SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Phân tích mô hình hoạt động của SushiSwap (SUSHI)

Phân tích mô hình hoạt động của AMM SushiSwap, AMM có TVL đang TOP 3 thị trường, để biết được hướng đi của dự án và tìm ra ninsights cho mình.
Avatar
vidang
Published Apr 28 2021
Updated Apr 26 2024
26 min read
thumbnail

Nối tiếp Series về mô hình hoạt động của các AMM, hôm nay chúng ta sẽ đến với mô hình hoạt động của AMM SushiSwap, AMM có TVL đang TOP 3 thị trường.

Tổng quan về SushiSwap

SushiSwap ban đầu là một AMM fork từ Uniswap. Dự án thừa hưởng những tính chất đặc trưng của Uniswap về mô hình AMM, cho phép người dùng có thể swap bất kỳ token ERC20 nào, sử dụng pool thanh khoản thay vì sổ lệnh.

Đã có thời kì SushiSwap bị cộng đồng lên án rất mạnh bởi chủ dự án ban đầu là Nomi Chef xả SUSHI token, tuy nhiên qua thời gian, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng, SushiSwap đã phát triển rất nhanh và rất mạnh, trở thành DEX có TVL lớn thứ 3 thị trường hiện nay.

Hiện tại hướng phát triển của SushiSwap là mở rộng thị trường kinh doanh, bên cạnh sản phẩm chính là AMM SushiSwap, dự án đã và đang phát triển thêm nhiều sản phẩm/tính năng mới tích hợp thêm vào như Lending, Leverage, IDO, Yield Optimizer,...

Ở bài viết này, bên cạnh tìm hiểu về mô hình hoạt động chung của SushiSwap, chúng ta cũng sẽ tìm hiểu về mô hình hoạt động của từng sản phẩm bên trong, để biết từng mảnh ghép trong SushiSwap liên kết với nhau như thế nào.

Cuối bài viết mình sẽ có phần tổng kết lại một số ý chính về mô hình hoạt động của SushiSwap để anh em dễ nắm bắt.

Anh em tham khảo để có thêm góc nhìn trong đầu tư.

advertising

Mô hình hoạt động của từng thành phần trong SushiSwap

Hiện tại Sushiswap đang có các sản phẩm/thành phần chính gồm:

  • xSUSHI.
  • Sushiswap - Multichain AMM.
  • Onsen.
  • BentoBox.
  • Kashi Lending.
  • Miso.
  • Mirin.

Chúng ta sẽ lần lượt đi qua những sản phẩm/thành phần này.

xSUSHI Staking

Đây là tính năng quan trọng nhất đối với các SUSHI-holder. Khi anh em Staking SUSHI token, anh em sẽ nhận được xSUSHI:

SUSHI <=> xSUSHI

Các lợi ích của xSUSHI:

  • APY 5%: Anh em staking SUSHI chắc chắn sẽ nhận được mức APY 5%.
  • Governance: xSUSHI token mới có khả năng tham gia quản trị, SUSHI token thì không.
  • Doanh thu: Những anh em nắm giữ xSUSHI token sẽ nhận được 1 phần doanh thu từ tất cả các sản phẩm của SushiSwap.

Tuy nhiên, đánh đổi lại anh em phải chịu khóa SUSHI trong vòng 6 tháng, điều này giúp ổn định dự án SushiSwap.

image

Mô hình Staking xSUSHi

Nhìn chung, lợi ích lớn nhất của xSUSHI là được hưởng 1 phần doanh thu từ các sản phẩm của SushiSwap, khi doanh thu từ các sản phẩm tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu mua SUSHI để nhận doanh thu nhiều hơn.

Bây giờ chúng ta sẽ đi tìm hiểu sâu về các sản phẩm của Sushiswap, cách sản phẩm đó hoạt động và capture value đến với SUSHI token như thế nào, từ đó hiểu hơn về tiềm năng và giá trị của SUSHI token.

