SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
thumbnail
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Dự án Stablecoin kiếm tiền như thế nào?

Những cách mà dự án Stablecoin tạo ra nguồn lợi khổng lồ cho đội ngũ phát triển.
avatar
avatar
Thanh Uyen and 1 others
Published Dec 21 2023
Updated Mar 20 2024
13 min read

Chỉ trong 3 tháng đầu 2023, giữa bối cảnh thị trường vẫn downtrend, Tether - công ty phát hành stablecoin USDT gặp vô số tai tiếng trên thị trường - báo cáo khoản lợi nhuận ròng 1.48 tỷ USD.

Đối thủ của Tether, dự án stablecoin Circle (USDC) với ít tai tiếng hơn, cũng tạo ra doanh thu 779 triệu USD trong nửa đầu 2023, theo Cointelegraph.

Có thể thấy, lợi nhuận của các dự án stablecoin lớn thuộc mức khủng trong thị trường crypto, cao hơn cả sàn giao dịch crypto hay các dự án blockchain.

Vậy lợi nhuận này đến từ đâu? Làm cách nào dự án stablecoin có thể đạt số tiền lãi lớn  như vậy ngay cả trong downtrend?

Câu trả lời là các dự án stablecoin không chỉ kiếm lợi nhuận từ phí giao dịch, mà còn thực hiện cho vay, đầu tư vào tài sản khác.

mô hình kinh doanh dự án stablecoin

Chừng nào thị trường crypto còn tồn tại, nhu cầu về stablecoin còn hiện hữu. Nhiều ý kiến cho rằng crypto sẽ không sớm biến mất trong tương lai, thậm chí nó chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển.

Trong thị trường crypto, dự án phát hành stablecoin đóng vai trò như ngân hàng. Tuy nhiên, trong khi ngân hàng truyền thống phải huy động tiền gửi từ người dùng, dự án stablecoin chỉ cần tìm ngân hàng có đủ lượng tiền cần thiết để bắt đầu phát hành stablecoin.

Về đầu ra, dự án stablecoin dễ tìm được khách hàng dù trong uptrend hay downtrend, bởi đây là phương thức bảo vệ tài sản hữu hiệu khi các loại crypto khác có thể biến động hàng chục phần trăm mỗi ngày.

sản phẩm miễn phí

Với các công ty trong thị trường crypto, cách kiếm tiền cơ bản nhất là thu phí sử dụng dịch vụ. Điều này cũng không ngoại lệ với các dự án stablecoin.

Khi thực hiện nạp, rút stablecoin hoặc xác minh tài khoản, người dùng cần trả một mức phí nhất định. Nhu cầu về stablecoin càng tăng, mức doanh thu từ phí càng nhiều.

Các công ty phát hành fiat-backed stablecoin (stablecoin bảo chứng bởi tiền pháp định) như Tether có mức phí nạp 0.1%, mức phí rút 0.1% hoặc 1,000 USD, tùy vào mức nào lớn hơn. Người dùng cần nạp hoặc rút ít nhất 100,000 USD để giao dịch với Tether. Các giao dịch chuyển tiền giữa các tài khoản khác nhau được Tether miễn phí.

Ở mức vốn hóa thị trường 87 tỷ USD vào tháng 11/2023, theo CoinGecko, lợi nhuận Tether có thể thu từ phí nạp là 87 triệu USD, từ phí rút là 870 triệu USD.

brock pierce

Circle có chút “rộng rãi” hơn khi miễn phí hầu hết các loại phí, chỉ tính phí mạng khi chuyển USDC ra địa chỉ không thuộc quản lý của Circle và phí mạng đối với các giao dịch thông qua API của Circle.

Để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra trơn tru, các dự án stablecoin cần đối tác ngân hàng uy tín với lượng tiền gửi dồi dào. Do đó, vai trò của ngân hàng truyền thống cũng rất quan trọng trong thị trường crypto. Điển hình, Circle suýt mất hàng tỷ USD tài sản thế chấp khi ngân hàng SVB sụp đổ.

