SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Top sự kiện Crypto tháng 6/2022 đáng mong chờ nhất

JPMorgan Chase & Co áp dụng blockchain vào thanh toán tài sản thế chấp, Ngân hàng Trung ương Nga chấp nhận Bitcoin, stETH và USDD mất peg, Quỹ Three Arrows Capital (3AC) đối mặt với nguy cơ phá sản, Các thợ đào bán tháo Bitcoin, FED tăng lãi suất lên 0.75%… là những thông tin đáng chú ý trong tháng 6/2022.
Avatar
Thanh Uyen
Published Jun 01 2022
Updated Oct 19 2022
36 min read
thumbnail

Bài viết sẽ được cập nhật thường xuyên, hãy lưu bookmark để dễ dàng theo dõi thị trường nhé!

Top sự kiện nổi bật trong từng hệ sinh thái tháng 6/2022

Hệ sinh thái Near Protocol 

Aurigami hỗ trợ USN 

Aurigami là giao thức cung cấp thanh khoản non - custodial phi tập trung, cho phép người dùng vay mượn và kiếm lợi nhuận từ tài sản crypto mà mình sở hữu. Mới đây, Aurigami đã cho phép người dùng vay hoặc cho vay USN - stablecoin của hệ sinh thái Near và nhận lãi suất lên đến 18% APY. 

Bên cạnh Aurigami, Ref Finance cũng cho phép người dùng farm USN trong USN/USDT pool và nhận tổng phần thưởng hàng tháng là 500,000 USN. 

NearPay khởi chạy ứng dụng

NearPay là cầu nối tài chính truyền thống với tài chính công nghệ, được xây dựng trên hệ sinh thái Near Protocol. NearPay cho phép người dùng chuyển tiền pháp định sang tiền điện tử như BTC, USDT, NEAR, AVAX… trước khi giao dịch, thanh toán và theo dõi giới hạn chi tiêu trên ứng dụng NearPay. Ngoài ra, NearPay cũng cho phép các nhà phát triển, doanh nghiệp tích hợp NearPay vào ứng dụng hay dự án của mình. 

Hiện NearPay đã được bảo mật với công nghệ Verified by Visa và sẽ sớm hỗ trợ giao thức bảo mật 3DSecure. NearPay đã có mặt ở hơn 130 quốc gia và hỗ trợ 29 loại tiền tệ, trong đó có Việt Nam đồng. 

Tháng 6 này, NearPay sẽ ra mắt ví điện tử phiên bản web, ứng dụng NearPay trên iOS và Android, thẻ ghi nợ ảo và thẻ ghi nợ vật lý. Châu Âu sẽ là khu vực được sử dụng NearPay đầu tiên, theo sau là Mỹ và châu Á. 

near june
NearPay ra mắt các sản phẩm của mình trong tháng 6/2022. Nguồn: NearPay

Hệ sinh thái Terra 

LUNA mới giảm sâu sau khi ra mắt

Sự cố UST mất peg khiến LUNA giảm và kéo cả thị trường sập đã khiến đội ngũ Terra ra quyết định hard fork blockchain Terra (bao gồm LUNA và UST) thành Terra 2.0 (chỉ bao gồm LUNA). Sau khi hard fork thành công, LUNA cũ của Terra sẽ trở thành LUNA Classic (LUNC) và LUNA mới của Terra 2.0 sẽ trở thành LUNA. Những nhà đầu tư Terra bị thiệt hại sẽ được airdrop token LUNA mới này tùy theo số lượng và thời điểm nắm giữ của mình.

LUNA mới được giao dịch trên nhiều sàn khác nhau như MEXC, Kraken, BigOne, LBank, Bitrue, Huobi, Bitfinex, FTX, OKX, ByBit, Gate, Kucoin, Binance… và được lưu trữ trên các ví Terra Station, Coin98 Wallet, Leap Wallet, Atomic Wallet, XDEFI...

