SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Web2.5 là gì? Điểm hội tụ công nghệ của Web2 và Web3

Sự xuất hiện của Web3 và tiền mã hoá bắt nguồn từ sự hoài nghi với các hệ thống tài chính truyền thống, khi Bitcoin ra đời chỉ sau một năm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008), cùng với sự e ngại về tính bảo mật cá nhân khi thông tin người dùng bị kiểm soát bởi các hệ thống tập trung. Tất cả đã làm khơi dậy mong muốn của con người về việc phá bỏ những giới hạn của Web2.
Avatar
Vy Bùi
Published Dec 15 2023
Updated Jan 05 2024
22 min read
thumbnail

Nhờ vào công nghệ blockchain, Web3 có thể kết nối dữ liệu theo cách phi tập trung thay vì tập trung như Web2, qua đó trao toàn quyền sở hữu và quản lý dữ liệu cho cộng đồng người dùng, đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Tuy nhiên, khi đến với Web3, những thứ như blockchain, ví, key, phí gas, node, RPC, blockchain explorer… lại trở thành thách thức lớn đối với việc áp dụng chính thống. 

Vì vậy, Web2.5 ra đời như một điểm hội tụ của Web2 và Web3, nhằm kết hợp những ưu điểm của cả hai hệ thống tập trung và phi tập trung. Đồng thời là tiền đề để tiến tới sự ứng dụng rộng rãi (mass adoption) của Web3.

Web2.5 là gì?

Web2.5 là một thế hệ phát triển của mạng Internet ở giữa giai đoạn Web2 và Web3, đề cập đến việc tích hợp công nghệ blockchain phi tập trung vào cơ sở hạ tầng Web2 hiện có để tạo ra nhiều cơ hội và trường hợp sử dụng mới. Web2.5 ra đời với kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách giữa trạng thái hiện tại của web (Web2) và giai đoạn phát triển tiếp theo của nó (Web3).

Web2.5 cung cấp cho người dùng giao diện quen thuộc và trải nghiệm sử dụng liền mạch của Web2, đồng thời kết hợp các lợi ích về khả năng bảo mật, quyền riêng tư và tính minh bạch của Web3. Nhờ đó khiến cho công nghệ blockchain trở nên thân thiện và dễ tiếp cận hơn với người dùng, đẩy nhanh quá trình tiến tới mass adoption.

web25 là gì
Web2.5 là cầu nối giúp rút ngắn khoảng cách giữa Web2 và Web3
advertising

Khái niệm Web2 và Web3

Web2: Kỷ nguyên của sự sáng tạo nội dung

Thế hệ Web2 xuất hiện với sự ra đời của các công cụ như Javascript, CSS… làm tiền đề cho sự phát triển của các nền tảng như Youtube, Facebook, Twitter (hiện là X)… 

So với Web1 (chỉ được đọc nội dung), Web2 cho phép người dùng sáng tạo, chia sẻ nội dung một cách công khai và có thể tương tác với các nội dung khác. Nhờ có Web2, người dùng ở nhiều quốc gia khác nhau vẫn có thể tương tác với nhau và tiếp cận được nhiều thông tin hơn.

Tuy nhiên, việc này dẫn đến một bất cập rằng người dùng muốn sử dụng dịch vụ của các nền tảng Web2 phải cung cấp thông tin, dữ liệu cá nhân của mình. Và nội dung mà người dùng tạo ra trên nền tảng cũng không hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của họ khi các bên phát triển có thể dễ dàng xoá bài viết hoặc khoá tài khoản của người dùng.

web25 web2
Các nền tảng Web2 cho phép người dùng sáng tạo và tương tác với nội dung

Web3: Trao quyền cho người dùng

Web3 là phiên bản được ra đời để giải quyết các vấn đề của Web2, bằng cách áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Machine Learning (ML), công nghệ blockchain…

Với Web3, quyền lực được trao cho người dùng, bản thân họ chính là người sở hữu đối với thông tin và tài sản trí tuệ do họ tạo ra, đảm bảo rằng chúng không thể bị can thiệp hay kiểm soát bởi bất kỳ ai. Điều đó cũng có nghĩa là thông tin sẽ được bảo mật hoàn toàn, nhờ đó mang lại trải nghiệm tối ưu và cá nhân hóa hơn cho người dùng.