Các dự án fiat-backed stablecoin kiếm tiền thông qua phí nạp rút và xác minh. Vậy những loại stablecoin khác, như stablecoin thuật toán UST thì sao?

ust do kwon

Tiền của bạn an toàn” là câu nói của hầu hết các CEO, CFO của các tổ chức tài chính, cho đến khi nó không còn an toàn nữa và khách hàng không rút được tiền của mình.

Năm ngoái, stablecoin thuật toán (​​algorithmic stablecoin) TerraUSD (UST) đã tạo ra khủng hoảng trong thị trường crypto khi làm tan biến 45 tỷ USD, theo Forbes. Vậy UST có mô hình hoạt động như thế nào?

Thay vì được bảo chứng bởi tiền pháp định như fiat-backed stablecoin, UST vận hành dựa trên cơ chế đốt một lượng tài sản dự trữ (token LUNA do cùng công ty phát hành) có giá trị bằng 1 USD.

Có ý kiến cho rằng đây là mô hình stablecoin tốt, với điều kiện thị trường ổn định. Bằng chứng là UST từng đạt vốn hóa 18 tỷ USD và đứng thứ 3 danh sách stablecoin có vốn hóa lớn nhất, theo CoinGecko. LUNA cũng là tài sản từng lọt top 5 vốn hóa lớn nhất thị trường crypto.

Do Kwon, nhà sáng lập Terraform Labs - công ty mẹ của dự án TerraUSD và LUNA, từng mỉa mai những người không ủng hộ UST, cho rằng họ “nghèo rớt mồng tơi".

Tôi mới thức dậy, thật là một buổi sáng thú vị. Bạn có thể nghe những người có vẻ là người nổi tiếng nói về việc UST mất peg lần thứ 69. Hoặc bạn có thể nhớ rằng họ đều nghèo rớt, và thay vào đó bạn đi chạy bộ”, Do Kwon chia sẻ trên Twitter của mình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào mô hình hoạt động của UST. Một người dùng Twitter có tên Algod cược 1 triệu USD giá LUNA năm sau sẽ thấp hơn hiện tại. Một người dùng Twitter khác tên GCR cũng đề xuất điều tương tự với số tiền lên đến 10 triệu USD.

Do Kwon chấp thuận tất cả.

Và những lo ngại này là có cơ sở. Vào ngày 7/5/2022, UST gặp nguy khi có  khoảng 285 triệu UST bị bán ra trên Curve và Binance.

Những ngày sau đó, tình trạng của UST còn thê thảm hơn. Dù Luna Foundation Guard đã huy động 1.5 tỷ USD để bảo vệ peg của UST, stablecoin này vẫn liên tục rớt peg, vốn hóa giảm còn 1 tỷ USD (vào 18/5/2022), và cuối cùng bị ngừng giao dịch trên Binance. Giá UST và LUNA đã chia hơn 10,000 lần chỉ trong vài ngày.

Hàng triệu nhà đầu tư mất tiền, trong đó bao gồm toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời, ít nhất 8 người tự tử… là  một số kết cục sau sự cố UST-LUNA. Theo CoinDesk Hàn Quốc, Do Kwon được cho là người đứng sau vụ sụp đổ này.

Anh trở thành đối tượng bị Interpol truy nã đỏ và cuối cùng bị bắt ở Montenegro vào tháng 3/2023. Cả Mỹ và Hàn Quốc đều chính thức yêu cầu dẫn độ Do Kwon.

do kwon bị bắt

Vào tháng 2/2023, SEC nộp hồ sơ kiện Terraform Labs và Do Kwon với cáo buộc huy động hàng tỷ USD thông qua việc bán bộ chứng khoán tài sản crypto và dàn dựng kế hoạch lừa đảo dẫn đến tổn thất 45 tỷ USD cho thị trường.

advertising

Các bị cáo đã bịa đặt hoạt động của blockchain Terra, tạo ra những giao dịch không có thực. Họ nói dối các nhà đầu tư về tính ổn định của UST, che giấu thỏa thuận bí mật đã ký với bên thứ ba để cứu tài sản khỏi sụp đổ”,  SEC nêu rõ trong hồ sơ kiện.

