SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Học PTCB: Cách giải quyết vấn đề thanh khoản trong Crypto với Ondo Finance

Bài viết ví dụ minh họa cách phân tích cơ bản thông qua việc phân tích dự án Ondo Finance.
Khang Kỳ
Published Feb 23 2022
Updated May 30 2023
15 min read
thumbnail

Phân tích cơ bản luôn là một khái niệm tuy dễ mà khó. Dễ là chỉ cần tìm được dự án tốt, đang có điểm vào đẹp là được, không cần nhìn vào Chart suốt ngày như Phân tích kĩ thuật. Nhưng khó ở chỗ làm sao để phân tích và tìm ra được dự án “xịn xò”.

Có rất nhiều phương pháp, như trong bài trước, mình đã đánh giá tổng quan tình hình để tìm ra vấn đề về các cầu nối để đưa ra những ý tưởng cho Cosmos. Thì ở lần này cũng vậy, vẫn là trình tự:

  • Tìm vấn đề.
  • Tìm dự án giải quyết.
  • Dự phóng tương lai.

Ngoài ra, trong bài này, mình còn áp dụng một cách để nâng cao kỹ năng Phân tích cơ bản, đó là tự “vẽ” ra một tokenomics cho dự án, cụ thể là Ondo Finance, sau đó theo dõi những bước đi thực tế của dự án.

Lưu ý: Bài viết chỉ là ví dụ cho cách phân tích cơ bản đối với vấn đề thanh khoản thông qua một dự án, không phải lời khuyên đầu tư.

Vấn đề thanh khoản trong Crypto: Các dự án mới không có được thanh khoản

Trong Crypto, mỗi ngày có từ vài chục đến vài trăm dự án mới được sinh ra. Ngoài việc lo về vận hành dự án, thì việc giao dịch chính token của mình cũng là vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu, hay cụ thể hơn đó là vấn đề thanh khoản trong Crypto.

Vậy thanh khoản quan trọng như thế nào? Giả sử một ngày đẹp trời, anh em nhìn ra được một dự án đang bị định giá thấp, và định cầm $50,000 “múc”, nhưng chợt nhận ra giá trị Pool chỉ có $200,000 thì sao?

  • Nếu mua thì chúng ta phải chịu trượt giá khủng khiếp, ngoài ra còn vô tình đẩy giá token lên rất nhiều.
  • Nhưng nếu không mua thì trong lòng day dứt.
  • Ngoài ra, vẫn còn một cách là mua từng chút một, nhưng mua nhiều lần, tốn thời gian rất nhiều.

⇒ Đó là những hạn chế khi thanh khoản ít.

Các cách giải quyết vấn đề thanh khoản

Hướng giải quyết dễ nhất là list lên sàn CEX (sàn giao dịch tập trung) càng to càng tốt. Nhưng các dự án này dĩ nhiên “không có cửa” được listed trên các sàn như Binance, FTT,... Do đó, chỉ còn sàn DEX (sàn giao dịch phi tập trung) là lựa chọn hợp lý. 

Mà cung cấp thanh khoản đủ lớn cho các DEX thì lại không đủ tiền. Nên việc làm sao có thanh khoản nhưng vẫn không tốn nhiều chi phí đã sinh ra Liquidity Mining - Khai thác thanh khoản.

Với Liquidity Mining, người dùng cung cấp thanh khoản để nhận về token dự án. Nhưng cách này đã được cả năm 2021 chứng minh là không bền, người dùng farm ra token rồi xả ngay. Từ đó nảy sinh ra DeFi 2.0 cùng với Olympus DAO và khái niệm Protocol Owned Liquidity, hay còn gọi là Thanh khoản do giao thức sở hữu.

Trường hợp của Olympus DAO hay các dự án bán bond để nhận về thanh khoản vĩnh viễn đã quá quen thuộc, hơn nữa cũng phần nào hơi “qua trend”, nên mình cũng chưa cần nhắc đến.

Vậy, chúng ta có các giải pháp sau:

  • CEX (loại).
  • Liquidity Mining (loại).
  • Bán bond (loại).

Nhưng thực tế, trong Protocol Owned Liquidity vẫn còn một dạng khác chưa phổ biến lắm, đó là thuê thanh khoản. Hiện tại mình chỉ thấy Ondo Finance là theo hướng này. Do đó, phần sau mình sẽ nói về Ondo Finance.

Vì sao Ondo Finance giải quyết được vấn đề thanh khoản?

