Token Swap là gì? Hoán đổi Token trong thị trường tiền mã hóa
Token Swap là gì?
Token swap là thuật ngữ dùng để chỉ quá trình chuyển đổi một loại token này sang một loại token khác hoặc từ blockchain sang blockchain khác. Đây là một phần quan trọng trong việc quản lý và vận hành tài sản tiền mã hóa, đặc biệt khi các dự án chuyển đổi từ nền tảng blockchain cũ sang blockchain mới, hoặc người dùng cần đổi tài sản giữa các loại token khác nhau.
Đọc thêm: Coin là gì? Token trong crypto là gì? Phân biệt Coin và Token
Các trường hợp sử dụng chính của Token Swap
Di cư Blockchain (Blockchain Migration)
Trong nhiều trường hợp, các dự án khởi đầu trên một nền tảng blockchain phổ biến, chẳng hạn như Ethereum, do sự tiện lợi và cơ sở hạ tầng có sẵn. Tuy nhiên, khi dự án phát triển và cần tối ưu hóa về mặt kỹ thuật, một số đội ngũ phát triển có thể quyết định tạo ra blockchain riêng của mình để khắc phục những hạn chế như phí giao dịch cao hoặc tốc độ xử lý chậm.
Khi điều này xảy ra, các dự án sẽ phải thực hiện Token Migration — tức là chuyển toàn bộ các token hiện có của người dùng từ blockchain cũ sang blockchain mới. Điều này giúp người dùng không mất giá trị tài sản và đồng thời tận dụng được những lợi ích mới mà blockchain mới mang lại.
Ví dụ điển hình là dự án TRON và EOS.
Khi dự án TRON ra mắt vào năm 2017, họ phát hành token TRX dưới dạng token ERC-20 trên Ethereum. Sau khi blockchain TRON mainnet vào năm 2018, dự án đã bắt đầu quá trình token swap để chuyển tất cả các token TRX ERC-20 từ Ethereum sang blockchain riêng của TRON. Các sàn giao dịch lớn như Binance đã hỗ trợ quá trình này bằng cách tự động thực hiện swap cho người dùng giữ TRX trên sàn.
Sau khi hoàn tất quá trình hoán đổi, các token TRX ERC-20 trên Ethereum đã bị vô hiệu hóa và không còn giá trị sử dụng. Người dùng sau đó nhận được token TRX mới trực tiếp trên ví hoặc thông qua sàn giao dịch trên blockchain TRON.
Tương tự như TRON, EOS cũng bắt đầu với token ERC-20 trên Ethereum trong giai đoạn ICO của họ. Sau khi blockchain EOS mainnet ra mắt vào tháng 6/2018, EOS đã thực hiện quá trình token swap để di chuyển token từ Ethereum sang blockchain mới của mình.
Trong quá trình này, người dùng phải gửi token EOS ERC-20 vào một địa chỉ cụ thể hoặc thực hiện thông qua các sàn giao dịch hỗ trợ. Các token EOS ERC-20 sau đó bị khóa và người dùng nhận được token EOS mới trên blockchain EOS.
Hoán đổi tài sản trên các sàn phi tập trung (DEX)
Token swap trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) như Uniswap, SushiSwap hoặc PancakeSwap cho phép người dùng hoán đổi trực tiếp giữa các loại tiền mã hóa khác nhau mà không cần qua trung gian của các sàn giao dịch tập trung. Đây là một trong những ứng dụng phổ biến nhất của token swap hiện nay.
Tại sao không sử dụng CEX nếu như CEX có thanh khoản tốt hơn?
Người dùng cũng có thể thực hiện hoán đổi token trên các sàn CEX. Mặc dù được đảm bảo về mặt thanh khoản và độ uy tín của sàn, nhưng chúng chỉ hỗ trợ một số lượng token nhất định và không hỗ trợ rút tài sản tại tất cả các chain.
Ưu điểm của hoán đổi trên DEX là:
Tính phi tập trung và tự do giao dịch: Một trong những ưu điểm lớn nhất của DEX là tính phi tập trung. Người dùng không cần phải tạo tài khoản, cung cấp thông tin cá nhân hay phải chịu sự kiểm soát của một tổ chức trung gian như các sàn tập trung.
Giao dịch trên DEX được thực hiện thông qua hợp đồng thông minh, giúp người dùng kiểm soát hoàn toàn tài sản của mình mà không phải phụ thuộc vào bên thứ ba.
