Sự khác biệt cần thiết trong thị trường crypto
Ý chính:
- Những kẻ khác biệt là điều cần thiết cho sự phát triển của thị trường crypto.
- Có nhiều cách mà dự án có thể tiếp cận để mang tới làn gió mới và dự án nào làm tốt sẽ trở thành điểm nhấn trong một thị trường phần lớn sao chép của nhau.
- Bản thân nhà phát triển nếu muốn tạo ra một sản phẩm khác biệt cần nhận thức đâu là sự khác biệt mà mình hướng tới và đâu là chiến lược tiếp cận hợp lý.
- Với nhà đầu tư, việc phân bổ vốn vào các dự án khác biệt là một lợi thế nhưng vẫn cần suy xét kỹ các yếu tố trước khi xác định tham gia.
Những cái tên thay đổi thị trường crypto
Nhìn vào lịch sử phát triển của blockchain hay bất kỳ lĩnh vực nổi bật nào khác, ta đều thấy sự xuất hiện của những kẻ khác biệt. Những kẻ khác biệt này mang tới những đột phá và là tiền đề giúp thị trường phát triển hơn.
Khởi đầu với ý tưởng về blockchain cho tới sự ra đời của Bitcoin sau đó là sự bùng nổ của Ethereum và smart contract. Từ sau 2013, công nghệ này đã được các nhà phát triển tận dụng để tạo nên nhiều điều mới mẻ như sự bùng nổ của DeFi, cơn sốt game on-chain và gần đây là mạng xã hội kết hợp với blockchain. Tất cả những ứng dụng đột phá đó giúp thị trường crypto ngày càng tiếp cận được đến nhiều người.
“Một sản phẩm hoàn hảo là một sản phẩm sắp đi đến hồi kết, một thị trường không có sự phát triển và đột phá cũng sẽ nhanh chóng bị lụi tàn theo thời gian”.
Thị trường nào cũng cần những kẻ khác biệt để mang tới làn gió mới. Điều này càng đúng với thị trường crypto khi các dự án có thể dễ dàng sao chép sản phẩm của nhau do đặc tính mã nguồn mở. Ở phần dưới chúng ta sẽ tìm hiểu về sự khác biệt và những kẻ khác biệt nổi bật của thị trường crypto hiện tại.
Thế nào là sự khác biệt?
Có rất nhiều hướng tiếp cận khác biệt trong thị trường crypto nhưng tựa chung có thể chia chúng thành ba hướng chính:
- Sự khác biệt trong mô hình sản phẩm
- Sự khác biệt trong mô hình kinh tế
- Sự khác biệt trong cách đưa sản phẩm ra thị trường (go-to-market)
Sự khác biệt trong mô hình sản phẩm
1/ Kẻ tiên phong
Đầu tiên phải kể đến những dự án mang khái niệm mới giúp tạo ra nhiều ứng dụng và nâng cao trải nghiệm người dùng. Những dự án đó hình thành nên quy chuẩn khiến các dự án khác phải đi theo.
Ví dụ:
Bitcoin tiên phong cho thấy ứng dụng của blockchain, Ethereum mở ra kỷ nguyên smart contract, Uniswap là ngòi nổ cho việc giao dịch thông qua AMM,...
Có thể bản thân các dự án tiên phong còn nhiều hạn chế, nhưng với lợi thế là kẻ đi đầu, chính sự ủng hộ của cộng đồng và nhà phát triển đã giúp duy trì dự án. Các yếu tố chưa tốt theo đó cũng được cải thiện dần.
2/ Kẻ sáng tạo
Những dự án trên có điểm độc đáo nhưng chưa tới mức đột phá. Chúng thường được tạo ra thông qua việc cải tiến mô hình dựa trên các sản phẩm thành công trong quá khứ.
Một số có hướng phát triển sáng tạo nhưng chỉ dừng ở mức bề mặt, số khác biết cách tận dụng điểm mạnh của sản phẩm để phục vụ cho mục đích tiếp theo.
3/ Kẻ cải tiến
Không phải dự án nào đi đầu cũng giữ được vị thế của mình, trong một thị trường vận động nhanh như crypto. Dự án nào giúp người dùng tiếp cận với cơ hội nhanh hơn sẽ dễ dàng thu hút giá trị liên quan.
Ví dụ:
- Uniswap không phải là sàn AMM đầu tiên mà là Bancor. Tuy nhiên nhờ có những cải tiến quan trọng giúp tăng trải nghiệm người dùng và chiến lược airdrop hợp lý đã giúp Uniswap trở thành sàn Dex AMM chiếm thị phần lớn nhất hiện nay.
- Một vài dự án dù ra mắt sau nhưng nhờ giúp người dùng tiếp cận cơ hội tốt hơn đã vượt qua dự án đầu tiên có thể kể tới như ví Phantom vượt ví Sollet trên Solana, Curve vượt Uniswap về việc giao dịch stable assets.
