SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Phân tích mô hình hệ sinh thái Parrot - Mảnh ghép “sáng tạo” trên Solana

Parrot là dự án Debt Protocol đầu tiên trên Solana, dự án từng đạt Á quân trong cuộc thi Solana x Serum DeFi Hackathon, từng được rất kì vọng sẽ phát triển mạnh tuy nhiên PAI- stablecoin Parrot đang ngày càng yếu thế dần với các centralized stablecoin khác như USDC, USDT trên Solana. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ về “thế lực” Parrot.
Avatar
vidang
Published Jan 29 2022
Updated Oct 04 2023
31 min read
thumbnail

Gần đây, Parrot và hệ sinh thái Solana đã dần có những bước chuyển biến tích cực khi có nhiều dự án đang hình thành những “thế lực” cho riêng mình bằng cách xây dựng 1 hệ sinh thái xoay quanh những sản phẩm chính, ví dụ như: hệ sinh thái Saber, PsyOptions, Atrix, Parrot,...

Đây là tín hiệu tốt để thấy rằng hệ sinh thái Sol đang bước vào giai đoạn Beta (cạnh tranh & chuẩn hóa) - chứ ko còn ở giai đoạn Alpha (sơ khởi) nữa.

Bài viết này sẽ giúp anh em biết rõ hơn:

  • Mô hình hoạt động của Parrot và những thay đổi của Parrot gần đây.
  • Hệ sinh thái Parrot là gì? Sự kết nối trong hệ sinh thái Parrot.
  • “Thế lực Parrot” trong bức tranh toàn cảnh trên Solana.

Một số thuật ngữ cần biết để hiểu rõ hơn khi đọc bài viết này:

  • Debt Protocol: Là Protocol phát hành nợ, có chức năng tương tự ngân hàng, anh em thế chấp tài sản và vay ra 1 loại stablecoin.
  • TVL: Viết tắt của Total Value Locked, tài sản bị khóa trong Protocol.
  • Lending: Nền tảng cho vay trên Crypto.
  • Centralized Stablecoin: Những đồng tiền pháp định được phát hành bởi các tổ chức truyền thống, có quyền lực tập trung.
  • Decentralized Stablecoin: Những đồng tiền được phát hành bởi các Protocol phi tập trung.
  • Incentives: Chương trình khuyến khích người dùng sử dụng sản phẩm của dự án nhiều hơn.
  • POL: Viết tắt của Protocol-owned-Liquidity, xu hướng hiện nay trên DeFi, giúp các dự án có nguồn thanh khoản ổn định hơn.
  • LaaS: Viết tắt của Liquidity as a Service - 1 dịch vụ từ bên thứ 3 giúp các DAO có nguồn thanh khoản ổn định hơn.

Tổng quan về Parrot

Party Parrot là một nền tảng cho vay (Lending) trong hệ sinh thái Solana. Trong nền tảng Parrot, người dùng có thể deposit nhiều loại tài sản khác nhau để mint ra stablecoin của Parrot là PAI.

Để một hệ sinh thái có thể phát triển và bùng nổ, Lending là lĩnh vực chủ chốt trong DeFi Stack để Solana có thể thu hút người dùng và dòng tiền trong thị trường DeFi. Chính vì thế Party Parrot sẽ là dự án rất quan trọng và tiềm năng trong hệ sinh thái Solana.

Cơ chế của Party Parrot cũng tương tự MakerDAO (MKR & DAI), Venus (XVS & VAI) và Unit Protocol (DUCK & USDP).

Tổng quan về Parrot
Website Party Parrot: https://partyparrot.finance/

Sự phát triển của Parrot và câu chuyện Incentives trên Solana

Sự ra mắt và cú huých IDO

Parrot là Debt-Protocol đầu tiên trên Solana, PAI là Decentralized Stablecoin đầu tiên trên Solana, về triển vọng có thể nói Parrot không khác gì Maker DAO trên Ethereum. Parrot còn là dự án đạt giải nhất trong Solana Hackathon 1, vì vậy không có gì quá nghi ngờ về tiềm lực của dự án này.

Vào thời điểm IDO, Parrot đã bán thành công và kêu gọi được $84 M, với giá 1 PRT = $0.37 - $0.41, đây là 1 con số khổng lồ mà 1 dự án có thể thu được từ việc bán public sale, cho thấy cộng đồng hào hứng và đánh giá cao Parrot như thế nào.

Parrot gọi được số vốn lớn nhờ IDO
Parrot gọi được số vốn lớn nhờ IDO

Thực trạng hiện nay

Sau khi ra mắt IDO và chạy các chương trình Incentives PRT token cho các nhà đầu tư tham gia vào hệ sinh thái Parrot, TVL của Parrot đã từng có lúc lên tới $500 M.

Tuy nhiên, nhìn vào đồ thị, anh em có thể thấy đây không phải là nguồn tài sản khóa TVL “organic” mà bùng nổ 1 cách bất ngờ, phần lớn chính là để “flip - ăn nhanh rút gọn” dòng incentives mà Parrot đang triển khai.