Tuy nhiên, sau khi ra mắt giá của LUNA mới cũng đã tụt dốc không phanh vì Terra vẫn chưa gây dựng được lòng tin từ các nhà đầu tư. Việc hard fork thành blockchain mới của Terra cũng tạo ra nhiều lỗ hổng bảo mật khiến Mirror Protocol, dự án xây dựng trên Terra bị tấn công lần 2, thiệt hại hơn 2 triệu USD (trước đó vào tháng 10/2021, Mirror Protocol cũng bị tấn công và thiệt hại 90 triệu USD). Các nhà đầu tư có vẻ vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực để bắt đầu đầu tư vào Terra. 

Hệ sinh thái TRON

TRON leo lên vị trí blockchain DeFi lớn thứ ba 

Sau khi ra mắt stablecoin thuật toán USDD với lãi suất lên đến 30%/ năm, hoạt động trên TRON đã tăng đột biến. Tổng giá trị tài sản bị khóa (TVL) của 9 ứng dụng trên TRON đạt mức 4.05 tỷ USD, giúp TRON đứng vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng TVL chỉ sau Ethereum và BSC. 

Hiện TRON đang cho phép người dùng cho vay USDD trên JustLend và nhận lợi nhuận 10.7%, hay thêm thanh khoản cho cặp giao dịch USDD-TRX để nhận lợi nhuận lên đến 64% trên SunSwap. Điều này khiến các nhà đầu tư hứng thú và giúp TRON thu hút dòng tiền dù USDD từng bị xem là bản sao của UST, stablecoin thuật toán đã thất bại của Terra. 

Mới đây, quỹ dự phòng tập trung của TRON là TRON DAO Reserve cũng tiếp tục mua thêm 100 triệu USD hai đồng coin là BTC và TRX. Việc sử dụng những đồng không ổn định làm tài sản dự trữ khiến TRON đối mặt với rủi ro cùng chung số phận với Terra. 

bảng xếp hạng tvl
Bảng xếp hạng TVL của các hệ sinh thái. Nguồn: DefiLlama

USDD mất peg, TRON DAO Reserve rút 5.5 tỷ TRX từ Binance 

Vào ngày 13/6, trong tình hình thị trường diễn biến xấu, giá TRX đã giảm 16% và chạm mức thấp nhất hai tháng qua ở 0.61 USD. Điều này khiến TRX trở thành mục tiêu short (bán khống) của nhiều nhà đầu tư, làm stablecoin thuật tuán USDD mất peg, rơi xuống 0.98 USD. 

Để giải quyết vấn đề này, tổng cộng 1.5 tỷ USDC đã được gửi đến TRON DAO Reserve, giúp tăng tỉ lệ thế chấp của USDD lên 300%. TRON DAO Reserve cũng tăng nguồn cung của USDC trên TRON lên 950 triệu USDC, đưa tổng cung USDC trên TRON lên 2.8 tỷ USD. 

TRON DAO Reserve cũng thực hiện chuyển 220 triệu USDC lên Binance để mua TRX. Ngoài ra, TRON Reserve cũng thông báo rút 2.5 tỷ TRX ra khỏi Binance ngày 15/6 nhằm giảm nguồn cung TRX luân chuyển trên sàn giao dịch, từ đó khiến những người short phải trả một khoản phí cao hơn và giúp giá TRX tăng trở lại. 

Vào ngày 16/6, TRON DAO Reserve tiếp tục thông báo sẽ rút 3 tỷ TRX từ các sàn giao dịch CeFi và nền tảng cho vay DeFi. Có thể thấy, đội ngũ TRON đang có nhiều động thái tích cực nhằm bảo vệ USDD ở mức peg 1 USD và giúp TRX tăng giá. Dù vậy, đỉnh điểm vào ngày 19/6, giá trị của USDD giảm xuống chỉ còn 0.93 USD. Ở thời điểm viết bài vào ngày 22/6, giá trị của USDD đang ở mức 0.97 USD.

Tỉ lệ thế chấp của USDD đang là 320% khi TRON DAO Reserve sở hữu:

  • 1,080,000,000 USDC 
  • 10,874,566,176 TRX
  • 14,040.6 BTC
  • 140,013,886 USDT

Hiện TRX liên tục xảy ra hiện tượng short squeeze nhằm thanh lý các vị thế short. TRON DAO Reserve vẫn đang có thanh khoản cao, các nhà đầu tư nên cẩn thận nếu muốn long short tại thời điểm này. 

