BTC Dominance là gì? Tầm quan trọng của BTC Dom trong đầu tư
Chỉ số BTC Dom có mối quan hệ mật thiết với vốn hoá thị trường nói chung và vốn hoá Bitcoin nói riêng. Tuy nhiên, việc sử dụng chỉ số áp dụng trong giao dịch cũng đi kèm những rủi ro nhất định. Vậy BTC Dominance là gì? Và tầm quan trọng của chỉ số BTC.D đối nhà đầu tư như thế nào?
BTC Dominance là gì?
BTC Dominance là chỉ số thể hiện phần trăm vốn hoá của Bitcoin trên tổng vốn hoá của toàn bộ thị trường cryptocurrency. Chỉ số này thường được nhà đầu tư sử dụng để đo lường sự ảnh hưởng và ưu thế của Bitcoin so với những đồng tiền điện tử khác, từ đó giúp họ dự đoán xu hướng dòng tiền của thị trường crypto.
Ví dụ: BTC Dominance đang ở mức 60%, điều này có thể được hiểu là vốn hóa BTC đang chiếm 60% tổng vốn thị trường và altcoin (những đồng coin/token khác ngoài BTC) chiếm 40% tổng vốn hóa thị trường.
Là loại tiền điện tử đầu tiên và lớn nhất, tại thời điểm ra mắt, đồng Bitcoin có BTC.D ở mức 100% ở ATH (All time high). Tuy nhiên, khi thị trường phát triển và nhiều loại token bắt đầu xuất hiện, nó dần mất đi vị thế thống trị và từng đạt mức ATL (All time low) là 35.41%.
Người dùng có thể dễ dàng truy cập được chỉ số BTC Dominance khi tìm kiếm trên TradingView, đây là một chỉ số quan trọng được khá nhiều nhà đầu tư sử dụng trong các chiến lược giao dịch của mình.
Tại sao Bitcoin Dominance quan trọng?
Như đã nói ở trên, khi thị trường phát triển, thị phần của Bitcoin có xu hướng giảm dần. Vì vậy, dưới góc độ vĩ mô, BTC Dom cho những nhà đầu tư biết thị trường crypto đang ở trong giai đoạn nào, thị trường bò (bull market), đi ngang (sideway), thị trường gấu (bear market)... Từ đó, hỗ trợ nhà đầu tư phân bổ vốn và điều chỉnh vị thế trong từng giai đoạn.
- Bull market: Giai đoạn đầu, tâm lý của nhà đầu tư có xu hướng tìm hiểu về thị trường, khiến altcoin nhận được nhiều sự quan tâm. Từ đó, BTC.D thường có xu hướng giảm nhẹ, và phần trăm vốn hoá của altcoin tăng, vốn hoá thị trường chung tăng theo. Đến giai đoạn giữa bull market, BTC.D có xu hướng tăng, khi nhà đầu tư tập trung chủ yếu vào Bitcoin.
- Bear market: Tại thời điểm thị trường crypto giảm sâu, nhà đầu tư có xu hướng bảo toàn tài sản, nên họ sẽ ưu tiên đầu tư Bitcoin. Dẫn đến BTC.D tăng, vốn hoá thị trường giảm mạnh.
Ngoài ra, ở những giai đoạn thị trường phục hồi, BTC.D sẽ có xu hướng tăng mạnh, giá Bitcoin tăng và altcoin không thay đổi nhiều.
Vậy ở tầm nhìn vi mô, BTC.D được sử dụng như thế nào?
Bitcoin không chỉ là tiền điện tử lớn nhất mà nó còn mang tính chất dẫn đầu. Cụ thể, khi BTC Dominance thay đổi, thị phần của altcoin cũng sẽ thay đổi theo (giá của altcoin có thể tăng lên hoặc giảm xuống). Do đó, BTC.D có thể được coi là công cụ hữu ích để nhà đầu tư xem xét nên “đặt cược” vào altcoin hoặc Bitcoin.
Lấy ví dụ, nhiều nhà đầu tư cho rằng “mùa altcoin” sẽ đến nếu như hội tụ đủ hai yếu tố gồm:
- Bitcoin Dominance có dấu hiệu giảm.
- Vốn hoá thị trường tăng lên.
Công thức tính và công cụ theo dõi BTC.D
Công thức tính BTC Dominance
Công thức tính của Bitcoin Dominance khá đơn giản, người dùng chỉ cần lấy vốn hóa của Bitcoin chia cho tổng vốn hóa của thị trường crypto:
Tuy nhiên, nhà đầu tư không cần phải tính toán thủ công vì hiện đã có nhiều công cụ giúp người dùng theo dõi BTC.D theo thời gian thực một cách chính xác và hiệu quả hơn.