UST có lẽ chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh" trong thị trường stablecoin. Trong khi stablecoin thuật toán mang tính rủi ro lớn, các stablecoin khác vẫn đóng vai trò là dòng máu của thị trường DeFi. Nếu không có stablecoin, sẽ không tồn tại thị trường crypto như ngày nay.

dự án stablecoin

Bên cạnh việc thu phí từ người dùng, các dự án stablecoin còn thực hiện cho vay nhằm gia tăng lợi nhuận.

Báo cáo quý 3/2023 của Tether thể hiện khoản cho vay 5.5 tỷ USD, chủ yếu đến từ một số khách hàng cần vay ngắn hạn để tránh bán tài sản ở mức giá không tốt. Paolo Ardoino, CTO của Tether, cho biết trên Twitter rằng công ty chấp nhận Bitcoin làm tài sản thế chấp để vay USDT.

Báo cáo của Tether vào tháng 9/2021 cũng tiết lộ dự án cho các công ty lớn của Trung Quốc vay hàng tỷ USD. Tháng 10/2021, Tether tiếp tục cho dự án crypto Celsius Network vay 1 tỷ USD để nhận lãi suất 5-6%/năm. Tiềm năng lợi nhuận từ khoản cho vay này là 50-60 triệu USD mỗi năm.

Về phần Circle, dự án không thực hiện cho vay, vay mượn hay sử dụng USDC để thanh toán các hóa đơn. Trong trường hợp phá sản, tài sản dự trữ của Circle được tách biệt khỏi tài sản phá sản, giúp đảm bảo an toàn cho tài sản người dùng.

tín phiếu

Bên cạnh cho vay, đầu tư cũng là một trong những hoạt động chính và là nguồn doanh thu lớn nhất của các dự án stablecoin.

Trái phiếu kho bạc Mỹ (T-bonds) được xem là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất thế giới, được hậu thuẫn bởi niềm tin và tín nhiệm với chính phủ Mỹ. Trong bối cảnh lãi suất cao ngất ngưởng, tín phiếu kho bạc Mỹ (T-bills) là lựa chọn ưa thích của các tổ chức tài chính truyền thống lẫn phi truyền thống.

Báo cáo chứng thực quý 3/2023 của Tether cho thấy, công ty đang nắm giữ số T-bills trị giá 72.6 tỷ USD, chiếm hơn 85% tổng dự trữ của Tether. Theo Bộ Ngân khố Mỹ, con số này lớn hơn số T-bills nhiều quốc gia khác đang nắm giữ, chẳng hạn UAE (64.9 tỷ USD), Ý (40.2 tỷ USD), Việt Nam (36.3 tỷ USD)...

tether công cụ tự do

Với mức lãi suất khoảng 5.4%, Tether đang nhận được gần 4 tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh tín phiếu kho bạc, Tether còn đầu tư vào nhiều tài sản khác như Bitcoin, vàng… Ngoài ra, công ty còn dự định đầu tư 500 triệu USD vào máy đào Bitcoin, với cơ sở đào Bitcoin tại Uruguay, Paraguay và El Salvador.

báo cáo quỹ tether
Báo cáo các nguồn quỹ hợp nhất của Tether vào quý 3/2023.

Về phần Circle, công ty cũng nắm giữ khoảng 80% dự trữ USDC dưới dạng T-bills với thời hạn dưới 3 tháng. Khoảng 20% còn lại được Circle dự trữ dưới dạng tiền mặt trong nhiều ngân hàng có độ tín nhiệm cao ở Mỹ như Citizen's Trust Bank, New York Community Bank… Mục tiêu của Circle là dự trữ tiền mặt trực tiếp với Cục Dự trữ Liên bang.

