Phân tích Cosmos Q3/2022: Tiếp tục "hồi sức", dYdX ra mắt trên Cosmos
Trong bối cảnh thị trường phát triển những năm gần đây, ngày càng nhiều blockchain ra mắt và đi vào hoạt động ổn định, lượng người dùng tăng cao. Khả năng tương tác giữa các blockchain dần được định hình và trở thành xu hướng chủ đạo của nền kinh tế DeFi.
Hệ sinh thái Cosmos cũng có các cập nhật để bắt kịp dòng tiền đổ vào thị trường. Bài viết sau tổng hợp những sự kiện nổi bật trên Cosmos trong khoảng thời gian vừa qua.
Key Insights:
- Tính bảo mật trên Cosmos đang ổn định, đặc biệt là việc tích hợp đúng lộ trình của công nghệ Interchain security. Cosmos không ghi nhận vụ hack nào từ đầu năm 2022 đến thời điểm hiện tại.
- Hệ sinh thái Terra sụp đổ để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
- Cross-chain bridge chưa phát triển mạnh, dòng tiền đổ về hệ sinh thái chưa ổn định.
- Cuộc chiến stablecoin chưa được khơi mào khi các "ông lớn" chưa có động thái nào liên quan đến Cosmos.
- Các giao thức cơ sở hạ tầng đang được xây dựng.
- Injective hoạt động sôi nổi, cập nhật mainnet, hợp tác với các giao thức khác trên Cosmos.
- Cosmos chưa phát triển mảnh ghép phái sinh.
- Ra mắt ATOM 2.0 - bản nâng cấp về tokenomics của ATOM và các cập nhật mới trên chain trong thời gian tới.
- Mảnh ghép stablecoin có sự góp mặt của USDC vào đầu năm 2023.
- Mảnh ghép cross-chain DEX hoạt động mạnh, tuy nhiên TVL và vốn hóa chưa cao.
- Khối lượng giao dịch IBC tăng, tỷ lệ giao dịch thành công cao.
Những con số ấn tượng trên hệ Cosmos Q3/2022
Không ghi nhận vụ hack nào
Từ đầu năm 2022 đến thời điểm hiện tại, Cosmos là hệ sinh thái đầu tiên chưa ghi nhận thiệt hại nào liên quan đến việc bị hack. Mục tiêu quan trọng của Cosmos trong 2022 là hướng đến interchain security, và tính bảo mật của mạng lưới đã chứng tỏ công nghệ của Cosmos đang được thực thi một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, các thiệt hại của toàn bộ hệ sinh thái Cosmos không đến từ bên ngoài, nhưng lại phát sinh từ bên trong.
Osmosis trả nhầm reward (thưởng) cho người dùng farming do lỗi thuật toán. Hàng loạt vấn đề đến từ Juno Network như lỗi phân bổ airdrop có khả năng đánh sập dự án, hợp đồng thông minh bị lỗi dẫn đến việc chain bị dừng do phụ thuộc hoàn toàn vào CosmWasm, lỗi copy paste "nhầm" địa chỉ ví khiến 36 triệu USD "đi vào lòng đất".
6 triệu giao dịch IBC, vốn hóa 62 tỷ USD, kết nối 49 App chain
IBC hiện tại đã kết nối 49 App chain trên toàn hệ sinh thái, nâng tổng mức giao dịch IBC trong tháng 1/2022 lên xấp xỉ 6 triệu giao dịch.
So sánh với số liệu từ tháng 11/2021, con số này là 1.9 triệu giao dịch, thể hiện mức tăng trưởng vượt trội và sự phát triển của toàn bộ chain trên Cosmos.
49 chain được tích hợp IBC IBC trên 12 mảnh ghép quan trọng
- DeFi
- Kết nối domain của DeFi và CeFi
- Web 3
- Lĩnh vực ảnh hưởng đến cộng đồng
- Cơ sở hạ tầng
- Crosschain
- Cộng đồng
- Smart contracts public chain
- NFT: Stargate
- Bảo mật: Secret Network
- Memecoin: Chihuahua
- Exchanges chain: Crypto.org
Trong năm 2022, khái niệm “modularity” trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trong cộng đồng người dùng. Cosmos - được mệnh danh là crosschain hàng đầu cùng với Boca đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng.
Cosmos với tham vọng trở thành “Internet of blockchain” đã cho thấy sự phát triển vượt trội trong nửa đầu năm 2022 cùng với các công nghệ cốt lõi như Cosmos SDK, IBC, CosmWasm và Tendermint.
