Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Phân tích cơ hội đầu tư UNI 2025: Hợp lực từ Uniswap, Unichain & UniswapX

Bài viết này sẽ tập trung phân tích giá trị token UNI thông qua tình hình hoạt động của Uniswap giai đoạn 2024-2025 để dự đoán hướng đi trong tương lai.
Published 2 days ago
Updated 2 days ago
29 min read
token uni

Kể từ khi thành lập vào năm 2017, Uniswap đã giữ vững vai trò tiên phong trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi), không chỉ với tư cách là giao thức tạo lập thị trường phi tập trung (AMM) lớn nhất trên Ethereum mà còn là đơn vị phát triển hạ tầng cốt lõi cho toàn bộ hệ sinh thái DeFi.

Đặc biệt, thông qua mô hình token quản trị UNI, Uniswap đã tạo ra cơ chế phân bổ giá trị bền vững cho cộng đồng người dùng và các nhà đầu tư nắm giữ token.

Bước vào giai đoạn 2024 - 2025 hiện nay, ngành blockchain bước vào một chu kỳ đổi mới mạnh mẽ chưa từng có, nơi mà các giao thức không còn chỉ cạnh tranh về sản phẩm, mà còn cạnh tranh về hạ tầng và trải nghiệm người dùng.

Ba xu hướng chính đang tái định hình DeFi

Sự trỗi dậy của stablecoin phi tập trung: Stablecoin thế hệ mới như USDe (Ethena), USDS (MakerDAO), USDY (Ondo Finance) trở thành xương sống của thanh khoản DeFi, thay thế dần vai trò của USDT và USDC trong các giao thức lending, AMM và derivatives.

Làn sóng cross-chain và lớp thanh khoản phân tán (DLL): Thị trường đang dịch chuyển mạnh mẽ sang mô hình DEX không cần cầu nối (bridge-less) và các lớp thanh khoản toàn cầu, phá vỡ giới hạn về chain.

Modular blockchain và App-specific chain: Các ứng dụng DeFi lớn từ bỏ việc phụ thuộc vào Ethereum hoặc L2 phổ thông để xây dựng blockchain riêng, thông qua các framework như OP Stack (Optimism), Polygon CDK hay Arbitrum Orbit, nhằm kiểm soát tốt hơn chi phí, UX và hiệu suất.

Trong gần một thập kỷ dẫn dắt ngành DeFi, Uniswap đã chứng kiến sự thay đổi liên tục của thị trường, từ làn sóng DeFi Summer 2020, sự trỗi dậy của các AMM thế hệ mới, đến sự xuất hiện của các blockchain Layer 2 và các mô hình cross-chain không cần cầu nối. Tuy nhiên, chính sự thay đổi này cũng đặt Uniswap trước những thách thức chưa từng có.

Nếu như trong giai đoạn đầu, Uniswap chỉ cần tập trung vào tối ưu hóa sản phẩm cốt lõi - một giao thức AMM đơn giản trên Ethereum thì bước sang năm 2024, điều đó không còn đủ nữa. Bản chất của ngành đã thay đổi:

  • Chi phí giao dịch thấp trở thành tiêu chuẩn, không còn là lợi thế.
  • Người dùng đòi hỏi trải nghiệm đa chuỗi (multi-chain), với tốc độ cao và tối ưu chi phí.
  • Nhà phát triển yêu cầu một kiến trúc linh hoạt, có thể tùy chỉnh logic giao dịch thay vì bị giới hạn trong mô hình AMM truyền thống.

Để duy trì vị thế cạnh tranh, Uniswap buộc phải tự nâng cấp chính bản thân, không phải dưới dạng một giao thức đơn lẻ, mà là một tổ hợp sản phẩm và hạ tầng toàn diện, giải quyết đồng thời ba vấn đề cốt lõi: tính thanh khoản, khả năng mở rộng, và khả năng tùy biến.