Thông thường, T-bonds có mức lãi suất cao hơn T-bills vì nó có thời gian đáo hạn dài hơn. Tuy nhiên, hiện T-bills có lãi suất cao hơn do FED đang giữ lãi suất ở mức cao để kiểm soát lạm phát, tạo ra đường cong lợi suất đảo ngược. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang không tin tưởng vào các điều kiện tài chính dài hạn.

Kể từ tháng 3/2022, FED liên tục tăng lãi suất khiến giá trái phiếu giảm, thanh khoản thị trường trái phiếu gần như tê liệt. Các ngân hàng Mỹ kẹt thanh khoản, cần tiền để tiếp tục hoạt động đã bán công cụ ngắn hạn để tạo thanh khoản. Điều này cũng khiến lợi suất trên thị trường mở (OMO) tăng cao.

Đường cong lợi suất đảo ngược cũng thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư về việc FED sẽ giảm lãi suất trong dài hạn.

Do đó, khi FED giảm lãi suất, lợi nhuận các dự án stablecoin nhận được từ việc đầu tư T-bills có thể sẽ không còn hấp dẫn như hiện nay.

nhu cầu stablecoin

Bất chấp những thay đổi trong thị trường crypto, nhu cầu về stablecoin sẽ luôn hiện hữu nhờ vào khả năng ổn định tài sản của nó trong điều kiện biến động mạnh của thị trường.

Hiện nay, các định chế tài chính truyền thống đã và đang gia nhập vào thị trường stablecoin màu mỡ, tiêu biểu như Paypal, Visa, Stripe và Hiệp hội USDF. Đây có thể là điều kiện tốt giúp thị trường ngân hàng truyền thống trở nên mạnh mẽ hơn.

Cụ thể, Paypal đã hợp tác với Paxos để ra mắt stablecoin Paypal USD (PYUSD), tập trung chủ yếu vào thị trường Mỹ. Stablecoin của Paypal được Sở dịch vụ tài chính bang New York (New York State Department of Financial Services - NYDFS) quản lý và giám sát. Trong điều kiện kể cả Paxos phá sản, tài sản của khách hàng vẫn được bảo vệ.

jeremy allaire

Paypal có thể là đối thủ  đáng gờm với Circle trong tình cảnh công ty đang chứng kiến ​​sự sụt giảm liên tục về vốn hóa thị trường sau khi SVB  - nơi Circle giữ một phần dự trữ USDC - sụp đổ.

Giống như Tether và Circle, dự trữ của Paypal được giữ bằng T-bills và tiền lãi kiếm được sẽ được chia sẻ giữa PayPal và Paxos.

Việc PayPal gia nhập thị trường stablecoin ‘là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy các khoản thanh toán gần như tức thời, không biên giới và có thể lập trình dưới dạng stablecoin sẽ tiếp tục tồn tại”, Jeremy Allaire, đồng sáng lập và CEO của Circle chia sẻ với CoinDesk.

Ngoài ra, Visa cũng tiến hành thí điểm giao dịch bằng USDC, Stripe triển khai thanh toán bằng USDC, Hiệp hội USDF (nhóm 11 ngân hàng được FDIC bảo hiểm) đang thực hiện những nỗ lực để mã hóa tiền gửi…

Vào tháng 8/2023, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết họ đã hoàn thiện các quy tắc đối với stablecoin. Trong đó, các khoản dự trữ hỗ trợ cho stablecoin phải được giữ ở những tài sản có rủi ro thấp và có tính thanh khoản cao, chúng cũng phải luôn cao bằng hoặc vượt quá giá trị của stablecoin đang lưu hành.

Mới đây, Tether cũng đưa ra chính sách đóng băng các địa chỉ ví liên quan đến các lệnh trừng phạt, nhằm thể hiện cam kết nâng cao bảo mật và an toàn trong thị trường stablecoin.

Đọc thêm Sàn giao dịch crypto kiếm tiền như thế nào?

RELEVANT SERIES