SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Đọc vị NFT: 12 câu hỏi có thể thay thế những hiểu lầm về NFT

NFT là tài sản dùng để đầu cơ, không có giá trị hay cánh cửa phi tập trung giải phóng giới sáng tạo và người hâm mộ của họ? Tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
writer
Published Jun 08 2022
Updated Jan 03 2024
19 min read
thumbnail

NFT - giấy chứng nhận quyền sở hữu

1. Ý nghĩa thật sự của NFT là gì?

Người ta nhắc rất nhiều đến NFT (non-fungible token), nhưng nó thật sự có nghĩa là gì?

Trong kinh tế học, “fungible” (có thể thay thế) là thuật ngữ chỉ những thứ có thể dùng đổi lấy những thứ khác cùng loại. Việt Nam đồng là “fungible” vì bạn và một người khác có thể đổi 100,000 đồng với nhau và hai người vẫn nắm giữ giá trị tiền như ban đầu. Hầu hết tiền điện tử cũng là “fungible”, ví dụ một đồng Ether là một đồng Ether, không quan trọng bạn nắm giữ đồng nào.

Nhưng hầu hết mọi thứ trong thế giới thực là “non-fungible” (không thể thay thế), như xe cộ hay điện thoại. Bạn không thể đổi chúng lấy những thứ khác cùng loại vì chúng sở hữu những tính chất độc nhất. Ví dụ bạn có thể đổi Iphone 13 lấy một chiếc Iphone 13 khác nhưng những điều kiện về tình trạng máy, dung lượng bộ nhớ… của chúng sẽ không hoàn toàn giống nhau.

Trong crypto, token là đơn vị giá trị được lưu trữ trên blockchain. Các loại tiền điện tử như Bitcoin, Ether là token, nhưng không phải tất cả token đều được sử dụng làm tiền. Token có thể được gắn với hàng hóa hữu hình - ví dụ Nike đang thử nghiệm các token tiền điện tử gắn với quyền sở hữu một đôi giày thực. Nhưng token cũng có thể đại diện cho hàng hóa vô hình, như quyền tham gia câu lạc bộ hay truy cập phòng trò chuyện riêng.

2. Vậy NFT quan trọng ở chỗ nào?

Vậy NFT cũng khá giống tiền điện tử, chỉ khác là chúng có những đặc điểm độc nhất và không nhất thiết được sử dụng làm tiền. Nếu vậy thì điều quan trọng ở NFT là gì?

Gần đây trên internet mới thực sự xuất hiện cái gọi là “hàng hoá non-fungible”. 

Về cơ bản, internet giống như máy photocopy khổng lồ - bạn có thể sao chép các tệp vô số lần và mỗi tệp đều giống hệt bản gốc. Tính năng này “cào bằng” mọi tác phẩm sáng tạo trên môi trường kỹ thuật số và khiến chúng trở nên gần như vô giá trị. Tưởng tượng bạn là nghệ sĩ và phát hành 50 tác phẩm nghệ thuật đặc biệt đầu tiên dưới dạng ấn bản kỹ thuật số, và chỉ vài tiếng sau bạn thấy “đứa con” của mình được sao chép tràn lan khắp cõi mạng thành 5,000 bản. 
 
Vài năm trước, mọi người nhận ra blockchain có thể được sử dụng để tạo các tệp kỹ thuật số độc đáo, không thể sao chép. Và những tệp này nằm trên cơ sở dữ liệu công khai nên bất kỳ ai cũng có thể xác minh người sở hữu chúng hay theo dõi chúng khi chúng đổi chủ. Chính điều này là tiền đề hình thành các NFT đầu tiên.

Đọc thêm: NFT Finance (NFTFi) là gì? Mang thế giới tài chính vào NFT

khối lượng giao dịch nft
Tổng khối lượng giao dịch NFT trong 2 năm (Nguồn: Dune)

3.NFT giải quyết việc copy như thế nào?

Nhưng hầu hết NFT cũng chỉ là các tệp JPEG mà ai cũng có thể sao chép dễ dàng. Vậy làm sao giải quyết nạn sao chép tệp?

