Sàn giao dịch crypto kiếm tiền như thế nào?
Với hầu hết mọi người, 3/10 chỉ là một ngày bình thường, nhưng với Sam Bankman-Fried, đây là ngày anh hầu toà với cáo buộc sử dụng trái phép tài sản khách hàng, gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Bankman-Fried - nhà sáng lập sàn FTX nay đã sụp đổ, không phải người duy nhất bị cáo buộc lừa đảo nhà đầu tư thông qua sàn giao dịch crypto.
Changpeng Zhao, người khai sinh sàn giao dịch Binance cũng đối mặt với không ít cáo buộc rửa tiền, thao túng giá, lừa đảo nhà đầu tư từ SEC.
Cuối năm 2022, sàn giao dịch crypto Celsius cũng bị buộc tội âm mưu lừa đảo nhà đầu tư và phải bồi thường 4.7 tỷ USD.
Tất cả những động thái này làm cộng đồng nhà đầu tư crypto lo ngại, khiến nhu cầu được minh bạch thông tin về mô hình kinh doanh cũng như hoạt động của sàn giao dịch crypto tăng cao hơn bao giờ hết. Và một trong những điều trăn trở nhất của các nhà đầu tư là: Các sàn đang kiếm lợi nhuận như thế nào?
Bài viết này sẽ giải đáp câu hỏi đó.
Khi nói đến các dự án có lợi nhuận khủng trong thị trường crypto, sàn giao dịch thường chiếm vị trí đầu bảng. Vậy họ kiếm nguồn doanh thu cơ bản từ đâu?
Câu trả lời là từ phí niêm yết.
Vậy tại sao các dự án lại đồng ý trả số tiền lớn như thế cho các sàn giao dịch?
Marketing, tiếp cận lượng người dùng khổng lồ, giúp giá token tăng mạnh bởi các sàn giao dịch uy tín là nơi tập trung thanh khoản cao nhất thị trường - là những nguyên nhân chính.
Thực tế, nhiều token đã tăng giá mạnh sau khi được niêm yết trên các sàn giao dịch crypto lớn. Đơn cử, token của các dự án District0x, Civic, Near… đều tăng từ 100% đến 645% sau khi niêm yết trên Coinbase. Các token được lên sàn Binance cũng có mức tăng trung bình 73% sau 30 ngày, theo CoinDesk.
Tất nhiên, 15 triệu USD không phải con số tiêu chuẩn. Mức phí niêm yết sẽ khác nhau tùy vào sự lớn mạnh của sàn cũng như độ uy tín của dự án. Lượng người dùng và khối lượng giao dịch trên sàn càng lớn, phí niêm yết càng cao.
Theo tổ chức Blockchain Transparency Institute (BTI), mức phí niêm yết trung bình dao động từ 50,000 USD đến 1 triệu USD. Vào những thời điểm hàng tháng có vô số dự án ra đời, doanh thu của sàn có thể lên đến hàng trăm triệu USD mỗi tháng.
Đây là điều dễ hiểu khi các sàn nhận thức được giá trị của mình trên thị trường và dùng phí niêm yết để ngăn những dự án chất lượng thấp tiếp cận nhà đầu tư.
Phí niêm yết đôi khi bằng 0, nếu token thuộc những dự án “hot”, có nhu cầu giao dịch lớn. Sàn có thể thu về một số tiền lớn từ phí giao dịch sau khi niêm yết những token như vậy.
Dự án cũng hưởng lợi nhiều nếu được sàn lớn và uy tín đầu tư hay niêm yết token. Với cơ sở người dùng lớn sẵn có, chỉ một bài viết trên Twitter của sàn cũng có thể tạo tác động bằng hoạt động marketing của dự án trong 1 năm.
Nhưng liệu có phải mọi sàn giao dịch tính phí niêm yết cao đều có lý do xác đáng và uy tín để làm như vậy không?
Một báo cáo của BTI vào năm 2018 cho thấy câu trả lời không hẳn vậy.
Hơn 90% giao dịch trên các sàn như Bithumb và Bibox đều là giả mạo (wash trade) với mục đích lừa dối các dự án và nhà đầu tư để tính phí niêm yết cao.
Vào năm 2019, sàn BKEX thực hiện một trong những nỗ lực đánh lừa người dùng lười biếng nhất lịch sử: Liên tục sao chép lịch sử giao dịch của sàn Binance và cho đây là của mình. Điều này khiến khối lượng giao dịch hàng ngày của BKEX đạt 1.1 tỷ USD và giúp sàn có lý do “hợp lý" để tính phí niêm yết cao.
Tuy nhiên, sàn giao dịch không thể hoạt động chỉ với việc thu phí niêm yết, vì trong trường hợp không có dự án mới, sàn có thể ngưng hoạt động. Vậy sàn dựa vào nguồn thu nào để tiếp tục vận hành ngay cả khi thị trường đi vào downtrend?