Tìm hiểu cách hoạt động của Ondo Finance

Ondo Finance là một giao thức DeFi cho phép các nhà đầu tư crypto giao dịch giữa những rủi ro và lợi nhuận trong một pool thanh khoản một cách an toàn thông qua các Vault. Ondo mở rộng các hình thức để hỗ trợ các nhà đầu tư thiết lập một vị thế yield cố định mà vẫn đảm bảo giảm mức độ rủi ro.

Để biết dự án có giải quyết được vấn đề không, điều đầu tiên là phải hiểu cách dự án vận hành. Mình sẽ nói một cách đơn giản, Ondo Finance có thể hiểu là dự án kết nối hai dự án khác thông qua hai Pools để tạo cặp giao dịch:

  • Fixed tranches: Dự án 1 sẽ kiếm được Fixed Yield là 10%, chỉ tốn thanh kho.
  • Variable tranches: Dự án 2 sẽ nhận về thanh khoản, lợi nhuận (nếu có).

Cơ chế hoạt động của Ondo Finance khá đơn giản, sau khi hai dự án cung cấp thanh khoản bằng chính token của mình, Ondo sẽ đem cặp giao dịch này đưa lên các AMM như SushiSwap.

Nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn, anh em có thể tham khảo bài viết: Phân tích mô hình hoạt động Ondo Finance

Ondo Finance giải quyết vấn đề thanh khoản như thế nào?

Ondo Finance đã giải quyết được hai vấn đề:

  • (1): Bên có thanh khoản, nhưng không biết làm gì để sinh lời.
  • (2): Bên cần thanh khoản, nhưng không có tiền để tự tạo Pool.

Đọc hai dòng trên, anh em cũng biết ngay dự án mới là cái nào đúng không? Đó chính là (2). Vậy (1) là ai? Hiện tại, đó la hai dự án làm về Decentralized Stablecoin: Fei ProtocolFrax Finance.

Cả hai dự án trên có một đặc điểm chung là có lượng Stablecoin đủ lớn để cho các dự án mới vay để tạo cặp giao dịch. Do đó, họ chỉ cần gửi FEI và FRAX (Stablecoin của hai dự án) đến Ondo Finance, ghép với các bên, sau đó nhận về 10% lợi nhuận. Kiếm tiền thật dễ!

Nói về các dự án mới, nếu muốn tạo một Pool $1M, họ cũng không cần phải kiếm đủ $1M ($500,000 token + $500,000 USDC/USDT), mà chỉ cần số token trị giá $500,000 là được. $500,000 còn lại là của Fei và Frax. Dĩ nhiên các dự án mới này sẽ chịu Impermanent Loss (tổn thất tạm thời) sau khi hết thời hạn thuê thanh khoản. Nhưng ít ra nó vẫn dễ chịu hơn ăn “xả” từ Liquidity Mining.

Đưa ra giả thuyết về tương lai của dự án

Trường hợp thuận lợi

Ở trên, chúng ta đã phân tích về cách hoạt động và cách giải quyết vấn đề. Nhưng nếu đây là một giải pháp ngắn hạn thì anh em cũng có thể kiếm được lợi nhuận nhưng rủi ro sẽ rất cao. Nên mình phải tính xem tương lai dự án có đường phát triển hay không.

Trở lại với Ondo Finance, có hai thứ mà mình cũng như đa phần mọi người đều nghĩ về tương lai của Crypto, đó là:

  • (1): Decentralized Stablecoin sẽ phát triển mạnh, đỉnh cao là một trong số chúng được sử dụng như USDC hay USDT hiện tại.
  • (2): DEX sẽ là nơi giao dịch mặc định (hoặc sở hữu phần lớn các giao dịch trong Crypto) khi ai đó muốn mua token nào đó.

Ondo Finance đang đóng vai trò đẩy nhu cầu sử dụng các Decentralized Stablecoin lên, hiện tại chỉ có FEI và FRAX để dần tạo ra (1). Do đó, mình đánh giá dự án đang đi đúng trend, nếu thật sự (1) xảy ra.

Tiếp theo, ở viễn cảnh (2), khi DEX thay thế CEX trong tâm trí người dùng, thì Ondo Finance cũng chính là nơi mà các dự án cần phải tìm đến để tìm một nguồn thanh khoản lớn.

Và khi FEI, FRAX có được một lượng nhu cầu cực lớn nhờ Ondo Finance, các Stablecoin khác sẽ lần lược kéo đến, tạo ra một vòng lặp có lợi cho Ondo Finance và các dự án đối tác.