06/07/2022: Kujira trở thành thành viên thứ 49 có kết nối IBC. Kujira là nền tảng Cosmos layer 1, được phát triển nhằm hỗ trợ người dùng và đội ngũ nhà phát triển trong DeFi. Kujira xây dựng nhiều dApp trong bộ sản phẩm của mình, phục vụ từ đầu tư đến phát triển sản phẩm, bao gồm: Kujira Orca, Kujira Fin, Kujira Blue và Kujira Finder.
Ngày 06/07/2022, Kujira chính thức gia nhập đại gia đình IBCGang với tư cách là thành viên thứ 49. Việc gia nhập vào IBC đối với bất cứ dự án nào phát triển trên Cosmos cũng là một yếu tố mang lại nhiều lợi ích.
Hiện tại, giao dịch mỗi ngày trên IBC đang tăng trưởng đều đặn, kết nối các app chain trên Cosmos ngày càng nhanh và dễ dàng hơn. Kujira đang xếp thứ 11 trên tổng số TVL của hệ với số lượng giao thức là 1 và xấp xỉ 3 triệu USD TVL. Tăng trưởng trên Kujira chưa có nhiều, việc tích hợp IBC sẽ làm nền cho Kujira ngày càng có đất diễn hơn trên Cosmos.
Injective thực hiện nâng cấp mainnet của chain
Injective là giao thức được xây dựng cho các ứng dụng tài chính với blockchain được gọi là Injective Chain. Trên đó sẽ có rất nhiều ứng dụng, một trong số đó là sàn giao dịch của Injective, đóng vai trò là nơi giao dịch sản phẩm spot, phái sinh.
Mặc dù hầu hết dự án trên Cosmos đều có định hướng xây dựng hệ sinh thái riêng, tuy nhiên Injective là một trong những dự án đang có những bước khởi đầu thuận lợi và suôn sẻ.
Ngày 5/7, Injective chính thức mainnet thành công, tạo nền tảng cho các sản phẩm phát triển.
10/8: Injective gọi vốn thành công 40 triệu USD, phục vụ cho sự phát triển của hệ sinh thái.
10/08: Injective hợp tác với Secret Network, tạo ra phiên bản mới cho INJ - sINJ và gia tăng tính ứng dụng cho hệ sinh thái của Injective.
02/09: Helix ra mắt trên Injective với các tính năng và cập nhật nổi bật để giúp mở rộng Injective đến nhiềui người dùng hơn.
⇒ Nhìn chung, Injective đang là dự án có hoạt động sôi nổi hàng đầu trên hệ sinh thái Cosmos. Ngược lại với toàn cảnh thị trường đi xuống, Injective đang ngày càng đi lên.
Đội ngũ Injective đang có những bước đi chắc chắn với lộ trình phát triển cụ thể, tuy nhiên TVL và vốn hóa của dự án dù có tăng trưởng nhưng chỉ ở mức thấp. Cụ thể, cuối Q3/2022, TVL của dự án khoảng 80 triệu USD, vốn hóa thị trường xấp xỉ 130 triệu USD.
Sau công bố mainnet, dự án hoạt động ổn định, mạng lưới không có biến động lớn, đội ngũ vẫn đang tiếp tục xây dựng.
Secret Network - bản nâng cấp mainnet Shockwave Delta
Bản nâng cấp mainnet Shockwave Delta của Secret Network được người dùng mong đợi trong tháng 9. Mạng lưới của Secret thông qua bản nâng cấp này sẽ chuyển đổi từ CosmWasm 0.10 sang CosmWasm 1.0, cùng khả năng tương tác với các smart contract của các blockchain khác thông qua IBC.
Có thể kể đến một số lợi ích nổi bật mà dự án mang lại cho người dùng như:
- Khi người dùng tham gia vote (bỏ phiếu), thông tin và các quyết định của họ sẽ được bảo mật.
- Cải thiện về tính năng giao dịch trên mạng lưới.
- Cho phép người dùng gửi các custom token (CW20, SNIP20…).
→ Tất cả nhằm giúp người dùng trải nghiệm sản phẩm: nhanh, thuận tiện và bảo mật.
Số lượng giao dịch trên Secret tăng đều đặn trong Q3/2022. Sau khi công bố bản nâng cấp Shockwave, giá của SCRT tăng cao. Có thể thấy, người dùng vẫn đang thể hiện sự quan tâm nhất định cho Secret Network.
Cosmosverse: ATOM 2.0 và tương lai của Cosmos
Vào ngày 26-28/9/2022, hội nghị Cosmosverse được tổ chức. Nội dung chính xoay quanh các cập nhật về công nghệ và những giải pháp mới cho ATOM 2.0.
Các cập nhật được chia thành 2 phần:
1. Về tokenomics của ATOM:
- Vấn đề: ATOM có tỉ lệ lạm phát cao, tổng cung ATOM tăng từ 214 triệu lên 292.5 triệu ATOM sau 3 năm, tương đương 36.68%.