Tìm hiểu thêm: So sánh Web2 và Web3

web1 web2 web3
Web phát triển qua từng giai đoạn với các ứng dụng đổi mới khác nhau

Tại sao Web2.5 nên là xu hướng phát triển tiếp theo của Web2?

Web3 mang lại nhiều lợi ích cho người dùng và có nhiều tiềm năng ứng dụng trong tương lai, tuy nhiên việc áp dụng rộng rãi Web3 vào thực tiễn vẫn còn là một thách thức lớn.

Trong phần phát biểu của Stephane Kasriel (Trưởng phòng Thương mại và Công nghệ Tài chính của công ty Meta) tại Hội nghị Money 20/20, ông đề cập đến việc người dùng hiện nay thường muốn có được trải nghiệm của Web3 về quyền sở hữu thông tin cá nhân, dữ liệu và nội dung do mình tạo ra, nhưng vẫn cảm thấy e dè với sự phức tạp khi phải tạo ví tiền mã hoá, ghi lại các cụm seed phrase, tìm giải pháp lưu trữ an toàn… trong hệ thống blockchain.

Theo đó, blockchain là thành phần đóng vai trò nền tảng trong mô hình của Web3, nhưng lại là một khái niệm hoàn toàn mới đối với người dùng Web2 và tạo ra sự khác biệt đáng kể so với mô hình tập trung đang được sử dụng rộng rãi này.

Trong mô hình Web2, người dùng có được trải nghiệm sử dụng tối ưu, liền mạch, thân thiện, dễ sử dụng và dễ thao tác. Đặc biệt là đối với các ứng dụng liên quan đến những nền tảng mạng xã hội. Theo báo cáo thống kê của Forbes (tại đây), trong năm 2023, ước tính có khoảng 4.9 tỷ người dùng mạng xã hội trên toàn cầu. Con số này tương đương với khoảng 61% dân số thế giới.

web25 người dùng mạng xã hội
Trung bình số lượng người dùng hàng tháng trên các nền tảng mạng xã hội (đơn vị: triệu). Nguồn: Statista

Mặt khác, với nhu cầu sử dụng khổng lồ như vậy, Web2 vẫn khiến người ta cảm thấy thiếu an tâm vì rủi ro rò rỉ thông tin cá nhân. Đây cũng là một trong những nhược điểm lớn nhất của Web2, khi dữ liệu người dùng có thể bị thao túng và kiểm soát bởi bên thứ ba cung cấp dịch vụ.

Đơn cử như vụ kiện Cambridge Analytica và Facebook được báo cáo vào năm 2018 và kéo dài đến 2022, rằng Facebook (ứng dụng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất trên thế giới) đã cho phép Cambridge Analytica (công ty tư vấn chính trị của Anh) truy cập dữ liệu của khoảng 87 triệu người dùng trên nền tảng và sử dụng cho mục đích riêng. 

Hơn nữa, các tập đoàn lớn trong Web2 như Google, Meta và Amazon đã gần như thành công trong việc thống trị thế giới kỹ thuật số suốt nhiều năm qua, đóng vai trò trung gian giữa người dùng và nội dung (content), đồng thời có quyền kiểm soát, truy cập và kiếm tiền từ thông tin của người dùng.

Những việc này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cá nhân của người dùng, mà còn làm đánh mất niềm tin của họ đối với các nền tảng mạng xã hội nói riêng và hệ thống Web2 nói chung.