Đúng là người ta vẫn có thể sao chép NFT định dạng JPEG, nhưng mỗi NFT dạng JPEG này đều gắn với một tài sản kỹ thuật số không thể sao chép, và nó được sử dụng để chứng minh bản JPEG này là “hàng xịn”.

Bạn có thể xem NFT giống như giấy chứng nhận quyền sở hữu đi kèm bức tranh đắt tiền mà bạn mua. Ai đó có thể sao chép hay giả mạo bức tranh này, thậm chí đột nhập nhà bạn và lấy nó đi, nhưng vì bạn có giấy chứng nhận nên bạn có thể chứng minh mình là chủ sở hữu của tác phẩm gốc.

Việc chứng minh quyền sở hữu này nghe có vẻ không phải vấn đề lớn lắm, nhưng những người ủng hộ NFT tin rằng nó rất quan trọng. Họ tin sự khan hiếm đem lại giá trị cho nhiều đồ vật trong thế giới thực, và việc đưa phẩm chất này lên internet thông qua NFT sẽ mở ra thị trường hoàn toàn mới dành cho hàng hóa kỹ thuật số khan hiếm. 

Đọc thêm: Bitcoin NFT là gì? Cơ chế hoạt động của Bitcoin Ordinals

4. Nhưng NFT có thực sự bao gồm quyền sở hữu hay quyền sử dụng hình ảnh trong NFT đó không?

Không nhất thiết. Trong nhiều đợt bán NFT, thứ mà người mua nhận được chỉ đơn giản là một mục trong cơ sở dữ liệu blockchain xác định họ là chủ sở hữu của hàng hóa kỹ thuật số - là token, chứ không phải thứ mà token đại diện.

Ví dụ: người mua NFT Nyan Cat nổi tiếng không thực sự sở hữu bản quyền đối với hình ảnh Nyan Cat hoặc không có quyền tạo ra sản phẩm liên quan đến Nyan Cat và bán. Chris Torres - cha đẻ của nó bảo lưu những quyền đó. Về bản chất, tất cả những gì người mua NFT nhận được là một “bản sao chính thức của hình ảnh Nyan Cat được ông Torres ký bằng mật mã”.

NFT không phải là trend, NFT chắc chắn sẽ có nhiều ứng dụng như token trong tương lai. Tuy nhiên, hiện tại NFT đã phát triển đến đâu? Ứng dụng ra sao? Có giá trị thế nào cho nhà đầu tư? Mời các bạn cùng trả lời qua video dưới đây nhé!

NFT sẽ trở nên vô giá trị?

5. Tại sao người ta bỏ tiền ra mua NFT?

NFT có thể thú vị, nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao người ta bỏ ra hàng triệu USD cho một NFT? Ít nhất bạn có thể mua tranh Picasso về treo trên tường để ngắm chứ hình JPEG thì làm được gì?

Đúng là giá trị của hầu hết NFT không phụ thuộc vào tính hữu ích của chúng. Ở thị trường cao cấp như Bored Ape Yacht Club hay những bộ sưu tập NFT đang được bán đấu giá hàng triệu USD - phần lớn giá trị tập trung vào sự đầu cơ và khoe khoang.

Những ý kiến bênh vực NFT cho rằng đây không phải trường hợp duy nhất mà người ta đổ xô đầu tư vào “sự vô dụng”. Nhiều đế chế đã được xây dựng để bán những thứ xa xỉ vô dụng cho người giàu.

Ví dụ người ta thường xuyên đốt tiền vào những đồ vật không có giá trị thực tế như hàng hiệu, đồ trang sức đắt tiền - có thể vì thích hay để khoe với bạn bè. Vì thế, nếu NFT chỉ đơn thuần đại diện cho một loại hàng hóa kỹ thuật số xa xỉ mới, nó vẫn là ngành công nghiệp mới nổi đáng được xem trọng.

bored ape kennel club nft
Bộ sưu tập Bored Ape Kennel Club thu hút nhiều người dùng quan tâm

6. Còn những NFT được xem như thẻ thành viên thì sao?

Trên X (Twitter cũ), có nhiều người sử dụng hình đại diện vượn hay chim cánh cụt, đây là các NFT cộng đồng theo chủ đề, được phát hành với số lượng hạn chế, thường được gọi là PFP NFT (Profile Picture NFT).

