13 cách kiếm tiền điện tử cực hot trong thị trường Crypto
Bối cảnh thị trường Crypto
Hồi tưởng lại thị trường crypto những năm sơ khai, người tham gia Crypto chỉ có thể kiếm tiền thông qua vài cách quen thuộc như:
- Trade: Chỉ việc thực hiện giao dịch mua đi bán lại của một đồng coin nào đó trong thời gian ngắn. Một đồng coin nào đó có thể tăng hoặc giảm đến vài trăm hay thậm chí vài ngàn phần trăm chỉ sau vài giờ (hoặc ngày). Do đó, trading chủ yếu dựa vào tin tức và phân tích kỹ thuật.
- Hold: Chỉ việc nắm giữ một đồng tiền điện tử trong thời gian dài (từ 5, 6 tháng thậm chí đến vài năm). Anh em sẽ lựa chọn một đồng coin theo phân tích cơ bản để đánh giá tiềm năng cũng như cơ hội để phát triển trong tương lai, giữ coin cho đến khi giá trị của chúng tăng lên đúng với mức target ban đầu đã đặt ra rồi mới bán để kiếm lời.
Thị trường crypto hiện tại nếu so sánh với các thị trường khác (chứng khoán, vàng, hàng hóa..) thì vẫn được xem là khá non trẻ. Tuy nhiên, Crypto lại có sự phát triển thần tốc và vô cùng sôi động với đa dạng mô hình kinh doanh tạo ra lợi nhuận khác nhau nhằm thu hút lượng người dùng mới. Do đó, nếu chỉ áp dụng cách mua bán thông thường thì có thể sẽ chưa đủ để nhận lại những phần thưởng đột phá.
Để có thể kiếm được tiền ở thị trường phức tạp này, anh em cần trở thành những người dùng thật sự, những người trải nghiệm sản phẩm và nhận ra giá trị cốt lõi mà các dự án mang lại. Điều đó vừa giúp anh em có cơ hội nhận lợi nhuận, có thêm cơ hội nắm bắt được yếu tố công nghệ cao trước một số lượng đông vẫn chưa biết về blockchain nói chung và crypto nói riêng.
Vì thế trong bài viết này, mình sẽ tổng hợp và chia sẻ những mô hình kiếm tiền (earn) đã có như staking, farming, play-to-earn,... cũng như dự phóng vài cách kiếm tiền mới. Qua đó giúp anh em có thể gia tăng khả năng kiếm lợi nhuận trong lĩnh vực crypto này.
13 hình thức kiếm tiền điện tử từ thị trường Crypto
Mining-to-Earn
Mining-to-Earn hay còn được gọi là đào coin, đây được xem là mô hình đầu tiên trong crypto cho phép người dùng kiếm lợi nhuận và thường được sử dụng cho các đồng coin có cơ chế bằng chứng công việc - Proof of Work (PoW).
Proof of Work tập hợp các miners - thợ đào (hay còn gọi là node) tham gia cạnh tranh để xác thực các giao dịch, sau đó đưa giao dịch vào các khối (block) trong Blockchain để nhận phần thưởng
Điển hình cho mô hình này là 2 đồng coin đang có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường là Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH).
Ví dụ: Thông qua các máy đào (các dàn máy tính với bộ xử lý đồ họa cao - GPU), các thợ đào của Ethereum sẽ xác nhận các giao dịch trên Ethereum, đưa vào blockchain và nhận về ETH làm phần thưởng.
Ưu điểm: Trong thị trường downtrend, việc đầu tư vào đào sẽ giúp tối ưu hóa lợi nhuận khi uptrend trở lại.
Nhược điểm:
- Dành cho những người có vốn lớn (1 máy đào khoảng 80 triệu chưa tính tiền bảo dưỡng định kỳ) và có sự am hiểu nhất định về công nghệ.
- Tiêu tốn thời gian, tài nguyên (chip, phần cứng máy tính) cũng như gây ô nhiễm môi trường (tốn điện). Vì lượng BTC cần khai thác chỉ còn khỏang 10% nên độ khó để đào ngày một tăng
⇒ Đây là mô hình sơ khởi của thị trường crypto. Mô hình này chỉ dành cho anh em có số vốn to vì cần đầu tư khá nhiều trang thiết bị mắc tiền mới có thể đủ sức cạnh tranh với các “công trường”, “nhà máy đào” ở tầm thế giới.