SushiSwap - Multichain AMM

SushiSwap là sản phẩm đầu tiên và cũng là sản phẩm cốt lõi của dự án Sushi, đây là phiên bản fork của Uniswap V2, vậy nên mô hình hoạt động của SushiSwap cũng khá tương tự, tuy nhiên vẫn có một số điểm khác nhau giữa 2 AMM này.

Dưới đây là bảng so sánh giữa 2 AMM Uniswap và SushiSwap:

image

So sánh Uniswap và SushiSwap

Ở tính năng chính như Mô hình Pool và sử dụng thuật toán x*y = k, anh em có thể đọc lại ở bài viết “Mô hình hoạt động của Uniswap V2” để hiểu hơn cách hoạt động của AMM SushiSwap. Còn ở bài viết này, mình sẽ nói rõ hơn về những điểm khác biệt và những cái mới của Sushi so với Uni.

Mô hình của SushiSwap sẽ hoạt động theo 4 bước chính như sau:

(1): 1 Pool trên SushiSwap sẽ có 2 loại tài sản, ví dụ là A và B, nhà cung cấp thanh khoản (Liquidity Provider) sẽ bỏ 2 tài sản theo tỉ lệ 1:1 vào đó. Đồng thời nhận về SLP token (Sushiswap Liquidity Provider), đây là token đại diện cho quyền sở hữu 1 phần tài sản trong Pool.

(2): Trader muốn trao đổi từ A sang B, có thể bỏ A vào Pool và nhận về B.

(3): Sushiswap hiện đang thu phí 0.3% giá trị mỗi giao dịch, phí này sẽ được chia:

  • 0.25% cho LP (Liqudity Provider).
  • 0.05% cho xSUSHI holder. Mình sẽ nói ra về xSUSHI ở phần sau.

(4): Ngoài việc nhận 0.25% phí giao dịch, Liquidity Provider còn có thể đem SLP token (Sushiswap Liquidity Provider) đi Staking, sẽ được thưởng thêm Sushi token, đây là chương trình Liquidity Mining của Sushi để khuyến khích mọi người cung cấp thanh khoản nhiều hơn.

image

Mô hình hoạt động của AMM SushiSwap

Qua mô hình này anh em có thể thấy, SushiSwap ban đầu dù chỉ là 1 bản fork của Uniswap, tuy nhiên cũng có nhiều cải tiến đáng kể, đặc biệt là đưa ra nhiều ưu đãi, nhắm đến từng đối tượng tham gia:

  • SUSHI holder: SushiSwap tạo ra được lợi nhuận (0.05% phí giao dịch) cho SUSHI holder, những người có thể xem như là chủ của dự án.
  • Nhà cung cấp thanh khoản (LP): Sushiswap có chương trình Liquidity Mining lâu dài, khuyến khích các LP cung cấp thanh khoản nhiều hơn trên Sushiswap.
  • Người dùng: Thanh khoản dồi dào, người dùng khi giao dịch sẽ tốn ít Slippage hơn, mà người dùng giao dịch càng nhiều => Phí giao dịch mà xSUSHI holder và LP sẽ nhận được cũng sẽ càng hơn.

Vậy nên, bằng những cơ chế chia thưởng, SushiSwap đã tạo ra lợi ích cho tất cả các bên tham gia vào nền tảng, bao gồm nhà cung cấp thanh khoản (LP), người dùng và cả Sushi holder (chủ của dự án).

Onsen - Chương trình Incentives kiểu mới

Incentives là 1 điểm mạnh của SushiSwap, giúp SushiSwap cạnh tranh với những đối thủ khác, vậy nên dự án đã phát triển hệ thống khuyến khích và ra mắt chương trình Onsen.

Onsen là 1 chương trình Incentives kiểu mới, thưởng SUSHI token cho 1 số Pool nhất định để đẩy mạnh việc cung cấp thanh khoản cho các Pool trên SushiSwap.