Công cụ theo dõi BTC.D
Dưới đây là một số công cụ giúp người dùng dễ dàng theo dõi chỉ số BTC.D. Đồng thời, những công cụ này cũng hỗ trợ phân tích các hướng xu hướng tiếp theo của thị trường:
- TradingView: Là một trong những nền tảng cung cấp công cụ nổi bật nhất để theo dõi chỉ số BTC.D, đồng thời những chỉ số khác như giá Bitcoin, vốn hoá thị trường… Ngoài ra, nền tảng còn hỗ trợ nhà đầu tư phân tích đường giá BTC.D.
- CoinGecko, CoinMarketCap: Là những nền tảng cập nhật những thông số gồm vốn hoá của Bitcoin và tổng vốn hoá thị trường, từ đó cho phép người dùng có thể tính toán được chỉ số BTC.D. Tuy nhiên, khác với TradingView, Coingecko và CoinMarketCap không hỗ trợ những công cụ giúp người dùng phân tích hướng đi BTC.D.
Ngoài những công cụ trên, người dùng có thể sử dụng những công cụ như Glassnode, Messari…
Những yếu tố ảnh hưởng đến Bitcoin Dominance
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chỉ số của BTC.D như sự ra đời của đồng coin mới hoặc phụ thuộc vào chu kì của thị trường (bull market, bear market…). Dưới đây là những chỉ số quan trọng ảnh hưởng tới BTC.D.
Hoạt động on-ramp thông qua stablecoin
On-ramp là hoạt động chuyển đổi tiền tệ truyền thống thành tiền điện tử, thông thường người dùng sẽ có xu hướng tham gia thị trường crypto bằng việc mua stablecoin trước.
Lấy ví dụ, khi đến với những sàn giao dịch tập trung (CEX) như Binance, Coinbase… điều đầu tiên người dùng làm là mua stablecoin thông qua P2P hoặc OTC. Điều này khiến cho dòng tiền mới đổ vào thị trường là thông qua stablecoin, chứ không phải Bitcoin.
Ngoài ra, stablecoin cung cấp cho người dùng tiếp cận nhiều loại token/coin hơn, khi DEX và CEX luôn có hàng trăm loại token đi cặp với stablecoin.
Ví dụ, tại thời điểm tháng 9/2023, Binance có 298 cặp giao dịch token với BTC, trong khi đó sàn giao dịch này cho phép người dùng giao dịch 375 token với USDT. Vì vậy, có thể nói stablecoin có ảnh hưởng lớn tới chỉ số Bitcoin Dominance.
Ngoài ra, nhằm mục đích hạn chế đi sự biến động và bảo toàn tài sản trong downtrend, nhiều nhà đầu tư cho rằng nắm giữ stablecoin vẫn là chiến thuật tối ưu.
Narrative/Trend
Narrative là thuật ngữ ám chỉ một xu hướng được cộng đồng quan tâm và được thảo luận trên nhiều nền tảng. Lấy ví dụ, năm 2017, nhiều nhà đầu tư liên tục đổ tiền vào các dự án ICO, dẫn đến các dự án thuộc mảng này bùng nổ. Vì vậy, có thể nói ICO là một narrative ở năm 2017.
Vào giai đoạn đầu của thị trường crypto, vốn hoá của Bitcoin từng chiếm 90% vốn hoá của toàn bộ thị trường. Tuy nhiên, càng về giai đoạn sau, Bitcoin đang dần được coi như tài sản “ổn định” khi cho nhà đầu tư lợi nhuận chưa đủ cao. Vì vậy, altcoin nhận được nhiều sự chú ý hơn từ nhà đầu tư khi chúng có mức biến động cao, cho phép nhà đầu tư đạt được những mức lợi nhuận mong đợi, bất chấp altcoin có thể đưa họ thua lỗ nhiều hơn so với Bitcoin.
Khác với Bitcoin, các altcoin được tạo ra với nhiều công dụng khác nhau, từ gaming, art cho tới các dịch vụ tài chính như lending/borrowing… Vì vậy, tuỳ thuộc vào xu hướng (trend) chung của thị trường, sự quan tâm và dòng tiền của nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào mảng nhất định (narrative).
Ví dụ: Năm 2021, narrative liên quan tới NFT nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng, khiến giá của các dự án NFT đột nhiên tăng vọt. Đồng thời, tại thời điểm đó, Bitcoin Dominance giảm từ 70% xuống còn khoảng 50%.
Biến động giá của Bitcoin
Bitcoin là đồng coin có số lượng cố định ở mức 21 triệu, vì vậy việc ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số vốn hoá của BTC.D chỉ có thể là giá trị thuộc mỗi đồng BTC.