Do tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành, các dự án đứng đầu hầu hết không ngồi yên mà đang tạo ra hệ sinh thái sản phẩm cho mình. Các dự án đó có thể lựa chọn làm nền tảng để các bên khác phát triển lên như Ethereum/ Solana cung cấp mạng lưới, Uniswap/Curve cung cấp thanh khoản/yield. Một hướng khác là tạo ra những bộ sản phẩm tối ưu hơn trải nghiệm người dùng như cách mà các dự án trên hệ sinh thái Solana đang làm.
Sự khác biệt trong mô hình kinh tế
Ngoài hướng tiếp cận khác biệt trong mô hình sản phẩm, mô hình kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của dự án.
1/ Sử dụng token để khuyến khích hoạt động
Các dự án crypto sử dụng token làm incentive có thể thu hút được nhiều giá trị trong thời gian ngắn. Nếu biết tận dụng tốt mô hình kinh tế có thể giúp dự án tạo ra lợi thế bất đối xứng.
Ví dụ:
Sky Mavis, công ty mẹ của Axie Infinity đã kiếm về 1.2 tỷ USD doanh thu trong chưa tới một năm khi xu hướng GameFi diễn ra.
Tất nhiên việc thu hút giá trị nhanh trong thời gian ngắn đi kèm một cái giá. Các dự án chạy liquidity mining quá nhiều tạo áp lực bán liên tục lên token. Các dự án khuyến khích quá nhiều cho những người tham gia ban đầu thường chịu sự giảm sốc khi chạm điểm bão hoà.
Nếu dự án không biết quản lý rủi ro và bản thân nhà đầu tư không hiểu cặn kẽ mô hình kinh tế thì khả năng chịu thiệt hại về tài sản là cao.
2/ Tạo giá trị cho một chủ thể
Tương tự việc cho thuê nhà, gửi tiết kiệm ngân hàng,... việc một loại tài sản giúp người sở hữu nhận giá trị liên tục tạo nhu cầu mua và nắm giữ tài sản đó lâu dài.
Cần lưu ý rằng yếu tố kinh tế dù đóng vai trò quan trọng, nhưng để phát triển bền vững yêu cầu cả yếu tố liên quan đến sản phẩm. Nếu bản thân sản phẩm không đủ tốt, người dùng có xu hướng chuyển sang nắm tài sản khác ngay khi lợi ích của việc nắm giữ tài sản hiện tại không còn.
Sự khác biệt trong cách đưa sản phẩm ra thị trường
Đây là một yếu tố thường bị bỏ quên khi đánh giá dự án. Cho dù sản phẩm có tốt đến mức nào, nếu như người dùng không biết đến và không sử dụng thì cũng vô ích. Bên cạnh việc có sản phẩm tốt, một dự án chỉ thực sự thu hút được người dùng nếu có chiến lược go-to-market (GTM) hợp lý.
Những chiến lược có thể kể tới như: cách sử dụng incentive, những mối quan hệ với nhà đầu tư/dự án/cộng đồng, thời điểm ra mắt,...
Ví dụ:
- Mad Lads nhờ việc tiếp tục phát triển trên Solana vào giờ phút khó khăn nhất và ra mắt vào lúc Degods, Y00ts rời đi đã trở thành bộ sưu tập NFT hàng đầu trên Solana.
- Chương trình point ra mắt cũng thúc đẩy mạnh dòng tiền đổ vào Solana.
- Memecoin phát triển trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng có nhận thức về tầm quan trọng của FDV trong bối cảnh nhiều dự án có vốn hoá thị trường thấp nhưng FDV cao.
Những kẻ khác biệt đáng chú ý
Dựa trên những yếu tố được liệt kê ở trên, một vài kẻ khác biệt trong thị trường hiện tại có thể kể tới:
Eigen layer
Eigenlayer cho phép nhà phát triển tận dụng cơ sở hạ tầng bảo mật kinh tế sẵn có của Ethereum để xây dựng các giao thức, dịch vụ hạ tầng hay dapp mới - gọi là Actively Validated Services (AVSs). Eigenlayer làm được điều này qua kỹ thuật “Restaking”, cho phép ETH stakers tái sử dụng số staked ETH để cung cấp bảo mật cho bất kỳ giao thức/ dịch vụ nào.
Hiểu đơn giản hơn, Eigenlayer tạo ra một marketplace kết nối giữa ETH stakers, những người sẵn sàng cam kết cung cấp dịch vụ bảo mật, và các giao thức/ dịch vụ hạ tầng cần đến tính xác thực.
EigenLayer đang mở ra một hệ sinh thái mới về Restaking trên Ethereum. Giá trị tài sản khoá của EigenLayer hiện xếp thứ 2 toàn thị trường, chỉ nhỏ hơn Liquid Staking của Lido.