- Giải pháp: ATOM 2.0 đề xuất chính sách tiền tệ mới nhằm ngăn chặn sự lạm phát.
2. Về các tính năng mới cho Cosmos Hub:
- Interchain Security.
Roadmap phát triển của interchain security
- Liquid Staking.
- Interchain Scheduler.
Mô hình kinh tế mới cho ATOM:
- Interchain Allocator.
- Scheduler.
Whitepaper của ATOM 2.0, xem thêm tại đây.
Hackathon cho Cosmosnauts - HackATOMSeoul
Hackathon là sự kiện giúp hệ sinh thái chiêu mộ thêm nhân tài và các dự án mới đến với nền tảng của mình. HackATOMSeoul là Hackathon được tổ chức bởi Interchain và đội ngũ KryptoSeoul tại Seoul vào ngày 29-31/7.
Dự án giành được giải Nhất chung cuộc là team Nonce A Team. Dự án làm về sản phẩm phái sinh staking over-collateralized với mô hình Uniswap SDK thông qua IBC và đã được hỗ trợ về mặt UX.
→ Phái sinh là mảnh ghép Cosmos còn thiếu, hiện tại chưa có dự án phái sinh nào được xây dựng hoàn chỉnh để phát triển trên hệ này. Sản phẩm của đội tham dự này là một phần của những gì còn thiếu trên Cosmos.
Tuy nhiên, để có thể phát triển hơn nữa và trở thành một hệ sinh thái có sức cạnh tranh như Ethereum, Cosmos vẫn còn cần nhiều mảnh ghép quan trọng khác. Mời các bạn xem video tại đây để tìm hiểu thêm về các mảnh ghép của Cosmos.
Phân tích các vũ trụ trong Cosmos Q3/2022
Cosmos (ATOM)
Thời điểm đầu năm, Cosmos duy trì các chỉ số ở mức ổn định, dự án liên tục kế thừa và phát triển trong thời điểm thị trường liên tiếp có các tin tốt. Các blockchain có sức ảnh hưởng lớn có thể kể đến như: Terra, Osmosis và Juno sở hữu khối lượng giao dịch IBC hàng đầu. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của “đế chế” Terra, toàn cảnh hệ sinh thái Cosmos đang có dấu hiệu chững lại rõ rệt.
Từ khoảng đầu tháng 5, khi UST mất peg kéo theo sự sụp đổ của Terra, hệ sinh thái Cosmos hứng chịu những ảnh hưởng không nhỏ. TVL của Cosmos giảm, cùng với đó là giá token chia đôi, từ 20 USD về 10 USD. Sau đó, chịu thêm tác động chung của thị trường, giá ATOM ghi nhận mức thấp nhất là 7 USD, hiện tại đã quay trở về mốc 10 USD.
Điều này chứng tỏ trong bối cảnh thị trường đang còn nhiều bất cập, công nghệ IBC và Cosmos SDK là thế mạnh giúp dự án hồi phục dần.
Trên Cosmos hiện có 14 chain mang lại TVL cho hệ sinh thái, tính tới ngày 30/9:
- Cronos dẫn đầu với hơn 700 triệu USD.
- Kava xếp hạng 2 với hơn 270 triệu USD.
- Osmosis đứng thứ 3 với 216 triệu USD.
- Thorchain đứng thứ 4 với hơn 100 triệu USD.
10 chain còn lại có TVL nằm trong khoảng từ 0 đến 40 triệu USD.
Hoạt động của các nhà phát triển trên hệ sinh thá
Trong Q3/2022, với phương châm chủ đạo là “BUIDL”, hàng loạt giao thức đã gia tăng hoạt động của các developer (nhà phát triển). Osmosis dẫn đầu “đoàn leo núi” với tổng số 1,865 developer cam kết tham gia.
Cosmos xếp hạng 2 với 1,718 developer cam kết tham gia. Cụ thể, sự cạnh tranh giữa Cosmos và Osmosis đang khá gay gắt, tạo nên một cuộc đua về số lượng developer tham gia, đồng thời thúc đẩy toàn hệ sinh thái hoạt động ngày càng tích cực hơn.
Các thông số on-chain của Cosmos
Trong Q3, thị trường không có nhiều chuyển biến tích cực khiến Cosmos cũng phần nào bị ảnh hưởng. Hệ sinh thái duy trì ở mức phát triển đều đặn, không có chuyển biến đột phá.
Về tổng khối lượng giao dịch, khoảng thời gian đầu tháng 8 đến giữa tháng 9 chứng kiến sự tăng trưởng có phần nhỉnh hơn, lượng giao dịch mỗi ngày lên đến 250 triệu USD.
Khối lượng giao dịch mỗi ngày của ATOM duy trì ở mức 30,000 giao dịch và biến động mạnh vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9.