Từ đó, chúng ta chứng kiến sự ra đời của Web2.5, kết hợp trải nghiệm thân thiện của Web2 với tính minh bạch, phi tập trung và trao quyền sở hữu cho người dùng của Web3. Đánh dấu bước ngoặt trong quá trình phát triển từ Web2 lên Web3 của mạng Internet. 

web2 web25 web3
Web2.5 là điểm hội tụ của hai thế hệ Web2 và Web3.

Đặc tính của Web2.5

Với mục tiêu là điểm hội tụ công nghệ của Web2 và Web3, Web2.5 có bốn đặc tính chính giúp mở ra nhiều trường hợp sử dụng và đáp ứng nhu cầu của người dùng. Bao gồm:

    Công nghệ blockchain: Các thông tin trong blockchain được sắp xếp thành các khối liên kết với nhau bằng thuật toán mã hoá, đảm bảo tính phi tập trung, bảo mật và không thể bị thay đổi. Web2.5 sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ dữ liệu người dùng, nhờ đó loại bỏ sự can thiệp của các bên trung gian thứ ba.
    Sự tham gia của cộng đồng: Trong Web2.5, người dùng có thể tương tác với các doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn, thông qua các ứng dụng liên quan đến hệ thống blockchain, điển hình như tiền mã hoá (coin/token). Ví dụ: Doanh nghiệp phát triển hệ thống điểm thưởng bằng coin/token hoặc NFT (Non-Fungible Token) để phân phối cho người dùng khi mua sắm và sử dụng dịch vụ, cho phép họ tham gia vào nhiều hoạt động với doanh nghiệp hơn. 
    Trao quyền cho người dùng: Web2.5 cho phép người dùng có quyền kiểm soát và sở hữu dữ liệu, tài sản cá nhân ở mức độ cao hơn, giảm bớt sự kiểm soát của bên trung gian so với các hệ thống truyền thống trong Web2.
    Kết hợp mô hình kinh doanh: Trong thời đại Web2.5, các mô hình kinh doanh hiện có trong Web2 có thể kết hợp với các yếu tố đổi mới trong Web3 như công nghệ thực tế ảo (AR và VR), trí tuệ nhân tạo (AI)… từ đó tạo ra nhiều ứng dụng và cơ hội hơn cho người dùng.

Phân biệt Web2, Web2.5 và Web3

Web2.5 là một bước tiến đáng kể trong quá trình phát triển của Internet. Nhưng để đánh giá về tiềm năng và khả năng áp dụng của nó trong thực tiễn, việc hiểu rõ về sự khác biệt giữa Web2.5 với Web2 và Web3 là điều cần thiết.

Để dễ hình dung, xem xét bảng so sánh dưới đây.

so sánh web2 web2.5 web3

Web2.5 với Web2

Điểm khác biệt đầu tiên là về quyền sở hữu và kiểm soát dữ liệu. 

Web2 vốn phổ biến với sự nổi lên của các phương tiện truyền thông xã hội, điện toán đám mây và thiết bị di dộng, giúp mở ra kỷ nguyên mới về thời đại nội dung do người dùng tạo (UGC - User Generated Content). Tuy nhiên, những nội dung này không được sở hữu bởi người dùng mà bị kiểm soát bởi bên cung cấp dịch vụ, kể cả danh tính của họ. 

Dựa trên cơ sở hạ tầng hiện có của Web2, các công ty trong giai đoạn Web2.5 sẽ sử dụng công nghệ blockchain để tập trung hơn vào việc nâng cấp tính bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và minh bạch cho người dùng. Từ đó mang lại cho các cá nhân nhiều quyền kiểm soát và tự quyết đối với danh tính kỹ thuật số của họ. 

Sự khác biệt đáng chú ý khác nằm ở việc tích hợp công nghệ AR và VR. 