Tham khảo thêm: Bỏ túi 04 kinh nghiệm đào coin hiệu quả
Staking-to-Earn
Sau cơ chế Proof of Work đó là sự xuất hiện cơ chế bằng chứng cổ phần - Proof of Stake (PoS). Đây là một thuật toán được lập trình trên blockchain. Hiểu đơn giản là việc người dùng ký gửi (staking) một lượng tài sản nhất định theo yêu cầu để trở thành các người xác thực (validator), nhằm xác minh các giao dịch trên mạng lưới.
Tương tự, Staking-to-Earn là hành động ký gửi và khóa một lượng coin nhất định trong ví hoặc nút (node) của một dự án blockchain trong một thời gian để làm nhiệm vụ và nhận được phần thưởng từ hệ thống. Phần thưởng sẽ dựa trên công sức anh em bỏ ra bao gồm: số lượng coin stake & thời lượng stake.
Có 2 dạng Staking-to-Earn:
- Staking trong cơ chế PoS: Thực hiện nhiệm vụ trên mạng lưới, nhận lại phần thưởng tương xứng. Tác động trực tiếp lên blockchain
- Staking token vào hệ sinh thái của dự án: Không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên mạng lưới (không tác động lên blockchain), cũng nhận lại phần thưởng tương xứng.
Ví dụ: Staking lượng FTM token trên blockchain Fantom để trở thành validator xác minh giao dịch nhận về phần thưởng là FTM token hoặc một phần phí giao dịch.
Hầu hết các đồng coin hiện nay đều theo cơ chế Proof of Stake, nên anh em có rất nhiều sự lựa chọn để đánh giá và tham gia.
Ưu điểm: Mối quan hệ win-win giữa dự án và người dùng:
- Đối với dự án, người tham gia càng nhiều → tăng tính phi tập trung, an toàn cho dự án → Lượng tài sản được ký gửi càng cao (giảm nguồn cung trên market, giảm áp lực bán → dẫn đến giá token có xu hướng tăng tích cực.
- Đối với người dùng, không cần đầu tư thiết bị cao như “Mining-to-Earn”. Nhận lại đều đặn một khoảng thu nhập thụ động từ khoản đầu tư ban đầu, gia tăng lượng coin.
- Đối với môi trường, tài nguyên được tiết kiệm và bảo vệ hơn (ít tốn điện, nguyên vật liệu sản xuất phần cứng máy tính,...).
Nhược điểm:
- Số vốn đầu tư bị giam nên chỉ dành cho anh em có vốn nhàn rỗi. Tuy nhiên hiện tại có một số mô hình vừa cho phép stake nhận yield vừa giúp số vốn không bị giam, anh em tham khảo thêm tại đây.
- Thiệt hại khi giá của đồng coin đó giảm so với thời điểm đầu tư ban đầu.
- Rủi ro chọn phải dự án kém thì lượng tài sản ký gửi có thể bị khóa vĩnh viễn.
⇒ Mô hình này phù hợp với đa phần anh em. Đây có thể là sự lựa chọn của các anh em có số nhàn rỗi nhất định và có rất ít thời gian skin in the game thì Staking-to-Earn vừa giúp anh em có một khoảng thu nhập thụ động. Nếu lựa chọn được dự án tốt, giá coin có tiềm năng tiềm năng trưởng lớn trong tương lai ⇒ Lãi kép.
Tuy nhiên, để không lỗ khi Staking-to-earn, anh em tham khảo thêm: Hướng dẫn Staking cho người mới bắt đầu
Farming-to-Earn
Farming-to-Earn là thuật ngữ chỉ việc người dùng cố gắng tối ưu hóa lợi nhuận nhất từ tài sản crypto hiện có của anh em thông qua việc cung cấp thanh khoản cho các giao thức.
Trong Farming-to-Earn, người dùng sẽ trở thành các Liquidity Provider (LP) - nhà cung cấp thanh khoản vào các liquidity pool của giao thức. Các hoạt động trong pool này cho phép đối tượng khác vay, cho vay hay giao dịch trao đổi giữa các token.
Phần thưởng nhận lại từ Farming cho anh em đến từ phần phí giao dịch của các hoạt động trên của các người dùng khác (sẽ nhận lại theo phần trăm thanh khoản anh em cung cấp) và sẽ nhận thêm native token của chính dự án đó.
Ưu điểm:
- Đối với dự án, đây là một cách thu hút người dùng, tăng nhanh lượng TVL, tăng giá của token trong một thời gian ngắn, đây cũng là một cách của marketing.