Tổng số lượng người dùng nắm giữ ATOM đạt mức 42,235 người, tăng trưởng đều đặn trong Q3, nổi bật nhất là giai đoạn tháng 9. Nhìn chung, số lượng người dùng nắm giữ ATOM tăng đều đặn từ đầu năm 2022. Mặc dù tăng về lượng người nắm giữ nhưng số lượng ATOM được nắm giữ không tăng mạnh.
→ Người dùng chủ yếu nắm giữ ATOM để có cơ hội nhận airdrop từ các dự án mới trên chain.
Có thể thấy, DeFi là mảnh ghép phát triển nhất trên hệ sinh thái Cosmos. Dự án tăng trưởng đều đặn và nổi trội nhất là Kava khi liên tục đưa ra những chương trình phát triển hệ sinh thái riêng, cũng như kế hoạch xây dựng cầu nối giữa Kava và Ethereum. TVL của Kava đạt mốc 291.2 triệu USD, sau đó là Osmosis với 209 triệu USD và Thorchain ở vị trí thứ 3 với 105.85 triệu USD.
Kava (KAVA)
Tổng quan về các giao thức, các chain đang hoạt động trên Cosmos, có thể thấy Kava đang chiếm 2/3 trên tổng TVL toàn hệ. Từ đầu năm 2022, TVL của Kava còn khá thấp, chủ yếu bị Osmosis “áp đảo” thị phần trong toàn hệ.
Sau bản nâng cấp Kava 10 vào cuối tháng 5, hệ sinh thái của Kava có 21 giao thức đã chính thức đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, đội ngũ của Kava hoạt động sôi nổi và liên tục có những cập nhật lớn liên quan đến sự phát triển của hệ sinh thái. Tính đến thời điểm hiện tại, Kava là chain đầu tiên trên Cosmos đã xây dựng stablecoin riêng cho chain và đi vào hoạt động từ cuối tháng 3.
Marketcap của Kava đạt ATH tại 1 tỷ USD, hiện giao dịch tại mức 489 triệu USD với khối lượng giao dịch 24h đạt 50 triệu USD. Tuy nhiên, trong thị trường crypto với vốn hóa lên đến hàng tỷ USD, đây không phải là những con số quá lớn.
Ngày 8/9, Kava tiếp tục ra mắt bản cập nhật Kava 11 và các chương trình liquidity incentives, farming incentives, staking với APY cao. Đặc biệt, cộng đồng người dùng lớn mạnh sẽ là bước đệm để Kava có thể đồng hành và phát triển với Cosmos trong thời gian tới.
2 cross-chain DEX hàng đầu
Khác với các hệ sinh thái như Ethereum, Solana, Polygon... hệ thống các app chain phát triển trên Cosmos cần một yếu tố chung: phát triển dựa trên cross-chain nhằm đáp ứng và thích nghi với giá trị cốt lõi của Cosmos. Vì vậy, các giao thức cross-chain DEX trên hệ sinh thái Cosmos được chú trọng phát triển mạnh. Có 2 cái tên được nhắc đến, bao gồm:
- Osmosis
- Sifchain
Osmosis - Top DEX
Osmosis là cross-chain DEX, đã tích hợp IBC trên framework của Cosmos SDK, được phát triển để tương thích với các blockchain Layer 1 trong hệ sinh thái Cosmos. Cơ chế cốt lõi của Osmosis nổi bật với 2 tính năng:
- Modularity (Modul)
- Privacy (Bảo mật)
Có thể kể đến các đặc điểm nổi trội của Osmosis như cơ chế cho phép điều chỉnh các thông số tại các pool, cơ chế Superfluid staking và cơ chế anti-MEV.
Từ đầu năm 2022, vốn hóa của Osmosis tăng trưởng mạnh, ATH vốn hóa ở mức 4 tỷ USD, khối lượng giao dịch đạt 140 triệu USD vào tháng 3/2022.
Từ tháng 5/2022, sau sự kiện của Terra, Osmosis chịu ảnh hưởng lớn khiến cả hai chỉ số này đều sụt giảm mạnh, chia 8 lần từ ATH. Cùng với các tác động chung của thị trường, Osmosis duy trì mức tăng trưởng đều đặn từ tháng 5 đến thời điểm đầu tháng 8/2022.
Osmosis đang là DEX có khối lượng giao dịch IBC lớn nhất và số lượng giao dịch cao nhất, mở rộng đến 46 chain. Điều này thể hiện một sự tăng trưởng không mang tính đột phá nhưng ở mức duy trì đều đặn.
Nhìn vào số liệu, có thể thấy khối lượng giao dịch và các hoạt động tương tác giữa Osmosis với Evmos không phải lớn nhất nhưng có tỉ lệ thành công cao nhất, cho thấy hoạt động của các giao thức đã đi vào ổn định.