Chính vì thế nên chỉ trong 2 năm vừa qua, Uniswap Foundation đã tung ra một loạt những bước đi mang tính đột phá nhằm tiếp tục củng cố thêm vị thế của bản thân như là 1 giao thức DeFi hàng đầu trong thị trường, mở rộng thêm nguồn thu từ mô hình kinh doanh cũng như mang lại thêm doanh thu trực tiếp cho những người tin tưởng vào tầm nhìn của Uniswap như UNI holder/staker. Trong đó tất nhiên phải kể đến:

Sự chuyển mình này không chỉ giúp Uniswap duy trì sức cạnh tranh trong kỷ nguyên Layer 2 và cross-chain, mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng doanh thu bền vững cả từ sản phẩm (Uniswap v4, Hooks, UniswapX) và từ hạ tầng vận hành (Unichain).

Vậy thì những động thái này có ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đến những nhà đầu tư tin tưởng vào tầm nhìn chiến lược của Uniswap?

Tình hình Unichain đang ra sao?

Layer 2 Unichain a mắt vào tháng 2/2025, Unichain sử dụng công nghệ OP Stack, một phần của hệ sinh thái Superchain, để cung cấp giao dịch nhanh với thời gian khối ban đầu là 1 giây, dự kiến giảm xuống 250 mili giây.

Mạng lưới này được thiết kế để trở thành trung tâm cho DeFi và thanh khoản chéo chuỗi, với sự hỗ trợ từ các dự án lớn như Circle, Coinbase, Lido và Morpho.

  • Giai đoạn 2024: Unichain bắt đầu với testnet vào tháng 10/2024, xử lý 50 triệu giao dịch và triển khai 4 triệu hợp đồng thông minh, đạt uptime trên 99%.
  • Giai đoạn 2025: Sau khi ra mắt mainnet vào tháng 2/2025, Unichain nhanh chóng tăng trưởng nhờ các chương trình incentives để phát triển hệ sinh thái.

Đọc thêm: TVL Unichain tăng trưởng 50,000%: Vốn từ tay trái chuyển qua tay phải?

Unichain tạo ra doanh thu chủ yếu từ phí giao dịch, bao gồm phí cơ bản, phí ưu tiên và giá trị khai thác tối đa (MEV). Một phần doanh thu được sử dụng để chi trả chi phí đăng dữ liệu lên Ethereum (L1), và phần còn lại (doanh thu ròng) được phân phối cho những validator đóng góp vào việc vận hành Unichain và những người stake token UNI.

Cụ thể, 65% doanh thu ròng được sẽ phân bổ cho staker, vào thời điểm ra mắt Unichain ước tính sẽ mang lại doanh thu hàng năm cho các UNI staker con số từ 16 đến 33 triệu USD, dựa trên khối lượng giao dịch và so sánh với các mạng L2 khác như Base.

Vậy thì 5 tháng kể từ sau khi Unichain chính thức mainnet, các số liệu thực tế có đang phản ánh đúng với dự phóng ban đầu từ phía Uniswap?

Vấn đề hiện tại của Unichain là gì?

Bất chấp việc nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các đối tác chiến lược như Circle, Coinbase, Lido và Morpho, Unichain đang phải đối mặt với một thực tế đáng quan ngại: tốc độ tăng trưởng người dùng thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng.

Kể từ khi ra mắt mainnet, số người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) chỉ duy trì ở mức khoảng 30.000, với lượng người dùng mới trung bình chỉ khoảng 2.000 mỗi ngày.

Những con số này cho thấy mức độ tiếp cận và thâm nhập thị trường của Unichain hiện vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt khi so sánh với kỳ vọng ban đầu của cộng đồng và chính Uniswap Labs.

unichain user
Số lượng người dùng Unichain giảm mạnh. Source: Dune.

Trong khi đó đối với Base, Layer 2 được vận hành bởi Coinbase, đang thể hiện một khoảng cách vượt trội về gần như mọi chỉ số tăng trưởng. Base duy trì trung bình từ 1,6 đến 2 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày, thu hút hơn 100.000 người dùng mỗi ngày, sở hữu hệ sinh thái với hơn 400 dự án đang phát triển và đạt mức lợi nhuận ròng lên tới 125 triệu USD mỗi năm, tương đương khoảng 130.000 USD lợi nhuận hàng tuần chỉ từ phí giao dịch.

người dùng base layer 2
Số lượng người dùng active trên Base giữ vững phong độ.

