Vì sao mình chọn Cosmos trong đợt điều chỉnh này?
Tại thời điểm viết bài, BTC đã chính thức chia đôi từ đỉnh được lập vào đầu tháng 11/2021. Thay vì hoảng loạn cắt lỗ, đây là cơ hội để tìm những dự án tiềm năng, được định giá thấp để đầu tư. Và dưới đây là những gì mình nghiên cứu trong thời gian nhìn tài khoản “bốc hơi” dần mỗi ngày.
Mình viết bài này nhằm mục đích đưa ra cách mình sẽ làm khi đánh giá một dự án thông qua phân tích cơ bản. Dĩ nhiên có thể áp dụng thêm phân tích kĩ thuật, nhưng bài viết này mình sẽ không nói về giá, mà tập trung đánh giá thông qua dữ liệu của chính dự án và thị trường.
Dù mỗi dự án sẽ có những cách nhìn nhận khác nhau, nên không thể áp dụng máy móc. Nhưng hi vọng bài viết có thể giúp anh em có thêm phần nào kinh nghiệm trong việc tìm dự án đầu tư
Bài viết chỉ là nhận định cá nhân, KHÔNG phải lời khuyên đầu tư.
Đặt vấn đề: Hạn chế của việc xuất hiện nhiều blockchain
Nhằm giải quyết vấn đề tắt nghẽn của Ethereum, rất nhiều Blockchain đã ra đời. Và trong số đó vẫn có một vài dự án làm mảng App Chain, tức là những Blockchain sinh ra cho mục đích khác, như Umee làm về mảng Lending, hay Secret Network cho mảng bảo mật.
Nhưng dù sao, với việc hàng loạt chain ra đời, thì như các quốc gia, chúng cần một thứ gì đó có thể kết nối nhằm đơn giản hóa việc giao dịch. Một viễn cảnh có thể hình dung, đó là người dùng không cần quan tâm đến việc đồng này ở chain nào, chuyển qua chain khác bằng cầu nối nào.
Do đó, mình sẽ tìm một dự án có thể giải quyết vấn đề kết nối này. Sẽ có hai cách:
- (1): Cầu nối All-in-One, nghĩa là tích hợp hàng chục Blockchain lại.
- (2): Hoặc “thứ gì đó” có khả năng liên kết hàng chục Blockchain lại.
Nói về giải pháp (1), hiện tại mình chưa thấy dự án nào có khả năng này. Có hai cái tên khả thi nhất là Synapse và Allbridge đều liên kết được khoảng hơn 10 dự án. Tuy nhiên như thế vẫn có lẽ vẫn còn quá ít. Ngoài ra, có vẻ thiên xu hướng phát triển của hai bên khác nhau, khi Synapse nghiên về các L2, còn Allbridge thì chọn L1.
Do đó, mình sẽ nghiên về hướng chọn phương án (2), đó là tìm một thứ khác có khả năng liên kết càng nhiều chain càng tốt, và các chain phải thật sự mạnh chứ không phải như các L2 vừa mới ra mắt.
Dữ liệu đầu tư trên hệ sinh thái Cosmos từ các quỹ
Trong quá trình tổng hợp dữ liệu đầu tư các quỹ trong năm 2021, mình nhận ra có một “thế lực ngầm” mà nhiều anh em có lẽ không để ý nếu chỉ nhìn đơn lẻ từng dự án. Đó là số lượng dự án thuộc hệ sinh thái Cosmos chiếm số lượng khá đáng kể, nếu không tính Ethereum.
Cosmos là một “Layer-0” với Cosmos SDK, cho phép các dự án tạo chain dễ dàng ở phía trên. Với mục tiêu trở thành Internet of Blockchain, Cosmos đang kết nối các chain được xây dựng trong hệ sinh thái của mình qua cầu nối IBC (Internet Blockchain Communication).
Vậy các quỹ chọn những dự án nào trên Cosmos?
- Multicoin: THORchain, Kadena.
- Paradigm: Cosmos, Osmosis.
- Hashed: Terra, Cosmos, Vega, Injective, Secret Network.
- Delphi: Terra, THORchain.
- Coinbase: Terra, Vega, Umee.
- Spartan: Secret, Band, Persistence, Pstake, Persistence.
- Binance Labs: Celer, Terra, Kava.
- Framework: Kava.
- Alameda: Siftchain, Umee, Persistence, PStake.
- Polychain: Umee.