Khả năng tiếp cận các token mới: Trên DEX, người dùng có thể tiếp cận với những token mà chưa được niêm yết trên các sàn CEX.
Một trong những lý do khiến nhiều dự án chọn niêm yết trên DEX trước CEX là khả năng tạo thanh khoản một cách nhanh chóng và không cần thông qua quy trình phê duyệt phức tạp. Ví dụ, với các dự án mới như SafeMoon, các nhà đầu tư có thể mua token trên DEX như PancakeSwap trước khi nó được niêm yết trên các sàn giao dịch lớn.
- SafeMoon đã tăng giá 350,000% trong vòng chưa đầy một tháng sau khi ra mắt vào tháng 3/2021.
- Tuy nhiên, thanh khoản ban đầu rất thấp, dẫn đến tình trạng trượt giá (slippage) cao khi người dùng cố gắng mua hoặc bán lượng lớn token.
Memecoin hay các token mới thường được niêm yết trên DEX trước. Điều này tạo ra cơ hội đầu tư cho người dùng, đặc biệt là những người muốn tham gia sớm vào các dự án tiềm năng.
Một trong những ví dụ điển hình về memecoin được ra mắt đầu tiên trên DEX là Shiba Inu (SHIB). Khi SHIB lần đầu xuất hiện, nó chưa được niêm yết trên các sàn CEX lớn như Binance hay Coinbase. Các nhà đầu tư chỉ có thể mua SHIB thông qua các sàn DEX như Uniswap và SushiSwap.
- Khi SHIB bắt đầu giao dịch trên Uniswap, giá trị của nó tăng mạnh trong thời gian ngắn do tính thanh khoản thấp và nhu cầu tăng cao từ cộng đồng. Chỉ trong vòng vài tháng sau khi ra mắt vào tháng 8/2020, giá SHIB tăng hàng nghìn phần trăm, tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho những người tham gia sớm.
- Vào tháng 5/2021, SHIB đạt mức vốn hóa thị trường lên đến hơn 13 tỷ USD, dù chưa được niêm yết trên các CEX lớn.
Tính bảo mật cao hơn về quyền sở hữu tài sản: Trên DEX, người dùng không cần gửi tài sản của mình lên sàn giao dịch. Tài sản của họ vẫn nằm trong ví cá nhân cho đến khi giao dịch được thực hiện thông qua hợp đồng thông minh. Điều này giúp tránh được các rủi ro bị hack hoặc mất mát tài sản khi sàn tập trung bị tấn công hoặc gặp sự cố.
Tuy nhiên, chúng có những nhược điểm mà người dùng cũng cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng:
Rủi ro về thanh khoản và trượt giá cao: Các token mới hoặc có thanh khoản thấp thường dễ gặp phải tình trạng trượt giá, khi giá trị của token thay đổi mạnh trong quá trình giao dịch. Điều này đặc biệt phổ biến với các token chưa được hỗ trợ rộng rãi và có khối lượng giao dịch thấp.
Dự án lừa đảo và rug pull: Một trong những rủi ro lớn nhất trên DEX là các dự án lừa đảo, thường được gọi là rug pull. Đây là hình thức mà các nhà phát triển rút toàn bộ thanh khoản của token khỏi sàn giao dịch, khiến giá trị của token sụp đổ và người dùng không thể bán lại token của mình.
Vì DEX hoạt động phi tập trung và phụ thuộc vào hợp đồng thông minh, không có cơ quan kiểm soát nào có thể ngăn chặn hoặc bồi thường cho người dùng trong những trường hợp như vậy.
Rủi ro liên quan đến hợp đồng thông minh: Các giao dịch trên DEX đều được xử lý bởi hợp đồng thông minh, nhưng không phải tất cả chúng đều được kiểm toán kỹ lưỡng. Các lỗi hoặc lỗ hổng trong hợp đồng có thể bị kẻ xấu khai thác để lấy cắp tài sản hoặc làm hỏng giao dịch.
Dự án Meerkat Finance trên Binance Smart Chain đã bị hack chỉ một ngày sau khi ra mắt, với số tiền hơn 31 triệu USD bị đánh cắp thông qua lỗ hổng trong hợp đồng thông minh.