Trường hợp xấu

Trong phân tích cơ bản, anh em không thể bullish cho một trường hợp cực kì thuận lợi. Nếu tìm được kẻ hở của dự án, anh em sẽ hạn chế được việc đầu tư vào dự án tệ, cũng như đưa ra được lập luận tốt hơn cho tokenomics.

Mô hình của Ondo Finance có một điểm chưa tốt, đó là việc giá token dự án mới giảm quá nhiều, dẫn đến giá trị LP token giảm theo, thậm chí khi đổi ra USDC cũng không đủ trả 10% tiền lời cho bên Fixed tranches. Ở đây mình chưa thấy hướng giải quyết của dự án.

Tìm hiểu thêm: Tokenomics là gì?

Sáng tạo tokenomics cho dự án

Ở trên là cách mình đánh giá về Ondo Finance, hay ít nhất là mô hình này tương đối tốt để phát triển trong tương lai. Nhưng... Ondo Finance CHƯA CÓ TOKEN. Điều này ngoài việc thông báo rằng khả năng airdrop là có (hiện chưa có thông tin), thì còn làm được gì nữa?

Theo mình, để nâng cao kĩ năng Phân tích cơ bản, ngoài việc phân tích dự án đơn thuần thông qua những gì đã có, tại sao chúng ta không tự “vẽ” ra một dự án? Việc tự lên kế hoạch cho dự án sẽ giúp chúng ta “học ngược” lại mọi thứ, bên cạnh việc học xuôi như thông thường. Từ đó giúp anh em vững hơn trong quá trình phân tích.

Dĩ nhiên dự án có token rồi thì vẫn có thể “vẽ” được, nhưng lúc đó, chúng ta đã phần nào bị ảnh hưởng bởi những thứ dự án đã có sẵn, điều này một phần sẽ giới hạn sự sáng tạo của chúng ta.

Sau khi đã hoàn tất tokenomic trên lý thuyết, anh em có thể nhìn vào thực tế để xem thực sự dự án có phát triển như cách mình nghĩ hay không. Nếu có, thì chúc mừng anh em đã có tầm nhìn của một dự án thực thụ. Còn nếu không, thì anh em cũng sẽ so sáng được hướng đi thực tế và lý thuyết của mình, từ đó cũng dễ dàng có được quyết định nên đầu tư hay không một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, nếu anh em đã thiết kế được một kế hoạch hoàn hảo cho dự án, cũng có thể gửi lên cho họ xem xét, biết đâu sẽ nhận được Retroactive, hoặc một vị trí nào đó trong dự án. Nghe cũng ổn áp phết.

Phần dưới sẽ là việc mình giả lập Founder của Ondo Finance, thử tạo ra một hướng phát triển cho dự án.

"Vẽ" Tokenomics của Ondo Finance theo góc nhìn cá nhân

Tích lũy phí

Đầu tiên, chúng ta xem lại cách hoạt động của Ondo Finance. Cơ bản là “môi giới” hai dự án, nên việc đầu tiên mình nghĩ đến là có thể thu phí.

Tương tự sàn CEX, không cần biết anh em là bên mua hay bán, hễ đặt lệnh là thu tiền, thì Ondo Finance cứ thu về một khoản phí cho mỗi Pool được tạo ra. Cụ thể, sau bước bán tất cả ra USDC, Ondo Finance sẽ lấy về một phần phí nhỏ, trước khi trả lại cho hai dự án.

Thế phí này dùng như thế nào? Có các cách sau:

  • (1): Trả về cho ai Stake token của Ondo Finance.
  • (2): Buyback & Burn.
  • (3): Đưa vào Treasury, dùng vào việc khác.

Cách (1) theo mình rất tốt, bởi vì đó lài lợi ích trước mắt mà ai mua token đều dễ dàng thấy.

Cách (2) thì không, bởi vì mình đã xem rất nhiều mô hình Buyback & Burn, cách làm này theo lý thuyết sẽ đẩy giá lên, nhưng thực tế thì nó vẫn không ảnh hưởng nhiều đến giá token.

Với cách (3), dự án có thể dùng tiền này để đi farm như Fei Protocol, tăng lợi nhuận thay vì để tiền đứng yên.

Do đó, mình vẫn ủng hộ sự kết hợp giữa (1) và (3), đó là chi một phần doanh thu cho ai Stake token, phần còn lại đưa vào Treasury dự án.

Vậy có thể áp dụng được model đang “thời thượng” veCRV vào không? Theo mình là không, vì cơ chế veCRV chỉ thích hợp cho dự án nào muốn trả thường cho Pool được vote nhiều nhất, trong khi Ondo Finance chỉ cần càng nhiều đối tác càng tốt.

