Vì sao Robinhood chọn Arbitrum để token hoá cổ phiếu mà không chọn Solana?

Token hóa cổ phiếu bùng nổ tại châu Âu: Robinhood, Kraken và Gemini nhập cuộc
Cuối tháng 6/2025, Robinhood chính thức bước vào cuộc chơi khi triển khai dịch vụ token hóa cổ phiếu tại châu Âu. Hơn 200 mã cổ phiếu và ETF Mỹ đã được phát hành dưới dạng Robinhood Stock Tokens trên mạng Arbitrum, cho phép giao dịch 24/5, với mục tiêu tiến đến 24/7 trong tương lai gần.
Trong đó, một sản phẩm đặc biệt là “token cổ phiếu” của các công ty tư nhân như SpaceX và OpenAI. Cần lưu ý SpaceX không có cổ phiếu giao dịch công khai trên các sàn chứng khoán. Do đó, token SpaceX trên Robinhood không phải là cổ phiếu thực sự mà chỉ là sản phẩm phái sinh (derivatives). Người nắm giữ token SpaceX không có quyền biểu quyết và không sở hữu cổ phần trực tiếp, nhưng có thể hưởng lợi từ biến động giá trị của SpaceX.

Cũng trong tháng 6/2025, Gemini – sàn giao dịch của anh em Winklevoss, đã hợp tác với Dinari để phát hành cổ phiếu MicroStrategy dạng token cho người dùng EU.
Kraken và Bybit cũng không đứng ngoài cuộc. Thông qua nền tảng xStocks của công ty Thụy Sĩ Backed Finance, hai sàn này đã giới thiệu hơn 60 mã cổ phiếu Mỹ như Apple, Tesla, Meta hay Nvidia dưới dạng token on-chain. Mỗi token được bảo chứng 1:1 bằng cổ phiếu thực tế, và đặc biệt, có thể được tích hợp trực tiếp vào các giao thức DeFi trên Solana.
Solana đang đóng vai trò là hạ tầng cho xStocks. Trong tương lai, rất có khả năng người dùng có thể lưu trữ token cổ phiếu trong các ví non-custodial như Phantom, giao dịch trên Raydium hoặc Jupiter, thậm chí cung cấp thanh khoản và tham gia các chiến lược yield farming – điều mà tài khoản môi giới truyền thống không thể làm được.
Khi cổ phiếu được token hóa và lưu trữ on-chain, nhà đầu tư thực sự kiểm soát tài sản của mình, không còn phụ thuộc vào nhà môi giới. Ngoài ra, một số bên phát hành còn lên kế hoạch phân phối cổ tức trực tiếp on-chain, mô phỏng đầy đủ quyền lợi của cổ đông.
Về mặt pháp lý, phần lớn token cổ phiếu hiện được phát hành tại các khu vực có khung quy định thân thiện, đặc biệt là châu Âu. Ngược lại, thị trường Mỹ vẫn đặt ra nhiều rào cản, token cổ phiếu tại đây bị xem là chứng khoán và cần được cơ quan quản lý phê duyệt.
Đọc thêm: Cổ phiếu Robinhood lập đỉnh: Gã khổng lồ giao dịch đang mưu tính điều gì với crypto?
Arbitrum vs Solana: Vì sao Robinhood chọn EVM thay vì tốc độ?
Việc Robinhood lựa chọn Arbitrum – một Layer 2 của Ethereum, thay vì Solana để triển khai dịch vụ token hóa cổ phiếu đã làm dấy lên nhiều so sánh giữa hai hạ tầng blockchain này. Cả hai đều có thế mạnh riêng trong việc xây dựng nền tảng giao dịch tài chính phi tập trung, nhưng chiến lược và tệp người dùng mục tiêu của Robinhood dường như nghiêng về phía Ethereum.
Về hiệu năng, Solana vượt trội với tốc độ xử lý trên lý thuyết là 65,000 TPS (theo Chainspect), và thậm chí có thể đạt 1 triệu TPS với bản nâng cấp Firedancer. Kết hợp với phí cực thấp, Solana phù hợp với các ứng dụng tài chính thời gian thực. Tuy nhiên, hệ thống của Solana từng nhiều lần gặp sự cố ngừng hoạt động.

Arbitrum tuy chậm hơn Solana nhưng ổn định hơn, nhờ kế thừa bảo mật từ Ethereum và sử dụng cơ chế rollup để tối ưu phí và tốc độ. Với một dịch vụ giao dịch cổ phiếu 24/5 hướng đến 24/7, tính ổn định mạng lưới là ưu tiên hàng đầu.
Về ngôn ngữ phát triển, Arbitrum tương thích hoàn toàn với EVM, cho phép sử dụng các công cụ và smart contract viết bằng Solidity – vốn là tiêu chuẩn của gần như toàn bộ DeFi hiện nay. Theo Electric Capital, 87% lập trình viên blockchain đa chuỗi hiện làm việc trên các chain hỗ trợ EVM. So với Solana – vốn yêu cầu lập trình bằng Rust trên môi trường runtime riêng, thì Arbitrum mang lại lợi thế rất rõ ràng về mặt cộng đồng lập trình.
Đáng chú ý, Arbitrum đang triển khai Stylus, công nghệ cho phép viết smart contract bằng Rust, C hoặc C++, chạy song song với Solidity trên cùng một chain. Điều này mở rộng tệp lập trình viên tiềm năng, bao gồm cả cộng đồng từ Solana và Web2, mà vẫn giữ khả năng tương tác liền mạch với môi trường EVM. Theo Offchain Labs, các ứng dụng viết bằng Stylus có thể nhanh hơn tới 70 lần so với hợp đồng EVM tương đương.