- Đối với người dùng, kiếm được số lợi nhuận lớn trong ngắn hạn khi chỉ số APR/APY (Annual Percentage Rate - Lãi suất Phần trăm Hằng năm/Annual Percentage Yield - Tỷ Suất Thu Nhập Năm) còn cao ở thời điểm ban đầu.
Nhược điểm:
- Người tham gia cần phải thực sự hiểu rõ về mô hình của dự án mới khả năng kiếm lợi nhuận còn không thì tỉ lệ mất tiền khá cao.
- Chịu rủi ro Impermanent Loss → mất tiền, lỗ số lượng coin.
- Có khả năng bị bug, bị thanh lý → mất hết tiền.
⇒ Mô hình này phù hợp với anh em có kiến thức vững, vì đa số người thắng ở mảng này là những nhà đầu tư tay to. Còn với các anh em chưa hiểu rõ, đây là mô hình có rủi ro mất tiền khá cao.
Để hiểu rõ hơn về Farming-to-earn, tránh mất mát, thua lỗ, anh em nên đọc thêm: Tìm hiểu về Yield Farming
Play-to-Earn
Play-to-Earn là từ khóa vô cùng hot trong năm 2021, bùng nổ thật sự từ sau thành công của dự án game blockchain đình đám trên thế giới, đến từ đội ngũ của Việt Nam là Axie Infinity (Trò chơi vật nuôi kỹ thuật số lấy cảm hứng từ Pokémon. Người chơi có thể chiến đấu, thu thập, nuôi và xây dựng một vương quốc trên đất liền cho vật nuôi của họ, được gọi là Axies).
Play-to-Earn là hình thức giúp các gamer nhận được một lợi ích, phần thưởng khi tham gia chơi game. Đơn giản dễ hiểu thì Play-to-Earn chính là chơi game kiếm tiền.
Với lĩnh vực game sở hữu một lượng người dùng đông đảo trên thị giới thế giới, thì có thể nói GameFi nói chung và Play-to-earn nói riêng là một miếng bánh màu mỡ đầy lợi nhuận cho cả các nhà phát hành game và người chơi.
Ở thị trường truyền thống, anh em thường Free-to-play ở mức giải trí. Tuy nhiên muốn được các thứ hạng cao trong game, anh em thường cần pay-to-play để dẫn tới pay-to-win. Nhưng đa phần anh em sẽ tốn tiền hơn là thu về được lợi nhuận. Ví dụ như: Võ Lâm, FiFa Online, Kiếm Thế,..
Ở thị trường crypto, với sự kết hợp của công nghệ blockchain, gaming ở đây sẽ thú vị hơn ở nhiều khía cạnh như gameplay, khẳng định tính sở hữu độc quyền của một vật phẩm bằng NFT, mô hình kinh tế tự trị bởi các người chơi trong game và đặc biệt có khả năng kiếm lợi nhuận.
Ưu điểm:
- Đối với dự án, đây là mảng game còn sơ khai nhiều dư địa phát triển. Nếu phát triển game tốt thu hút nhiều gamer từ thị trường→ qua đó thu được nhiều lợi nhuận.
- Đối với người đam mê game, thay vì chơi game truyền thống, có thể bắt đầu tham gia vừa tận hưởng game vừa kiếm được tiền.
Nhược điểm:
- Cần đầu tư một số vốn ban đầu để mua đội hình, thiết bị (lên đến vài trăm đô) → gây khó khăn tham gia. Nếu là dự án tốt thì có khả năng thu hồi vốn và bắt đầu kiếm lợi nhuận. Nhưng nếu ngược lại thì coi như mất tiền.
- Cần kiến thức nhất định về các khái niệm như blockchain, NFT, và cũng như cả về giao dịch và đầu tư.
- Nếu anh em tập trung quá nhiều việc kiếm tiền (earn) dễ dẫn tới cảm xúc buồn, thất vọng nếu lợi nhuận không đạt được như kỳ vọng.
⇒ Với thị trường game khổng lồ, mô hình play-to-earn này còn rất nhiều đất diễn, cũng như thông qua đó game blockchain càng đi sâu vào ứng dụng thực tế cuộc sống. Tiềm năng vô cùng lớn, anh em cần để ý. Mô hình này khá phù hợp với anh em thích chơi game.
- Với những người bận rộn thì thể đầu tư một đội hình để chơi giải trí, thu hồi vốn và kiếm lai rai lợi nhuận nhỏ đều đặn.
- Với các anh em full-time với gaming, xem crypto là một nghề thì có thể cân nhắc đầu tư nhiều công sức, tiền bạc, thời gian để mau chóng thu hồi vốn và bắt đầu kiếm lãi.