Đáng chú ý, Base không chỉ dẫn đầu về quy mô người dùng mà còn thiết lập được một mô hình lợi nhuận bền vững, dựa trên sự tích hợp chặt chẽ với hệ sinh thái CeFi của Coinbase và khả năng chuyển đổi người dùng tập trung sang on-chain.

doanh thu layer 2 base
Base tạo ra doanh thu và lợi nhuận đáng kể. Source: Dune @jhackworth.

Ngược lại, Unichain hiện tại chỉ đang tạo ra doanh thu dao động ở mức 2-3 ETH mỗi ngày, tương đương khoảng 10.000 USD – một con số quá nhỏ bé khi so sánh với Base hoặc các Layer 2 top đầu khác như Arbitrum hay Optimism.

Kết quả này dẫn tới hệ quả trực tiếp là doanh thu được chia sẻ lại cho các staker UNI và validator của Unichain vẫn đang ở mức cực kỳ hạn chế, chưa đủ để tạo ra một dòng giá trị hấp dẫn cho những nhà đầu tư tin tưởng vào mô hình revenue-sharing của Uniswap.

phí giao dịch unichain
Phí giao dịch tạo ra trên Unichain còn rất thấp. Source: Dune - Uniswap Foundation.

Điều đáng nói là sự chênh lệch không chỉ nằm ở các chỉ số tài chính mà còn phản ánh rõ trong chiến lược tăng trưởng. Trong khi Base tận dụng tối đa nguồn người dùng khổng lồ từ Coinbase để tạo lực kéo mạnh mẽ cho hệ sinh thái on-chain của mình, thì Unichain, với mô hình “DeFi infra for DeFi”, lại đang phụ thuộc quá nhiều vào cộng đồng DeFi vốn dĩ đang dần bão hòa và có tốc độ tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với dòng user retail đến từ Web2 hoặc CeFi.

Thực tế này đặt ra một câu hỏi lớn cho nhà đầu tư: Liệu chiến lược xây dựng Unichain như một lớp hạ tầng trung tâm cho DeFi có đủ sức hấp dẫn và đủ nhanh để bắt kịp cuộc đua, trong bối cảnh mà đối thủ Base đang chiếm lĩnh thị phần thông qua chiến lược mass adoption, tận dụng hiệu quả cầu nối giữa thế giới tài chính tập trung và phi tập trung?

Nếu không có những điều chỉnh quyết liệt về sản phẩm, trải nghiệm người dùng và chiến lược thu hút builder, Unichain rất có thể sẽ đối mặt với rủi ro trở thành một Layer 2 mang tính phụ trợ cho hệ sinh thái Uniswap, thay vì một trung tâm thanh khoản DeFi đúng nghĩa như tầm nhìn ban đầu.

Tuy nhiên, vẫn cần nhìn nhận rằng bất chấp những thách thức về mặt tăng trưởng người dùng và doanh thu, Unichain đã đạt được một số thành tựu quan trọng về mặt hạ tầng thanh khoản.

Cụ thể, chỉ sau chưa đầy 5 tháng mainnet, Unichain đã chính thức vượt mốc 800 triệu USD TVL, trong đó hơn 50% đến từ stablecoin, cho thấy hệ sinh thái này đang dần trở thành một trung tâm thanh khoản ổn định dành cho các giao thức DeFi, đặc biệt là các ứng dụng xoay quanh stablecoin và các mô hình yield phi rủi ro.

Đây là một tín hiệu tích cực phản ánh niềm tin từ phía các tổ chức cung cấp thanh khoản và các giao thức DeFi lớn, bất chấp việc adoption từ người dùng retail chưa đạt như kỳ vọng.

Unichain tvl 800 triệu
TVL của Unichain tăng mạnh lên 800 triệu USD. Source: DefiLlama.

Uniswap v4 có phải là đợt nâng cấp hứa hẹn?

Kể từ lần ra mắt vào tháng 5 năm 2021, Uniswap v3 đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong ngành DeFi với cơ chế “concentrated liquidity”, cho phép các nhà cung cấp thanh khoản (LP) tập trung vốn vào những khoảng giá cụ thể thay vì trải đều toàn bộ dải giá như các phiên bản trước.

Cơ chế này ngay lập tức cải thiện hiệu suất sử dụng vốn một cách đáng kể và trở thành nền tảng giúp Uniswap v3 duy trì vị thế dẫn đầu thị trường trong suốt gần 4 năm qua.