Tạo thêm sản phẩm khác

Sau khi đã tạo ra Use Case cho token, nếu muốn thêm Buy Demand, Ondo Finance có thể tạo thêm những sản phẩm khác. Vậy đó có thể là gì?

Theo mình, AMM là một bổ sung khá hợp lý. Việc này xuất phát từ một vấn đề đơn giản: tại sao Ondo Finance lại phải đi tạo cặp giao dịch cho SushiSwap, Uniswap,... để tặng lợi nhuận cho họ? Trong khi họ có thể tự list những cặp này, ngoài việc thu phí tích lũy cho token, dự án còn nhận về phí giao dịch.

Vậy việc này có giảm tính Permissionless, làm cho họ không thể cạnh tranh với Uniswap? Không, các dự án vẫn tự mình list cặp nào cũng được, nhưng để nhận được thanh khoản từ Fei và Frax, họ phải thông qua Ondo Finance.

Tiếp theo, Ondo Finance khi đã mở rộng, họ có thể tạo luôn cả một Decentralized Stablecoin riêng để không còn phụ thuộc vào Fei và Frax. Tuy nhiên, bước đi này cực kì mạo hiểm, vì có vô số mô hình Decentralized Stablecoin, và đa phần đều "về đất mẹ". Do đó, mình chỉ dừng lại ở đây và không bàn sâu hơn về bước này.

Các đối tác cần chú ý là ai?

Với mô hình trên, Ondo Finance cần giữ mối quan hệ chặt chẽ với những dự án Decentralized Stablecoin, hiện tại là Fei và Frax. Bởi vì đây là hai nguồn thanh khoản cần để kéo/ giữ các dự án khác. Do đó, Ondo Finance có thể thực hiện các chiến dịch Marketing để tăng cường sự hợp tác này.

Giải quyết vấn đề LP giảm giá

Như mình đã nói, LP giảm giá cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Ondo Finance có thể đưa ra các tiêu chí sàng lọc dự án, để cho ra những Pools chất lượng, nhằm giảm khả năng dump token. Một cách khác là đưa ra một Treasury dự phòng, trong đó sẽ là một lượng dư token so với số token dự án bỏ vào Pool, để bán ra bù vào giá trị LP token bị mất để đủ 10%.

Dự phóng kết quả

Sau khi đã đưa ra giả thuyết về cách phát triển, anh em hãy dự phóng kết quả mà nó mang lại.

Đầu tiên, các dự án sẽ dần tìm đến Ondo Finance để thuê thanh khoản. Càng nhiều dự án mới, thì phí tích lũy cho token thông qua Staking, hay đưa vào Treasury đi farm để tăng lợi nhuận. Sau đó, các Decentralized Stablecoin cũng vì thế mà tăng thêm vốn hóa do in ngày càng nhiều, từ đó dẫn đến Stablecoin cũng lớn mạnh. Mà Stablecoin càng nhiều thì thanh khoản càng lớn, kéo theo nhiều dự án hơn.

Vòng lặp trên sẽ tạo ra nhiều Pool, cũng như transaction cho AMM của chính Ondo Finance. Điều này cũng giúp AMM ngoài việc thu về phí, còn có cả danh tiếng. Dĩ nhiên không thể nào bằng được Uniswap hay SushiSwap, nhưng các yếu tố này đều đến theo cách organic, nên sẽ bền hơn việc tạo tiếng vang thông qua Airdrop hay Liquidity Mining.

Tổng kết

Trên đây là nhận định của mình về Ondo Finance, cũng như áp dụng một cách phân tích cơ bản: nếu … thì …, cùng với kết hợp dự đoán tương lai đến từ nhiều nguồn. Song song là một số hướng tạo ra tokenomic theo suy nghĩ của mình.

Anh em có thể tạo ra một mô hình Ondo Finance theo cách của riêng mình, đưa ra các ưu nhược điểm. Điều này sẽ giúp anh em nắm chắc hơn các kiến thức, thay vì chỉ đọc “cưỡi ngựa xem hoa”.

Những gì mình viết ở trên chỉ là một phần nhỏ của dự án. Nên nếu vô tình những thứ ở trên đều khớp với thực tế, nhưng dự án không đi theo kết quả đề ra, thì có thể do nhiều yếu tố khác tác động như Marketing, mối quan hệ, cách làm cộng đồng, tình hình thị trường chung,...

Anh em nghĩ sao về Ondo Finance, cũng như cách anh em muốn thiết kế token là gì?

RELEVANT SERIES