- Hiện tại giờ còn xuất hiện thêm mô hình Guild (bang hội) với cơ chế teamwork sẽ giúp người chơi nâng cao hiệu suất cũng như tối đa hóa phần thưởng trong game, thay vì chỉ tự chơi, tự cày một mình. Đặc biệt nếu gặp game có yêu cầu vốn đầu tư ban đầu để tham gia game vượt quá khả năng chi trả của anh em, nguồn lực của Guild sẽ giúp anh em giải quyết vấn đề đó.
Tham khảo thêm: Tiềm năng lợi nhuận của Play-to-Earn
Free-to-Earn
Trái ngược với mô hình Play-to-Earn phía trên, người tham gia cần một số vốn ban đầu. Free-to-Earn là một hình thức chơi game có thể kiếm tiền nhưng người chơi không cần tốn một khoản tiền đầu tư ban đầu.
Free-to-earn chính là sự kết hợp giữa Free-to-play (thường thấy ở thị trường truyền thống) và Play-to-earn. Ngắn gọn: Free-to-play + Play-to-earn = Free-to-earn.
Free-to-earn dung hòa được nhiều yếu tố của Free-to-play và Play-to-earn, anh em xem qua bảng sau:
Ưu điểm:
- Chi phí ban đầu miễn phí. Giảm rủi ro khi tham gia. Giải trí nhưng vẫn có thể kiếm tiền.
- Nếu gameplay tốt thì tính cao thu hút cộng đồng người chơi với mục tiêu giải trí.
Nhược điểm:
- Vẫn tồn tại rủi ro mỗi khi anh em chơi thua, tổn hại token.
- Nếu đa phần người chơi là free-to-play sẽ khiến giá token có khó động lực tăng, dẫn tới mô hình free-to-earn cũng khó khăn hơn.
- Để thỏa mãn cảm giác chiến thắng, anh em vẫn cần trả phí.
Mô hình Free-to-Earn là một dạng marketing của các đội ngũ dự án game. “Không có bữa trưa nào miễn phí, chỉ có miếng phô mát nằm trong bẫy chuột là miễn phí”. Free-to-earn phù hợp cho các anh em muốn tìm kiếm game tính giải trí cao mà kiếm được tiền.
→ Mô hình free-to-earn cho phép anh em được trải nghiệm thoải mái để tìm ra tựa game phù hợp giải trí rồi mới bắt đầu nghiêm túc đầu tư thật sự (còn đội ngũ sẽ tập trung vào trải nghiệm người chơi thông qua gameplay, đồ họa để lượng người chơi chịu đầu tư để earn sẽ nhiều hơn lượng người tham gia free).
Move-to-earn
Move-to-earn hiểu đơn giản là di chuyển, hoạt động thể chất có thể định lượng dựa theo yêu cầu nhất định rồi được nhận thưởng. Ở thị trường truyền thống, khái niệm Move-to-earn đã từng xuất hiện ở một vài ứng dụng.
Ví dụ như ứng dụng Sweatcoin - là một ứng dụng theo dõi và trả "coin" cho những người dùng tích cực hoạt động thể chất.
Sweatcoin có thể dùng để thanh toán và mua sắm nhiều dịch vụ cũng như sản phẩm khác nhau. Sweatcoin sẽ được ghi nhận cho toàn bộ hoạt động ngoài trời của người dùng, từ đi bộ trong công viên, di chuyển đến chỗ làm hay chạy bộ thể thao bằng cách sử dụng cảm biến gia tốc và con quay hồi chuyển có trong điện thoại thông minh, kết hợp với dữ liệu GPS và thông tin cá nhân của người dùng.
Với mỗi 1,000 bước chân, người sử dụng sẽ nhận lại 0.95 "xu mồ hôi" (Sweatcoin giữ lại 5%). Sweatcoin có thể dùng để thanh toán và mua sắm nhiều dịch vụ cũng như sản phẩm khác nhau. Ở đây, mình vẫn chưa biết được tính khả thi của dự án, tuy nhiên qua ví dụ này, anh em có thể hiểu rõ khái niệm move-to-earn
Còn ở thị trường crypto, Move-to-Earn là vừa mới xuất hiện gần đây trong một NFT game trên hệ sinh thái Solana (có thể nói move-to-earn cũng là một dạng của play-to-earn) là Genopets. Genopets cũng có các gameplay bình thường như sở hữu và triệu hồi linh vật và tham gia vào các kỳ huấn luyên, chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ và nhận phần thưởng.