Đây chính là bước (4) trong mô hình hoạt động của SushiSwap, 1 chương trình tăng Incentives, thưởng thêm cho các Liquidity Provider để khuyến khích việc cung cấp thanh khoản.

image

Mô hình hoạt động của Onsen

Làm thế nào để 1 dự án được lên Onsen?

Được lên Onsen đồng nghĩa với việc dự án sẽ thu hút 1 lượng lớn TVL, đây là mong muốn của nhiều dự án.

Dự án muốn lên Onsen phải trải qua 2 bước:

  • Ứng tuyển: Để ứng tuyển, dự án ngoài việc phải là 1 dự án chất lượng, tạo ra giá trị cho xã hội, đồng thời cũng phải minh bạch thông tin, thì dự án còn phải hoàn thành thêm 1 số yêu cầu sau: Phải có Pool sẵn trên SushiSwap với TVL tối thiểu là $1,000.Phải gửi 1000 SUSHI hoặc 2 ETH cho SushiSwap, đây được xem như là phí đăng kí, số tiền này sẽ được đem cung cấp thanh khoản cho Pool SUSHI/ ETH vĩnh viễn.
  • Xét duyệt: Dự án sau khi hoàn thành form ứng tuyển, sẽ được xét duyệt bởi 0xMaki (leader) và core team của SushiSwap.

Sau khi vươt qua 2 bước này, dự án sẽ được lên Onsen.

Onsen Capture value cho SUSHI Holder như thế nào?

Có thể thấy, chương trình Onsen không capture giá trị trực tiếp cho SUSHI holder mà sẽ trực tiếp đẩy mạnh hoạt động trên SushiSwap:

  • Onsen thưởng cho LP để khuyến khích cung cấp thanh khoản.
  • Dự án muốn lên Onsen phải tạo Pool trên Sushiswap, đồng thời chịu phí 1000 SUSHI hoặc 2 ETH cho việc đăng kí, phí này cũng sẽ được dùng để tăng thanh khoản cho Pool SUSHI/ ETH.
  • Onsen cũng giúp SushiSwap có thêm nhiều mối quan hệ đối tác mới,...

Và khi SushiSwap phát triển, nhiều phí giao dịch sẽ được tạo ra, SUSHI holder vẫn sẽ là những người hưởng lợi.

Onsen chính là chương trình để thúc đẩy tất cả các sản phẩm của SushiSwap và gián tiếp tạo ra giá trị cho SUSHI-holder.

BentoBox - Token vaults giúp tạo ra Yield

Một sản phẩm tiếp theo của SushiSwap, đó là BentoBox, vừa được ra mắt hồi đầu năm 2021. Anh em ghi nhớ, tất cả sản phẩm của SushiSwap đều sẽ vì 1 mục đích: Tạo ra doanh thu -> capture value lại cho SUSHI token.

Nếu như dự án đã tạo ra một AMM khá thành công và thu được nhiều doanh thu, thì bây giờ dự án sẽ lấn sang những mảng khác, và Bento Box sẽ là vũ khí giúp SushiSwap đạt được điều đó.

Bento Box là gì?

BentoBox một vault (kho chứa) chứa tất cả các token, và sẽ giúp tạo Yield trên những token đó.

Anh em hiểu đơn giản Bento Box sẽ giống như 1 cái ví, 1 tài khoản ngân hàng, khi bỏ tiền vào Bento Box, anh em sẽ được sử dụng thoải mái các dịch vụ mà Bento Box cung cấp, bao gồm dịch vụ Lending, mint token Synthetic, các chiến lược giao dịch đòn bẩy, chiến lược tối ưu Yield tốt nhất,....