TVL của Parrot qua thời gian
TVL của Parrot qua thời gian. Nguồn: Defillama

Do đó, sau khi incentives giảm dần, số TVL này cũng rút đi, đến hiện tại, TVL trên Parrot đang về lại mức trước khi bùng nổ, khoảng ~$86 M TVL. Có thể nói, dòng tiền “flip” đã rút đi hoàn toàn, hiện tại là TVL thực và người dùng thực của Parrot, từ giờ trở đi, sự phát triển của Parrot sẽ đến từ những giá trị thực.

Đây không phải là câu chuyện của riêng của Parrot mà còn là vấn đề của nhiều dự án trong hệ Solana, câu chuyện về Incentives khiến Solana tăng TVL 1 cách nhanh chóng nhưng không bền vững, Saber cũng là 1 ví dụ như vậy.

TVL của Saber qua thời gian
TVL của Saber qua thời gian. Nguồn: Defillama

Nguyên nhân của sự sụp đổ

Có nhiều nguyên nhân, một phần đến từ việc thị trường kém sôi động trong Q4/2021, BTC đạt đỉnh lúc $65,000 và cứ giảm dần đều, tuy nhiên ở Solana vẫn có những điểm nổi bật:

  • TVL của cả hệ Solana không giảm quá nhiều (chỉ số này không thực cho lắm, nhưng nếu trừ ra TVL từ Sunny, Quarry,... thì TVL của Solana vẫn còn khoảng hơn $8 B).
  • Các Centralized Stablecoin trên Solana liên tục tăng mạnh, cho thấy nhu cầu thị trường vẫn là rất nhiều.

Do đó, lí do TVL của Parrot giảm 5 lần, giá token PRT giảm gần 10 lần so với đỉnh, phần lớn là do hướng đi sai lầm của Parrot. Trong thời gian Parrot và Solana tăng trưởng, Parrot đã không tận dụng được cơ hội giúp PAI có những use case thực mà đa phần chỉ là farm.

Hệ sinh thái Parrot - 1 thời kỳ mới

Để xây dựng nhu cầu sử dụng thật, Parrot đã chọn hướng đi tự phát triển hệ sinh thái cho chính mình, khởi đầu với Penguin FinanceBunny Ducky.

Đây là hướng đi chung của nhiều dự án trên Solana, việc tạo nên 1 hệ sinh thái riêng giúp họ trở thành 1 thế lực trong hệ sinh thái, tác động lớn tới các bên còn lại. Điển hình trong số đó là Saber, 1 mình đội ngũ Saber đang xây dựng, hợp tác với 9 Protocol khác, nổi bật trong số đó là Tribeca - nền tảng quản trị số 1 hiện nay trên Solana.

Để hiểu rõ sự kết nối trong hệ sinh thái Parrot và hướng đi của hệ sinh thái, bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ từng Protocol: Parrot, Penguin Finance, BunnyDucky.

Penguin Finance
Cùng với BunnyDucky, Penguin là mảnh ghép quan trọng trong thời đại mới của Parrot

Parrot - Sự sáng tạo của một Debt Protocol

Parrot là gì?

Bắt đầu với Parrot - mảnh ghép chính trong hệ sinh thái Parrot.

Như mình đã đề cập ở trên, Parrot là 1 nền tảng Debt-Protocol đầu tiên trên Solana, anh em có thể thế chấp nhiều loại tài sản (SOL, BTC, LP token,....) để mint ra PAI stablecoin. Ngoài ra, Parrot cũng phát triển thêm 2 sản phẩm khác là pSOL và pBTC - 2 tài sản synthetic.

Trong khi các Debt Protocol khác như Maker DAO, Abracadabra chỉ phát hành stablecoin (DAI, MIM), thì Parrot còn phát triển thêm synthetic asset - đây là 1 điểm mới trong DeFi. 

Nhiều sản phẩm không phải lúc nào cũng tốt, bằng chứng là cả PAI, pSOL, pBTC đều không được sử dụng nhiều, nhưng nó cho thấy tiềm lực phát triển của đội ngũ Parrot. 

Mô hình hoạt động của pSOL và pBTC

Mô hình hoạt động pSOL
Mô hình hoạt động pSOL

Mô hình hoạt động của pSOL và pBTC

Mô hình hoạt động của pSOL và pBTC cũng khá đơn giản, anh em có thể dùng các Staking Derivatives khác của SOL như mSOL, SOCN, stSOL từ các nền tảng khác dùng để dùng tài sản thế chấp mint ra pSOL.

Tương tự với pBTC.

Tại sao lại phát triển pSOL và pBTC?