So với việc giao tiếp dựa trên văn bản thông thường của Web2, Web2.5 triển khai công nghệ AR (Augmented Reality - thực thế ảo tăng cường) và VR (Virtual Reality - thực tế ảo) để phát triển các ứng dụng mang tính tương tác đổi mới, với trải nghiệm năng động và chân thực hơn, giúp tái định hình khả năng tương tác nội dung số trong thời đại mới. 

web25 ar vr
Web2.5 triển khai công nghệ AR và VR, định hình lại khả năng tương tác nội dung số

Web2.5 với Web3

Thứ nhất là tính phân quyền (decentralization).

Mô hình của Web3 được gắn với khái niệm web phi tập trung (decentralized web), qua đó tạo nên một không gian kỹ thuật số nơi dữ liệu và ứng dụng được phân phối dựa trên mạng lưới các node, loại bỏ hoàn toàn sự tham gia của các cơ quan trung ương hay bên thứ ba trung gian. 

Ngược lại, Web2.5 vẫn giữ lại các thành phần trung gian (như doanh nghiệp) để đảm bảo mức độ tập trung nhất định. Điển hình là đối với việc triển khai trải nghiệm thực tế ảo như AR và VR, cần phải dựa vào các máy chủ và nền tảng tập trung để phân phối và tương tác nội dung. 

Thứ hai là công nghệ blockchain. 

Web3 tập trung vào việc tận dụng toàn bộ công nghệ blockchain để mang lại sự tin cậy, bảo mật và minh bạch trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ như tài chính, chuỗi cung ứng, y tế, quản lý danh tính… Theo đó, blockchain đóng vai trò như sổ cái phi tập trung giúp đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn của dữ liệu và các giao dịch trong hệ thống.

Tuy nhiên, Web2.5 chỉ ứng dụng công nghệ blockchain ở một mức độ nhất định, khiến blockchain trở nên thân thiện và dễ tiếp cận hơn với người dùng mà vẫn giữ được một phần tính tập trung cho các doanh nghiệp, công ty. 

Cách tiếp cận này cho phép người dùng dần thích ứng với công nghệ blockchain mà không cảm thấy bị choáng ngợp bởi sự phức tạp của nó, hoàn toàn khác với cách tiếp cận phi tập trung hoàn toàn được chứng kiến trong Web3.

web25 công nghệ blockchain
Web2.5 chỉ ứng dụng công nghệ blockchain ở mức độ nhất định.

Thứ ba là công nghệ AI, ML và AR, VR.

Web3 áp dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) và máy học (ML - Machine Learning) tiên tiến giúp nâng cao trải nghiệm người dùng và mang lại khả năng phân tích dữ liệu thông minh. Các công nghệ AI và ML này cho phép ứng dụng trong Web3 có thể hiểu, diễn giải và phản hồi hành vi, sở thích của người dùng. Từ đó tạo ra những trường hợp sử dụng phù hợp với người dùng hơn. 

Mặc khác, Web2.5 chỉ mới tập trung vào việc phát triển công nghệ thực tế ảo như AR và VR, còn việc ứng dụng công nghệ AI và ML vẫn còn nhiều hạn chế do bộ máy hoạt động vẫn mang tính tập trung của bên trung gian.

Thứ tư, cũng là điều quan trọng nhất, là trải nghiệm người dùng.

Trong Web3, người dùng phải tự mình tương tác với blockchain, hay nói cách khác là tiếp cận trực tiếp với công nghệ blockchain. Mọi thao tác liên quan đến việc tạo ví, trả phí gas, ký giao dịch… khi sử dụng ứng dụng Web3 đều do người dùng thực hiện. Những việc này đòi hỏi người dùng phải có kiến thức về blockchain, đầu tư thời gian, công sức và đôi khi là tiền bạc để hiểu về cách hoạt động và sử dụng chúng. Điều này gây ra trải nghiệm phức tạp, rắc rối và khó sử dụng đối với người dùng. 