Nhìn chung, tỉ lệ các giao dịch IBC thành công chưa phải ở mức tuyệt đối, với đa số các blockchain hàng đầu trong hệ, tỉ lệ này dao động ở mức 80% - 95%. Tuy nhiên, đây cũng là một chỉ số đáng ghi nhận khi trên hệ, giao dịch ngày càng nhanh và tỉ lệ thành công đã đạt mức cao hơn.
Thời gian gần đây, khi thị trường DeFi liên tục nổi lên các vụ hack ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả giao thức và người dùng, Osmosis ra mắt Osmosis v11.0.0 nhằm nâng cấp mạng lưới tại block 5,432,450 3/8/2022. Bản nâng cấp tập trung chủ yếu vào việc giảm thiểu tối đa các tác vụ spam on-chain để bảo vệ người dùng một cách tối ưu nhất.
Sifchain (EROWAN)
Sifchain là một giao thức cross-chain DEX đã được tích hợp IBC và được xây dựng trên bộ công cụ Cosmos SDK. Sifchain trước đó chỉ phát triển chính giữa Cosmos và Ethereum thông qua cross-chain bridge Peggy.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Sifchain đã liên tục có những đổi mới về công nghệ để có thể tương tác với các chain khác như Cardano thông qua cross-chain bridge Peggy 2.0.
Khối lượng giao dịch IBC trên Sifchain chỉ đang ở mức 70,000 USD/ngày, 11 triệu USD/tháng, giúp Sifchain đứng thứ 10 trên toàn bộ các chain đã tích hợp IBC.
Sifchain sau khi tích hợp IBC đã có sự tăng trưởng vượt trội, TVL đạt ATH ở 200 triệu USD. Sau đó, vì chịu ảnh hưởng từ Terra, giao thức này đã có cú trượt dài.
Tổng vốn hóa của Sifchain đang rơi vào khoảng 13 triệu USD, khối lượng giao dịch hàng ngày đạt mốc khá thấp - 700,000 USD.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang có những tin tức không quá tích cực, Sifchain liên tục có những cập nhật về hệ sinh thái, điển hình như kết nối với Cardano thông qua cầu nối Peggy 2.0, ra mắt Omni-EVM chain để thúc đẩy sự luân chuyển dòng tiền giữa các chain đã tích hợp IBC và hệ sinh thái.
Có thể thấy, Sifchain với những nỗ lực không ngừng nghỉ đang duy trì chain ở mức ổn định. Nhìn chung, Sifchain vẫn là một DEX khá mới, các công nghệ hay tích hợp công nghệ vẫn đang trong quá trình hình thành và phát triển.
Nhìn về mặt số liệu, khối lượng giao dịch 24h trên IBC của Sifchain rơi vào khoảng hơn 600,000 USD. TVL của dự án dao động ở mức 3 triệu USD, tổng vốn hóa khoảng 3 triệu USD.
⇒ Nhìn chung, Osmosis và Sifchain là 2 cross-chain DEX hàng đầu của hệ sinh thái Cosmos. Tuy nhiên, trong Q3/2022, 2 giao thức không có nhiều sự tăng trưởng lớn, TVL hay tổng vốn hóa đều ở mức duy trì.
Vì không có stablecoin nên các token thường được cặp với ATOM hoặc native token ở chain như OSMO, JUNO… Điều này không giúp đảm bảo tài sản của người dùng khi xảy ra biến động giá mạnh.
Mặt khác, AMM trên Cosmos cũng có những cải tiến nhất định như Osmosis có tính năng Superfluid Staking, Crescent DEX có Hybrid AMM model, ThorDEX là cross-chain AMM đầu tiên trong crypto.
Nếu so sánh với các AMM DEX trên các hệ sinh thái khác, có thể thấy crosschain DEX trên Cosmos có tiềm năng rất lớn. Điểm còn thiếu ở đây là sự vắng mặt của các stablecoin, yếu tố thực sự để các DEX tăng trưởng vượt bậc. Sự kiện USDC thông báo có mặt trên Cosmos đầu năm 2023 liệu có đánh dấu một bước tiến xa cho Cosmos?
Stablecoin
USDX là stablecoin đầu tiên và duy nhất đang hoạt động trên Cosmos, tính đến ngày 4/8, tổng vốn hóa thị trường của USDX đạt 114 triệu USD.