Để đầu tư vào một dự án Blockchain, các nhà đầu tư ngoài việc nhìn vào tokenomic, đội ngũ dự án,... thì họ còn dự phóng xem hệ sinh thái phía trên có khả năng bùng nổ hay không. Do đó, khả năng cao họ chỉ đánh giá độc lập dự án Blockchain mà không nhìn vào Cosmos. Dĩ nhiên cũng có khả năng họ liên kết dữ kiện dự án với chính Cosmos. Nhưng dù ở tình huống nào thì các dự án này vô tình nằm trong hệ sinh thái Cosmos.
Tìm hiểu thêm: Tổng quan về hệ sinh thái Cosmos
Vẫn còn một cái tên khác cũng đang đi theo hướng Internet of Blockchain, đó là Polkadot. Tuy nhiên, lý do mình không chọn Polkadot là:
- Polkadot chỉ đang ở trong giai đoạn đấu giá Parachain, có lẽ cần thêm một thời gian nữa mới bùng nổ được.
- Sau khi delay lịch đấu giá từ đầu năm 2021 cho đến cuối năm, niềm tin của mình về Polkadot cũng đã giảm nhiều.
Thực trạng hệ sinh thái Cosmos
Dựa theo những cái tên được quỹ đầu tư, mình thấy có một số hệ sinh thái nổi bật nằm trong hệ sinh thái lớn của Cosmos như sau:
Terra
Có lẽ sau Solana, Terra là một trong những cái tên đáng nhắc đến trong năm 2021, khi TVL chỉ từ $53M tăng lên đỉnh điểm là $20B. Ngoài ra, số lượng dự án hệ sinh thái cũng tăng lên hơn 100 dự án, chưa tính các dự án NFT, Gaming, Metaverse.
Trong năm 2021, Terra gọi vốn hai lần với tổng số tiền lên đến $175M. Bên cạnh đó, chính Terraform Labs - đội ngũ phát triển Terra cũng bỏ tiền túi của mình là 55M LUNA thông qua Project Dawn (5M LUNA) để xây dựng cơ sở hạ tầng, và Luna Foundation Guard (50M LUNA) nhằm đầu tư các dự án tiềm năng, và đặc biệt là giữ giá UST ở mốc $1.
Tìm hiểu thêm: Tổng quan về hệ sinh thái Terra
Vốn hóa UST tăng phi mã từ $181M lên $11B, khoảng 60 lần. Dẫn đến giá LUNA cũng tăng 17,166% nếu tính giá đầu năm so với ATH là $103.
Binance Smart Chain
Sự tăng trưởng của Binance Smart Chain không chỉ đến từ việc họ sẵn sàng để đón dòng tiền, mà còn được “thiên hòa địa lợi” khi hệ sinh thái Ethereum bị tắc nghẽn và có phí gas quá cao, khiến người dùng mới không thể gia nhập.
Khi dòng tiền chưa vẫn còn đang ở Ethereum, BSC đã chú trọng phát triển Infrastructure (cơ sở hạ tầng) vào tháng 9/2020. Để sau đó tháng 1/2021, các ứng dụng DeFi đầu tiên đã ra đời giúp giữ thanh khoản và dòng tiền trong hệ BSC.
Để thu hút được những developer và người dùng đầu tiên, BSC đã ra mắt chương trình Most Valuable Builder, đây là chương trình không chỉ thu hút và tài trợ cho các developer từ các hệ khác sang mà còn tạo sự tin tưởng cho các dự án DeFi trong hệ BSC.
Kể từ tháng 3/2021 tới tháng 5/2021, hệ BSC đạt đỉnh, TVL ghi nhận hơn 30 tỷ đô, các dự án DeFi cũng phát triển mạnh mẽ, điển hình là sự ra đời của các DeFi Station như Pancakeswap.
Nhưng kể từ cú sập tháng 5/2021, hệ BSC rơi vào giai đoạn bão hòa. Mặc dù BSC rất nỗ lực cứu cánh nhưng không thành công. Most Valuable Builder II tập trung vào NFT, Most Valuable Builder III tập trung vào GameFi và Metaverse nhưng vẫn không thể thu hút dòng tiền từ người dùng. Kể từ đó dòng tiền đã chảy sang hệ sinh thái khác.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, mình tin là hệ BSC có thể thoát khỏi vòng xoáy DeFi 1.0 này để thu hút người dùng trở lại với hệ BSC với nhiều trend mới đến từ ông trùm tạo trend CZ.