Hệ sinh thái Optimism

Optimism airdrop “nghìn đô" cho người dùng 

Optimism là giải pháp mở rộng Layer 2 trên Ethereum nhằm giảm tải phí gas, tăng tốc độ hoàn thiện giao dịch, từ đó đem lại trải nghiệm mượt mà hơn cho người dùng mà vẫn giữ được bảo mật từ chain gốc Ethereum. 

Sau khi gọi vốn 25 triệu USD ở Series A và 150 triệu USD ở Series B, nâng mức định giá lên 1.65 tỷ USD, Optimism đã chính thức thông báo ra mắt token OP và airdrop cho người dùng sớm vào ngày 1/6. Đáng chú ý, số tiền mà người dùng nhận được từ Optimism airdrop lên đến hàng ngàn USD.

Bên cạnh Optimism, còn rất nhiều dự án Layer 2 chưa ra mắt token và có khả năng airdrop cho người dùng như Arbitrum, zkSync, StarkWare… Để không bỏ lỡ những cơ hội như thế này, mọi người có thể tìm hiểu thêm tại đây.

Optimism bị hacker đánh cắp 20 triệu OP

Vào ngày 9/6, sau khi thực hiện airdrop cho người dùng, Optimism tiếp tục phân bổ token cho các đối tác trong hệ sinh thái Ethereum của mình. Một trong số những đối tác này là Wintermute, một AMM trong DeFi. 

Tuy nhiên, khi Optimism thực hiện gửi 20 triệu token OP tương đương 35 triệu USD vào một địa chỉ ví Ethereum multisig của Wintermute, số token OP này đã bị kẹt và không thể di chuyển được. Điều này xảy ra do token OP mới chỉ được hỗ trợ trên Optimism chứ chưa được hỗ trợ trên các blockchain khác. 

Một hacker đã phát hiện ra vấn đề này và nhanh tay chiếm quyền kiểm soát 20 triệu OP trước khi bán 1 triệu OP tương đương 750,000 USD lấy ETH và gửi 1 triệu OP vào ví Vitalik Buterin, nhà sáng lập Ethereum. 

Tuy nhiên, vào ngày 10/6, hacker đã gửi trả 17 triệu token OP cho Optimism và giữ lại 1 triệu OP trong ví của mình. Vẫn chưa rõ động thái của hacker là gì, một vài lý do khả dĩ là OP không có tính thanh khoản cao nên hacker không thể bán nhiều token, hacker là tay trong của Optimism hoặc Wintermute, hay chỉ đơn giản là hacker giữ lại những gì mình cần và trả số còn lại cho dự án.

Tìm hiểu chi tiết:  Optimism airdrop & sự cố WinterMute

Hệ sinh thái Ethereum

stETH mất peg 

stETH hay “staked Ethereum”, là token người dùng nhận được khi stake ETH trên nền tảng Lido Finance với mức lãi suất 4%. Người dùng có thể đổi stETH sang ETH trên Lido Finance sau khi Ethereum 2.0 - Beacon Chain ra mắt với tỉ lệ 1 stETH bằng 1 ETH. 

Ngoài ra, người dùng cũng có thể đổi ngay stETH sang ETH trên Curve Finance mà không cần đợi Ethereum 2.0 ra mắt. Điều này giúp gia tăng tính thanh khoản của stETH. 

Tuy nhiên, vào ngày 07/06, có 2 địa chỉ ví thực hiện rút tổng cộng 77,000 stETH ra khỏi pool stETH/ETH trên Curve Finance. Điều này khiến lượng cung stETH trên thị trường lớn hơn lượng ETH, dẫn đến stETH bị depeg từ mốc 1 xuống 0.97. 

Ngay sau đó, lo sợ về tính thanh khoản, quỹ Alameda Research đã thực hiện swap 38,145 stETH thành 37,212 ETH, chấp nhận lỗ 933 ETH. Vào ngày 14/06, 3AC được cho là cũng thực hiện swap khoảng 30,000 stETH sang ETH, khiến mức peg của stETH giảm xuống dưới 0.934 (theo PeckShieldAlert).