UST là stablecoin đóng vai trò làm tài sản đảm bảo cho USDX nên sau khi UST sập, USDX chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. USDX rớt khỏi mức giá peg, giảm sâu về 0.55 USD, vốn hóa thị trường giảm còn 80 triệu USD.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của USDX là quá phụ thuộc vào UST. Đây là một ví dụ điển hình của việc vi phạm quy tắc đầu tư kinh điển: “Bỏ trứng vào một rổ” do đặt niềm tin vào sự “kiêu ngạo” của Do Kwon về một Terra không bao giờ sụp đổ. Hiện tại, lượng USDX được lưu hành trong hệ sinh thái Kava chiếm đến 80%, thanh khoản chủ yếu ở trên KavaSwap.
Đội ngũ phát triển của Kava đã tăng thêm use case cho đồng stablecoin này bằng cách trả reward/incentive cho bất kỳ loại hình dịch vụ nào có thể giúp USDX trở nên phổ biến hơn với người dùng trong hệ sinh thái Cosmos. Tuy nhiên, stablecoin trên Kava vẫn chưa được dự án ưu tiên phát triển trong thời gian tới.
Hơn 3 tháng trôi qua kể từ khi Terra “gặp nạn”, UST đã bị hệ sinh thái Cosmos lãng quên và dần mờ nhạt trong thị trường crypto nói chung. Các stablecoin được sử dụng để làm phương tiện giao dịch và định giá trên hệ sinh thái Cosmos chủ yếu ánh xạ giá từ các cross-chain bridge.
Điều này tạo ra nhiều hạn chế cho toàn bộ app chain đang hoạt động trên Cosmos. Trong một hệ sinh thái phát triển bền vững và lâu dài, dòng tiền của các loại tài sản đảm bảo là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất. Đồng thời, sự mở rộng của hệ sinh thái trên các chain cũng đòi hỏi một lượng lớn thanh khoản. Thiếu các native stablecoin trong hệ sinh thái, các rủi ro hệ thống của Cosmos sẽ ngày càng tăng.
Số lượng stablecoin trên Cosmos cũng khá nhiều, tuy nhiên, mỗi stablecoin chỉ hoạt động trên một chain chính và chưa có sự phát triển mạnh. Các wrapped token như USDC, USDT, DAI thậm chí vẫn chưa xây dựng được độ phủ tại hệ sinh thái Cosmos, wrapped token được sử dụng nhiều trong hệ sinh thái là axlUSDC.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc xây dựng một giao thức stablecoin native để sử dụng rộng rãi trên các app chain của Cosmos là rất khó. Nếu có sự tham gia của các "ông lớn" stablecoin trên thị trường như USDT, USDC, BUSD, cuộc chiến stablecoin trên Cosmos sẽ chính thức bắt đầu.
Cross-chain bridge - yếu tố đưa Cosmos vươn xa trong tương lai
Không thể phủ nhận rằng trong một cấu trúc phức tạp về công nghệ như Cosmos, vai trò của các cầu nối cross-chain càng được nhấn mạnh hơn nữa. Nhu cầu chuyển đổi tài sản giữa các chain đang tăng theo cấp số nhân. Thật không ngoa khi ví cross-chain bridge như trục hệ thống giao thông vận tải, đưa dòng tiền đến làm màu mỡ cho các mảnh đất khác.
Một số blockchain đang xây dựng cầu nối đến Cosmos:
Các bridge trên hiện đã đi vào hoạt động và có thể hỗ trợ người dùng chuyển đổi tài sản trực tiếp giữa các chain. Tuy nhiên, đối với cầu nối Nomad tới hệ sinh thái Evmos, DefiLlama không ghi nhận dữ liệu nào, nghĩa là chưa có giao dịch nào được thực hiện.
Nomad chỉ vừa kết nối với Evmos từ tháng 5/2022, tuy nhiên đây là khoảng thời gian có khá nhiều sự kiện ảnh hưởng xấu đến thị trường nói chung. Evmos cũng là hệ sinh thái "sinh sau đẻ muộn", chỉ mới có 10 giao thức hoạt động và vẫn đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, Nomad vừa bị hack 190 triệu USD, điều này cũng gây ảnh hưởng đến người dùng khi sử dụng cầu nối này.
Ngoài ra, Cosmos cũng đang cố gắng kết nối tới một số chain khác, tuy nhiên chưa có bridge cụ thể:
- Cosmos <> Celo
- Cosmos <> Harmony: bridge được phát triển bởi giao thức Datachain.
Nhìn chung, cross-chain bridge là một nhân tố quan trọng đưa một hệ sinh thái phát triển lên tầm cao mới. Tuy nhiên, đối với tính chất riêng biệt của Cosmos - hệ sinh thái của app chain, việc xây dựng một mạng lưới ổn định với những lớp công nghệ cao sẽ tốn rất nhiều thời gian.
Cosmos còn một chặng đường khá xa để thu hút dòng tiền và người dùng từ các nền tảng khác đến với mình. Trong thời gian tới, khi các sáng kiến công nghệ của Cosmos trở nên hoàn chỉnh, chắc chắn các cầu nối này sẽ được thúc đẩy để phát triển mạnh hơn.