Những NFT này vừa là một dạng đồ sưu tập kỹ thuật số, vừa là thẻ thành viên của một câu lạc bộ độc quyền. Nhiều nhóm NFT có phòng trò chuyện riêng trên Discord, một số thậm chí còn tổ chức sự kiện trực tiếp mà bạn chỉ có thể tham gia bằng cách chứng minh mình sở hữu một trong các NFT của họ.

Đọc thêm: Interactive NFT là gì? NFT mang tính tương tác cho người sở hữu

7. Cuối cùng NFT sẽ vô giá trị? 

Thị trường NFT hiện nay đang giảm nhiệt, cuối cùng phần lớn chúng sẽ trở nên vô giá trị hết sao?

Câu hỏi này đáng giá triệu đô (chính xác hơn là 40 tỷ USD - quy mô ước tính của thị trường NFT). 

Những người đầu tư vào NFT cho rằng chúng ta đang ở đỉnh cao của cuộc cách mạng mua và bán hàng hóa kỹ thuật số, và ngày nào đó NFT sẽ trở nên có giá trị như tranh Picasso gốc.

Nhưng với việc thị trường NFT đang giảm nhiệt, một số người ủng hộ NFT nhiệt tình nhất cũng lo rằng thị trường đã bão hòa quá mức. Gary Vaynerchuk, một người làm marketing online và ông trùm NFT, gần đây đã dự đoán rằng 98% NFT sẽ giảm giá trị.

Trong cộng đồng tiền điện tử, NFT đang gây tranh cãi. Một số nhà đầu tư nhất quyết không mua, trong khi những người khác xem chúng là trò đầu cơ hay mua chỉ với mục đích giải trí.

Để giải quyết vấn đề về tính giá trị, những bên phát hành NFT đính kèm các tiện ích khác khi người dùng mua NFT, như vé xem hòa nhạc, chữ ký người nổi tiếng hay quyền tiếp cận sớm các phiên bản NFT đặc biệt.

Những vụ đánh cắp NFT triệu đô

8. Crypto có nhiều vụ scam, vấn đề này có áp dụng cho cả NFT không?

Có! Có nhiều trò gian lận trong thế giới NFT. Một số dự án “sốt xình xịch” hoá ra là rug-pull, bao gồm cả Evolved Apes, một mô hình NFT mà người sáng lập đã biến mất cùng với 2.7 triệu USD.

Ngoài ra, “whitelist” cũng là một mối lo ngại khác. Thuật ngữ này chỉ việc một số người nhất định được mời mua NFT trước khi chúng ra mắt công chúng. Nghĩa là nếu bạn là người có mối quan hệ tốt, bạn có thể mua NFT giảm giá và bán lại chúng để kiếm lời. 

Một nghiên cứu của Chainalysis chỉ ra rằng những người bán lại NFT nằm trong danh sách whitelist kiếm được 75% lợi nhuận, trong khi những người dùng bình thường chỉ kiếm được 25%.

Đọc thêm: 19 hình thức lừa đảo trong Crypto và cách phòng tránh

9. NFT cũng bị đánh cắp rất nhiều. Có phải vậy không?

Đúng, thời gian gần đây xuất hiện những vụ trộm NFT đình đám khi giá của các NFT phổ biến tăng lên đáng kể. Kẻ trộm nhắm vào Bored Ape Yacht Club - những NFT hình con vượn được bán với giá từ sáu đến bảy chữ số mỗi NFT - bằng cách lừa người dùng lộ mật khẩu ví tiền điện tử. Gần đây, một số hacker cũng đã đánh cắp số NFT trị giá 1.7 triệu USD từ người dùng OpenSea, nền tảng giao dịch NFT lớn nhất.