Về hệ sinh thái, lựa chọn Arbitrum cũng đồng nghĩa với việc Robinhood gắn chặt vào mạng lưới Ethereum – nơi đã trở thành chuẩn mực cho các sản phẩm tài chính số, đặc biệt là trong lĩnh vực token hóa tài sản thực (RWA).
Các token cổ phiếu phát hành trên Arbitrum có thể tuân theo chuẩn ERC-20, dễ dàng tích hợp với các sàn DEX như Uniswap, các ví EVM như MetaMask và hạ tầng quản trị tài sản on-chain vốn đã được chấp nhận rộng rãi. Trong khi đó, hệ sinh thái Solana vẫn hoạt động độc lập và việc tương tác với Ethereum phải thông qua các cầu nối như Wormhole, vốn từng bị hack nghiêm trọng vào năm 2022.
Đọc thêm: Mảng token hoá RWA: Solana có thể nhanh, nhưng Ethereum mới là câu trả lời
Về mặt chiến lược, Arbitrum phù hợp hơn với định hướng của Robinhood trong việc kết nối tài chính truyền thống với DeFi. Ethereum đã xây dựng được uy tín rõ ràng về tính minh bạch và sự chấp nhận từ các tổ chức tài chính lớn, điều mà Solana vẫn đang phải tiếp tục chứng minh.
Là một phần trong chiến lược tự chủ, việc triển khai trên Arbitrum còn tạo tiền đề để Robinhood xây dựng Robinhood Chain dựa trên công nghệ Arbitrum Orbit. Trong giai đoạn đầu, các Stock Tokens sẽ chạy trên Arbitrum One, nhưng sẽ được “chuyển nhà” về Robinhood Chain khi hệ thống hoàn thiện.
Theo phân tích của Galaxy Digital, mô hình “rollup riêng” cho phép Robinhood kiểm soát node sắp xếp giao dịch (sequencer) và hưởng toàn bộ phí giao dịch trên mạng, tạo nguồn doanh thu mới đáng kể. Với cách làm tương tự, Base của Coinbase đang thu về khoảng 150,000 USD mỗi ngày chỉ từ phí sequencer.
Token hóa cổ phiếu: Thách thức sàn truyền thống, thúc đẩy tiêu chuẩn mới
Sàn chứng khoán truyền thống trước sức ép token hóa
Token hóa cổ phiếu đang tạo ra một sân chơi mới cho nhà đầu tư toàn cầu – nơi thị trường vận hành liên tục 24/7, không còn giới hạn bởi múi giờ hay rào cản địa lý. Với mô hình mới này, những người trước đây khó tiếp cận thị trường Mỹ giờ đây có thể giao dịch cổ phiếu mọi lúc, mọi nơi, chỉ với một ví crypto.
Đổi lại, các sàn chứng khoán truyền thống đang đối mặt nguy cơ mất đi lợi thế cốt lõi: tính thanh khoản tập trung trong khung giờ hành chính. Khi người dùng chuyển sang giao dịch cổ phiếu token hóa on-chain, các trung gian như broker, clearing house cũng có thể bị thay thế bằng cơ chế tự lưu ký và hợp đồng thông minh.
Galaxy Digital nhận định rằng nếu không nhanh chóng thích nghi, sàn truyền thống sẽ chỉ còn là “kho chứa cho một phiên bản kém tiện lợi hơn của cùng một tài sản”. Áp lực này không chỉ đến từ các nền tảng crypto như Robinhood hay Kraken, mà còn từ chính các công ty fintech truyền thống như eToro, Revolut – những cái tên có thể đang bắt đầu thử nghiệm mô hình tương tự.
Trong bối cảnh đó, các sàn chứng khoán buộc phải phản ứng. Một số hướng đi đang được cân nhắc là kéo dài giờ giao dịch, hoặc chủ động xây dựng hạ tầng blockchain riêng. Nasdaq là ví dụ đi trước, khi đã đầu tư vào hạ tầng token hóa hàng hóa. Đồng thời, nhiều quỹ đầu tư lớn cũng đang quan tâm đến việc số hóa các sản phẩm truyền thống như quỹ thị trường tiền tệ.
Hình thành chuẩn token và khung pháp lý mới
Xu hướng token hoá cổ phiếu cũng tạo ra rủi ro chia cắt thanh khoản. Cùng một cổ phiếu có thể tồn tại nhiều phiên bản token khác nhau: TSLA.x của Backed, TSLA của Robinhood… Các token này không thể được hoán đổi qua lại, tạo ra chênh lệch giá và rào cản thanh khoản.
Để giải quyết, thị trường cần hoặc tiêu chuẩn hóa chuẩn token cổ phiếu chung, hoặc phát triển cầu nối đáng tin cậy giữa các blockchain giúp token cổ phiếu có thể di chuyển qua lại.
Về pháp lý, Ethereum đã có các đề xuất như ERC-1400 và ERC-3643, hướng đến việc tích hợp tuân thủ pháp lý ngay trong token (KYC, whitelist, giới hạn sở hữu...). Chainlink phát triển giải pháp Proof of Reserves để chứng minh token cổ phiếu được bảo chứng đầy đủ.
Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) đã đưa ra tín hiệu tích cực. Cựu Chủ tịch Paul Atkins cho biết SEC đang xây dựng hướng dẫn pháp lý cụ thể cho việc phát hành token cổ phiếu. Nếu khung pháp lý được ban hành, các công ty môi giới và sàn Mỹ có thể tham gia đường đua, mở ra giai đoạn phát triển của token hóa chứng khoán trên quy mô toàn cầu.