Bento Box là 1 sản phẩm rất tâm huyết của đội ngũ SushiSwap, đây được kì vọng sẽ là “Người thay đổi cuộc chơi DeFi” trong tương lai, và sẽ là vũ khí giúp SushiSwap cạnh tranh với các đối thủ khác.

image

Mô hình hoạt động của Bento Box

Với các dịch vụ của Bento Box, anh em vẫn có thể sử dụng ví riêng của mình, tuy nhiên nếu bỏ tiền vào Bento Box anh em sẽ có những lợi ích sau:

  • Giảm chi phí, anh em không phải approve liên tục khi sử dụng các dịch vụ khác nhau, các Protocol khác nhau, anh em chỉ cần cấp quyền 1 lần đầu duy nhất.
  • Phí gas thấp cho các token bên trong vault (áp dụng cho cả các protocol khác nhau sử dụng BentoBox).
  • Cơ chế một giao dịch cho nhiều đối tượng.

Cách Bento Box capture value cho SUSHI token

BentoBox có thể xem như 1 bên cung cấp các dịch vụ tài chính, ở mỗi dịch vụ Bento Box sẽ thu 1 phần phí, phí đó sẽ được chia lại cho các xSUSHI holder.

Việc lưu trữ tài sản trên Bentox Box không tính phí, còn chi tiết về phí giao dịch của từng sản phẩm, mình sẽ nêu rõ ở phần sau.

Kashi Lending - sản phẩm Lending và giao dịch đòn bẩy

Kashi là bộ sản phẩm đầu tiên trong bộ sản phẩm của Bento Box, cung cấp dịch vụ Lending.

Để hiểu rõ hơn về sản phẩm Kashi, anh em đọc thêm bài viết: Giao dịch Margin và Lending với Kashi Sushi Swap

Mô hình hoạt động của Kashi Lending

Kashi sử dụng Bento Box như 1 ví để vay và cho vay. Kashi sử dụng mô hình cho vay khá độc đáo, đó là Isolated Lending Pair, cho phép vay và cho vay theo cặp.

  • Lending: Thực hiện theo 3 bước đơn giản: Gửi tiền vào Bento Box để hưởng những lợi ích được đề cập ở trên.Chọn Pool mong muốn cho vay.Cho vay token của mình và kiếm lãi suất.
  • Borrowing: Tương tự, anh em thực hiện theo 4 bước: Gửi tiền vào Bento Box.Chọn Pool muốn vay.Cung cấp tài sản thế chấp.Vay token.
image

Mô hình hoạt động của Kashi

Nếu như các dự án Lending khác như Compound, Aave,... sử dụng 1 Pool Lending/Borrowing chung: Anh em sẽ bỏ hết tất cả tài sản vào 1 Pool chung, ai muốn cho vay gì bỏ vào Pool đó, ai muốn vay gì thì lấy từ Pool.

Thì ở Kashi Lending, dự án chia Pool Lending/Borrowing theo các cặp giao dịch, tạo ra thị trường Isolated Margin. Về cơ bản, điểm khác nhau giữa Kashi Lending với Compound AAVE cũng giống như sự khác nhau giữa Isolated Margin và Cross Margin.

Một số điểm độc đáo của mô hình hoạt động của Kashi Lending:

  • Phí Gas rẻ: Nhờ vào Bento Box, Kashi sẽ hạn chế bớt những giao dịch không cần thiết.
  • Bất kỳ ai cũng có thể tạo ra cặp lending: chỉ với một loại token làm tài sản cho vay, một loại token làm tài sản thế chấp và một oracle riêng.
  • các Pool là riêng biệt nên: Đảm bảo an toàn cho hệ thống, khi 1 token bị hack sẽ không ảnh hưởng đến các Pool còn lại.Đối với người dùng, mang lại trải nghiệm giao dịch Isolated Margin, khi 1 token bị giảm giá mạnh cũng sẽ không ảnh hưởng đến toàn Portfolio.Nhiều token sẽ được chấp nhận vay/cho vay, tạo ra 1 thị trường rộng lớn hơn.….

Cách Kashi capture value cho SUSHI holder

Với mô hình hoạt động như trên, Kashi sẽ thu phí từ một số hoạt động sau:

  • Phí Lending.
  • Phí thanh lí tài sản (90% tài sản sẽ được chuyển cho nhà cung cấp tài sản, 9% đến SushiBar, 1% cho Dev).
  • Phí chiến lược giao dịch trên BentoBox.

