero slippage và MEV protection, gọi vốn thành công 25 triệu USD vòng Series A với sự tham gia của các quỹ đầu tư nổi tiếng như Electric Capital, Dragonfly Capital, Jump Crypto, Coinbase Ventures…

Nhóm derivatives có 5 dự án gọi vốn, 4 trong số đó gọi vòng seed và dự án còn lại gọi vòng strategic. Có thể thấy, các VC tiếp tục đầu tư vào mảng derivatives trong thị trường crypto thông qua những vòng gọi vốn hạt giống/chiến lược. Tuy nhiên, việc các dự án mảng derivatives không xuất hiện ở vòng sau hạt giống như Series A, B… cho thấy không nhiều dự án thuộc mảng này có thể tiếp tục phát triển trong tương lai.

Đặc biệt trong quý 3 này, công ty StarkWare, đơn vị đứng sau StarkNet và StarkEx, đầu tư vào hai dự án derivatives là GammaX và ZKX. Hai dự án này lần lượt gọi được 4 triệu USD và 4.5 triệu USD vòng seed - số tiền không quá chênh lệch. Tuy nhiên, dự án ZKX được nhiều VC  nổi bật hỗ trợ như Alameda Research, Amber Group và các VC thuộc sàn như Crypto.com, Huobi Capital, Gate.io… 

Nhóm bridge có 3 dự án gọi vốn trong quý 3, với tổng giá trị khoảng 7 triệu USD. 3 dự án này bao gồm: zeroDAO gọi vòng hạt giống, LI.FI gọi vòng chiến lược, Silta Finance gọi vòng trước hạt giống. 

Điều này cho thấy các dự án gọi vốn này đang ở giai đoạn đầu và sản phẩm đã ra mắt thị trường một thời gian. Đặc biệt trong bối cảnh gần đây có nhiều vụ hack liên quan tới bridge càng khiến các dự án thuộc mảng này thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư.

Nhiều dự án blockchain gọi vốn nổi bật trong nhóm infrastructure

Trong quý 3, nhóm infrastructure được các VC đầu tư mạnh, chỉ sau nhóm web3. Nhóm này có hơn 70 vòng gọi vốn thành công với tổng số tiền gần 1.7 tỷ USD, trung bình mỗi dự án gọi được 23 triệu USD. 

Nhóm infrastructure có nhiều thương vụ “khủng” và được các VC tích cực đầu tư bởi vì đây là nhóm tạo nền móng cho thị trường crypto với các dự án blockchain nền tảng. Chính vì vậy, ngay cả trong thời điểm thị trường diễn biến phức tạp, khoảng 13 dự án blockchain vẫn gọi vốn thành công trong quý 3.

  • Blockchain Aptos đang phát triển nhanh trong quý 3 khi thành công liên tiếp ở hai vòng gọi vốn seed và strategic, họ chỉ có công bố số tiền gọi được trong vòng seed là 150 triệu USD. Dự án được các VC nổi bật đầu tư như Dragonfly Capital, FTX, Jump Crypto, A16z… 
  • Mysten Labs, đơn vị đứng sau blockchain Sui, gọi vốn thành công 300 triệu USD vòng Series B, được đầu tư bởi FTX, Jump Crypto, Binance Labs, Coinbase Ventures, a16z… Đây là một trong những dự án hiếm hoi được cả Binance Labs và Coinbase Ventures đầu tư.
  • Fuel Labs, đang xây dựng một lớp thực thi (execution layer), gọi vốn 80 triệu USD với sự tham gia của Alameda Research, CoinFund, Spartan Group…
  • Sei Labs, xây dựng blockchain trên Cosmos, gọi vốn 5 triệu USD vòng hạt giống với sự tham gia của Flow Traders, Multicoin Capital, Coinbase Ventures… 

Có 13 dự án gọi vốn thành công 14 vòng với tổng trị giá gần 900 triệu USD (có 2 vòng gọi vốn không công bố số tiền). Trong quý 3, trung bình mỗi vòng  các dự án blockchain gọi được số tiền khoảng 65 triệu USD. Nếu so sánh với dự án thuộc các mảng khác, các dự án làm blockchain đang được các quỹ đầu tư chú ý mạnh mẽ - thể hiện qua dòng tiền đầu tư.

Có 6/14 vòng gọi vốn không tiết lộ tên của vòng gọi vốn. Từ góc độ người dùng, điều này khiến chúng ta hầu như không thể biết dự án đang gọi vốn tới vòng nào, chỉ biết số tiền gọi vốn thành công là bao nhiêu. Vì vậy, các quyết định đầu tư của người dùng có thể  gặp nhiều chướng ngại.

CeFi ít được chú ý 

Có khoảng 39 dự án thuộc nhóm CeFi gọi vốn thành công với tổng số tiền khoảng gần 400 triệu USD, thấp nhất trong các nhóm. Tuy nhiên, nhóm này vẫn có những điểm nổi bật riêng.

Dụ án có vòng gọi vốn cao nhất là Hidden Road, dự án chuyên mảng tín dụng cho các nhà đầu tư tổ chức. Vào tháng 7, dự án đã gọi thành công 50 triệu USD vòng Series A. Con số này không quá cao khi so sánh với dự án của các nhóm khác với số tiền gọi vốn  thành công lên đến hàng trăm triệu USD.

Có 12 dự án gọi vòng hạt giống và 12 dự án gọi vòng Series A. Có thể thấy, các VC đầu tư vào mảng CeFi đang chuyển dần qua đầu tư các dự án thành công vòng hạt giống có mô hình hoạt động ổn định. Việc được cấp vốn tại vòng Series A hoặc những vòng sau hứa hẹn tương lai rộng mở cho các dự án.