Thực tế, Uniswap hiện đang xử lý khoảng 3,3 tỷ USD khối lượng giao dịch mỗi ngày, tương đương 23% thị phần DEX toàn cầu, dẫn đầu thị trường.

khối lượng giao dịch uniswap
Khối lượng giao dịch giữa các chain của Uniswap.

Con số này cũng được xác nhận bởi DeFiLlama với thống kê tương tự, cho thấy Uniswap giữ vững vị trí số 1 với khối lượng giao dịch xấp xỉ 3 tỷ USD/ngày, bỏ xa đối thủ gần nhất là PancakeSwap với 2,7 tỷ USD, chiếm 21% thị phần.

Tuy nhiên, bất chấp sự thống trị về khối lượng giao dịch, tổng giá trị khóa (TVL) của Uniswap hiện tại chỉ dao động quanh mức 5 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với đỉnh cao năm 2021.

Điều này phản ánh xu hướng chung của toàn bộ thị trường DeFi khi TVL toàn ngành vẫn đang ở mức tương đối thấp so với thời kỳ đỉnh cao, với ước tính dao động từ 124 đến 132 tỷ USD.

uniswap tvl
TVL của Uniswap kể từ khi ra đời đến nay.

Trong bối cảnh đó, Uniswap v4, chính thức công bố vào tháng 1 năm 2025, được kỳ vọng là bản nâng cấp mang tính bước ngoặt, không chỉ kế thừa thành công của v3 mà còn giúp Uniswap thích ứng nhanh hơn với sự thay đổi của thị trường và các yêu cầu ngày càng cao từ cộng đồng người dùng và các nhà phát triển.

Điểm nhấn lớn nhất của v4 chính là khả năng mở rộng và tùy biến hạ tầng, hướng tới mục tiêu định hướng Uniswap không còn đơn thuần là một AMM, mà trở thành một nền tảng hạ tầng thanh khoản toàn diện hay một “DeFi Liquidity Operating System”.

Tâm điểm của Uniswap v4 chính là cơ chế Hooks, một cơ chế cho phép nhúng các đoạn mã tùy chỉnh vào các điểm nhất định trong vòng đời của pool tại bất cứ thời điểm nào bao gồm từ lúc khởi tạo, khi LP thêm hoặc rút thanh khoản, cho tới trước hoặc sau mỗi lần swap diễn ra.

Hooks biến mỗi pool thanh khoản thành một mô-đun có khả năng lập trình cao, nơi các developer có thể xây dựng các cơ chế như phí giao dịch động, limit order, TWAP order hoặc thậm chí tái sử dụng phần out-of-range liquidity để triển khai vào các giao thức lending, từ đó tạo thêm nguồn lợi nhuận.

Đây là một bước tiến vượt bậc so với mô hình pool cứng nhắc của các phiên bản trước. Thống kê sau hơn 6 tháng kể từ khi ra mắt cho thấy đã có hơn 1.600 Hooks khác nhau được triển khai trên Uniswap v4, với tổng phí giao dịch tích lũy trên tất cả các chain đạt gần 30 triệu USD.

uniswap v4 hooks
Số lượng Hook được triển khai trên Uniswap v4.
phí swap uniswap v4
Phí swap đến từ Uniswap v4.

Bên cạnh Hooks, v4 còn đưa vào một thay đổi hạ tầng quan trọng là “The Singleton”. Nếu như ở các phiên bản trước, mỗi cặp giao dịch trên Uniswap phải deploy một smart contract riêng biệt, thì với Singleton, toàn bộ các pool sẽ được gom vào trong một smart contract duy nhất.

Cách tiếp cận này không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí gas, đặc biệt trong các giao dịch phức tạp có nhiều bước giao dịch khác nhau, mà còn giảm tới 99% chi phí triển khai pool mới, giúp các builder có thể tạo ra các cặp giao dịch mới với chi phí gần như bằng không.