Tuy nhiên trong Web2.5, những công việc đó sẽ được thực hiện bởi doanh nghiệp. Theo đó, người dùng chỉ việc tương tác với ứng dụng (đã được tích hợp công nghệ blockchain) mà doanh nghiệp cung cấp, ví dụ như tạo tài khoản và đăng nhập bằng email/số điện thoại, tích điểm thưởng dưới dạng token/NFT… 

Còn các hoạt động như tạo ví blockchain và liên kết với tài khoản người dùng, lưu thông tin giao dịch trên hệ thống blockchain, chuyển tiền mã hoá… sẽ do doanh nghiệp xử lý. Nhờ đó, người dùng Web2.5 sẽ có được trải nghiệm sử dụng liền mạch, đơn giản và thân thiện hơn so với trong Web3.

hạ tầng web2 web25 web3
Cơ sở hạ tầng của Web2, Web2.5 và Web3

Tóm lại, trong khi Web2.5 thể hiện một bước tiến đáng kể trong việc hoà nhập và cá nhân hoá người dùng so với Web2, thì Web3 đưa ra một mô hình đổi mới sâu sắc hơn, nhấn mạnh vào các khía cạnh phân quyền, blockchain và sự kết hợp công nghệ AI, ML tiên tiến. 

Những khác biệt cốt lõi giữa Web2, Web2.5 và Web3 làm rõ bối cảnh phát triển của Internet trong từng giai đoạn, đồng thời mang đến những cơ hội, thách thức riêng. Hình ảnh phía trên cho thấy rõ sự khác biệt về mặt cơ sở hạ tầng của Web2, Web2.5 và Web3.

Ví dụ về Web2.5

Hãy tưởng tượng một doanh nghiệp Web2 đang cung cấp một loại hình sản phẩm, dịch vụ nào đó và ứng dụng công nghệ blockchain vào mô hình hoạt động của mình. Khi khách hàng mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ bằng tiền fiat, họ sẽ: 

    Nhận được NFT như quà thưởng, voucher giảm giá.
    Nhận được token như một hình thức tích điểm thành viên.

Những NFT và token này sẽ mang lại các đặc quyền cho khách hàng khi họ mua sắm trong tương lai. 

Trong trường hợp này, khách hàng của doanh nghiệp không cần phải mua coin/token hay tự tạo ví tiền mã hoá trên blockchain. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện quy trình này và tích hợp chúng trong ứng dụng, hệ thống của họ. Đồng thời, người trả phí gas cho blockchain cũng là doanh nghiệp. 

Trong lần mua sắm tiếp theo, những tài sản NFT và token sẽ mang lại cho khách hàng những quyền lợi như: 

    Quy điểm dưới dạng token ra tiền fiat để trừ vào khoảng chi trả.
    Quyền truy cập độc quyền vào các sản phẩm phiên bản giới hạn.
    Voucher giảm giá.
    Nhận quà tặng kèm với sản phẩm…

Như vậy, với mô hình Web2.5 này, tiền mã hoá và blockchain có thể được sử dụng một cách liền mạch trong hệ thống sử dụng tiền fiat mà người dùng vốn đã quen thuộc. Hơn nữa, mặc dù blockchain là một thành phần quan trọng của hệ thống, nhưng người dùng không cần phải tương tác trực tiếp với giao thức blockchain, nhờ đó loại bỏ những rào cản mà người dùng phải đối mặt khi sử dụng blockchain. 

Tiềm năng ứng dụng của Web2.5 trong thực tiễn

Trong kỷ nguyên Web 2.5, các doanh nghiệp được tiếp cận với nhiều cơ hội để đổi mới chiến lược và khai thác toàn bộ tiềm năng của các công nghệ mới nổi. 