Hoán đổi Token giữa các chain khác nhau (Cross-Chain Swap)
Cross-chain swap, hay còn gọi là hoán đổi chuỗi chéo, là hình thức phức tạp hơn của token swap, giúp người dùng hoán đổi tài sản giữa các blockchain khác nhau mà không cần thông qua một sàn giao dịch tập trung.
Vậy tại sao chúng ta cần phải hoán đổi token giữa các blockchain?
Trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều blockchain với các token và hệ sinh thái khác nhau, mỗi blockchain có các tính năng và mang lại lợi ích riêng.
Làm thế nào để hoán đổi token giữa các blockchain?
Mỗi blockchain có các cơ chế riêng để quản lý tài sản và thực hiện giao dịch. Ví dụ, Bitcoin hoạt động trên blockchain Bitcoin và Ethereum hoạt động trên blockchain Ethereum, cả hai đều không thể trực tiếp giao tiếp với nhau.
Để hoán đổi tài sản từ blockchain này sang blockchain khác, trước đây người dùng phải sử dụng sàn giao dịch tập trung như Binance hoặc Coinbase… Mỗi sàn sẽ hỗ trợ các mạng lưới lớn và một số mạng lưới nhỏ khác nhau, nhưng không phải mạng nào cũng hỗ trợ.
Vì vậy, các giải pháp cross-chain swap đã ra đời! Chúng được gọi là cross-chain bridge - cầu nối xuyên chuỗi.
Công nghệ hoán đổi giữa các chain được thực hiện thông qua các Atomic Swap hoặc các giao thức DeFi phức tạp như Thorchain, Stargate, Synapse…. Người dùng có thể hoán đổi tài sản từ Bitcoin sang Ethereum, hoặc từ Ethereum sang Binance Smart Chain, mà không cần sử dụng đến sàn giao dịch tập trung.
Ưu điểm của cross-chain swap là:
Cross-chain swap cho phép người dùng thực hiện giao dịch mà không cần trung gian tập trung, như sàn CEX.
Giao dịch được thực hiện trực tiếp trên blockchain, thông qua hợp đồng thông minh, đảm bảo tính an toàn cao hơn và giúp người dùng kiểm soát toàn bộ tài sản của mình trong quá trình giao dịch.
Cross-chain swap có thể giảm thiểu chi phí giao dịch, đặc biệt là tránh được các khoản phí giao dịch thường thấy trên sàn tập trung. Với các giao dịch trên DEX (sàn phi tập trung), người dùng chỉ phải trả phí gas (phí giao dịch blockchain), không phải trả phí quản lý cho sàn giao dịch.
Nhược điểm của cross-chain swap như sau:
Không phải blockchain nào cũng hỗ trợ cross-chain swap. Điều này có nghĩa là người dùng có thể bị giới hạn trong số lượng các blockchain mà họ có thể thực hiện hoán đổi.
Không phải tất cả các tài sản đều hỗ trợ cross-chain swap. Các loại token ít phổ biến có thể không có đủ thanh khoản, dẫn đến tình trạng giao dịch khó khăn hoặc bị trượt giá cao.
Mặc dù việc sử dụng cross-chain bridge cho những giao dịch cross-chain swap tiện dụng. Tuy nhiên, một điểm cần đặc biệt lưu ý là, cross-chain bridge đã trở thành mục tiêu tấn công phổ biến của hacker, chúng có mặt trong các vụ hack lớn nhất.
Theo báo cáo của Chainalysis, 69% số tiền bị đánh cắp trong các vụ tấn công tiền mã hóa năm 2022 đến từ các vụ hack liên quan đến cross-chain bridge, tổng cộng khoảng 2 tỷ USD. Điều này cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của các giao thức này trong DeFi.
Cross-chain bridge được thiết kế để chuyển tài sản giữa các blockchain khác nhau, nhưng do sự phức tạp trong việc xây dựng và bảo mật đã khiến chúng dễ bị tấn công.
Các vụ hack nổi bật như vụ Ronin Bridge với thiệt hại 625 triệu USD và Wormhole Bridge bị mất 326 triệu USD đều cho thấy những lỗ hổng bảo mật trong cơ chế của các cross-chain bridge.
Tìm hiểu thêm: Cross-chain Bridge là gì? Mở con đường giao thương giữa các blockchain.
