SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Dead Cat Bounce là gì? Bẫy "cú bật nhảy của chú mèo chết" trong Crypto

Dead Cat Bounce đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu cách phản ứng của thị trường đối với các xu hướng ngắn hạn. Cùng tìm hiểu về Dead Cat Bounce trong thị trường crypto.
trangtran.c98
Published Oct 09 2024
10 min read
dead cat bounce

Dead Cat Bounce Là Gì?

Dead Cat Bounce (DCB) là thuật ngữ trong phân tích kỹ thuật dùng để mô tả hiện tượng giá của một tài sản sau khi giảm mạnh, có một đợt phục hồi tạm thời nhưng sau đó tiếp tục giảm sâu hơn. Tên gọi này bắt nguồn từ ý tưởng rằng "ngay cả một con mèo chết cũng có thể nảy lên khi rơi từ một độ cao lớn", ám chỉ sự tăng giá chỉ là tạm thời và không mang tính bền vững.

Đợt phục hồi này dễ khiến nhà đầu tư tin rằng thị trường đã chạm đáy và bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, sau đợt tăng ngắn hạn, giá lại tiếp tục giảm mạnh hơn, làm nhiều người mắc sai lầm khi mua vào quá sớm. Đây là một trong những "bẫy" phổ biến trong thị trường crypto, đặc biệt với những nhà đầu tư ít kinh nghiệm.

Thuật ngữ Dead Cat Bounce lần đầu được sử dụng trên thị trường chứng khoán vào cuối thập niên 1980. Trong thị trường crypto, nơi giá tài sản thường biến động mạnh, Dead Cat Bounce trở thành một hiện tượng mà các nhà đầu tư cần đặc biệt cảnh giác. Những đợt tăng giá ngắn hạn giữa các chu kỳ giảm giá mạnh dễ khiến nhà đầu tư mắc bẫy "mua cao, bán thấp", gây thiệt hại lớn.

dead cat bounce là gì
Dead Cat Bounce - bước nhảy chú mèo chết trong thị trường Crypto
advertising

Tại sao Dead Cat Bounce phổ biến trong thị trường Crypto?

Thị trường crypto nổi tiếng với sự biến động mạnh hơn nhiều so với các thị trường tài chính truyền thống như chứng khoán. Giá của các đồng tiền mã hóa có thể tăng hoặc giảm hàng chục phần trăm trong thời gian ngắn, tạo ra các chu kỳ tăng giảm khó lường. Chính vì tính chất biến động này, Dead Cat Bounce dễ xảy ra sau các giai đoạn giá giảm mạnh.

Dead Cat Bounce trong crypto thường xuất hiện sau các đợt bán tháo mạnh hoặc khi có tin tức tiêu cực tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Do thị trường hoạt động liên tục 24/7, những giai đoạn này diễn ra rất nhanh chóng, tạo ra sự phục hồi tạm thời trước khi tiếp tục xu hướng giảm sâu hơn.

Tâm lý FOMO (Fear of Missing Out), tức là nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội, là một yếu tố chính thúc đẩy các nhà đầu tư cá nhân lao vào thị trường khi thấy giá đang phục hồi. Họ thường nghĩ rằng giá đã chạm đáy và sẽ tiếp tục tăng, nhưng thực tế đây chỉ là một đợt phục hồi tạm thời, dẫn đến việc bị kẹt khi giá tiếp tục giảm.

Ngoài ra, những "cá voi" - crypto whale, hay những tổ chức lớn, cũng thường lợi dụng các giai đoạn biến động này để thao túng giá, tạo ra các đợt tăng ngắn hạn rồi bán tháo tiếp theo, khiến giá giảm mạnh hơn. Điều này càng làm Dead Cat Bounce trở nên phổ biến hơn trong crypto.

Năm 2018 là một ví dụ điển hình về Dead Cat Bounce khi thị trường tiền mã hóa bước vào giai đoạn crypto winter - mùa đông tiền mã hóa. Sau khi Bitcoin đạt đỉnh gần 20,000 USD vào cuối năm 2017, giá đã giảm mạnh trong suốt năm 2018, có ít nhất ba đợt phục hồi tạm thời từ 20-30%. Tuy nhiên, sau mỗi đợt phục hồi, giá lại giảm xuống mức thấp hơn, chạm đáy gần 3,200 USD vào tháng 12/2018.

Tương tự, vào tháng 5/2021, Bitcoin giảm từ mức đỉnh gần 64,000 USD xuống dưới 30,000 USD. Trong quá trình này, đã có những đợt phục hồi lên khoảng 40,000 USD trước khi tiếp tục giảm. Các đợt tăng này cũng được xác định là Dead Cat Bounce khi khối lượng giao dịch không có sự tăng trưởng đáng kể.

Các giai đoạn của Dead Cat Bounce

Giai đoạn 1: Giảm mạnh

Đợt giảm mạnh ban đầu xảy ra do các yếu tố như tin tức tiêu cực, bán tháo mạnh hoặc các yếu tố kỹ thuật. Đây là bước đầu của Dead Cat Bounce, khi tài sản mất giá đáng kể, gây ra hoảng loạn trong thị trường.

Tìm hiểu: Bán tháo trong Crypto và bài học dành cho nhà đầu tư.

Giai đoạn 2: Phục hồi ngắn hạn

Sau đợt giảm mạnh, giá có thể phục hồi tạm thời. Sự phục hồi này thường là do các nhà đầu tư tin rằng giá đã chạm đáy và bắt đầu mua vào. Tuy nhiên, đây chỉ là sự hồi phục ngắn hạn và không phải là dấu hiệu của một xu hướng tăng dài hạn.