Một sự thật hiển nhiên rằng người dùng giao dịch càng nhiều, phí giao dịch họ phải trả càng cao.
Hoạt động như nền tảng trung gian tương tự Uber, Grab hay ShoppeFood, sàn giao dịch thu phí hoa hồng từ cả người mua lẫn người bán.
Trong Q1/2023, khối lượng giao dịch spot (giao ngay) của Binance là 1,534 nghìn tỷ USD, đạt doanh thu 767 triệu USD. Vào năm 2018, ngay cả trong thời kỳ khó khăn, ít người dùng hoạt động, Binance vẫn tạo ra doanh thu đạt mức 446 triệu USD.
Điều này chứng minh rằng các sàn giao dịch có thể duy trì hoạt động ngay cả trong những thời điểm ngặt nghèo nhất.
Bên cạnh giao dịch spot, các sàn còn thu phí giao dịch phái sinh, giao dịch OTC, giao dịch ký quỹ… Trong đó, giao dịch phái sinh là một trong những mảng trọng tâm của các sàn giao dịch crypto khi tổng khối lượng giao dịch của nó còn cao hơn mảng giao ngay.
Khối lượng giao dịch phái sinh trong Q1/2023 của Binance là 4,322 tỷ USD, đạt mức doanh thu 648 triệu USD. Trong khi đó, sàn OKX và Bybit chỉ chiếm khoảng một nửa khối lượng giao dịch của Binance.
Ngoài ra, các sàn còn cung cấp dịch vụ copy trade trong cả mảng giao ngay lẫn phái sinh, khuyến khích người dùng giao dịch thụ động để tăng khối lượng giao dịch. Bitget là sàn giao dịch đứng đầu thị trường trong lĩnh vực này.
Phí hoa hồng giúp các sàn giao dịch crypto kiếm được lợi nhuận khổng lồ, thế nhưng như thế đã đủ làm họ hài lòng?
Có ý kiến cho rằng các sàn giao dịch còn làm nhiều hành động khác để tăng số tiền kiếm được, chẳng hạn thực hiện các giao dịch mua bán lớn để tác động đến giá token.
Một tài liệu của SEC cho biết Binance đã nhận 833,333 token STX, tương đương 250,000 USD như khoản “phí dài hạn" để niêm yết Blockstack trong 1 năm.
Binance phủ nhận việc xem đây là phí niêm yết, cũng như phủ nhận thực hiện các hành động để tác động giá token STX. Thay vào đó, họ cho biết đây chỉ là phí marketing với ý tưởng từ Blockstack.
Việc sàn giao dịch tác động giá token thậm chí còn xảy ra ở thị trường phái sinh. Trong trường hợp này, các nhà giao dịch phái sinh rơi vào cảnh vừa bị buộc thanh lý tài sản, vừa phải trả thêm phí thanh lý cho sàn.
Ngoài ra, các sàn giao dịch còn có một cách khác để tăng thêm giá trị, đó chính là phát hành token.
Tại sao nói token là công cụ đòn bẩy tài chính của sàn giao dịch?
Câu trả lời là để huy động vốn, doanh nghiệp truyền thống cần tài sản thế chấp, trong khi đó sàn giao dịch crypto chỉ cần phát hành token sàn.
Token sàn có thể được sử dụng như tài sản thế chấp để gọi vốn, giúp sàn tiếp tục mở rộng hoạt động. Những hoạt động này có thể bao gồm việc mua lại sàn giao dịch, mua lại trang web khác, tổ chức các sự kiện thu hút người dùng mới hay đầu tư vào các dự án tiềm năng.
Bằng cách cho phép người dùng sử dụng token để trả phí cho các hoạt động trên sàn, hay giảm phí cho người dùng sở hữu nhiều token sàn, các sàn giao dịch khiến nhu cầu về token sàn tăng cao. Giá và thanh khoản token sẽ tương quan với lượng người dùng của sàn.
Nhờ những ưu điểm trên, hầu hết sàn giao dịch crypto như Binance, OKX, ByBit, Houbi, KuCoin… đều đã phát hành token sàn.
Trong nửa đầu năm 2023, dù downtrend, một số token sàn vẫn tăng trưởng tốt, thậm chí đạt ATH mới, đặc biệt là MX (MEXC - tăng 225%), OKB (OKX - tăng 106%), BGB (Bitget - tăng 130%), WOO (Woo Network - tăng 23.84%)...
Binance là sàn thu lợi nhiều nhất từ việc phát hành token. Giá token BNB dù không tăng nhiều trong năm nay, nhưng vốn hóa của nó đang đứng thứ 4 thị trường, giúp Binance có động lực phát triển mạnh mẽ.
Năm 2022, Binance đã tổ chức nhiều sự kiện trên toàn thế giới: Dubai, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… để giới thiệu về sàn giao dịch cũng như các sản phẩm của mình. Ngoài ra trước đó, Binance đã mua lại sàn Sakura, ví Trust Wallet, ví Tokocrypto… và thực hiện đầu tư vào các dự án crypto tiềm năng.