Tìm hiểu thêm: Tổng quan về hệ sinh thái Binance Smart Chain
Cronos
Cronos là một Blockchain của Crypto.com, mối liên hệ này tương tự Binance Smart Chain và Binance.
Để hiểu thêm về Cronos, anh em cần biết về sàn giao dịch Crypto.com luôn nằm trong top 10 các sàn có khối lượng giao dịch 24h lớn nhất. Được thành lập năm 2016, Crypto.com hiện đang phục vụ hơn 10M khách hàng, và có hơn 3,000 nhân viên.
Trong năm 2021, Crypto.com là một trong số ít các sàn chi rất nhiều tiền trong việc quảng bá, hợp tác với các tên tuổi nổi tiếng, bao gồm đội bóng rổ Philadelphia 76ers, giải đua xe Formula One, giải đối kháng UFC,...
TVL của Cronos chỉ được ghi nhận trên Defillama vào 11/11/2021 với khoảng $4.8M. Chỉ hơn một tháng, TVL của Cronos đã tăng gần 420 lần, đạt mốc $1.9B cuối năm 2021. Ngoài ra, trong tháng 12, Cronos cũng có một khoản tài trợ (CRO EVM Fund) với tổng trị giá lên đến $100M cho các dự án xây dựng ở hệ sinh thái của mình.
Tìm hiểu thêm: Tổng quan về hệ sinh thái Cronos
Cầu nối IBC
IBC không phải hệ sinh thái, nhưng là một trong những điểm nhấn lớn nhất của Cosmos. Nếu không có IBC, Cosmos không có quá nhiều thứ để nhắc đến. IBC có thể xem như một con đường thông thương giữa hàng chục hệ sinh thái với nhau.
Dưới đây là những cái tên đã tích hợp thành công IBC, tính đến đầu năm 2021.
IBC giúp cho việc trao đổi các token được dễ dàng hơn, khi chỉ cần một dự án tích hợp IBC, thì sẽ tương tác dễ dàng với tất cả dự án tích hợp IBC khác. Anh em đọc thêm về cách IBC đóng góp phát triển Cosmos thông qua bài viết sau: Tầm quan trọng của IBC với hệ Cosmos
Liệu Downtrend của thị trường sẽ ảnh hưởng đến Cosmos?
Có rất nhiều ý kiến cho rằng năm nay sẽ bắt đầu một đợt Downtrend. Tuy nhiên, có lẽ nhiều anh em cũng chưa hiểu thật sự “Downtrend” là gì.
Downtrend không hẳn là cái gì cũng giảm, mà ý nghĩa của nó là không có dòng tiền mới đổ vào, và dòng tiền sẵn có thì bị lấy ra. Tuy nhiên, dù không có dòng tiền mới nhưng lượng tiền đang ở các ngách khác sẽ chảy về nơi có những ý tưởng đột phá, hoặc phát triển vượt bật.
Do đó, nếu thật sự có Downtrend thì với rất nhiều dự án cũng như hệ sinh thái nổi bật trên Cosmos, đây sẽ là nơi nhiều khả năng sẽ sinh ra những nhân tố có thể hút dòng tiền.
Xét trường hợp vẫn còn Uptrend, thì việc các lớp ở trên phát triển mạnh còn dễ kéo Cosmos lên hơn Downtrend rất nhiều. Điều này đã được chứng minh trong suốt năm 2021, khi chỉ cần hai hệ sinh thái là Terra và Binance Smart Chain, giá ATOM đã tăng mạnh từ $4 lên đỉnh cao nhất là $44.
Sẽ ra sao nếu tất cả hệ sinh thái trên Cosmos đều trở thành “Binance Smart Chain” hay “Terra” của 2021?
Tổng kết
Cosmos là một trong những dự án có tầm nhìn không chỉ giải quyết vấn đề tắt nghẽn của Ethereum, mà còn cả vấn đề kết nối mọi thứ, làm cho cuộc sống trở nên dễ thở hơn mỗi khi giao dịch, hay thậm chí các dev cũng không cần phải tích hợp Blockchain của mình vào hàng chục cầu nối.
Trên đây là cách mình nhìn nhận Cosmos, cũng như xem xét đưa vào danh mục đầu tư trong đợt thị trường điều chỉnh lần này. Anh em nghĩ gì về Cosmos?