Ngắn gọn hơn, anh em có thể hiểu Genopets như sau: Free-to-play + Move-to-Play + Play-to-Earn = Move-to-Earn
Genopets cũng hoạt động như ứng dụng Sweatcoin phía trên tự động mã hóa và chuyển đổi các chuyển động trong cuộc sống hàng ngày của anh em thành các XP để nâng cấp Genopet NFT trong game, cũng ghi nhận bằng các thiết bị thông minh như điện thoại, đồng hồ điện tử.
Ưu điểm:
- Khuyến khích vận động trong đời sống thật, chuyển đổi thành dữ liệu trong game.
- Duy trì lối sống lành mạnh bằng game, vừa chơi game kiếm được lợi nhuận
Nhược điểm: Cần thiết bị thông minh như điện thoại xịn hoặc đồng hồ điện tử để ghi nhận các hoạt động thể chất.
→ Mô hình Move-to-earn là một mô hình sáng tạo để giúp cho anh em chỉ ngồi một chỗ suốt ngày gây tiềm ẩn về bệnh. Chuyển đổi thành các lối sống vận động thường xuyên lành mạnh, mang lại sức khỏe cho anh em. Move-to-earn phù hợp với các anh em là đã quen với việc vận động, chơi thể thao, chạy bộ, đi bộ hằng ngày. Bây giờ vừa có thể tập luyện vừa có thể kiếm tiền “một mũi tên trúng hai con chim”.
Live-to-earn
Live-to-earn là thuật ngữ được biết đến trong một dự án mới ra về vũ trụ metaverse trên nền tảng blockchain Solana là Realy. Realy muốn tạo ra một thế giới thực tế ảo, được gọi là thành phố KOOOLA bằng công nghệ cao tích hợp nhiều yếu tố như xã hội, thương mại điện tử, giao dịch, games và cả NFT. Đơn giản hóa, Realy tạo ra một cuộc sống thứ hai cho anh em sống, trải nghiệm, làm việc.
Và chính trong cuộc sống thứ 2, anh em có thể làm việc ở bất kỳ vai trò nào mà mình muốn. Chẳng hạn như bartender, cảnh sát, người bán hàng kinh doanh sản phẩm,...
Mô hình Live-to-earn tuy sống ảo nhưng mua bán và kiếm lợi nhuận thật của Realy thể hiện qua sơ đồ sau: Mua vật phẩm trong metaverse → Chuyển đổi sang đồ ở thế giới thực → Gửi về nhà và được scan thông qua công nghệ chip NFC để xác thực tính chính hãng của hàng hoá → Chuyển đổi lại thành NFT để sử dụng trong metaverse.
Ưu điểm: Mô hình Live-to-earn này còn khá mới, anh em có thể đi tắt đón đầu, học hỏi ngay từ bây giờ để trở thành các nhà tiên phong ơ vũ trụ metaverse trong tương lai
Nhược điểm:
- Cần đầu tư một số vốn cho các native token của các nền tảng metaverse live-to-earn.
- Cần am hiểu một chút kiến thức về công nghệ.
⇒ Mô hình Live-to-earn vẫn còn trong giai đoạn khái niệm. Tuy nhiên tiềm năng về độ ứng dụng của nó vào cuộc sống thì anh em cũng phần nào tưởng tượng được. Mô hình phù hợp các anh em thích công nghệ và có tầm nhìn xa, đi tắt đón đầu, tham gia trải nghiệm và khai phá về những mô hình kinh doanh mới sẽ được tạo ra trong thế giới metaverse.
Learn-to-earn
Learn-to-earn là mô hình được các dự án tung ra để giáo dục và cung cấp thông tin về dự án cho cộng đồng, khuyến khích anh em tìm hiểu, học và thu được phần thưởng của dự án.
Learn-to-earn là nước đi marketing thông minh từ các dự án vì vừa giúp cho cộng đồng hiểu rõ hơn về giá trị dự án cung cấp, vừa giúp dự án được nhiều người biết đến. Khi một lượng người lớn hiểu hơn về mô hình kinh doanh của dự án và đầu tư thì dự án huy động được một nguồn quỹ khổng lồ.
Điển hình có thể kể đến như mô hình learnnear.club của hệ sinh thái Near hoặc chương trình learn-to-earn của các dự án kế hợp với 2 “ông lớn” là Coinmarketcap & Coinbase.
Ưu điểm:
- Đối với dự án, phương thức giáo dục kiến thức và marketing, thu hút nhiều người đầu tư vào dự án. Song song có thể thu hút nhiều nhà phát triển (dev) xây dựng các dApps mới trên blockchain của mình.