Để tăng sức ảnh hưởng, Binance cũng tổ chức các khóa học về blockchain và crypto, thậm chí còn hợp tác với các trường đại học để đào tạo và cấp chứng chỉ cho sinh viên trường.
Không riêng Binance, sàn OKX cũng có nhiều động thái mở rộng hoạt động, chẳng hạn tài trợ sự kiện Token2024 ở Singapore hay phát triển “mô hình lưu ký kết hợp” kết hợp ví lạnh (do OKX kiểm soát) và ví ấm (do một bên trung gian lưu trữ). Theo nhiều nguồn tin, số tiền đầu tư cho sản phẩm này lên đến 200 triệu USD.
Thời gian gần đây, OKX còn hợp tác với BBDO New York để thực hiện chiến dịch marketing thương hiệu trên toàn cầu mang tên “Hệ thống cần được viết lại” (It need a rewrite). Với chiến dịch này, OKX mạnh dạn thách thức các hệ thống tập trung hiện có và ủng hộ mô hình Web3 mới được quản lý bởi công nghệ.
Tuy nhiên, ngoài thu phí và phát hành token, sàn giao dịch crypto còn có một cách khác để kiếm tiền.
Cuối năm 2022, Binance Labs - quỹ đầu tư của sàn Binance đạt lợi tức đầu tư cao 2,100%, theo Binance News. Tổng tài sản do Binance Labs quản lý nhờ vậy cũng chiếm 7.5 tỷ USD, theo bài đăng mới nhất trên blog quỹ.
Quỹ đầu tư Coinbase Venture của sàn Coinbase cũng thu nhiều thành tựu khi từng đạt mức lợi tức 15,700% từ Terra (LUNA), 3,400% từ Dodo (DODO) hay 960% từ Lido Finance (LDO).
Đây có phải là xu hướng chung của các quỹ đầu tư?
Để trả lời câu hỏi này, hãy nhìn vào kết quả đầu tư của quỹ đầu tư crypto Multicoin Capital, quỹ này đã lỗ 91.4% vào năm ngoái, theo CoinDesk.
Một quỹ đầu tư crypto khác là Sequoia Capital cũng đã lên tiếng xin lỗi các nhà đầu tư vì khoản thua lỗ 150 triệu USD vào năm 2022, theo WSJ.
Như vậy, có thể thấy khoản lợi nhuận từ đầu tư của Binance Labs hay Coinbase Ventures không phải là xu hướng chung. Vậy đâu là sự khác biệt giữa hai quỹ này và những quỹ đầu tư khác?
Câu trả lời là Binance Labs và Coinbase Ventures thuộc quản lý của sàn giao dịch, còn những quỹ kia thì không.
Sàn giao dịch crypto thường có lợi thế hơn các quỹ đầu tư khác trong việc xác định dự án tiềm năng. Để được niêm yết, các dự án phải trải qua nhiều bước thẩm định nghiêm ngặt của đội ngũ nghiên cứu thuộc sàn giao dịch. Do đó, sàn thường có đầy đủ thông tin của các dự án niêm yết trên sàn của mình.
Tính đến hiện tại, có hơn 500 dự án được niêm yết trên Binance, 350 dự án trên OKX và 240 dự án trên Coinbase.
Với lợi thế về thông tin, các sàn có thể dễ dàng đưa ra quyết định đầu tư hay niêm yết token dự án tiềm năng miễn phí. Sự tăng trưởng của những dự án này cũng đem lại lợi nhuận khổng lồ cho khoản đầu tư của sàn, phí giao dịch, cũng như gia tăng độ uy tín của sàn.
Việc nhà giao dịch khó tiếp cận người mua hoặc bán do thiếu thông tin, mối quan hệ, hay khoảng cách địa lý là điều không hiếm. Tình trạng này khiến thanh khoản của tài sản bị phân mảnh, việc mua bán trở nên khó khăn, thị trường khó phát triển mạnh.
Do đó, có thể thấy sàn giao dịch crypto đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của crypto. Nhờ sàn, người dùng có thể mua bán crypto chỉ trong vài giây, hay thực hiện tối đa hóa lợi nhuận thông qua các dịch vụ staking, DCA…
Dù có mô hình kinh doanh tốt nhưng các sàn giao dịch crypto cũng không dễ đạt thành công.
Để bắt đầu, nhà phát triển cần số vốn lớn để phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng, marketing, nhân sự… Ngoài ra, sàn còn dễ đối mặt các vấn đề pháp lý, quyền riêng tư dữ liệu người dùng, quyền sở hữu trí tuệ…
Tuy nhiên, những khó khăn này cũng là cơ hội cho các doanh nhân trẻ muốn dấn thân vào thị trường crypto với sản phẩm sàn giao dịch crypto.