Starknet
Starknet là layer 2 của Ethereum ứng dụng giải pháp Zk-Rollup. Founder Starknet, Eli Ben-Sasson là người đặt ra các thuật ngữ toán học STARK, FRI, AIR. Tất cả chúng đều là những hướng tiếp cận cốt lõi trong việc ứng dụng công nghệ ZK để mở rộng (scaling) Blockchain hiện tại. Starknet là dự án phát triển zkVM được tối ưu cho Rollup đầu tiên và họ có lộ trình rõ ràng để cải hiện nền tảng trong năm 2024 và đầu năm 2025.
Hệ sinh thái Starknet hiện chưa thu hút được nhiều giá trị nhưng đang là cái nôi cho nhiều ý tưởng mới điển hình là Fully-on-chain game.
Ton
Ton là blockchain được Telegram ủng hộ và các sản phẩm từ hệ sinh thái Ton có thể được sử dụng trực tiếp trên Telegram. Telegram apps & bot là ưu thế độc đáo của Ton blockchain, chúng hoạt động như một cửa hàng để người dùng cài đặt các ứng dụng và có thể sử dụng trực tiếp trên Telegram.
Hiện tại đã và đang có nhiều dự án xuất hiện trên hệ sinh thái Ton. Dù còn thiếu nhiều nhóm dự án, nhưng đã có một số ứng dụng thu hút được lượng lớn người dùng điển hình là các cliker app gần đây như Notcoin.
Lukso
Một dự án khác biệt về cách tiếp cận ở nhánh mạng xã hội kết hợp với blockchain là Lukso. Lukso được phát triển bởi Fabian Vogelsteller, cha đẻ của chuẩn token ERC20/ ERC721. Lukso nhắm tới yếu tố AA ngay từ nền tảng phát triển ban đầu. Thay vì sử dụng ví làm tài khoản cá nhân để tương tác với blockchain như người dùng đang làm trên các blockchain hiện nay, người dùng sẽ tạo một tài khoản như khi tham gia mạng xã hội. Trong tài khoản đó có thể có nhiều địa chỉ ví được hiệu chỉnh tuỳ mục đích sử dụng.
Hiện tại Lukso còn ở giai đoạn mới và chưa thu hút được nhiều giá trị. Đội ngũ Lukso đang tập trung phát triển những công cụ liên quan. Do nền tảng tương đối khác biệt, các dự án muốn phát triển trên Lukso gần như phải học lại từ đầu. Tất cả yếu tố trên sẽ khiến hệ sinh thái cần nhiều thời gian để phát triển và thu hút người dùng.
Pandora/ Asterix
Pandora/ Asterix là những dự án đứng đầu của chuẩn NFT ERC404 và DN404. Hai chuẩn NFT trên được kỳ vọng giúp giải quyết bài toán thanh khoản và tạo ra thị trường mới cho NFT.
Thông thường các dự án first mover sẽ có lợi thế lớn hơn, tuy nhiên ngay khi chuẩn ERC404 với dự án đầu tiên là Pandora ra mắt, đối trọng là DN404 với dự án Asterix cũng ngay lập tức ra mắt trong thời gian ngắn.
Cuộc đua lúc này không chỉ còn là việc đưa chuẩn NFT mới này chạm tới nhiều người dùng mà còn là cuộc đua giữa hai chuẩn token với nhau.
Liệu sự khác biệt có đem tới thành công trong thị trường crypto?
Để thị trường phát triển yêu cầu những ý tưởng đột phá, tuy nhiên không phải dự án nào khác biệt cũng thành công. Nếu một ý tưởng có hay nhưng hạ tầng chưa đáp ứng được hoặc không phù hợp với nhu cầu thị trường thì rất khó để tăng trưởng.
Trong một thị trường dễ bị sao chép như crypto, thì sự khác biệt là điểm độc đáo. Tuy nhiên để thành công sẽ cần nhiều hơn là sự khác biệt. Bản thân nhà phát triển nếu muốn tạo ra một sản phẩm khác biệt cần nhận thức đâu là sự khác biệt mà mình hướng tới và đâu là chiến lược tiếp cận hợp lý.
Với bản thân nhà đầu tư lúc tìm hiểu một dự án cần trả lời câu hỏi:
- Có gì độc đáo trong sản phẩm hay không?
- Mô hình kinh tế có rủi ro ra sao và liệu có đúng thời điểm để đầu tư hay không?
- Dự án mình tìm hiểu có phải là ứng cử viên tốt nhất chưa hay có những dự án tiềm năng hơn?
Những kẻ khác biệt là điều cần thiết cho sự phát triển của thị trường crypto. Có nhiều cách mà dự án có thể tiếp cận để mang tới làn gió mới và dự án nào làm tốt sẽ trở thành điểm nhấn trong một thị trường phần lớn sao chép của nhau. Với nhà đầu tư, việc phân bổ vốn vào các dự án khác biệt là một lợi thế nhưng vẫn cần suy xét kỹ các yếu tố trước khi xác định tham gia.