Singleton còn tích hợp hệ thống “flash accounting”, cho phép chỉ chuyển khoản phần chênh lệch ròng sau khi giao dịch hoàn tất, thay vì di chuyển toàn bộ tài sản trong suốt quá trình swap như cách mà v3 đang hoạt động. Điều này góp phần cắt giảm đáng kể phí gas cho người dùng cuối.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Uniswap v4 có thực sự đạt được kỳ vọng trở thành đòn bẩy tăng trưởng mới cho hệ sinh thái Uniswap, giống như những gì v3 đã từng làm vào năm 2021 và họ sẽ thực sự mang lại giá trị thực tế cho những nhà đầu tư tin tưởng vào UNI hay không?

Khi quan sát các chỉ số vận hành thực tế, sau 6 tháng kể từ ngày ra mắt, Uniswap v4 hiện chỉ ghi nhận khối lượng giao dịch hàng ngày tương đương khoảng 35–50% so với Uniswap v3, cho thấy mức độ chấp nhận của thị trường vẫn còn khá hạn chế.

uniswap volume v3 v4
Khối lượng giao dịch Uniswap v3 và v4.

Về mặt thanh khoản, mặc dù TVL của v4 đã lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD, tương đương khoảng 20% tổng TVL của Uniswap, thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với TVL của v3, hiện đang duy trì ở mức 2,3 tỷ USD, chiếm gần 48% tổng TVL.

TVL của Uniswap v3 và Uniswap v4.
TVL của Uniswap v3 và Uniswap v4.

Bên cạnh các yếu tố về mặt thị trường, một số rào cản khiến Uniswap v4 chưa thể bứt phá có thể đến từ những lo ngại về rủi ro smart contract liên quan đến việc sử dụng Hooks, khi mà các đoạn code tùy chỉnh này tiềm ẩn khả năng xuất hiện bug hoặc bị khai thác nếu không được kiểm tra kỹ lưỡng.

Đồng thời, từ góc độ các builder, việc tiếp cận nguồn thanh khoản hiện hữu cũng trở nên thách thức hơn, bởi v4 và v3 về mặt hạ tầng là hai hệ sinh thái tách biệt, không chia sẻ trực tiếp thanh khoản. Thêm vào đó, trong bối cảnh thị trường chưa phục hồi mạnh mẽ, việc các nhà đầu tư và LP điều chỉnh chiến lược dòng vốn cũng là yếu tố khiến tốc độ tăng trưởng của v4 chưa đạt kỳ vọng.

Nhưng thông qua bản cập nhật v4 này, những nhà đầu tư nắm giữ UNI hoặc UNI staker sẽ được hưởng lợi trực tiếp nhờ vào việc mở rộng mô hình hoạt động kinh doanh của chính Uniswap.

Cho đến nay, Uniswap vẫn chỉ chủ yếu có doanh thu từ việc thu phí các giao dịch swap trong pool, nhưng các khoản phí này mặc định thuộc về nhà cung cấp thanh khoản (LP) thay vì giao thức hoặc token holder. Đề xuất chuyển hướng một phần doanh thu từ LP về treasury hoặc UNI staker đã được thảo luận từ năm 2023 nhưng chưa chính thức thực thi.

Với Uniswap v4, mô hình doanh thu của Uniswap có tiềm năng mở rộng thông qua ba động lực mới:

Hooks-as-a-Service: Hooks không chỉ là công cụ kỹ thuật mà còn có thể được thương mại hóa. Ví dụ, Uniswap Labs hoặc bên thứ ba có thể phát triển các Hooks cao cấp (ví dụ: TWAP engine, boosted yield, dynamic fees) và tính phí license hoặc phí sử dụng Hooks. Nếu cơ chế này thành tiêu chuẩn, nó có thể mở ra nguồn doanh thu mới hoàn toàn không phụ thuộc vào phí giao dịch truyền thống.

Giảm chi phí vận hành cho LP, qua đó trực tiếp kích thích tăng trưởng thanh khoản: Singleton và Flash Accounting giảm phí gas lên tới 99% cho pool mới và 15-20% cho giao dịch swap trung bình, từ đó kích thích nhiều LP mới gia nhập. TVL cao hơn dẫn đến spread thấp hơn, giúp tăng khối lượng giao dịch tổng thể, gián tiếp làm tăng doanh thu từ swap fee.

Cơ chế Fee Switch: Fee Switch (chia sẻ phí giao dịch về giao thức hoặc staker) nhiều khả năng sẽ được kích hoạt đồng bộ với sự phổ biến của v4. Với việc Hooks và Singleton gia tăng khả năng tùy biến và tiết kiệm chi phí, áp lực phản đối từ LP cũng sẽ thấp hơn nhiều so với v3.