Một loại trộm cắp khác -  liên quan đến việc tạo NFT từ những tác phẩm có bản quyền hoặc được bảo vệ - cũng rất phổ biến. Nhiều nghệ sĩ phàn nàn rằng tác phẩm của họ bị biến thành NFT và bán dưới dạng phiên bản "chính thức" mà không có sự cho phép của họ. Dù nhiều nền tảng cố gắng kiểm soát vấn đề này nhưng với sự thiếu giám sát trên thị trường NFT, những hành vi trộm cắp như vậy có lẽ không tránh khỏi.

evolved apes rug pull
Evolved Apes - dự án rug-pull

10. NFT tồn tại nhiều bất cập như vậy, tại sao mọi người vẫn phát cuồng vì chúng?

Những người ủng hộ NFT tin rằng: 

Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên metaverse - thời đại mà nhiều tương tác và trải nghiệm hàng ngày của con người sẽ diễn ra bên trong thế giới nhập vai kỹ thuật số, thay vì không gian thực. Trong tương lai, những người dành nhiều thời gian tương tác trong không gian ảo sẽ mua mọi loại đồ vật kỹ thuật số để tăng chất lượng sống và nhiều đồ vật đó sẽ ở dạng NFT.

Internet hiện tại quá tập trung và NFT có thể giúp phi tập trung nó. Hiện tại, hầu hết người làm truyền thông trên internet (nghệ sĩ, nhạc sĩ, streamer…) đều đưa tác phẩm của mình lên các nền tảng khổng lồ như Spotify, YouTube và Facebook. Đây là những nền tảng tuyệt vời để tạo dựng cộng đồng khán giả, nhưng không giúp ích mấy cho việc kiếm tiền.

Những ý kiến lạc quan cho rằng NFT có thể giúp những người sáng tạo đưa trực tiếp sản phẩm đến tay người hâm mộ và giữ lại cho mình một phần lớn doanh thu. Một nghệ sĩ như 3LAU có thể bán một album NFT cho một người hâm mộ cuồng nhiệt với giá 3.6 triệu USD và kiếm được nhiều hơn số tiền cả đời dành để phát nhạc trên Spotify.

NFT vẫn là công nghệ rất mới và chúng ta chưa thể thấy hết ứng dụng tiềm năng của chúng. Sự khan hiếm trong thế giới số là khái niệm quan trọng, có vai trò mở ra một nền kinh tế hoàn toàn mới với hàng hóa kỹ thuật số mang đặc tính độc đáo. Vì thế, chúng ta nên kiên nhẫn và cởi mở để chờ xem những điều tiếp theo xảy đến với NFT.

NFT có đi theo vết xe đổ của mạng xã hội?

11. NFT liệu sẽ bị hợp nhất?

Nhiều năm trước chẳng phải chúng ta đã lạc quan rằng những nền tảng như YouTube và Twitter sẽ giúp các vlogger, game thủ và nhạc sĩ kiếm tiền trực tuyến sao? Có thể nào NFT cũng chịu chung số phận như các mạng xã hội này - bị hợp nhất dưới trướng một số công ty lớn?

Thế giới NFT chắc chắn tồn tại những nền tảng lớn, đơn cử như OpenSea là nền tảng lớn nhất, được định giá 13.3 tỷ USD. Một số người hâm mộ tiền điện tử đã chỉ trích những nền tảng này vì tiếp tay làm suy yếu tính phi tập trung mà họ tuyên bố, ví dụ như việc OpenSea quyết định loại bỏ một số NFT mà nó cho là gian lận.

Cũng đúng khi nói rằng quyền sở hữu NFT tương đối tập trung, theo nghĩa dường như một số ít người đang kiểm soát phần lớn NFT giá trị cao.

Nhưng một thị trường với quyền sở hữu tập trung khác một thị trường chạy trên công nghệ tập trung. Và một số quy tắc trong blockchain khiến các công ty lớn gặp khó khăn hơn trong việc giành quyền kiểm soát thị trường NFT.

NFT là tài sản cá nhân, còn hầu hết hàng hóa kỹ thuật số hiện tại không phải như vậy. Khi bạn đăng một bài viết lên Facebook, Facebook sẽ lưu trữ bài viết trên máy chủ và đưa ra mọi quyết định liên quan đến bài viết đó — liệu nó có vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng hay không, nó có đủ điều kiện để chạy quảng cáo hay không…? Nhưng NFT sống trong ví tiền điện tử của chủ sở hữu chúng, vốn không liên kết với bất kỳ nền tảng cụ thể nào và người dùng có thể sử dụng chúng như thế nào tuỳ thích.