Hiện tại có rất nhiều phiên bản wrapped SOL và BTC trên Solana, ví dụ như SOL chúng ta có mSOL của Marinade, SOCN của Socean, stSOL của Chorus One,.... đây là những nền tảng hỗ trợ staking cho SOL. Và tất cả những dự án trên đều muốn phát triển thanh khoản của sản phẩm wrapped SOL của họ.

pSOL và pBTC muốn là bản thống nhất của tất cả những bản wrapped đó. Ví dụ như trong hình dưới đây, thay vì có 3 pool thanh khoản SOL $100 K, sử dụng mSOL, SOCN, stSOL để mint pSOL chúng ta sẽ có 1 pool thanh khoản gộp $300 K, anh em staked SOL trên các nền tảng trên, có thể dễ dàng thanh khoản và nhận lại SOL một cách dễ dàng và hiệu quả.

Mô hình này cũng được 1 dự án khác trên Solana áp dụng, đó là aSOL, nhưng cũng như Parrot, sản phẩm cũng không thành công quá nhiều.

Cơ chế mint & redeem PAI

So với pSOL và pBTC, mô hình hoạt động của PAI có sức sáng tạo cao về kĩ thuật hơn rất nhiều, mô hình của PAI thậm chí còn ngang ngửa với các dự án Debt Protocol trên Ethereum.

Mô hình Mint Redeem của PAI
Mô hình Mint&Redeem của PAI

Cơ chế Mint & Redeem sẽ diễn ra như sau:

Mint:

  • (1) Người dùng sẽ bỏ tài sản thế chấp vào trong các Parrot Vault.
  • (2) Dựa trên chất lượng của tài sản thế chấp, người vay sẽ được vay 1 số lượng PAI nhất định, người dùng có thể dùng DAI này để mua thêm tài sản, cho vay, farming,...

Redeem:

  • (1) Khi người dùng muốn trả nợ và lấy lại tài sản thế chấp. Người dùng sẽ trả lại số PAI đã vay + 1 phần lãi suất, lãi suất này sẽ phải trả bằng PAI.
  • (2) Sau khi người dùng trả DAI + lãi suất, Vault sẽ mở khóa tài sản thế chấp, và người dùng nhận lại được tài sản của mình.

Nhìn chung, mô hình này không khác gì Debt Protocol khác như Maker DAO, Abracadabra Money, điểm đặc biệt ở chỗ Parrot chấp nhận rất nhiều loại tài sản làm tài sản thế chấp. Điều này mở rộng thị trường của PAI ra rất nhiều.

Mình lấy ví dụ:

  • Maker DAO cho phép tài sản thế chấp là các Tài sản cơ bản như ETH, LINK, USDC,...
  • Abracadabra Money cho phép tài sản thế chấp là các ib-Token như xSUSHI, yTokens, LP-Token,...
  • Parrot chấp nhận tất cả những loại trên từ các assets như BTC, SOL, SRM đến các LP token của Saber, Raydium,..., đây là 1 điểm đặc biệt và có thể nói là sáng tạo mà trên Ethereum vẫn chưa có dự án làm.

Nói cách khác, trên lý thuyết, thị trường kỳ vọng của PAI = Thị trường của (DAI + MIM).

Stability Pool

Với 1 Debt Protocol, việc ổn định giá peg của stablecoin rất quan trọng, đó là sản phẩm chính của dự án, nếu stablecoin mất peg, sẽ không ai xài stablecoin đó nữa.

Với trường hợp của Parrot Protocol, việc Incentives mint PAI và các pair của PAI quá nhiều khiến giá PAI trong pool PAI : USDC : USDT trên Mercurial và pool PAI : USDC trên Saber bị trượt giá thấp hơn giá peg $1 quá nhiều, tức là có quá nhiều PAI trong pool so với USDC và USDT.

Có thể giá PAI vẫn ở mức chấp nhận được, từ 1 PAI bằng khoảng 0.97 - 0.99 USDC, tuy nhiên thanh khoản USDC ít cũng dẫn đến việc trượt giá.

Saber PAI
Hiện giá trên Saber PAI= 0.99 USDC, trong khi PAI được bảo đảm đầy đủ bởi $1.

Do đó, để khuyến khích người dùng cung cấp thêm USDC và USDT vào các Pools có PAI, Parrot đã tạo ra 2 pools staking riêng USDC và USDT. Số stablecoin USDC và USDT được deposit vào 2 pools này sẽ được đem đi cung cấp thanh khoản trong các Pools có PAI để nâng giá peg PAI, qua đó đảm bảo tính ổn định cho dự án.

Stability pool trên Parrot
Stability pool trên Parrot

Đánh giá về sản phẩm của Parrot

Ưu điểm:

  • Parrot là 1 nền tảng đa nhiệm, phát triển nhiều sản phẩm, không phải dự án nào cũng làm được như vậy, đặc biệt là ở trên hệ Solana, sử dụng ngôn ngữ Rush, các builder phải build lại từ đầu tất cả.
  • Có nhiều sự sáng tạo và đặc biệt trong mô hình của Parrot, như mình nói ở trên, Parrot chấp nhận nhiều loại tài sản thế chấp, điều này giúp mở rộng thị trường cho PAI.