Có thể thấy, khi giá của Bitcoin lên cao, vốn hoá của Bitcoin cũng tăng dần, từ đó khiến chỉ số BTC.D tăng lên. Tuy nhiên, người dùng nên lưu ý, khi vốn hoá của Bitcoin hoặc tỉ lệ BTC.D đi lên, không đồng nghĩa giá của Bitcoin sẽ tăng theo.
Ưu điểm và nhược điểm của BTC.D trong giao dịch
Tương tự như những cách thức phân tích kỹ thuật khác, sử dụng BTC Dom trong giao dịch vẫn có ưu và nhược điểm. Dưới đây là một số ưu và nhược điểm khi áp dụng BTC.D:
Ưu điểm
Dưới đây là một số ưu điểm khi sử dụng BTC.D trong giao dịch:
- Khả năng dự đoán biến động thị trường: BTC.D giúp người dùng dự đoán những thay đổi trong thị trường tiền điện tử. Khi BTC.D tăng đột ngột, điều này có thể cho thấy sự quyết đoán của các nhà đầu tư vào Bitcoin, và dẫn đến một kỳ bull run cho thị trường crypto.
- Phân tích thị trường: BTC.D giúp nhà đầu tư theo dõi xu hướng thị trường bằng cách đo tỷ lệ thị phần của Bitcoin so với tổng giá trị thị trường tiền điện tử. Khi BTC.D tăng, điều này có thể cho thấy Bitcoin đang thể hiện sức mạnh so với các loại tiền điện tử khác. Ngược lại, khi BTC.D giảm, có thể đánh dấu sự gia tăng của các altcoin.
- Sử dụng trong phân tích kỹ thuật: BTC.D thường được sử dụng trong phân tích kỹ thuật để dự đoán các biến động trong thị trường tiền điện tử. Các nhà giao dịch và nhà phân tích thị trường thường sử dụng nó để xác định điểm mua vào hoặc bán ra.
Hạn chế
Trên thực tế, cách tiếp cận với Bitcoin Dominance thường có thiên hướng về phân tích kỹ thuật, do đó, quá trình xác định BTC.D cũng sẽ có những hạn chế giống như phân tích kỹ thuật:
- Phân tích có thể có sai số: Đặc điểm chính của PTKT là sử dụng dữ liệu quá khứ để dự đoán tương lai, nên sai số là không thể tránh khỏi.
- Tính tương đối: Cùng một thời điểm, cùng một biểu đồ, cùng các chỉ báo nhưng 2 nhà phân tích có thể đưa ra 2 nhận định khác nhau đối ngược. Do đó, BTC.D cũng chỉ mang tính tương đối chứ không hoàn toàn chính xác.
Vì những hạn chế nêu trên, khi sử dụng BTC.D để phân tích thị trường, nhà đầu tư không nên phụ thuộc hoàn toàn mà cần phải có kế hoạch phân bổ vốn hợp lý. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể kết hợp với phân tích cơ bản và phân tích tích kỹ thuật để chọn thời điểm vào tối ưu.
Mối tương quan của BTC Dom
Đối với Altcoin
Với số lượng altcoin ngày càng tăng trên thị trường, có thể thấy thị phần của Bitcoin đang có dấu hiệu giảm dần.
Trong những năm gần đây, một số altcoin đã trở nên phổ biến hơn như Ethereum, Ripple… khiến tổng vốn hóa của các altcoin nhanh chóng vượt qua Bitcoin. Thậm chí, có những khoảng thời gian mà các altcoin bắt đầu thu hút dòng tiền nhiều hơn so với Bitcoin, đây được gọi là “mùa altcoin” hay “altcoin season".
Dưới đây là những mốc thời gian liên quan giữa altcoin và BTC.D:
- Năm 2009, Bitcoin ra đời và là đồng coin duy nhất tại thị trường tiền điện tử.
- Năm 2015, Vitalik Buterin phát triển thành công Ethereum (ETH) và các sản phẩm DeFi, đưa tổng vốn hoá ETH đứng thứ 2 trong thị trường. Tuy nhiên, thị phần Bitcoin vẫn chưa có nhiều sự thay đổi khi quanh quẩn ở mức 90%-95%.
- Năm 2017, cơn sốt ICO nổi lên, khi hàng loạt dự án và doanh nghiệp tham gia crypto thông qua hình thức gọi vốn ICO. Số lượng dự án từng đạt tới mức 2,000 và gọi vốn lên tới 10 tỷ USD. Vì vậy, đưa BTC.D xuống mức thấp nhất trong lịch sự khi chỉ còn 35%.