Miso - nền tảng IDO

Miso là một bộ smart contract mã nguồn mở được phát triển nhằm mục đích hỗ trợ ra mắt dự án trên sàn SushiSwap (hay có thể gọi là IDO - Initial Dex Offering). Với Miso, Sushi sẽ trở thành một launchpad cho phép cộng đồng và bản thân các dự án tiếp cận các lựa chọn cần thiết để ra mắt và tham gia vào việc mua bán token.

Miso đặc biệt ở chỗ cung cấp công cụ cho các founder không cần biết về tech có thể tùy chỉnh việc ra mắt token bao gồm: việc ra mắt ban đầu, vault, lựa chọn farm...

Các thành phần bên trong Miso bao gồm:

  • TokenFactory: Nơi để tạo ra token cho dự án (nguồn cung, có thể đào hay không,..).
  • Market: Tiến hành IDO, hiện Miso hỗ trợ 2 hình thức đấu giá chính là Crowdsale và Dutch Auction.
  • Liquity: 1 phần Quỹ gọi được từ IDO sẽ đem tạo thị trường thanh khoản trên SushiSwap
  • Ferrmentation: Vault/tùy chọn ký quỹ để khóa token theo thời gian.
  • FarmProduce: Token mới IDO sẽ được farm trên Onsen - chương trình Incentives của SushiSwap.
image

Mô hình hoạt động của Miso

Có thể thấy bên cạnh việc giúp tiến hành IDO, Miso sẽ hỗ trợ dự án thêm nhiều tính năng mới, chủ yếu dựa vào hệ sinh thái có sẵn của Sushiswap:

  • Tạo token và tiến hành IDO một cách dễ dàng theo mô hình có sẵn.
  • Tạo thị trường giao dịch trên SushiSwap.
  • Hỗ trợ Farming trên Onsen: Giúp dự án thu hút 1 lượng TVL lớn, tạo thị trường giao dịch ban đầu hiệu quả.
  • Có thể hỗ trợ các cặp Lending trên Kashi, hỗ trợ các chiến lược giao dịch trên Bento Box trong tương lai.

Những lợi thế này sẽ giúp SushiSwap thu hút các dự án và cạnh tranh lại với các nền tảng IDO hiện nay.

Cách MISO Capture value cho SUSHI-holder

MISO là 1 nền tảng IDO, vậy nên giống như những Token của các nền tảng IDO như DAO, POLS, PAID, DUCK,...rất có khả năng SUSHI token cũng sẽ có thêm nhiều Token use như vậy để thúc đẩy nhu cầu mua SUSHI.

Đồng thời, thông qua MISO, toàn bộ hệ sinh thái SushiSwap sẽ tiếp cận với một nguồn dự án mới, thanh khoản mới, qua đó MISO sẽ bootstrap tất cả các sản phẩm của SUSHI.

Mirin - Kết nối thanh khoản từ các CEX

Mirin là tính năng đặc biệt giúp kết nối thanh khoản từ các CEX đến với SushiSwap, tính năng này sẽ được ra mắt trong SushiSwap V3.

Hiểu 1 cách đơn giản: Sushi kết hợp với một sàn Cex hoặc bên thứ ba nào đó (ví dụ Binance), người dùng có thể lựa chọn cung cấp thanh khoản thông qua sàn, số thanh khoản đó ở bên thứ 3 này sẽ nằm trong một Subpool được nối với Mainpool của SushiSwap. Có nghĩa là Sushi pool chính là biển hút hết số thanh khoản từ các con sông (sàn giao dịch).

image

Mô hình hoạt động của Mirin

Tại sao ở đây lại cần SubPool, sao người dùng không đổ thanh khoản trực tiếp vào SushiSwap?

Nguyên nhân bởi vì để bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống SushiSwap, chúng ta cần có những Subpool riêng biệt cho từng CEX hoặc bên thứ 3.