Nhược điểm:

  • Có nhiều sản phẩm nhưng chưa khai thác triệt để được sản phẩm nào.
  • Incentives nhiều nhưng không hiệu quả, thậm chí còn gây ra những khó khăn cho việc phát triển sản phẩm.

Hiện tại, Parrot đã có những hướng đi tập trung vào phát triển sản phẩm hơn, incentives cũng được thay đổi cách phân phối.

Giá trị của PRT token

Sau khoảng 3 tháng ra mắt thì Parrot đã ra mắt chương trình Staking cho PRT holder, nhắm đến 1 định hướng dài hạn cho những ai tham gia vào hệ sinh thái Parrot, bao gồm cả nhà đầu tư và người dùng.

Quy trình Staking sẽ diễn ra như sau:

  • Anh em staking PRT sẽ nhận được yPRT, yPRT holder sẽ nhận được phần thưởng Staking từ Parrot qua thời gian.
  • Nếu muốn nhận lại PRT, anh em chuyển đến mục vesting, yPRT sẽ dần chuyển thành PRT sau 365 ngày.
Staking PRT và nhận yPRT
Staking PRT và nhận yPRT

Với mô hình này, khi staking PRT, anh em phải mất tối thiểu 1 năm để rút lại toàn bộ PRT của mình.

Tuy nhiên, thấy được khó khăn trên, Parrot cũng đang cố gắng thanh khoản và use case cho yPRT, để anh em có thể vừa nhận incentives vừa có thể tham gia các hoạt động đầu tư khác.

Pool PRT yPRT trên Saros Finance
Pool PRT/yPRT trên Saros Finance

1 cập nhật quan trọng những ở Parrot Staking, với việc ra mắt yPRT, tất cả các hoạt động Incentives đều được trả bằng yPRT thay vì PRT token như trước, điều này cũng cam kết các hoạt động lâu dài với người dùng của Parrot.

Tóm lại, với PRT token, anh em sẽ được hưởng phần thưởng Staking, nhưng với điều kiện mở khóa từ từ trong vòng 1 năm. Ngoài ra, Parrot không đề cập gì thêm về quyền lợi của yPRT holder, chẳng hạn như doanh thu, quyền quản trị,...

Penguin Finance - Không chỉ là Olympus Pro trên Solana

Penguin Finance là gì?

Theo định nghĩa của dự án trên Medium: Penguin Finance là 1 Liquidity Management Protocol, giúp các dự án khác quản lý thanh khoản 1 cách hiệu quả. 

Website: https://png.fi

Sau 1 thời kỳ incentives, thị trường đã nhận ra thanh khoản ổn định là điều rất cần thiết về dài hạn, trên Ethereum đã có một vài dự án làm việc mảng này như Olympus, Fei Protocol, Tokemak; còn trên Solana, Penguin Finance là dự án đầu tiên làm điều này, mở ra 1 thời kỳ DeFi 2.0 trên Solana.

Protocol owned Liquidity
Protocol-owned-Liquidity đang là 1 xu hướng lớn trên Ethereum

Sản phẩm chính của Penguin là Liquidity.as.a.Service, ngoài ra, Penguin còn phát triển 1 sàn DEX với các tính năng cơ bản như Swap, Pools.

Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ từng sản phẩm của Penguin.

Liquidity.as.a.Service

Liquidity.as.a.Service của Penguin Finance là sản phẩm tạo ra 1 framework cho các dự án muốn phát triển theo mô hình (3,3) của Olympus, bao gồm 2 tính năng chính Bonding và Staking. 

Hiểu một cách đơn giản, Penguin Finance là Olympus Pro trên Solana giúp các dự án bán Bond và mua thanh khoản ổn định, đồng thời Penguin hỗ trợ thêm tính năng Staking cho người dùng đạt được yield cao.

Vì vậy: 

  • Về phía người dùng, anh em sẽ trải nghiệm 2 sản phẩm Bonding và Staking tương tự như ở Olympus.
  • Về phía dự án tham gia Bonding: Vì chính dự án không phải Olympus nên cơ chế Staking sẽ khác 1 chút.

Anh em có thể tham khảo thêm: Phân tích mô hình hoạt động Olympus DAO

Bonding

Mô hình Bonding của Penguin
Mô hình Bonding của Penguin

Mô hình bán Bond của Penguin cũng tương tự Olympus Pro, diễn ra theo 4 bước chính như sau:

(1) Các dự án trên Solana muốn sở hữu thanh khoản ổn định sẽ liên hệ với Penguin Finance và tiến hành bán Bond. Mình lấy ví dụ là dự án Bunny Ducky (BUD) - dự án đầu tiên tham gia dịch vụ của Penguin Finance.

(2) Người dùng tham gia mua Bond sẽ cung cấp thanh khoản cặp BUD-PAI và bán các LP token lại cho BunnyDucky.

(3) Đổi lại, người dùng sẽ được mua BUD token ở giá discount, con số này khoảng 5-10%, trả dần trong vòng 7 ngày (con số này ở Olympus là 5 ngày).

(4) Số LP token thu được từ đợt bán Bond sẽ được sở hữu bởi dự án mãi mãi.