Có 3 dự án thuộc sàn tập trung gọi vốn, bao gồm:

  • Reku gọi 11 triệu USD vòng Series A với sự tham gia của Coinbase Ventures.
  • KuCoin vào tháng 7 gọi 10 triệu USD vòng chiến lược, dẫn đầu bởi Susquehanna International Group.
  • COINZIX vào tháng 7 gọi 300,000 USD vòng hạt giống, dẫn đầu bởi Legion Ventures.
  • Binance và FTX đã gọi vốn vào nửa đầu năm 2022, do đó, qua quý 3 chúng ta có thể sẽ không thấy các CEX đứng đầu này gọi thêm vốn. 

Có thể thấy, trong thị trường crypto, mảng CeFi vẫn thu hút được dòng tiền từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng không nhiều như các nhóm dự án khác.

Các bộ sưu tập NFT gọi vốn hàng chục triệu USD

Trong quý 3, nhóm NFT có khoảng 45 dự án gọi vốn thành công, với tổng số tiền hơn 500 triệu USD. Nhóm NFT, CeFi và DeFi không thu hút được dòng tiền đầu tư lớn từ các quỹ như nhóm web3 và infrastructure. Tuy nhiên, trong nhóm này vẫn xuất hiện những dự án gọi vốn nổi bật.

Dự án Limit Break gọi vốn thành công 200 triệu USD, chiếm gần một nửa tổng giá trị số vốn gọi thành công trong quý 3. Vì dự án có số tiền gọi vốn lớn và đang ở giai đoạn đầu nên có nhiều VC tham gia như Paradigm, FTX, Coinbase Ventures… Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều thông tin về dự án được tiết lộ.

  • NFT Collectibles (bộ sưu tập NFT) luôn là chủ đề được quan tâm nhiều trong thị trường NFT. Riêng trong quý 3, có 3 dự án NFT Collectibles gọi vốn thành công, bao gồm:
  • Doodles được các quỹ Seven Seven Six (do người đồng sáng lập Reddit thành lập), FTX, Acrew Capital và 10T Fund đầu tư 54 triệu USD.
  • VeeFriends gọi vốn thành công 50 triệu USD vòng hạt giống, do a16z dẫn đầu.
  • NFT Genius gọi vốn 10.5 triệu USD vòng Series A với sự tham gia của Dapper Labs, Spartan Group…

Có thể thấy, trong quý 3, các bộ sưu tập NFT đang gọi được số vốn khủng từ các VC. Với số tiền gọi được này, các dự án NFT sẽ tập trung  phát triển sản phẩm xoay quanh những bộ sưu tập NFT đang có.

Nhận xét xu hướng đầu tư và dự đoán

Nhận xét tổng quan thị trường gọi vốn:

  • Qua các năm, thị trường gọi vốn đang trong xu hướng tăng về số lượng và tổng số tiền gọi vốn. Mặc dù chưa hết năm nhưng thị trường gọi vốn năm nay đang sôi động hơn năm ngoái.
  • Trong năm 2022, số lượng dự án và tổng số tiền gọi vốn tương quan với xu hướng giảm của thị trường crypto. Số lượng vòng gọi vốn và tổng giá trị số tiền gọi được giảm dần theo từng tháng.
  • Thị trường đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khi dòng tiền đầu tư vào các dự án gọi vòng sau hạt giống (Series A, B…) ngày càng nhiều so với dự án gọi vốn vòng hạt giống.
  • Xét về số lượng dự án tham gia, thị trường gọi vốn crypto năm 2022 có nhiều VC nổi bật như Animoca Brands, Coinbase , còn nếu xét về tổng giá trị các vòng đầu tư t, chúng ta có Paradigm và a16z.
  • Thị trường gọi vốn quý 3/2022 tập trung nhiều vào mảng web3 (gaming, identity, data… và mảng infrastructure (các blockchain). Trong khi đó, mảng DeFi, CeFi và NFTs không thu hút được nhiều dòng tiền từ VC.

Nhìn chung, khi so sánh với những dữ liệu gọi vốn trong quá khứ, có thể thấy thị trường gọi vốn đang ngày càng hoạt động sôi nổi hơn. Dòng tiền của các quỹ đầu tư thường đi trước và tạo ra xu hướng trong tương lai. 

Thị trường crypto năm 2022 đang trong xu hướng giảm nhưng dữ liệu gọi vốn đang cho thấy những tín hiệu tích cực cho sự phát triển về dài hạn.

Tìm hiểu thêm: Báo cáo thị trường gọi vốn crypto nửa đầu năm 2022

Tổng kết 

Bài viết đã đưa ra những thống kê và phân tích thị trường gọi vốn crypto trong giai đoạn qua. Số lượng dự án gọi vốn và giá trị gọi vốn tăng dần theo thời gian sẽ tạo ra nhiều động lực cho các nhà xây dựng crypto tiếp tục hành trình của mình. 

Xu hướng đầu tư của các VC cho thấy họ đang sở hữu cả nguồn lực về vốn lẫn sự ủng hộ trong thời gian thị trường bước vào giai đoạn nhiều khó khăn. Những VC và dự án gọi vốn nổi bật có thể sẽ là những cái tên chúng ta cần quan sát trong tương lai.

Đọc thêm:  Mặc Thị Trường Đỏ Lửa, Các DEX Vẫn Tung Hoành Trên Thị Trường Gọi Vốn

RELEVANT SERIES