Quy trình thực hiện hoán đổi Token
Di cư token (Token Migration)
Khi một dự án chuyển từ blockchain cũ sang blockchain mới, quá trình token swap sẽ bao gồm các bước sau:
- Thông báo từ dự án: Các dự án sẽ thông báo chính thức về việc thực hiện token swap, cung cấp hướng dẫn cụ thể và chi tiết về cách người dùng có thể chuyển đổi token. Trong một số trường hợp, dự án có thể hợp tác với các sàn CEX để tự động hóa quy trình nếu token đã được niêm yết trên CEX.
- Tạo ví mới (nếu cần thiết): Đối với những trường hợp chuyển đổi giữa các blockchain khác nhau (ví dụ từ Ethereum sang blockchain riêng của dự án), người dùng có thể cần tạo ví mới trên blockchain mới để nhận token mới sau khi quá trình hoán đổi hoàn tất.
- Gửi token cũ đến địa chỉ được chỉ định: Người dùng sẽ gửi số lượng token cũ của họ đến một địa chỉ ví cụ thể được chỉ định bởi dự án. Đây có thể là một ví công khai của dự án hoặc một hợp đồng thông minh được lập trình để tự động thực hiện hoán đổi token.
- Khóa token cũ: Token cũ trên blockchain ban đầu sẽ bị khóa hoặc hủy bỏ để tránh tình trạng trùng lặp. Sau khi bị khóa, các token này không còn có thể được giao dịch hoặc sử dụng.
- Phân phối token mới: Dự án sẽ cung cấp số lượng token tương ứng trên blockchain mới cho người dùng. Điều này thường được thực hiện thông qua các sàn giao dịch hoặc ví của người dùng.
Ví dụ, TRON đã tiến hành token swap vào năm 2018 khi chuyển từ Ethereum sang blockchain riêng. Người dùng đã phải chuyển token TRX ERC-20 của họ vào các sàn giao dịch hỗ trợ swap, và nhận được token TRX mới trên mạng TRON.
Token Swap trên DEX
Đối với các sàn DEX như Uniswap hay PancakeSwap, quy trình token swap diễn ra thông qua các hợp đồng thông minh và được tự động hóa hoàn toàn. Người dùng chỉ cần thực hiện các bước sau:
- Kết nối ví: Người dùng kết nối ví của họ (như MetaMask) với sàn DEX.
- Chọn token muốn swap: Chọn token mà họ đang sở hữu và token mà họ muốn đổi.
- Xác nhận giao dịch: Nhập số lượng token muốn swap và xác nhận giao dịch trên ví. Hợp đồng thông minh sẽ tự động thực hiện giao dịch và gửi token mới về ví của người dùng.
Cross-chain Swap trên Cross-chain Bridge
Đối với các giao thức cross-chain bridge, người dùng cần chọn lựa kỹ lưỡng các cầu nối để quá trình giao hoán đổi được tối ưu nhất. Quá trình hoán đổi thường diễn ra như sau:
- Kết nối ví: Người dùng kết nối ví tiền mã hóa với nền tảng hỗ trợ cross-chain swap.
- Chọn token cần hoán đổi: Người dùng chọn loại token mà họ đang sở hữu trên một blockchain (ví dụ: BTC trên Bitcoin) và chọn token mà họ muốn nhận trên blockchain khác (ví dụ: ETH trên Ethereum).
- Chọn blockchain đích: Ngoài việc chọn token, người dùng cũng phải chọn blockchain đích mà họ muốn nhận token. Ví dụ: chuyển từ blockchain Bitcoin sang blockchain Ethereum.
- Xác nhận giao dịch: Nhập số lượng token muốn hoán đổi và xác nhận giao dịch trên ví. Hợp đồng thông minh sẽ tự động khóa token của người dùng trên blockchain nguồn và hoán đổi tài sản, sau đó gửi token mới về ví trên blockchain đích.
- Hoàn tất giao dịch: Khi quá trình hoán đổi hoàn tất, token mới sẽ được chuyển đến ví của người dùng trên blockchain đích.
Nhờ các bước này, cross-chain swap đảm bảo tính phi tập trung và bảo mật, cho phép người dùng chuyển tài sản giữa các blockchain mà không cần tin tưởng vào bên thứ ba trung gian.
Đọc thêm: Cross-Chain Bridge - Ngành "Giao thông" trong làn sóng Multi-chain.