Staking

Mô hình Bonding và Staking của Olympus
Mô hình Bonding và Staking của Olympus.

Đây là điểm khác biệt giữa mô hình Penguin và Olympus, Olympus Pro.

Với mô hình Staking của Olympus, anh em đã quen với việc lãi suất rất cao 4,5 chữ số. Đó là vì cơ chế Rebase & mint token dựa trên lợi nhuận thu được từ Treasury của Olympus, qua đó giúp APY tăng cao. 

Với Penguin Finance, không phải token của các dự án đối tác nào cũng có thể rebase được, do đó, lợi nhuận Staking sẽ đến từ lợi nhuận hoạt động của các dự án đó → Tùy vào dự án mà sẽ có cách thức chia lợi nhuận cho Staker khác nhau.

Mình lấy ví dụ trường hợp của BunnyDucky: BunnyDucky sẽ lấy 90% lợi nhuận thu được thưởng cho hoạt động Bonding, và 10% cho hoạt động Staking. 

Các dự án tiếp theo tham gia bán Bond trên Penguin, họ sẽ có cách chia khác.

Và với mô hình này, APY Staking của các dự án bán Bond trên Penguin sẽ khó có thể đạt 4, 5 chữ số như ở các Olympus forks, tuy nhiên, nguồn APY này sẽ ổn định hơn.

DEX

Tham vọng của Penguin không dừng lại ở 1 sản phẩm, sản phẩm thứ 2 Penguin Finance là DEX, với các tính năng cơ bản Swap và Pools.

Đầu tiên là tính năng Swaps: Được hỗ trợ bởi nền tảng Jupiter -  AMM Aggregator hàng đầu trên Solana, các lệnh giao dịch trên Penguin Swap sẽ được thực hiện qua nền tảng AMM Aggregator này.

Penguin Swap được hỗ trợ bởi Jupiter
Penguin Swap được hỗ trợ bởi Jupiter

Tiếp theo là tính năng Pools, anh em có thể cung cấp 1 số cặp nhất định, chủ yếu là các dự án bán Bond trên Penguin Finance.

Penguin pools
Penguin pools

Với sản phẩm DEX này, anh em có thể thực hiện toàn bộ tác vụ trên 1 nền tảng, mình lấy ví dụ anh em muốn tham gia mua Bond BunnyDucky (yêu cầu phải bán LP token PAI-BUD):

  • Swap USDC sang PAI và BUD trên tính năng Swap.
  • Cung cấp thanh khoản PAI/ BUD trên tính năng Pools.
  • Bán BUD/PAI LP token ở Bond.

Xét về mặt trải nghiệm người dùng (customer journey), điều này hoàn toàn tuyệt vời so với Olympus Pro trên Ethereum, để mua Bond trên Olympus Pro, anh em phải swap và cung cấp thanh khoản trên 1 nền tảng khác (Uniswap, Sushiswap,...) và đến Olympus Pro để mua Bond. Còn với Penguin Finance, mọi thứ thật dễ dàng.

→ Penguin Finance hướng tới trở thành 1 nền tảng all-in-one backstop.

Tiềm năng của Penguin Finance

Penguin Finance là một trong mảnh ghép chủ lực và rất sáng trong hệ sinh thái Parrot. Có 3 điều mình muốn nói về tiềm năng Penguin Finance trong tương lai:

Thứ nhất, Penguin Finance sẽ mở ra xu hướng DeFi 2.0 trên Solana: DeFi 2.0 là 1 xu hướng lớn bao gồm nhiều mảng, thanh khoản (Liquidity) là 1 trong những mảng quan trọng nhất trong đó, việc hướng tới thanh khoản ổn định là điều chắc chắn trong thị trường, do đó sản phẩm Penguin Finance hoàn toàn có thể thu hút nhiều dự án trên Solana, như cách Olympus Pro đang làm (gần 50 dự án trong khoảng 4 tháng).

Thứ hai, Penguin Finance có tiềm năng phát triển mạnh trong mảng LaaS nhờ vào Parrot: Một trong những mô hình Protocol-owned-Liquidity khác trên Ethereum là Fei x Ondo - sự kết hợp giữa 1 dự án Stablecoin và 1 AMM Pools, anh em có thấy sự tương đồng với Parrot (stablecoin) và Penguin (DEX)? Kết hợp với sản phẩm và tiềm lực của Parrot, việc Penguin mở rộng bộ sản phẩm của mình là hoàn toàn có thể.

Thứ ba, khi Penguin Finance ra token hệ sinh thái Parrot sẽ bùng nổ: Là 1 AMM, điều mình kỳ vọng khi Penguin Finance ra mắt token là 1 chương trình LM hoặc retro cho các Pools thanh khoản trên DEX của mình. Anh em để ý sẽ thấy tất cả các Pools này đều ghép với PAI stablecoin → Nhu cầu mua PAI và tham gia Bonding/ Staking trên Penguin tăng mạnh → Parrot sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc này. 