Thông qua việc hợp tác này, cả sàn CEX và SushiSwap sẽ cùng được lợi:

  • Sàn CEX sẽ thể chọn nguồn Yield tối ưu thông qua SushiSwap, qua đó cung cấp sản phẩm tốt nhất cho người dùng
  • SushiSwap, tất nhiên sẽ được hưởng một nguồn thanh khoản cực lớn. Anh em cũng biết lượng thanh khoản trên CEX hiện lớn thế nào, cao hơn rất nhiều lần các DEX, nếu 1% hoặc 2% lượng thanh khoản đó chuyển đến SushiSwap thì sẽ thế nào?

Ngoài ra, trong việc hợp tác với CEX, Mirin cũng sẽ đem đến cho người dùng nhiều tính năng mới, dễ sử dụng, phù hợp với người dùng CEX, ví dụ như Trải nghiệm “1 click” vừa swap, vừa thêm thanh khoản, vừa farm, Trải nghiệm Yield kép trên 1 Pool,...

Tổng quan về cách hoạt động của SushiSwap

Tổng kết lại, sau khi đã phân tích cách hoạt động từng sản phẩm của SushiSwap, chúng ta có được mô hình hoạt động của SushiSwap như sau:

image

Nhìn vào mô hình, chúng ta có thể nhận ra, Sushi đã chọn chiến lược phát triển theo chiều ngang: mở rộng thêm nhiều sản phẩm, mở rộng đối tượng tham gia vào hệ sinh thái Sushi.

(1) Người dùng DEX: Sushi cung cấp 1 bộ full các sản phẩm mà DEX Trader cần, bao gồm Swap, Lending, Synthetic, Chiến lược giao dịch (đòn bẩy, tối ưu yield),... Đồng thời, cũng được khuyến khích tham gia bởi Onsen qua chương trình Farming.

(2) Người dùng CEX: Thông qua việc hợp tác với bên thứ 3, người dùng CEX, những người ít am hiểu về kĩ thuật vẫn có thể sử dụng những sản phẩm của SushiSwap.

(3) Dự án: Dự án là nền tảng cho sự phát triển của Sushi, xây dựng 1 thị trường giao dịch chất lượng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với SushiSwap. SushiSwap có 2 sản phẩm để hỗ trợ cho đối tượng này:

  • MISO: Nền tảng IDO trên SushiSwap với nhiều tiện ích mới, cộng hưởng với hệ sinh thái Sushi.
  • Onsen: Chương trình Incentives kiểu mới, giúp dự án thu hút được sự chú ý ban đầu.

=> Mirin, Onsen, Miso là những sản phẩm tuy không đóng góp trực tiếp giá trị cho SUSHI holder nhưng góp phần thúc đẩy/khuyến khích từng đối tượng cụ thể tham gia vào các sản phẩm của SushiSwap.  

(4) Fees: SushiSwap và Bento Box là 2 sản phẩm trực tiếp tạo ra giá trị cho SUSHI holder, thông qua việc thu 1 phần phí trong quá trình cung cấp dịch vụ. Phí này sẽ được chuyển trực tiếp đến xSUSHI holder.

Anh em nghĩ sao về mô hình hoạt động này?

Với mình, đây là một mô hình hết sức rõ ràng và hiệu quả của SushiSwap, tạo ra được từng lợi ích cụ thể cho từng đối tượng tham gia, kết nối họ lại với nhau, và cùng tạo ra một trong những sàn DEX số 1 thị trường hiện nay.

Ngoài ra, đây là một mô hình rất dễ phát triển, bằng việc phát triển thêm nhiều sản phẩm, tích hợp thêm nhiều tiện ích vào, SushiSwap sẽ có thêm doanh thu cho các SUSHI-holder.

Tuy nhiên, rủi ro ở đây là việc phát triển nhiều sản phẩm sẽ rất khó để kiểm soát rằng 1 sản phẩm đều đang hoạt động hiệu quả. Dự án SushiSwap phải rất cẩn thận trong từng bước ra mắt sản phẩm của mình, bởi không phải chỉ cần build là xong, việc thu hút và giữ chân người dùng cũng rất quan trọng.