Staking Derivatives
Hệ sinh thái Cosmos toàn bộ là PoS nên Staking Derivatives là mảng được nhiều sự chú ý và có nhiều dự án phát triển nhất trên Cosmos hiện nay. Có đến 6 dự án đang tranh giành thị phần này, trong số đó 3 dự án đã mainnet.
Phái sinh
Appchain cung cấp cơ sở hạ tầng tốt cho các nền tảng đang thu hút lượng lớn giao dịch của mảnh ghép phái sinh, tuy nhiên vì cơ sở hạ tầng của những DeFi stack bên dưới chưa hoàn thiện, nên những stack cấp cao rất khó phát triển.
Mảng phái sinh trên Cosmos cũng khá mang tính cạnh tranh, tuy nhiên hầu hết nền tảng đều chưa ra sản phẩm chính thức:
- Margin-trading: Crescent, Sifchain, Injective
- Perpetual: dYdX, Vortex Protocol, Injective, Sei Network
- Options: Levana Protocol
Trong các dự án kể trên, chỉ có Injective là đã mainnet.
Wallet
Keplr là ví native dành cho hệ sinh thái Cosmos và phổ biến nhất hiện nay trên Cosmos, đang có hơn 500,000+ lượt tải trên Google Extension.
Một số ví khác cũng phát triển riêng cho Cosmos nhưng không được chú ý nhiều như Cosmostation Wallet hay Leap Wallet.
Những điểm sáng mới trên hệ sinh thái Cosmos Q3/2022
dYdX có mặt trên Cosmos
dYdX là một sàn DEX được phát triển từ năm 2018, cung cấp nhiều tính năng hỗ trợ và sản phẩm phái sinh, bao gồm giao dịch Spot (giao ngay), Margin (ký quỹ) và Perpetuals (hợp đồng không kỳ hạn). Hiện giao thức này có khối lượng giao dịch hàng đầu trên Ethereum.
Một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự thành công của nền tảng này là thông lượng giao dịch cao cùng độ trễ cực thấp. dYdX đang hoạt động trên StarkEx với hiệu suất cao, 1,000 giao dịch chờ xử lý mỗi giây.
Tuy nhiên, dYdX chỉ mới hoạt động tốt trên mạng lưới Ethereum nhưng chưa giải quyết được các vấn đề về khả năng mở rộng và phi tập trung. Bên cạnh đó, dYdX cũng đang vướng phải các vấn đề về công nghệ trên nền tảng StarkEx - giải pháp mở rộng Layer 2. Ngoài ra, sự gia tăng của các đối thủ như Zigzag trên Zksync và ZKX được triển khai trên StarkEx cũng khiến cuộc cạnh tranh thị phần ngày càng khốc liệt hơn.
Từ đó có thể thấy rằng, trong tương lai, điểm đặc biệt giúp mỗi giao thức nâng cao sức cạnh tranh chính là trải nghiệm người dùng.
Để giải quyết các vấn đề trên, dYdX vừa công bố bản cập nhật dYdX v4. Cập nhật này đề cập đến việc tạo ra một blockchain riêng cho giao thức, thông qua sự đồng thuận của bộ công cụ lập trình Cosmos SDK và Tendermint, do chính hệ sinh thái Cosmos cung cấp.
Đối với bản cập nhật này, dYdX nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều và chỉ trích từ cộng đồng người dùng. Những người phản đối nói rằng dYdX v4 quá tập trung, mất đi tính phi tập trung của một mạng lưới blockchain.
Không thể phủ nhận, dYdX đến với Cosmos cũng sẽ nhận được khá nhiều lợi ích:
- dYdX có thể trở thành một blockchain độc lập, không cần phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của bên thứ ba nào khác ⇒ Có lợi cho các hodler đang nắm giữ native token, nâng cao quyền quản trị cộng đồng và nâng cấp sản phẩm.
- Cải thiện hiệu suất hoạt động của dYdX, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và cải thiện mức độ gắn bó của họ.
- Use case của native token không chỉ nằm ở vấn đề quản trị, mà nó sẽ còn được sử dụng như một validator để cam kết lượng tài sản đảm bảo cho chain, duy trì an ninh mạng lưới, thanh toán phí giao dịch trên chuỗi và mở rộng các use case hơn nữa.
Cùng với dấu hiệu tích cực từ BTC trong thời gian qua, từ 17,500 USD lên mốc 24,500 USD, dYdX cũng có những phục hồi tích cực. Việc đến với Cosmos có thể được xem là một trong những bước đệm quan trọng của dYdX trong tiến trình phát triển một hệ sinh thái độc lập.