Bunny Ducky - Sản phẩm hướng đến người dùng Parrot

Bunny Ducky là gì?

Bunny Ducky là một nền tảng Tokenizing DeFi strategies (mã hoá chiến lược trong DeFi) dưới dạng yield bearing token, tận dụng lãi kép và mang lại lợi nhuận cho người dùng. 

Một số điểm nổi bật của Bunny Ducky:

  • Nằm trong hệ sinh thái Parrot: Khả năng tương tác với bộ sản phẩm của Parrot, tăng use case cho người dùng.
  • UI/UX: giao diện khá thân thiện với người dùng, giúp nhà đầu tư dễ dàng tham gia vào platform.
  • Bộ sản phẩm sáng tạo: Cũng như Parrot và Penguin,mô hình của BunnyDucky cũng rất độc đáo, tạo ra nhiều use case mới trên thị trường. Đây là điểm cá nhân mình rất thích ở hệ sinh thái Parrot.

Mô hình hoạt động của Bunny Ducky

Về cơ bản, Bunny Ducky giúp chuyển đổi các LP token từ Mercurial và Saber thành các Yield token, và hỗ trợ chiến lược auto-compounding thông qua Parrot.

Mô hình hoạt động của Bunny Ducky
Mô hình hoạt động của Bunny Ducky

Mô hình hoạt động của Bunny Ducky cũng khá đơn giản:

(1) Người dùng cung cấp thanh khoản các cặp LP token của các cặp USDC - USDT trên Saber và Mercury vào Bunny Ducky.

(2) Bunny Ducky trả lại cho người dùng 1 Yield token, xem như bằng chứng cung cấp LP token trên Bunny Ducky.

(3) Từ LP token, Bunny Ducky sẽ giúp người dùng thực hiện chiến lược Auto-compounding để tăng APY so với việc chỉ giữ nguyên LP token.

(4) Với Yield Token, người dùng có thể đem đi tương tác với các Protocol khác, ví dụ như Parrot: Người dùng có thể dùng Yield Token làm tài sản thế chấp để mint ra PAI stablecoin, tăng thêm hiệu quả sử dụng vốn.

Yield Token vs LP token: Tại sao lại cần Yield token?

Đây là 1 sản phẩm rất phù hợp với sản phẩm Lending của Parrot.

Nhìn vào mô hình hoạt động, anh em có thể thấy các chiến lược Bunny Ducky đưa ra khá đơn giản, chỉ là auto-compounding như các Yield-aggregator khác, nhưng Bunny Ducky đưa ra được 1 Yield Token (hay còn gọi là interest-bearing Token, ibTokens) - Token này có thể được ứng dụng trong nhiều Protocol khác, ví dụ như các nền tảng Lending, anh em có thể dùng Yield token làm tài sản thế chấp.

Yield token và LP token có gì khác nhau?

Có thể nhiều anh em sẽ thắc mắc điều này, trên Parrot có chấp nhận LP token của USDT - USDC làm tài sản thế chấp, vậy sao không cung cấp thế chấp trực tiếp mà phải thông qua yield token?

Đó là vì khi anh em dùng LP token đi làm tài sản thế chấp, LP token sẽ được khóa lại không thể sử dụng trong các Protocol khác, bản thân dự án Lending nắm giữ LP token cũng không thể chuyển LP token đi đầu tư, kiếm lãi,... bởi những rủi ro về thanh lý tài sản → Tài sản thế chấp có hiệu dụng thấp. 

Do đó, cần có 1 bên khác thực hiện các chiến lược này, đó chính là BunnyDucky.

Những lợi ích của Yield token so với LP token:

Về phía người dùng, anh em sẽ được rất nhiều lợi ích:

  • Tăng ROI: Lợi nhuận được compound liên tục.
  • Tăng hiệu quả sử dụng vốn: Với Yield token, có vốn để tham gia vào các Protocol mà vẫn được hưởng Yield.
  • Không phải trả lãi Lending: Thông thường anh em đi vay ở các nền tảng Lending phải trả lãi suất, nhưng ở đây tài sản thế chấp của anh em tự sinh ra lãi, khoản lãi này hoàn toàn có thể bù cho khoản vay từ nền tảng Lending.

Về phía Lending Protocol:

  • Yield Token là 1 tài sản thế chấp rất tốt, khi có giá trị được compound tăng thêm mỗi ngày.
  • Lending Protocol hoàn toàn có thể lấy 1 phần dư từ phần tăng thêm của Yield token để lấy lãi, qua đó không phải thu phí từ nhà đầu tư → Hai bên cùng có lợi.
  • So với Yield Token, LP Token không làm được như vậy, vì nếu Lending Protocol lấy lãi trừ vào LP token, tỉ lệ Collateral sẽ bị giảm, nguy hiểm cho nền tảng Lending.

Tương lai của Bunny Ducky

Yield Aggregator trên Solana không hề thiếu, ví dụ như Sunny, Tulip Protocol,... Các bên này hơn hẳn Bunny Ducky về hệ sinh thái, chiến lược đầu tư, nhưng Yield Token của các bên này không có tính ứng dụng nhiều, ngoài việc nhận lãi suất.