SushiSwap capture value cho SUSHI token như thế nào?

Lúc ban đầu, khi SushiSwap chỉ là 1 bản fork của Uniswap, SUSHI token được sử dụng với 2 mục đích:

  • Governance.
  • Thưởng cho các bên tham gia vào SushiSwap (Trader, Liquidity Provider).

Anh em thấy khi đó, người nắm SUSHI không nhận được quá nhiều lợi ích, trong khi token SUSHI được mint ra liên tục, từ đó giá Sushi đã nhanh chóng giảm rất mạnh sau khi đạt đỉnh $10.

Tuy nhiên, qua thời gian, cộng đồng SushiSwap đã vực dậy được. Từ từ, dự án đã có những bước đi rõ ràng hơn, phần lớn nhờ một cộng đồng rất năng nổ đóng góp xây dựng.

Tokenomics của SUSHI token qua đó cũng trở nên hiệu quả hơn.

Ở phần trên, mình đã nêu rõ cách từng sản phẩm của SushiSwap capture value cho SUSHI-holder, vậy nên ở phần này, mình sẽ rút gọn và nêu lại 1 số ý chính. Tính đến hiện tại, SushiSwap sẽ capture value cho SUSHI token theo 4 cách:

  • Governance: Cho phép các xSUSHI holder tham gia quản trị Protocol.
  • Tạo ra lợi nhuận trực tiếp: Bằng cách tạo ra sản phẩm => Phát triển sản phẩm => Tạo ra fees => Chia 1 phần lại cho xSUSHI-holder.
  • Tạo ra lợi nhuận gián tiếp: Các dự án muốn tham gia Onsen hay Miso, đều sẽ phải tạo Pool thanh khoản trên SushiSwap => tăng tính thanh khoản sẽ tăng lợi nhuận cho các xSUSHI-holder.
  • Tạo ra Buy Demand: APY: Anh em Staking SUSHI sẽ chắc chắn nhận được mức APY 5%.Tăng nguồn doanh thu: Qua việc tạo ra ngày càng nhiều lợi nhuận, sẽ kích thích mọi người mua và Staking SUSHI để chia sẻ phần lợi nhuận.Cung cấp thanh khoản: Anh em có thể mua SUSHI để tham gia farming trên các Pool SUSHI trên Sushiswap.
image

Dự phóng trong tương lai

Một KOLs trên thị trường Crypto đã ví sản phẩm AMM như 1 cái bánh Burger. Nếu các DEX khác như Uniswap, Balancer, Bancor tập trung phát triển các bánh Burger đó, thì SushiSwap chọn 1 hướng khác, dự án quyết định bán thêm Kem, nước ngọt, xúc xích,... kèm với cái bánh Burger.

Vậy nên tương lai của burger của SushiSwap có thể sẽ không ngon như của các DEXs khác, và dự án sẽ đặt cược vào các sản phẩm phụ bán kèm: Liệu các sản phẩm phụ đó có được chào đón hay không? Nó có phù hợp với cái bánh Burger đang có sẵn?

Cùng xét 1 lượt về tương lai của các sản phẩm sắp tới của SushiSwap:

  • SushiSwap: SushiSwap là AMM từng có TVL cao nhất thị trường, tuy nhiên hiện tại cả TVL và khối lượng đều đang giảm đi so với các đối thủ khác. Đây là điều dễ hiểu bởi dự án đang tập trung phát triển “những sản phẩm đi kèm”, khi những sản phẩm này bùng nổ, chúng ta sẽ lại chứng kiến sự trỗi dậy của AMM SushiSwap.
  • Miso: Nền tảng IDO trên SushiSwap - đây sẽ là sản phẩm được kì vọng nhiều nhất. Mình sẽ ví nó như 1 miếng thịt xông khói cực kì phù hợp với cái bánh Burger có sẵn, đồng thời cũng rất hợp khẩu vị đang có của mọi người. Miso kì vọng sẽ đem đến nhiều trường hợp sử dụng mới cho token SUSHI.
  • Bento Box: Vũ khí thứ 2 được kì vọng SushiSwap, hiện tại dự án mới chỉ ra mắt sản phẩm Kashi với tính năng Lending/Borrowing, còn rất nhiều tính năng và sản phẩm khác có thể sớm được ra mắt với Bento Box, theo như mình tìm hiểu về Roadmap của Sushi thì một số tính năng/sản phẩm đó sẽ là: Giao dịch đòn bẩy > 1x.Synthetics Assets.Chiến lược giao dịch.Chiến lược đối đa hóa nguồn Yield.

Nhìn chung, đây đều là những sản phẩm rất cần thiết với Traders và hoàn toàn phù hợp với cái “burger” có sẵn SushiSwap.

image

Thêm 1 ý nữa về tương lai của SushiSwap, anh em có để ý là đang mở rộng nhanh chóng ra rất nhiều Chain, hiện SushiSwap đã có thể được sử dụng trên 7 Chain dưới đây. Một số Chain khác đang trong quá trình hoàn thiện như Avalanche, Polkadot.

Điều này hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn “Mở rộng” của đội ngũ Sushi, sau khi mở rộng các tính năng sản phẩm, mở rộng đối tượng người tham gia, giờ là lúc “Quán ăn SushiSwap” mở rộng sang các Chain khác, không chỉ phục vụ khách hàng ở Ethereum.

image

SushiSwap hiện đã có mặt trên 7 Chain

Tổng kết

SushiSwap không đơn thuần chỉ là 1 AMM, dự án đang phát triển cả một hệ sinh thái của riêng mình. Vậy nên mô hình hoạt động của SushiSwap khá dài, và mình sẽ rất vui nếu anh em đọc đến đây.

Tổng quan lại về mô hình hoạt động của SushiSwap, chúng ta rút ra được 1 số ý chính sau:

  • Thông qua việc xây dựng 1 hệ sinh thái, SushiSwap tập trung tất cả giá trị đổ về 1 nguồn, cho xSUSHI holder.
  • Hiện SushiSwap không đẩy mạnh sản phẩm AMM mà tập trung phát triển những sản phẩm khác đi kèm, qua đó gián tiếp đẩy mạnh sản phẩm AMM của dự án.
  • Mô hình kinh doanh của SushiSwap sẽ theo hướng “Mở rộng” sau khi mở rộng số lượng sản phẩm, mở rộng đối tượng tham gia, dự án đang hướng đến mở rộng sang các Chain, hiện dự án đã có dự định mở rộng sang 9 Chain khác.
  • Tương lai của SushiSwap sẽ phần lớn phụ thuộc vào 2 sản phẩm Miso và Bento Box, 2 vũ khí giúp SushiSwap cạnh tranh với các đối thủ AMM.

Trên đây là mô hình hoạt động của SushiSwap, dự án đã chọn một hướng đi khá độc đáo so với các AMM cùng ngành.

Anh em còn thắc mắc gì về mô hình hoạt động của Sushiswap, có thể comment ở phần bình luận bên dưới, để mình có thể giải đáp và bổ sung. Ngoài ra, nếu đây là một bài viết có giá trị đối với anh em, hãy share để nhiều anh em khác cùng biết đến và thảo luận nhé!

Series Mô hình hoạt động là Series nhằm giúp anh em hiểu sâu hơn về 1 Protocol, cách Protocol hoạt động và tiềm năng phát triển trong tương lai. Một số mô hình anh em có thể tham khảo:

Anh em nếu muốn tìm hiểu mô hình hoạt động của Protocol nào nữa, hãy commnet ở phần bình luận để bọn mình có thể làm trong những số tiếp.

Hẹn gặp anh em ở những Series Mô hình hoạt động tiếp theo.

RELEVANT SERIES