- Kiếm được một vài phần thưởng tương xứng.
- Cung cấp kiến thức cho người tham gia. Anh em một khi đã hiểu rõ bản chất của dự án thì sẽ tự tin đầu tư to vào dự án. Xây được thói quen tìm hiểu, học hỏi cho anh em trước khi đầu tư.
Nhược điểm:
- Tốn thời gian, cần anh em nghiêm túc nghiên cứu học, tìm tòi theo các khóa trên website.
- Hầu như các khóa learn-to-earn đều cần vốn tiếng anh nên đôi gây khó khăn cho anh em không rành về ngoại ngữ. Tuy nhiên có thể giải quyết bằng các phần mềm dịch thuật.
⇒ Mô hình Learn-to-Earn là một mô thông minh mang lại lợi ích cho cả dự án và cộng đồng người đầu tư. Đây là mô hình dễ tiếp cận, phù hợp với tất cả anh em. Trong tương lai, đây là mô hình sẽ được các dự án đẩy mạnh vì nhiều lợi ích mà nó mang đến. Anh em nên chủ động tìm hiểu.
Create-to-earn
Ở thị trường truyền thống, chắc hẳn đa phần đều biết Youtube là nền tảng để các nhà sáng tạo nội dung (content creator) tạo ra các sản phẩm video mang lại các giá trị nhất định cho cộng đồng. Các sản phẩm có lượng theo dõi cao sẽ mang lại lợi nhuận tương ứng cho người sáng tạo nội dung.
Không những video, các sản phẩm sáng tạo khác như âm nhạc, tranh vẽ có thể được đổi thành các NFT và bán trên thị trường.
Ở thị trường crypto cũng có mô hình creat-to-earn (hoặc có thể gọi là generate-to-earn) điển hình có thể kể đến như COS và Opensea:
- Contentos (COS) là nền tảng chia sẻ nội dung số (chủ yếu là video) phi tập trung trên toàn cầu. COS là hệ sinh thái cho các content creator sản xuất, lưu trữ và chia sẻ các sản phẩm sáng tạo và thu lại được lợi nhuận tương xứng với sự đóng góp.
- Opensea là một sàn giao dịch các non-fungible (NFTs). Sàn OpenSea sẽ cho phép anh em đăng bán, trao đổi và giao dịch những tài sản NFT của mình dựa trên các smart contract trong công nghệ blockchain. Các vật phẩm sưu tầm NFT, tranh ảnh, âm thanh, video..
Ưu điểm:
- Đối với dự án, thu hút cộng đồng content creator, càng nhiều giao dịch các dự án càng kiếm được lợi nhuận.
- Đối với các content creator, sản phẩm của anh em sẽ được bảo vệ bản quyền tài sản số, chia sẻ với cộng đồng và được kiếm thêm lợi nhuận (phần thưởng từ nền tảng, quảng cáo, lượng theo dõi, phản hồi từ cộng đồng,...).
Nhược điểm: Mất thời gian, công sức, chất xám, sự sáng tạo để tạo ra các sản phẩm hay để thu hút người xem.
Với sự thành công của Youtube ở thị trường truyền thống cũng như vấn đề bản quyền tài sản kỹ thuật số, phân chia lợi nhuận công bằng thì mô hình Create-to-earn chắc chắn sẽ thu hút cộng đồng trong tương lai.
- Nếu anh em không phải content creator, chỉ ở vai trò nhà đầu tư: Nền tảng hoạt động theo mô hình create-to-earn sẽ thu hút các content creator tạo ra các sản phẩm hay → thu hút lượng người dùng, người xem cao → Khi mọi hoạt động trên nền tảng đều cần đến native token, doanh thu lớn → Cầu lớn, giá token sẽ tăng tương ứng
- Phù hợp cho anh em ở vai trò nhà sáng tạo nội dung. Việc anh em tạo ra các sản phẩm số dù hơi mất thời gian ban đầu tuy nhiên có tính lưu trữ lâu, nếu sản phẩm tốt, nó sẽ thành công cụ kiếm tiền tự động như mô hình kiếm tiền trên Youtube.
Follow-to-earn
Follow-to-Earn là thuật ngữ xuất diện bởi các chiến dịch marketing của dự án nhằm thu hút lượng người dùng mới, số lượng lớn để thực hiện các nhiệm vụ trên các nền tảng xã hội như Facebook, Twitter, Discord để kiếm được suất tham gia vào vòng quay may mắn để nhận giải thưởng. Follow-to-Earn còn có thể những cái tên khác như Social-to-Earn, Engage-to-Earn.