Celsius cũng sở hữu 450,000 stETH tương đương 1.4 tỷ USD. Vào ngày 04/06, công ty đã sử dụng 445,000 stETH làm tài sản thế chấp, thực hiện vay nợ 1.18 tỷ USD trên Aave, Compound, Maker. 

Ngoài Alameda Research và 3AC, 6 quỹ khác đang nắm giữ lượng lớn stETH là: A16z, Coinbase, Paradigm, DCG (công ty mẹ của Grayscale), Jump và Celsius. Nếu tất cả các quỹ đồng thực hiện swap stETH sang ETH thì sẽ khiến stETH mất peg nghiêm trọng hơn nữa, khiến giá ETH giảm và gây ảnh hưởng đến toàn thị trường. 

Tìm hiểu thêm: stETH mất peg, Alameda Research, Celsius và hiệu ứng domino

Các sự kiện lớn trong crypto tháng 6/2022

A16z công bố quỹ Crypto Fund 4 trị giá 4.5 tỷ USD 

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, quỹ đầu tư mạo hiểm a16z đã công bố quỹ đầu tư trị giá 4.5 tỷ USD các dự án blockchain và crypto. Dự kiến 1.5 tỷ USD sẽ được đầu tư vào các dự án Web3 vòng hạt giống, trong khi 3 tỷ USD còn lại được đầu tư cho các vòng đầu tư mạo hiểm. 

Trong báo cáo State of Crypto 2022 được a16z phát hành vào ngày 17/5, quỹ đầu tư này cũng tỏ ra lạc quan về tương lai của Web3 và crypto, nói rằng Web3 nhỏ nhưng có võ, đồng thời so sánh tình hình thị trường hiện tại với sự sụp đổ của bong bóng dot com những năm đầu 2000. 

Trước đó, quỹ đầu tư A16z đã nhiều lần công bố các quỹ đầu tư của mình lần lượt với Crypto Fund 1 trị giá 300 triệu USD, Crypto Fund 2 trị giá 515 triệu USD, Crypto Fund 3 trị giá 2.2 tỷ USD.

web3 a16z
Báo cáo “State of Crypto" của A16z về Web3. Nguồn: A16zcrypto  

Binance hợp tác cùng chính phủ Kazakhstan 

Kazakhstan hiện là quốc gia khai thác tiền điện tử lớn thứ hai thế giới. Trong nỗ lực dấn thân sâu hơn vào crypto, Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Đổi mới và Công nghiệp Hàng không của Cộng hòa Kazakhsta đã ký Biên bản ghi nhớ cùng CEO Binance, ông Changpeng Zhao (CZ) vào ngày 25/04. 

Sự hợp tác sẽ giúp Kazakhstan và Binance tích hợp cơ sở hạ tầng ngân hàng vào thị trường crypto và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, triển khai công nghệ sổ cái phân tán. Ngoài ra, Binance cũng sẽ hỗ trợ tư vấn Kazakhstan phát triển khuôn khổ lập pháp và chính sách quản lý tiền điện tử trong quốc gia của mình.

Trong những tháng gần đây, Binance cũng đăng ký hoạt động thành công tại nhiều quốc gia như Pháp, Bahrain, Dubai, Abu Dhabi và gần đây nhất là Ý.

ceo binance
CEO Binance, ông CZ (trái) và Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev (phải)

Binance thành lập quỹ đầu tư 500 triệu USD cho Web3

Vào ngày 1/6, bộ phận đầu tư của Binance là Binance Labs đã thông báo huy động thành công 500 triệu USD từ công ty đầu tư DST Global, Breyer Capital và một số văn phòng gia đình, tập đoàn giấu tên. Số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ, dẫn dắt các nhà phát triển đưa Web3 vào DeFi, NFT, Gaming, Metaverse, Social và hơn thế nữa. 

Động thái này được diễn ra ngay sau khi a16z ra mắt quỹ đầu tư 4.5 tỷ USD dành cho Web3 và crypto. Đây cũng là lần đầu tiên Binance huy động tiền từ các nhà đầu tư bên ngoài. 