  • Nếu Fee Switch được kích hoạt với mức 10–20% chia sẻ từ swap fee, dựa trên khối lượng giao dịch trung bình 3.3 tỷ USD/ngày, Uniswap có thể thu về từ 3 triệu USD đến 6 triệu USD phí giao dịch mỗi tháng (tương đương 36 triệu USD – 72 triệu USD mỗi năm) chỉ từ v3 và v4. Nếu v4 tiếp tục tăng trưởng và vượt qua v3, con số này có thể gấp đôi.
  • Với cơ chế phân bổ giống như nhiều L2 hiện nay (ví dụ như Base phân bổ 65% cho staker, 35% cho treasury), UNI staker có thể kỳ vọng thu nhập thực tế từ 23 triệu USD đến 47 triệu USD mỗi năm, chưa tính đến phần doanh thu đến từ Hooks hoặc các mô hình fee khác.
  • APY tiềm năng cho UNI staker dao động từ 5% - 10% tùy thuộc vào mức độ lock-up và tổng lượng UNI tham gia stake (ước tính khoảng 30–50% tổng cung lưu hành).

Nếu các chỉ số hoạt động, bao gồm khối lượng giao dịch, TVL, số lượng người dùng và đặc biệt là mức độ adoption của các Hooks trên Uniswap v4, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hoặc thậm chí cải thiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, thì điều này hoàn toàn có thể mở ra một bước chuyển hóa mang tính chiến lược đối với token UNI.

Cụ thể, token UNI nhiều khả năng sẽ không còn đơn thuần đóng vai trò là một token quản trị (Governance Token), nơi quyền lợi chủ yếu đến từ việc tham gia biểu quyết trong DAO, mà sẽ dần tiến hóa thành một token mang lại dòng tiền thực sự (Cash-flow Token) cho holder trong dài hạn.

UniswapX và xu hướng giao dịch theo ý định

Vì sao lại giao dịch theo ý định lại nhận được sự quan tâm?

Hãy tưởng tượng bạn là một nhà giao dịch DeFi, muốn đổi token A sang token B, nhưng thanh khoản bị phân mảnh trên nhiều chuỗi và giao thức, khiến bạn phải tự tìm đường thực thi tốt nhất, còn phải lo trả phí gas và đối mặt với nguy cơ bị front-running. Đó chính là thực tế mà nhiều người dùng DeFi từng trải qua.

Xu hướng giao dịch dựa trên ý định (intent-based trading) xuất hiện như một giải pháp, cho phép bạn chỉ cần ký "ý định" giao dịch, chẳng hạn như "tôi muốn đổi 100 USDC lấy ETH với giá tốt nhất," và hệ thống sẽ tự động tìm cách thực thi. Nghiên cứu cho thấy xu hướng này nổi lên do:

  • Phân mảnh thanh khoản: Với sự phát triển của layer-2 và AMM mới, thanh khoản bị chia nhỏ, khiến việc tìm giá tốt trở nên phức tạp.
  • Chi phí gas: UniswapX loại bỏ phí gas cho người dùng, để filler (bên thực thi) chi trả, giúp giảm rào cản tài chính.
  • Bảo vệ MEV: Giảm nguy cơ front-running thông qua private relays, bảo vệ người dùng khỏi các cuộc tấn công sandwich.
  • Trải nghiệm người dùng: Đơn giản hóa quy trình, làm DeFi dễ tiếp cận hơn, tương tự như giao dịch trên sàn tập trung (CEX).

Câu chuyện này không chỉ là về công nghệ, mà còn về việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng DeFi, với các giao thức như CowSwap và 1inch Fusion tiên phong, buộc Uniswap phải hành động để không bị tụt lại.

Không đứng ngoài cuộc chơi, tháng 7 năm 2023, Uniswap Labs chính thức ra mắt UniswapX – một kiến trúc giao dịch hoàn toàn mới, đặt nền móng cho việc Uniswap tham gia vào “cuộc cách mạng intents”.