Các nhiệm vụ trong follow-to-earn khá giống với các nhiệm vụ anh em thực hiện nhằm lấy một suất whitelist khi mua IDO vậy.
Ưu điểm:
- Đơn giản, dễ làm. May mắn có thể nhận lại được lợi nhuận.
- Anh em có thể bỏ công sức cày số lượng lớn để gia tăng khả năng trúng.
Nhược điểm:
- Còn phụ thuộc vào độ may mắn, nhân phẩm của mỗi anh em.
- Ngoài lề, nếu anh em làm quá nhiều mà vẫn không trúng đôi khi gây ra cảm xúc tiêu cực, chán nản.
⇒ Follow-to-Earn là mô hình dễ thực hiện nhất, phù hợp với tất cả anh em. Đặc biệt với các anh em vốn nhỏ, bỏ công sức để thu lại lợi nhuận.
Shop-to-Earn
Ở thị trường truyền thống có ứng dụng Shopback đã hoạt động theo mô hình Shop-to-eEarn. Shop-to-earn hoạt động theo cơ chế cashback, khi anh em mua hàng, anh em sẽ được hoàn lại một khoản tiền tương ứng. Có dịch vụ sẽ hoàn lại tiền theo tỉ lệ phần trăm tính trên giá của món hàng anh em mua, có dịch vụ sẽ hoàn tiền theo một số cố định, có dịch vụ thì hoàn lại thông qua các điểm thưởng để tiếp tục chi tiêu về sau.
Còn với thị trường crypto, Shop-to-Earn đã bắt đầu khởi động. Ví dụ: ShopNEXT là mô hình đại diện cho nền tảng Shop-to-earn tích hợp tiền điện tử. Dự án trao cho anh em các đồng coin miễn phí (Bitcoin, Ethereum, BNB, USDT) khi anh em mua sắm tại các đối tác của ShopNEXT.
Ngoài ra, đối với mỗi giao dịch mua sắm, ShopNEXT cũng thưởng cho anh em thêm NEXT (loại tiền điện tử do ShopNEXT phát hành). Người dùng có thể bán NEXT trên các sàn giao dịch DEX và CEX để kiếm tiền..
Ưu điểm: Thay vì mua trực tiếp qua các sàn thương mại, anh em có thể mua qua mô hình Shop-to-earn giúp kiếm lại một phần lợi nhuận trong chi tiêu bằng cách bán đi các đồng coin mà ứng dụng trả lại.
Nhược điểm: Mô hình này đôi khi gây ra tâm lý mua đồ không từ nhu cầu thật sự ở một số anh em → tổn thất kinh tế, lãng phí chỉ để nhận về vài đồng cashback.
→ Shop-to-earn là mô hình rất phù hợp với những người có công việc thường xuyên cần mua hàng trên các sàn thương mại điện tử hoặc các nhà sản xuất có kết hợp với nền tảng shop-to-earn (một công đôi việc). Còn các anh em khác vẫn có thể sử dụng để kiếm tý đồng ra đồng vô, không nên thúc ép bản thân phải sử dụng sản phẩm để rồi sau đó từ mong muốn kiếm tiền lại biến thành TỐN TIỀN.
Ngoài ra, còn có Ref-to-Earn: Share các ứng dụng đính kèm mã giới thiệu cho các anh em khác đăng ký và sử dụng. Người dùng sẽ nhận phần thưởng từ ứng dụng cho việc quảng bá sản phẩm của dự án.
→ Phù hợp với các KOLs, influencers có tiếng nói trong một cộng đồng nhất định.
Dự phóng một số mô hình kiếm tiền từ Crypto khác
Dự phóng từ một số mô hình đã có ở thị trường tài chính truyền thống, có thể được triển khai trên thị trường crypto trong tương lai.
Write-to-Earn
Write-to-Earn là một nhánh của Create-to-Earn, nhưng sẽ tập trung vào các dạng sản phẩm liên quan đến câu chữ như bài viết, sách.
Write-to-Earn phù hợp với những người là nhà văn, nhà báo, marketer, các content creator chuyên viết content câu chữ. Đặc biệt với tiềm năng Web3 trong tương lai, khi mà bản quyền của mỗi bài content sẽ được bảo vệ để bảo vệ công sức của tác giả. Không những thế các content hay sẽ được công nhận và đóng góp từ cộng đồng sẽ mang nhiều giá trị rất lớn cho các nhà sáng tạo.