- Năm 2018, ICO khiến nhiều nhà đầu tư vỡ mộng khi họ liên tục bị lừa đảo, dẫn đến dấu chấm hết cho narrative này. Vì vậy, BTC.D đã quay trở lại mốc 50%. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, hầu hết các altcoin đều chưa có sự tăng trưởng nhưng Bitcoin lại tăng từ 3,000 USD lên gần 9,000 USD.
Năm 2020, đại dịch Covid diễn ra, BTC.D tăng cao, đạt mức 70%, nhưng altcoin không có nhiều biến chuyển nổi bật. Đến cuối năm 2021, BTC.D giảm xuống mức 39%, bù lại các altcoin có mức tăng trưởng vượt bậc. Chẳng hạn như Shiba (SHIB) tăng 40%, Solana (SOL) tăng từ 1.5 USD lên 250 USD…
Nhìn chung, mỗi khi mùa altcoin xuất hiện, Bitcoin Dominance luôn có dấu hiệu giảm mạnh. Vì vậy, những nhà đầu tư luôn theo dõi Bitcoin Dominance để tìm điểm ra vào thích hợp dành cho các altcoin.
Đọc thêm: Dấu hiệu nhận biết mùa altcoin
Đối với BTC
Hiện có nhiều nhà đầu tư kết hợp giá của Bitcoin và chỉ số BTC.D để đưa ra những quyết định giao dịch. Cụ thể, dưới đây là kết quả giữa việc kết hợp hai chỉ số Bitcoin và BTC.D:
BTC.D tăng
- Giá BTC tăng: Tiền đang chảy từ altcoin sang BTC.
- Giá BTC giảm: Toàn bộ thị trường tiền điện tử nói chung đều giảm.
- Giá BTC đi ngang: Các nhà đầu tư đang chốt lời từ altcoin sang Fiat (tiền pháp định)/BTC.
BTC.D giảm
- Giá BTC tăng: Tiền đang chảy vào BTC, có thể kéo altcoin và toàn bộ thị trường đi theo.
- Giá BTC giảm: Toàn bộ thị trường tiền điện tử nói chung đều giảm.
- Giá BTC đi ngang: Tiền đang chảy từ BTC sang altcoin. Bitcoin đi ngang có nghĩa là sẽ có ít tác động đến giá của các altcoin, cho phép chúng tự do phát triển. Các altcoin đủ tốt sẽ tăng mạnh trong giai đoạn này.
BTC.D đi ngang
- Giá BTC tăng: Tiền đang chảy từ bên ngoài tiền điện tử sang BTC.
- Giá BTC giảm: Toàn bộ thị trường tiền điện tử nói chung đều giảm.
- Giá BTC đi ngang: BTC đứng yên, cho phép altcoin tăng trưởng mà không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, chiến lược ở dòng đầu tiên có thể được diễn giải khi BTC.D tăng, giá BTC sẽ tăng theo, dẫn đến các nhà đầu tư mua BTC để kiếm lợi nhuận, hoặc những người đang cầm BTC thì có thể cân nhắc đến chuyện chốt lời trong tương lai gần.
Các chiến lược này hoàn toàn có thể kết hợp với linh hoạt với các chiến lược giao dịch của Holder hoặc Trader.
Cách xác định xu hướng của BTC.D
BTC Dominance cũng có thể được nhận định giống như chart giá token, coin với những chỉ báo trong phân tích kỹ thuật như: MA, EMA, Ichimoku, vùng hỗ trợ, vùng kháng cự, các mẫu hình, RSI,… Nhà đầu tư có thể coi BTC.D giống như một đồng coin và phân tích việc lên xuống dựa vào các chỉ báo trên.
Dưới đây là ví dụ về cách xác định xu hướng BTC.D bằng Ichimoku Cloud:
- Bước 1: Truy cập tradingview.com, sau đó vào biểu đồ BTC.D và thêm “Ichimoku”.
- Bước 2: Xác định xu hướng với Ichimoku Cloud. Thông thường, xu hướng tăng khi giá nằm trên đường Ichimoku Cloud, xu hướng giảm khi giá nằm dưới Ichimoku hoặc không thể xác định nếu giá nằm trong đường Ichimoku.
Tuy nhiên, trên thực tế người dùng có thể kết hợp các chỉ báo khác như hỗ trợ - kháng cự, trendline, Fibo, MA,… để mang lại kết quả tốt hơn. Ngoài ra, có thể kết hợp xem xét đa khung để cho đa góc nhìn đa dạng hơn:
- H4 - Daily: Hàng ngày.
- Daily - Weekly: Hàng tuần.
- H4 - Daily - Weekly: Kết hợp ngày và tuần.
Đọc thêm Các chiến lược đầu tư Bitcoin.