Bunny Ducky ít tiếng tăm hơn, nhưng sản phẩm của Bunny Ducky rất phù hợp với hệ sinh thái Parrot và các nền tảng Lending, mở ra nhiều use case cho người dùng hơn, đây là lợi thế mà Bunny Ducky có thể dựa vào để phát triển trong tương lai.

Theo Roadmap, tương lai Bunny Ducky sẽ phát triển 1 số Yield token cho các Protocol khác như:

  • Mango USDC deposits.
  • Tulip/Francium USDC deposits.
  • Solend/Port USDC deposits.

Yield token là 1 mảnh ghép quan trọng trong DeFi Legos, về mặt ứng dụng có rất nhiều tính năng, tuy nhiên, Bunny Ducky và Parrot cần khai thác hiệu quả các thị trường hiện tại, chỉ cần như vậy thôi thì hệ sinh thái Parrot đã tăng lên rất nhiều.

Mình lấy ví dụ vốn hóa stablecoin USDC/ USDT trên Solana đang khoảng $4 - 5 tỷ USD, còn TVL trên Bunny Ducky chỉ mới 10 Triệu, trong khi Bunny Ducky đem lại nhiều lợi ích cho người dùng. 

Khi đã có 1 sản phẩm tốt, việc khai thác tiềm năng của sản phẩm đó sẽ tốt hơn là việc phát triển thêm tính năng mới. Đây là tình trạng chung của Bunny Ducky và hệ sinh thái Parrot hiện nay.

Giá trị của BUD token

Không có quá nhiều thông tin về BUD token hiện nay. Một số thông tin chính về BUD có thể nói đến như BUD là 1 token triển khai theo hình thức fairlaunch, hướng đến cộng đồng, thông qua mô hình Bonding và Staking của  Penguin Finance.

Hiện tại nắm giữ BUD, anh em sẽ có một số lợi ích như:

  • Tham qua quản trị nền tảng Bunny Ducky.
  • Tham gia Bonding & Staking trên Penguin Finance với APY lên đến hơn 2,000%.
BUD Staking đang có APY khá cao
BUD Staking đang có APY khá cao

Sự kết nối của hệ sinh thái Parrot

Sau khi đi sâu về cách thức hoạt động của 3 dự án trong hệ sinh thái Parrot, đặc biệt là về 2 dự án mới Penguin Finance và Bunny Ducky, có lẽ anh em đã hiểu phần nào kết nối giữa 3 dự án này với nhau. Ở phần này mình sẽ đúc kết lại để anh em có cái nhìn khách quan về hệ sinh thái Parrot.

Sự kết nối trong hệ sinh thái Parrot
Sự kết nối trong hệ sinh thái Parrot

Anh em có thể thấy trong hình ảnh, theo nước đi của Parrot, sản phẩm chính mà Parrot muốn phát triển rộng rãi, vẫn chính là PAI stablecoin. Penguin Finance và Bunny Ducky là 2 cánh tay đắc lực để giúp Parrot thực hiện điều này.

Bunny Ducky là cánh tay phát triển người dùng: Tạo thêm các use case giúp người dùng sử dụng sản phẩm của Parrot. Mục tiêu của Bunny Ducky sẽ là mở rộng thêm số lượng tài sản thế chấp trên Parrot (cụ thể là trong mảng ibToken), thu hút người dùng đến với Parrot, mint ra PAI nhiều hơn.

Penguin là cánh tay phát triển về đối tác: 1 trong những use case chính của stablecoin đó chính là “pair” với các token tạo thành 1 cặp giao dịch. Penguin Finance giúp Parrot đi theo hướng đó, hợp tác với các DAO, trong dịch vụ Bonding & Staking của mình, Penguin đã yêu cầu các dự án tham gia phải tạo thanh khoản với PAI stablecoin. Càng nhiều dự án tham gia, PAI càng được sử dụng nhiều và phổ biến trong các AMM.

Ở hướng ngược lại, Parrot cũng giúp các dự án trong hệ sinh thái phát triển: Các pools của Parrot chiếm tỉ trọng TVL lớn trên Penguin DEX hiện nay, Parrot chấp nhận của Yield token của BunnyDucky làm tài sản thế chấp để mint PAI, nhu cầu sử dụng Bunny Ducky cũng nhiều hơn.

→ Đây là mối quan hệ cộng hưởng, các dự án trong hệ sinh thái Parrot có sự kết nối chặt chẽ với nhau.

Parrot trong bức tranh toàn cảnh của hệ SOL

Solana DeFi Legos
Solana DeFi Legos

Đầu tiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh hệ Solana, có thể thấy, câu chuyện hệ Solana đã khác đi rất nhiều so với 1 năm trước, sự cạnh tranh giữa các dự án rất rõ rệt.

Là 1 Debt Protocol, Parrot nằm trong 2 mảng Lending/ Borrowing và Stablecoin.