Ví tiền mã hoá với công nghệ Social Login

Trong không gian Web3, việc tạo ví tiền mã hoá phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp và rắc rối, đòi hỏi người dùng phải trang bị đầy đủ kiến thức về công nghệ và ví blockchain trước khi sử dụng, bao gồm cách hoạt động, vai trò và cách lưu trữ các khoá public key, private key, seed phrase… 

Web2.5 giúp giải quyết vấn đề đó bằng cách giảm bớt sự phức tạp và tăng độ quen thuộc cho người dùng, với giải pháp tích hợp công nghệ Social Login vào các ứng dụng ví tiền mã hoá. Trong đó, Social Login là hình thức đăng nhập vào một ứng dụng bằng các tài khoản mạng xã hội của người dùng như Facebook, Google, X (trước đó là Twitter)… 

web25 social login
Công nghệ Social Login cho phép truy cập ứng dụng bằng tài khoản mạng xã hội

Trong không gian Web2.5, việc áp dụng công nghệ Social Login vào ví tiền mã hoá có nghĩa là người dùng có thể tạo ví trên blockchain bằng tài khoản mạng xã hội, giải quyết vấn đề của Web3 về việc phải ghi nhớ và nhập private key/seed phrase mỗi lần truy cập ví. 

Ví dụ điển hình là Ramper Wallet, một ví tiền mã hoá được phát triển bởi Ninety Eight và Ramper Labs. 

Ramper Wallet cho phép tạo và truy cập ví tiền mã hoá thông qua tài khoản Facebook, Email, Apple ID, đồng thời tích hợp nhiều tính năng và ứng dụng phi tập trung (dApp) giúp truy cập Web3 một cách tiện lợi và dễ dàng hơn, nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật cao cho tài sản người dùng. 

Cụ thể, Ramper sử dụng giao thức OAuth để áp dụng cho Social Login cùng với cơ chế bảo mật RPMS, trong đó: 

    OAuth là giao thức cho phép người dùng ủy quyền bên thứ ba đăng nhập vào mạng xã hội của họ, mà không cần chia sẻ thông tin đăng nhập (username và password). Sau đó, bên thứ ba sẽ xác thực thông tin và cho phép người dùng đăng nhập vào Ramper.
    RPMS (Restorative Performant Multi-encryption System) là cơ chế bảo mật giúp đảm bảo passphrase/private key của ví người dùng không bị xâm nhập. RMPS cho phép private key của người dùng thành hai mảnh, và được mã hoá ở hai nền tảng cloud khác nhau.

Nhìn chung, ví Ramper tập trung vào sự đơn giản, dễ sử dụng và thân thiện với người dùng, thực hiện đúng mục tiêu của Web2.5 là đưa người dùng Web2 kết nối và làm quen với không gian Web3 một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn tạo ví Ramper Wallet

web25 ramper wallet
Ví Ramper là một trong những ứng dụng điển hình trong Web2.5

Doanh nghiệp tích hợp công nghệ blockchain

Các doanh nghiệp có thể tích hợp công nghệ blockchain để tăng cường bảo mật, minh bạch và tin cậy trong các giao dịch từ nhiều ứng dụng, lĩnh vực khác nhau. Bao gồm: 

    Tăng cường tính minh bạch khi theo dõi sản phẩm và xác minh tính xác thực trong quản lý chuỗi cung ứng.
    Tạo điều kiện thanh toán xuyên biên giới một cách an toàn và nhanh chóng.
    Xác minh tính xác thực của tài sản kỹ thuật số và các món đồ sưu tầm…

Ví dụ như nền tảng quản lý chất thải Hoper được phát triển bởi IdeaSoft (công ty phát triển các dịch vụ blockchain và fintech cho doanh nghiệp).

Hoper là nền tảng kết hợp việc quản lý chất thải với mạng xã hội, được thiết kế để thúc đẩy cộng đồng dọn sạch rác thải dư thừa xung quanh những không gian bị ô nhiễm để mang lại môi trường an toàn hơn. 

