Snapshot trong crypto là gì? Ứng dụng của Snapshot trong airdrop coin
Snapshot trong crypto là gì?
Snapshot là quá trình ghi lại thông tin về trạng thái của blockchain tại một thời điểm cụ thể. Nó hoạt động như một "bức ảnh chụp" thông tin về toàn bộ hệ thống blockchain. Khi thực hiện một lần snapshot, nó ghi nhận chính xác người dùng đang sở hữu những gì vào thời điểm đó.
Snapshot giúp đưa ra các quyết định quan trọng như phân phối airdrop, quản lý hệ thống staking, thực hiện hard fork, quản trị và biểu quyết... Dữ liệu snapshot đảm bảo rằng những người nắm giữ tài sản tại thời điểm đó sẽ nhận được các lợi ích tương ứng từ sự kiện diễn ra sau đó.
Cách Snapshot hoạt động và ứng dụng của Snapshot
Snapshot hoạt động bằng cách ghi lại tất cả các thông tin quan trọng tại một block cụ thể trên blockchain, chẳng hạn như:
- Số dư của các địa chỉ ví: Số lượng token hoặc tài sản mã hóa trong mỗi ví tại thời điểm snapshot. Đây là thông tin quan trọng nhất mà snapshot ghi nhận.
- Trạng thái các hợp đồng thông minh: Dữ liệu về các hợp đồng đang hoạt động, số lượng tài sản bị khóa, nói cách khác là số lượng token đang stake của người dùng.
- Giao dịch đang xử lý: Snapshot giúp đảm bảo rằng các giao dịch đang chờ xử lý không bị bỏ qua hoặc bị thay đổi sau khi snapshot hoàn tất.
- Khả năng tương tác cross-chain: Trong các hệ thống cross-chain hoặc sử dụng cầu nối (bridge), snapshot có thể ghi nhận các giao dịch chuyển tài sản giữa các blockchain khác nhau.
- Lịch sử hoạt động và khối lượng giao dịch: Dự án có thể kiểm tra sự ủng hộ từ những người dùng sớm.
Từ việc ghi nhận các thông tin trên, các giao thức sẽ có những ứng dụng cụ thể với việc snapshot. Một số ứng dụng nổi bật nhất được nêu dưới đây.
Phân phối airdrop
Snapshot đóng vai trò quan trọng trong việc xác định người dùng đủ điều kiện để nhận airdrop. Có nhiều biến thể của airdrop liên quan đến cách snapshot hoạt động:
Nắm giữ token: Snapshot ghi lại số lượng token mà người dùng nắm giữ tại thời điểm nhất định. Người dùng đủ điều kiện nhận airdrop sẽ được phân phối token mới dựa trên số dư của họ.
Số lượng NFT nắm giữ: Một số dự án tiền mã hóa, đặc biệt là các dự án liên quan đến NFT, thực hiện snapshot để phân phối airdrop cho người sở hữu NFT. Hoặc một số dự án airdrop cho người dùng nắm giữ NFT của những dự án khác trong cùng hệ sinh thái.
Số lượng giao dịch trên chain: Snapshot cũng có thể ghi nhận số lượng giao dịch mà người dùng đã thực hiện trên một blockchain cụ thể. Các dự án có thể sử dụng thông tin này để thưởng cho những người dùng đã hoạt động tích cực trên mạng lưới.
Dự án Uniswap (UNI) thực hiện airdrop dựa trên số lượng giao dịch mà người dùng đã thực hiện trước ngày 1/9/2020. Chỉ những ví đã tương tác với giao thức Uniswap trước thời điểm này mới đủ điều kiện nhận 400 UNI.
Khối lượng giao dịch: Một số dự án không chỉ ghi nhận số lượng giao dịch, mà còn theo dõi khối lượng giao dịch của người dùng. Những người dùng thực hiện nhiều giao dịch với giá trị lớn có thể nhận được phần thưởng lớn hơn.
Bridge tài sản giữa các chain: Snapshot cũng có thể ghi nhận các giao dịch bridge – tức là khi người dùng chuyển tài sản giữa các blockchain khác nhau. Việc bridge tài sản giúp người dùng tham gia vào các hệ sinh thái khác nhau và có thể nhận được phần thưởng từ các sự kiện airdrop dựa trên dữ liệu snapshot này.
Ví dụ cụ thể về các thông tin snapshot với trường hợp airdrop token W của Wormhole.
Trong đợt airdrop của Wormhole với token W, các điều kiện được đặt ra dựa trên snapshot được thực hiện vào ngày 6/2/2024, lúc 23:59 UTC. Thông báo ngắn gọn về tokenomics W và sự ngầm hiểu về việc dự án đã thực hiện snapshot:
Một số tiêu chí để nhận airdrop:
- Hoạt động trên chain: Wormhole đã thưởng cho những người dùng đã tương tác với hệ sinh thái của họ trên hơn 30 blockchain và 200 ứng dụng. Những người dùng này là những người đã sử dụng các cầu nối chuỗi chéo hoặc tương tác với các nền tảng DeFi và NFT thông qua cơ sở hạ tầng của Wormhole trong suốt 3 năm qua.
- Sở hữu NFT: Những người nắm giữ các bộ sưu tập NFT như DeGods, y00ts và Mad Lads, đặc biệt là những người đã sử dụng Wormhole để chuyển NFT qua các chain, cũng được nhận airdrop. Các chủ sở hữu NFT nhận phần thưởng dựa trên mức độ tương tác của họ trong hệ sinh thái Wormhole và vai trò của họ trong cộng đồng Discord của dự án.