Về mảng Lending/ Borrowing, Lending đa phần là mảng có TVL cao nhất so với các mảng DeFi khác, hiện tại trên Solana chỉ có Solend là vượt trội về TVL trong mảng Lending, còn lại đa số các dự án có từ vài chục đến 100 triệu USD. 

Nếu cuộc chơi Lending trên Ethereum có 3 ông lớn MakerDAO, Aave và Compound, thì cuộc chơi Lending trên Solana cũng nên có sự cạnh tranh tương tự, đặc biệt là khi có rất nhiều dự án đang phát triển, vậy nên theo mình cho rằng Parrot cũng như các dự án Lending khác, hoàn toàn có thể cạnh tranh với Solend, bởi nhu cầu Lending trong thị trường này rất nhiều.

Về mảng Decentralized Stablecoin, có thể nói thực trạng Decentralized Stablecoin trên Solana đang thua kém rất nhiều so với các Centralized Stabecoin như USDC hay USDT.

Vốn hóa USDC USDT trên Solana
Vốn hóa USDC, USDT trên Solana qua thời gian

Anh em có thể thấy trong giai đoạn hệ sinh thái Solana bùng nổ trong H2/2021, nhu cầu stablecoin tăng cao, USDC và USDT được in ra liên tục trên Solana lên đến $6 B, thì vốn hóa của các Decentralized trên Solana vẫn loanh quanh vài chục triệu USD. 

Tuy nhiên, các dự án Decentralized Stablecoin đang có sự trở lại, ví dụ như:

  • PAI của Parrot đang có những thay đổi lớn về use case và incentives.
  • UST của Terra đã gia nhập hệ sinh thái Solana.
  • Nhiều dự án Decentralized Stablecoin mới ra mắt như: CASH, MIX, UXD, Hubble Protocol,...

Nhờ xu hướng DeFi, thị phần centralized stablecoin trên thị trường Crypto nói chung đã bị giảm đi rất nhiều, gần đây các Decentralized Stablecoin như DAI, UST, FRAX, MIM,... đều được hưởng nhiệt tình từ cộng đồng và tăng trưởng mạnh mẽ. 

Do đó, Decentralized Stablecoin trên Solana vẫn luôn có cơ hội dành lấy thị phần từ USDC và USDT, câu chuyện tương tự như trên Ethereum, cơ hội cho PAI hay các stablecoin khác vẫn còn.  

Cơ hội đầu tư trong hệ sinh thái Parrot

Ở đây mình chia ra 3 khẩu vị rủi ro:

Không có rủi ro

Có 2 cách đầu tư:

  • Tham gia Farming stablecoin trên hệ sinh thái Parrot, farming các cặp của PAI, farming trên BunnyDucky.
  • Tìm kiếm cơ hội Retroactive trên các dự án chưa có token như Penguin Finance, bằng cách sử dụng sản phẩm của họ.

Ít rủi ro

  • Tham gia Farming stablecoin với đòn bẩy sử dụng bộ công cụ tối ưu hóa nguồn vốn của Parrot.

Ví dụ: Anh em có thể farming với APY 85% với stablecoin thông qua Bunny Ducky và Parrot theo như hướng dẫn dưới đây.

Chi tiết tại đây.
  • Tham gia Farming pool2 (các cặp PAI - tài sản khác như PAI/SOL, PAI/ BTC,...)

Rủi ro cao

Đầu tư vào token dự án PRT, BUD và mang đi staking để kiếm thêm lợi nhuận.

Tổng kết

Để tóm gọn về hệ sinh thái Parrot, mình muốn nói 1 số ý chính sau đây:

  • Parrot là dự án có sản phẩm tốt tuy nhiên có hướng phát triển và incentives không phù hợp trong giai đoạn đầu.
  • Parrot đã có những chuyển biến tích cực, đầu tiên là thay đổi cách incentives một cách dài hạn hơn.
  • Về dài hạn, Parrot xây dựng 1 hệ sinh thái để tập trung phát triển hệ sinh thái xoay quanh đồng PAI nhằm phát triển sản phẩm chính này, hiện bao gồm 2 dự án Penguin Finance và BunnyDucky.
  • Cũng giống như Parrot, Penguin Finance và BunnyDucky có bộ sản phẩm tốt và sáng tạo so với thị trường chung trên Solana, cũng như có sự kết nối chặt chẽ với Parrot.
  • Tuy nhiên, hệ sinh thái vẫn còn khá non trẻ, TVL trên cả 3 dự án vẫn chỉ có hơn $100 M, cần phải quan sát thêm.

Trên đây là tổng quan về hệ sinh thái Parrot, một nền tảng khá quen thuộc với anh em trên hệ sinh thái Solana. Anh em có suy nghĩ gì về hệ sinh thái này, hãy để lại ý kiến của anh em ở phần bình luận để chúng ta cùng chia sẻ và thảo luận.

Đọc thêm:  Solana và dấu hiệu mở rộng mạnh mẽ trong thời gian tới

RELEVANT SERIES