Với UniswapX, người dùng không còn phải trả gas hay tìm đường khớp lệnh tối ưu. Thay vào đó, họ chỉ cần ký một "ý định" off-chain, và một mạng lưới solver (các đơn vị thực thi giao dịch) sẽ cạnh tranh để thực hiện lệnh đó với tỷ giá tốt nhất – từ bất kỳ nguồn thanh khoản nào (DEX, CEX, aggregator...). Solver nào làm tốt nhất sẽ được chọn để thực hiện giao dịch và nhận phần thưởng tương ứng.

UniswapX v1 ngay lập tức tạo được tiếng vang nhờ những đặc điểm nổi bật:

  • Không tốn gas cho người dùng, solver là bên chịu phí.
  • Giảm MEV nhờ lệnh được khớp off-chain rồi mới thực thi on-chain.
  • Giá tốt hơn do có sự cạnh tranh giữa các solver.
  • Trải nghiệm liền mạch, thân thiện với người dùng đại chúng.
mô hình uniswap v1
Mô hình UniswapX v1

Và chỉ hơn 1 năm sau đó, UniswapX nhận được bản nâng cấp đầu tiên: UniswapX v2, được thiết kế để tương thích và tận dụng triệt để sức mạnh của Uniswap v4 cùng với cấu trúc “Hooks”.

Nếu như v1 là bước đầu tiên để thực hiện intents-based swap, thì v2 là nơi những ý tưởng đó được nâng cấp lên cấp độ hạ tầng toàn diện.

Những điểm nổi bật của UniswapX v2

  • Tích hợp sâu với Hooks: Cho phép tùy biến logic giao dịch bằng các đoạn mã tùy chỉnh – ví dụ như kiểm tra KYC, giới hạn khối lượng, giảm MEV... tất cả có thể diễn ra ngay trong quá trình swap.
  • RFQ Pools (Request-for-Quote Pools): Giờ đây, các nhà tạo lập thị trường (LP) có thể tham gia vào các pool kiểu đấu giá, nơi họ cung cấp tỷ giá quote theo thời gian thực, cạnh tranh trực tiếp để fill intents. Điều này giúp tạo ra một thị trường thanh khoản hiệu quả hơn nhiều so với AMM truyền thống.
  • Giao dịch xuyên chuỗi (Cross-chain intents): UniswapX v2 không chỉ dừng lại ở Ethereum – nó được thiết kế để mở rộng ra nhiều chain khác thông qua các giải pháp bridge như Chainlink CCIP, LayerZero hay Wormhole. Người dùng có thể swap từ token trên chain A sang token trên chain B mà không cần thao tác phức tạp.
  • Đấu giá gas fee thông minh: Các solver có thể đưa ra mức giá đấu gas linh hoạt – người dùng không chỉ không cần trả gas, mà thậm chí còn có thể nhận lại một phần khoản rebate từ solver nếu thị trường cạnh tranh đủ cao.
mô hình uniswap v2
Mô hình UniswapX v2

Sự chuyển mình của Uniswap với UniswapX v2  không đơn thuần là một cập nhật kỹ thuật. Uniswap không còn chỉ là một sàn giao dịch phi tập trung dựa trên công thức AMM, mà đang dần trở thành nền tảng hạ tầng intents engine cho toàn bộ DeFi.

Trong thế giới đó:

  • Người dùng chỉ cần nói họ muốn gì.
  • Hạ tầng sẽ tự tìm cách tốt nhất để đạt được điều đó.
  • Solver, LP, CEX và DEX trở thành các “worker” cạnh tranh để thực hiện intents của người dùng.

UniswapX đang ở đâu trong cuộc đua?

Tính từ thời điểm chính thức đi vào hoạt động đến nay, UniswapX đã ghi nhận khối lượng giao dịch vượt mốc 22 tỉ USD, tương ứng với số phí giao dịch thu được lên tới 66 triệu USD (tương đương 0.3% phí được thu cho mỗi giao dịch thông qua UniswapX).

image
Khối lượng UniswapX. Source @flashbots Dune.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại UniswapX vẫn đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh thị phần DEX aggregator với CoWswap, Fusion (1Inch) và Paraswap khi UniswapX chỉ đang chiếm được 4.7% thị phần trong khi CoWswap vẫn đang dần đầu với 79% thị phần và ngay sau đó là Fusion của 1Inch với 15% thị phần.

image
Thị phần UniswapX so với đối thủ. Source @cowprotocol Dune.