- Người dùng DeFi và staker: Những người tham gia vào các hệ sinh thái DeFi, đặc biệt là những người stake PYTH (top 10,000 ví nắm giữ PYTH lớn nhất), cũng đủ điều kiện cho đợt airdrop nhờ vào sự tham gia lâu dài của họ với Wormhole.
Tiêu chí nhận thưởng và nhân hệ số:
- Những người dùng đã hoạt động trước ngày 1/12/2023, hoặc trong các thời điểm quan trọng như thị trường gấu (giữa tháng 6/2022 và tháng 10/2023) sẽ nhận được hệ số nhân thưởng.
- Khối lượng giao dịch và sử dụng các tài sản như BTC, ETH, stablecoin cũng là các tiêu chí. Các ví có nhiều giao dịch cross-chain hoặc giá trị giao dịch vượt quá 10,000 USD sẽ nhận phần thưởng airdrop lớn hơn.
Đọc thêm: Bí quyết cày Airdrop Retroactive hiệu quả.
Phân phối phần thưởng staking
Khi người dùng khóa tài sản mã hóa của mình trong các hợp đồng staking trên các nền tảng DeFi, snapshot sẽ ghi lại số dư vào cuối mỗi chu kỳ (epoch) hoặc một thời điểm mà giao thức quy định. Từ dữ liệu này, phần thưởng staking sẽ được phân phối dựa trên số lượng tài sản người dùng đã khóa.
Trên mạng lưới Cardano, sau mỗi chu kỳ (epoch), mạng lưới thực hiện snapshot để ghi nhận số lượng ADA mà người dùng đã staking. Dựa trên số liệu từ snapshot, phần thưởng staking được tính toán và trả về cho người dùng vào cuối mỗi chu kỳ.
Giám sát hoạt động staking: Snapshot cũng giúp theo dõi sự tham gia của các validator (người xác thực) và delegator (người ủy quyền staking) để đảm bảo rằng phần thưởng được phân bổ một cách minh bạch, dựa trên đóng góp của họ vào mạng lưới.
Mạng lưới Ethereum 2.0 sử dụng cơ chế staking để bảo mật mạng lưới, và các validator nhận được phần thưởng từ việc xác thực khối. Snapshot được thực hiện để ghi lại số lượng ETH đang được staking và xác định phần thưởng cho các validator.
Phân bổ lợi nhuận và phần thưởng từ giao thức DeFi
Ngoài staking, các giao thức DeFi sử dụng snapshot để phân phối lợi nhuận từ các hoạt động như cung cấp thanh khoản hoặc tham gia vào các chiến lược yield farming. Snapshot giúp ghi lại số lượng tài sản mà người dùng đóng góp vào các pool thanh khoản và từ đó chia sẻ phí giao dịch và phần thưởng khác.
Người dùng tham gia cung cấp thanh khoản cho các giao thức DeFi như Uniswap hay Sushiswap sẽ nhận phần thưởng dựa trên số lượng tài sản họ đóng góp, được ghi lại bởi các snapshot định kỳ.
Quản trị phi tập trung (Governance)
Trong các hệ thống DeFi hoặc dự án phi tập trung (DAO), snapshot được sử dụng để ghi lại số lượng token quản trị mà người dùng đang nắm giữ tại thời điểm cụ thể. Quyền bỏ phiếu của người dùng trong các quyết định quản trị sẽ được xác định dựa trên dữ liệu snapshot này.
Giao thức Compound sử dụng cơ chế quản trị phi tập trung. Giao thức này sử dụng COMP token làm token quản trị, cho phép người nắm giữ COMP có quyền đề xuất và bỏ phiếu cho các thay đổi liên quan đến giao thức.
Một trong những quyết định quan trọng mà người dùng COMP đã bỏ phiếu là việc điều chỉnh lãi suất vay và cho vay, đặc biệt là nâng cấp mô hình lãi suất của DAI, được đề xuất bởi Dharma.
Cuộc bỏ phiếu này đã được kích hoạt bằng cách thực hiện snapshot số dư COMP khi đề xuất được tạo ra. Giao thức yêu cầu những người sở hữu một lượng COMP tối thiểu sẽ được tham gia bỏ phiếu dựa trên số token họ nắm giữ. Những ai sở hữu nhiều COMP hơn sẽ có trọng lượng phiếu cao hơn.
Việc bỏ phiếu qua snapshot cho phép quản trị phi tập trung trở nên minh bạch, công bằng và ngăn chặn sự thao túng vào phút cuối, đảm bảo rằng chỉ những người nắm giữ token tại thời điểm đề xuất mới được tham gia bỏ phiếu.
Hard fork và phân tách chain
Trong trường hợp một blockchain thực hiện hard fork, snapshot được thực hiện để ghi lại toàn bộ trạng thái của chain trước khi tách ra. Sau khi chain mới được hình thành, snapshot đảm bảo rằng người dùng nhận được tài sản trên cả hai chain dựa trên trạng thái ghi nhận trước đó.
Khi Bitcoin Cash (BCH) tách ra từ Bitcoin vào năm 2017, snapshot được thực hiện để ghi nhận số lượng BTC của mỗi ví trên chain gốc. Những ai nắm giữ BTC tại thời điểm đó đã nhận được số lượng BCH tương ứng sau khi chain mới được hình thành.
Đọc thêm: Hard fork là gì? Các sự kiện hard fork lớn trong Crypto