Bằng cách tích hợp với blockchain và các logic về tokenomics, nền tảng Hoper có hệ thống khen thưởng dựa trên token Hopercoin. Theo đó, người dùng trong cộng đồng có thể nhận thưởng là token để đổi lấy các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi các đối tác và nhà đầu tư trên nền tảng. 

web25 hoper
Nền tảng Hoper được phát triển bởi IdeaSoft và tích hợp công nghệ blockchain

Token hoá tài sản (Tokenization)

Token hoá tài sản (tokenization) đề cập đến quá trình mã hoá tài sản như bất động sản, cổ phiếu, vàng… thành token kỹ thuật số trên mạng blockchain. 

Bởi vì token có thể được chia nhỏ và giao dịch trên các sàn giao dịch phi tập trung mà không cần đến các trung gian như ngân hàng hoặc nhà môi giới, việc token hoá trong bối cảnh Web2.5 mang nhiều ý nghĩa thiết thực với tiềm năng tái định hình trải nghiệm kỹ thuật số của con người. 

Theo đó, tokenization giúp trao quyền sở hữu và kiểm soát thực cho người dùng đối với tài sản kỹ thuật số, đồng thời làm giảm sự phụ thuộc vào các nền tảng tập trung. Một trong những trường hợp sử dụng nổi bật của token hóa tài sản và được biết đến nhiều nhất hiện nay là NFT, ví dụ như:

    Trò chơi (gaming): Người dùng được quyền sở hữu thực sự các tài sản trong game như nhân vật, vũ khí, đất, nhà… dưới dạng NFT.
    Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số: Các tác phẩm nghệ thuật được mã hoá thành NFT và bán đấu giá trên các nền tảng Web2 tập trung, cho phép thanh toán bằng tiền mã hoá và yêu cầu thực hiện KYC.
    Thể thao: Các câu lạc bộ, đội nhóm trong lĩnh vực thể thao từ bóng đá, bóng bầu dục, bóng rổ đến võ thuật, đua xe… ra mắt các bộ sưu tập NFT nhằm tăng cường mức độ tương tác của người hâm mộ, đồng thời cung cấp cho họ những đặc quyền và phần thưởng khi sở hữu NFT. Một số NFT nổi bật như NFL All Day, NBC Top Shot, UFC Strike, RaceDay…
web25 tokenization nft
Bộ NFT “LFC Heroes Club” của fanclub CLB Bóng đá Anh Liverpool (LFC) được mở bán trên Sotheby's Metaverse.

Ngoài ra, một ví dụ cụ thể là Sotheby's, công ty đấu giá và tổ chức nghệ thuật nổi tiếng, đã nhanh chóng tham gia Web2.5 để mở rộng cơ sở người dùng, bằng cách cho phép các nghệ sĩ (artist) mở bán đấu giá NFT trên nền tảng của mình. Sotheby's tạo điều kiện người dùng thanh toán bằng tài sản tiền mã hoá như BTC, ETH… thông qua các ví KYC được quản lý bởi Coinbase, Gemini, Fidelity hoặc Paxos.

Sotheby's là ví dụ điển hình của doanh nghiệp trong thế hệ Web2.5, khi các công ty truyền thống tích hợp tài sản tiền mã hoá để thu hút người dùng tiền tệ fiat, mà vẫn đảm bảo tuần thủ các quy tắc và chuẩn mực tài chính của Web2.

Fintech

Trong lĩnh vực Fintech, Web2.5 cũng mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tập trung vào khả năng tương tác và cho phép tích hợp liền mạch các dịch vụ tài chính trên các nền tảng và ứng dụng, giúp hợp lý hoá các quy trình như thanh toán và cho vay xuyên biên giới. 

Hơn nữa, việc tích hợp blockchain vào Fintech cũng tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch của tài sản, đồng thời cho phép phát hành tài sản một cách tự động. 

Một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất về việc tích hợp blockchain vào Fintech thành công là nền tảng Securitize. Đây là nền tảng cho phép phát hành và giao dịch tuân thủ quy định đối với các loại token chứng khoán trên blockchain.

web25 fintech securitize
Securitize là nền tảng cho phép phát hành và giao dịch token chứng khoán
RELEVANT SERIES