Dù chỉ chiếm ~4.7% thị phần intents, con số 22 tỷ USD khối lượng giao dịch vẫn mang nhiều ý nghĩa:

  • Thứ nhất, đây là một bằng chứng cho thấy động lực sử dụng UniswapX là có thật, đặc biệt khi hệ sinh thái Uniswap vẫn là nơi người dùng truy cập nhiều nhất trong DeFi.
  • Thứ hai, khối lượng này tạo tiền đề cực kỳ quan trọng để UniswapX có thể kích hoạt fee switch cho $UNI trong tương lai – nếu governance thông qua.
  • Thứ ba, phần lớn volume của UniswapX đến từ việc tích hợp natively vào Uniswap interface, điều này cho thấy nếu được thúc đẩy đúng cách (ví dụ: bằng incentive, UI push, hoặc ưu đãi solver), thị phần của UniswapX có thể tăng tốc nhanh chóng.

UniswapX v2 được kỳ vọng sẽ là “câu trả lời chiến lược” của Uniswap trước áp lực cạnh tranh đang lớn dần:

  • Hooks sẽ mở ra thế giới tùy biến mà CoWswap và 1inch Fusion khó sao chép (do không kiểm soát AMM gốc).
  • RFQ Pools sẽ giúp UniswapX mời gọi LP chuyên nghiệp, từ đó cạnh tranh về tỷ giá và khối lượng lớn.
  • Cross-chain intents có thể là “vũ khí chiến lược” nếu UniswapX mở rộng hỗ trợ các chain Layer 2 phổ biến.

Mặc dù UniswapX vẫn đang đứng ở vị trí khiêm tốn trong bảng xếp hạng thị phần intent-based trading, nhưng nó không hề bị loại khỏi cuộc chơi. Trái lại, với khối lượng hơn 22 tỷ USD đạt được chỉ trong một năm, UniswapX chứng minh rằng: chỉ cần kết hợp đúng hạ tầng (v4 + Hooks) và đúng chiến lược mở rộng (RFQ + cross-chain), UniswapX hoàn toàn có thể chuyển từ “late mover” thành “category leader”.

Trong khi CoWswap thống trị với lợi thế tiên phong và middleware, và 1inch Fusion có sức mạnh RFQ cùng cơ sở người dùng lớn, thì UniswapX có thứ mà không ai khác có: một AMM cơ bản đang là số 1 thị trường, và một bộ công cụ hạ tầng (Hooks) mạnh chưa từng có trong DeFi.

$UNI là gì trong cấu trúc giá trị của Uniswap?

Trong bối cảnh DeFi đang tiến hóa nhanh chóng với ba xu hướng lớn (liquidity phân mảnh, intent-based trading, modular blockchain), Uniswap không chỉ đơn giản là "theo kịp", mà đang tái định hình lại chính mình từ một AMM thành một hệ sinh thái hạ tầng thanh khoản toàn diện.

Từ Unichain (Layer 2 riêng), Uniswap v4 (Singleton + Hooks), cho đến UniswapX (intent-based engine), đây không còn là các sản phẩm đơn lẻ, mà là mảnh ghép chiến lược hướng đến một Uniswap thống nhất, tối ưu cho mọi nhu cầu thanh khoản trong DeFi.

mô hình giá trị uni token
Mô hình tạo ra giá trị cho UNI token.

Trong hơn 4 năm tồn tại, UNI đã từng là biểu tượng cho mô hình governance token, nơi nhà đầu tư nắm giữ quyền biểu quyết, nhưng gần như không có dòng tiền thực tế chảy về từ hệ sinh thái mà họ góp phần xây dựng.

Tuy nhiên, giai đoạn 2024 - 2025 đang đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối với Uniswap - không chỉ trong định hướng sản phẩm, mà quan trọng hơn là trong cơ chế phân phối giá trị về cho những người tin tưởng vào tầm nhìn dài hạn của giao thức.

Điều quan trọng hơn cả: tất cả các mô hình này đều mở ra cơ chế doanh thu có thể phân bổ trực tiếp về UNI staker, cho thấy một bước tiến rõ rệt từ "token quản trị" sang "token dòng tiền".

RELEVANT SERIES