Bên cạnh đó, IBC chính là “miếng bánh ngon” mà dự án nào cũng có phần nếu biết sử dụng và hưởng các quyền lợi từ chính công nghệ này, từ đó có những cú bật ngoạn mục hơn trong tương lai.
Gnoland
Gnoland là một giao thức do Founder Jae Kwon phát triển, với định hướng trở thành một nền tảng smart contract có hiệu suất cao. Gnoland cung cấp các bộ ngôn ngữ code như Gnoland - một sản phẩm của Golang, giúp sản phẩm đầu ra trở nên hoàn thiện nhất.
So sánh với một số ngôn ngữ phổ biến hiện tại như Solidity và Rust, “sức công phá” của Gnolang mạnh hơn - được thể hiện qua tốc độ tích hợp, cú pháp ngắn gọn và khả năng tương thích cao.
Trong proposal (đề xuất) 69, Jae Jwon đã đề xuất các chương trình airdrop cho người dùng thông qua việc stake trên các nền tảng song song. Tuy nhiên, chỉ những người dùng vote “NO” mới được nhận các khoản airdrop này. Nguyên nhân là vì Jae Jwon cho rằng Cosmos Hub cần giữ lại các chức năng hiện tại ở mức tối thiểu.
Agoric
Agoric được định vị là một nền tảng smart contract dựa trên JavaScript, đảm bảo các tính năng an toàn và hiệu quả cơ bản mà một blockchain cần có. Cơ chế bảo mật của giao thức đến từ bài nghiên cứu của Mark Miller - Agoric Open Systems và một loạt tính năng trong ngôn ngữ lập trình E.
Agoric cung cấp một loại tiền điện tử ổn định được thế chấp vượt mức, hoạt động trong mô hình tiền tệ kép, trong đó mỗi loại token phục vụ một mục đích riêng như quản trị và trả phí giao dịch và phí gas. Cơ chế hoạt động này khá giống MakerDAO trong quy trình thế chấp và thanh lý tài sản.
Việc Agoric ra đời đóng góp cho sự phát triển của các sản phẩm có loại hình dịch vụ trong hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao mức độ bảo mật và ngày càng mang đến nhiều trải nghiệm thoải mái hơn cho người dùng.
Hiện tại, Agoric đã tích hợp nhiều sản phẩm chức năng ngoại vi như sản phẩm tiền tệ ổn định giá IST, sử dụng ERTP cho các hoạt động liên quan đến chức năng của AMM, NFT, token dự án… và một loạt giao diện người dùng tái sử dụng các thành phẩn của một sản phẩm nhất định. Developer sẽ không cần xây dựng các chức năng sản phẩm từ A → Z, thay vào đó, họ chỉ cần sử dụng cơ sở hạ tầng được xây sẵn để phát triển giao thức.
Agoric đang được người dùng đánh giá cao dựa trên 2 yếu tố:
- Cơ chế phát triển dựa trên JavaScript.
- Cơ chế sử dụng đồng tiền ổn định giá được thế chấp vượt mức.
Celestia
Celestia là dự án đầy tham vọng, định hướng trở thành nền tảng hoàn thiện nhất trên hệ sinh thái Cosmos. Ý tưởng chung của giao thức đi theo hướng “modularity” - một trong những công nghệ đang dẫn đầu trên Cosmos, nhằm đạt được khả năng mở rộng cao và có chỉ số TPS hàng đầu trong số các blockchain.
Celestia, từng được biết đến với cái tên LazyLedger, ra mắt kế hoạch khởi chạy mainnet vào cuối năm 2022. Cốt lõi của giao thức hướng đến việc giải quyết các nút thắt về hiệu suất trong việc thực thi giao dịch on-chain, và đảm bảo dữ liệu sẵn có thông qua code và cấu trúc cây Merkle. Hiểu đơn giản, Celestia phân tách một số tính năng trên các chain và sử dụng mật mã để xác minh khi được yêu cầu.
Kiến trúc modularity của Celestia được xem như bước thử nghiệm đầu tiên của công nghệ blockchain. Nếu thành công, Celestia chắc chắn sẽ là một bước tiến mới đem lại hiệu suất cao nhất trong tất cả các loại công nghệ nói chung.
Kết luận
Không thể phủ nhận rằng sau cú sập của Terra, Cosmos bị thiệt hại rất lớn. Tuy nhiên, không chùn chân lại ở đó, Cosmos đang ngày càng chứng tỏ sự thuận lợi và sức mạnh từ các công nghệ cốt lõi của mình. Sau “màn khai trương” của dYdX, trong thời gian tới, chắc chắn sẽ còn rất nhiều giao thức khác “chào sân” trên mảnh đất màu mỡ này, tạo nên một “vũ trụ” Cosmos đúng nghĩa.