Các yếu tố dẫn đến sự phục hồi ngắn hạn bao gồm:

  • Sự điều chỉnh quá mức: Sau đợt giảm mạnh, giá có thể giảm quá mức, khiến một số nhà đầu tư mua lại để đẩy giá tăng tạm thời.
  • Tâm lý lạc quan ngắn hạn: Nhà đầu tư hy vọng giá đã chạm đáy và mua vào, khiến giá tăng trở lại.
  • Chiến lược kỹ thuật: Một số hệ thống giao dịch tự động hoặc thuật toán có thể kích hoạt giao dịch khi các chỉ số kỹ thuật đạt ngưỡng "quá bán" (oversold), tạo ra sự phục hồi tạm thời.
các giai đoạn của dead cat bounce
Hành động của đa số nhà đầu tư trong giai đoạn giá phục hồi

Giai đoạn 3: Tiếp tục giảm giá

Sau đợt phục hồi ngắn, giá thường tiếp tục giảm sâu hơn, vượt qua các mức đáy trước đó. Đây là giai đoạn mà Dead Cat Bounce thực sự trở thành cái bẫy, khi nhiều nhà đầu tư mắc kẹt trong xu hướng giảm giá.

Dấu hiệu nhận biết Dead Cat Bounce

Trong thực tế, việc nhận biết Dead Cat Bounce là có thể nhưng không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi nhà đầu tư phải có kinh nghiệm và kỹ năng phân tích biểu đồ giá mà không bị giao động bởi các tin tức xấu.

Phân tích kỹ thuật

Để nhận diện Dead Cat Bounce, các nhà đầu tư thường sử dụng phân tích kỹ thuật. Một số công cụ và chỉ báo phổ biến bao gồm:

  • Đường trung bình động (Moving Averages): Đường trung bình động dài hạn như đường trung bình 50 ngày hoặc 200 ngày thường được coi là các ngưỡng kháng cự quan trọng. Nếu giá phục hồi nhưng không vượt qua được các ngưỡng này và bắt đầu giảm trở lại, đó có thể là dấu hiệu của Dead Cat Bounce.
  • Chỉ báo RSI (Relative Strength Index): RSI có thể cho thấy tài sản đang bị bán quá mức (RSI dưới 30). Nếu RSI giảm xuống dưới 30 (ngưỡng quá bán), sau đó có sự phục hồi tạm thời nhưng không duy trì được lâu, đó có thể là một Dead Cat Bounce.
  • Mô hình nến đảo chiều giảm giá: Các mô hình nến như Bearish Engulfing, Doji hoặc Shooting Star xuất hiện sau một đợt tăng giá tạm thời có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng xu hướng giảm sẽ tiếp tục.

Tìm hiểu: Indicator là gì? Top 7 chỉ báo PTKT dễ sử dụng.

Khối lượng giao dịch thấp

Một trong những yếu tố quan trọng để phân biệt giữa sự phục hồi thật sự và Dead Cat Bounce là khối lượng giao dịch. Trong Dead Cat Bounce, sự phục hồi thường diễn ra với khối lượng giao dịch thấp, điều này cho thấy sự thiếu cam kết từ phía nhà đầu tư.

Nếu giá tăng nhưng khối lượng giao dịch không tương ứng, đó có thể là dấu hiệu của một đợt phục hồi tạm thời, và thị trường có khả năng tiếp tục xu hướng giảm.

Phản ứng trước các mức kháng cự

Dead Cat Bounce thường kết thúc khi giá gặp phải các mức kháng cự mạnh, nơi mà người bán bắt đầu hành động và đẩy giá xuống. Nếu giá không thể vượt qua các mức kháng cự quan trọng sau một đợt phục hồi, điều này có thể cho thấy thị trường vẫn còn yếu và xu hướng giảm giá sẽ tiếp tục.

Các chiến lược giao dịch để đối phó với Dead Cat Bounce

Để tránh rơi vào bẫy Dead Cat Bounce, các nhà đầu tư cần tuân thủ một số nguyên tắc và chiến lược khi giao dịch trong thị trường crypto.

Không FOMO và kiên nhẫn

Một trong những quy tắc cơ bản của việc đầu tư trong thị trường crypto là tránh bị cuốn theo tâm lý FOMO. Trong trường hợp Dead Cat Bounce, việc mua vào quá sớm có thể dẫn đến thua lỗ lớn khi giá tiếp tục giảm. Chiến lược hiệu quả là kiên nhẫn và không bị cuốn theo các đợt phục hồi ngắn hạn.

Sử dụng các mức stop-loss chặt chẽ

Khi giao dịch trong thị trường crypto đầy biến động, việc thiết lập các mức stop-loss rất quan trọng. Đối với những người giao dịch trong Dead Cat Bounce, cần đặt stop-loss chặt chẽ ngay dưới các mức hỗ trợ chính để giảm thiểu rủi ro nếu giá quay đầu giảm.

Ví dụ, nếu bạn quyết định mua vào khi giá phục hồi sau một đợt giảm mạnh, hãy đảm bảo rằng bạn đã thiết lập một stop-loss ngay dưới mức giá thấp gần nhất để bảo vệ tài sản của mình khỏi việc giá giảm sâu hơn.

Chốt lời sớm

Trong trường hợp Dead Cat Bounce, chiến lược tốt nhất thường là chốt lời sớm khi giá đạt đến các mức kháng cự hoặc khi có dấu hiệu của sự suy yếu trong đợt phục hồi. Không nên giữ quá lâu trong một thị trường giảm giá, vì khả năng tiếp tục xu hướng giảm rất cao.

Đọc thêm: Cách áp dụng lệnh chốt lời khi giao dịch Crypto.