Đọc thêm: Web3 là gì? Ứng dụng của Web3 trong thế giới tiền điện tử

Ngoài ra phải kể đến tính năng liên kết của NFT. Khi bạn mua một thanh kiếm trong trò Liên quân, bạn chỉ được sử dụng thanh kiếm trong trò chơi này, nhưng bạn có thể mang NFT từ môi trường ảo này sang môi trường ảo khác. Một miếng da NFT bạn mua trong một trò game có thể trở nên hữu ích trong trò game khác.

Hoặc nếu bạn phát điên với OpenSea, bạn có thể dễ dàng lấy NFT (nằm trong ví tiền điện tử của bạn, không phải trên máy chủ OpenSea) và giao dịch chúng trên nền tảng khác.

Điều này không xảy ra trên mạng xã hội. Nếu bạn có một kênh YouTube, bạn không thể chuyển những người đăng ký kênh này sang trang TikTok của bạn khi bạn muốn làm vậy.

12. Mục đích mua NFT là mua giá thấp bán giá cao?

Tôi chỉ thấy một số trò game lớn dựa trên NFT — như Axie Infinity — cho phép người chơi kiếm tiền bằng các nhân vật NFT, còn đa số người ta chỉ mua NFT và chờ chúng tăng giá đúng không?

Công bằng mà nói thì hầu hết hoạt động NFT hiện nay là đầu cơ, và nếu xuất hiện một loại tài sản kỹ thuật số khác có thể làm người ta giàu nhanh thì có thể một số người sẽ ngừng giao dịch NFT và chuyển sang giao dịch những tài sản đó.

Tóm lại, lợi điểm lớn nhất của NFT không phải là chúng giúp việc giao dịch hàng hóa kỹ thuật số trở nên dễ và rẻ, hay chúng tồn tại vĩnh viễn và không thể phá hủy (token thì có thể, nhưng tệp kỹ thuật số mà chúng liên kết thì không), hay thậm chí chúng đại diện cho tương lai của sở hữu trí tuệ (chúng ta vẫn cần luật sư để giải quyết các tranh chấp bản quyền). Mà lợi điểm lớn nhất của chúng là cho phép mọi người tạo và giao dịch các đối tượng kỹ thuật số khan hiếm - với mục đích tốt hay xấu thì hiện tại vẫn chưa ngã ngũ.

Ở Web2, con người số hóa thông tin, ở Web3, thậm chí ở web2.5, con người có nhu cầu số hóa tài sản. Nhu cầu này đã tồn tại, việc của NFT là cố gắng hoàn thiện để giải quyết nhu cầu này. Nhắc lại là NFT vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện để cùng blockchain tạo ra những hình thái kinh tế mới. Đó là lý do chính khiến cộng đồng tin tưởng vào tương lai của NFT.

Bên cạnh đó, NFT giúp người dùng internet thỏa mãn nhu cầu sở hữu tài sản. Không chỉ là tài sản số mà cả tài sản thực. Thử tưởng tượng, người dùng mua từ Mercedes Benz một chiếc G63 và được tặng NFT riêng. NFT này gắn liền với chiếc xe đó.

Trong môi trường Web3, người dùng đăng tải NFT này lên và bạn của họ đủ cơ sở để biết ai là chủ chiếc xe. Trong Web2, việc đăng ảnh bạn chụp cạnh một chiếc xe như vậy không thể khẳng định bạn là chủ của nó. Nhu cầu sở hữu của con người càng cao, NFT càng được ứng dụng rộng rãi. Xa hơn nữa, NFT có thể đại diện cho giấy tờ nguồn gốc xe nếu hạ tầng công nghệ đời sống đủ đáp ứng.

Đọc thêm: So sánh Web2 và Web3: Cấu trúc của chúng có gì khác nhau? 

RELEVANT SERIES