Đã có vài dự án Write-to-Earn nhen nhóm có thể nói đến như Mirror hay dự án chính là trang web Coin98.net mà anh em đang xem đây.
Ví dụ: Thử tưởng tượng xem, trong tương lai, Coin98.net trở thành phiên bản Web3, các bài viết không chỉ đến từ đội ngũ Coin98 mà sẽ được đóng góp từ rất nhiều cá nhân khác nhau của cộng đồng.
Anh em là một phần tử gắn bó với Coin98.net, nếu anh em sản xuất được 1 bài viết hay thu hút được nhiều lượt traffic về cho web, được nhiều like. Nếu giả sử dự án trao tặng một like tương ứng với 0.001 C98, nếu có được 1000 like anh em nhận lại 1 C98 làm phần thưởng.
Feedback-to-Earn
Feedback-to-Earn là việc người dùng sẽ cho phản hồi các trải nghiệm người dùng về lỗi, về độ khó khăn, cảm nghĩ về sản phẩm cho dự án để kiếm lại phần thưởng tương xứng. Mô hình này đã thu hút cộng đồng crypto bằng những phần thưởng lớn như:
- Bug bounty của các dự án như Polkadot, Solana, Crypto.com,... với phần thưởng từ vài trăm nghìn lên đến hàng triệu đô la. Ví dụ: Polygon trả 2 triệu đô la cho người tìm ra lỗ hổng bảo mật.
- Làm theo yêu cầu các nhiệm vụ từ các dự án để phản hồi về lỗi nhằm săn Airdrop Bounty.
- Trải nghiệm toàn bộ tính năng các sản phẩm với mức độ yêu cầu tối thiểu, nếu may mắn anh em sẽ nhận được Retroactive.
Nhưng chung qui, tất cả việc trên có thể gọi chung bằng khái niệm Feedback-to-Earn.
Tuy nhiên trong tương lai, dự phóng khác biệt ở đây là các lĩnh vực cần phản hồi sẽ không gói gọn trong các ứng dụng công nghệ, mà rộng rãi từ các sản phẩm công nghệ, content (video, quảng cáo, bài viết,...), các chương trình đào tạo,... rất rất nhiều khía cạnh khác tùy thuộc vào lĩnh vực của mỗi người. Feedback-to-earn sẽ được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain minh bạch, rõ ràng và không phụ thuộc vào một bên thứ 3
Feedback-to-Earn là mô hình trái ngược với Create-to-Earn:
- Với create-to-earn thì anh em đứng trên vai trò của một người sáng tạo để làm ra sản phẩm cho cộng đồng.
- Còn feedback-to-earn thì anh em sẽ đứng ở vai trò là người phản hồi, review. Phần thưởng không chỉ đến từ dự án, mà còn đến từ những người dùng tương lai giống như sự ghi nhận cho trải nghiệm, để tránh lập lại lỗi gây mất tiền cho người dùng sau.
Kết thúc, mình muốn tổng kết và phân loại các mô hình đề cập bên trên theo tiêu chí độ cam kết của anh em với dự án qua bảng sau:
→ Để kiếm được lợi nhuận trong thị trường crypto ngày càng phát triển và phức tạp, anh em sẽ cần thay đổi cách tiếp cận hời hợt để trở thành những người dùng có độ cam kết cao với các dự án.
Lời kết
Qua bài viết, anh em nhận được tổng quát các loại hình kiếm tiền trên thị trường hiện tại, cũng như vài gợi ý cho mô hình trong tương lai.
Thêm vào đó, anh em có thể thấy, công nghệ càng phát triển, crypto càng phát triển thì việc mua đi bán lại đôi khi chưa đủ để nhận được lợi nhuận lớn trong thị trường này. Anh em sẽ cần có độ cam kết từ trung bình cho đến cao (theo bảng phía trên), thực sự skin-in-the-game với các gameplay mà thị trường cũng như các dự án mang lại.
Hy vọng đọc tới đây, anh em đã bắt đầu suy nghĩ và đánh giá chọn lựa trong những mô hình phía trên, mô hình nào phù hợp với vị thế của anh em để tham gia nhé. Thật ra còn rất, rất nhiều các cách kiếm tiền sáng tạo khác sẽ xuất hiện trong tương lai mà mình có thể bỏ sót, chưa nhắc tới. Do đó, nếu anh em đã biết hoặc có thêm những dự phóng ý tưởng mới cho các loại hình khác, hãy nhanh tay để lại bình luận bên dưới.
Đọc thêm: 360 Cách Kiếm Tiền Trong Crypto: Muốn Thắng Thì Chơi Theo "whale"