Kể từ khi thành lập vào tháng 11/2018, Binance Labs đã đầu tư và ươm mầm thành công hơn 100 dự án nổi bật bao gồm 1inch, Axie Infinity, Elrond, Polygon, Optimism, The Sandbox, Stepn… 

quỹ 500 triệu usd
Quỹ đầu tư 500 triệu USD dành cho Web3 của Binance. Nguồn: Binance

Binance bị Mỹ điều tra về Binance Coin (BNB)

BNB hiện là token lớn thứ năm trên thế giới, sau BTC, ETH, USDT và USDC. Tuy nhiên, hiện Binance đang bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) điều tra liệu công ty có phạm tội bán chứng khoán khi chưa đăng ký trong đợt mở bán ICO BNB vào năm 2017 hay không. 

Cụ thể, theo Bloomberg, có đến 85% số tiền huy động từ ICO BNB được sử dụng để phát triển Binance với số người tham gia không hạn chế. Kết quả của cuộc điều tra này có thể kéo dài đến vài tháng trước khi được công bố. 

Trước đó, Binance cũng phải đối mặt với rất nhiều rắc rối như cuộc điều tra rửa tiền trị giá 2.35 tỷ USD của Cơ quan kiểm tra về Rửa tiền và Thuế của Mỹ hay cuộc điều tra về Giao dịch Nội gián của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ. 

Dù vậy, với vị trí sàn giao dịch tập trung lớn nhất thế giới, Binance đều vượt qua những trở ngại này và vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cuộc điều tra từ SEC lần này được dự báo chỉ ảnh hưởng đến Binance trong thời gian ngắn hạn. 

CEO Binance - ông Changpeng Zhao (CZ) tới thăm Việt Nam 

Vào ngày 4/6, tỷ phú CZ, đồng thời là CEO của Binance đã có chuyến thăm tới Hà Nội, Việt Nam. Trong chuyến thăm này, CZ đã tham dự sự kiện Việt Nam NFT Summit 2022 và gặp gỡ cộng đồng blockchain. Ông cho biết, việc áp dụng blockchain, công nghệ mới cho kinh tế số sẽ tác động sâu sắc đến tương lai của nền kinh tế địa phương và thế giới nói chung. 

Trong buổi làm việc với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến, CZ cũng chia sẻ: 

Binance sẽ luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặt người dùng lên hàng đầu để mọi người tin tưởng Binance là một trong những nền tảng an toàn và đáng tin cậy nhất thế giới. Binance mong muốn được chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho việc mở rộng hoạt động của công ty mình.

Trước đó, CZ đã đến thăm hơn 12 nước trên thế giới bao gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha… Với việc đi vòng quanh thế giới và nói chuyện với các chính trị gia hàng đầu, CZ đã và đang gia tăng sức ảnh hưởng của Binance, đồng thời đưa blockchain đến với nhiều người hơn. 

Tìm hiểu thêm: Ý nghĩa các chuyến đi của CZ

cz gov
CZ trong buổi làm việc với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến. Nguồn: CZ Twitter

Ví lạnh Binance tăng hơn 100,000 Bitcoin 

Vào ngày 18/06, địa chỉ ví lạnh của Binance đã tăng thêm 101,266 Bitcoin, tương đương 1.94 tỷ USD. Điều này thể hiện lượng Bitcoin mà người dùng gửi vào sàn Binance đang tăng lên, giúp thanh khoản của sàn Binance tăng đáng kể. 

Hành động này được thực hiện sau khi giá Bitcoin giảm xuống dưới 19,783 USD, mức đỉnh cao nhất của chu kỳ cũ vào năm 2017, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Ethereum cũng giảm mạnh từ ATH 4,812 USD xuống dưới 1,000 USD.

Trong bối cảnh giá Bitcoin liên tục giảm, các công ty crypto như Coinbase, BlockFi, Gemini, Robinhood đã sa thải đến 20% nhân viên của mình. Tuy nhiên, trái ngược với những công ty này, Binance thể hiện tinh thần lạc quan về tương lai khi thông báo tuyển dụng 2,000 nhân viên mới. Theo CZ, CEO của Binance, Bitcoin là tài sản có giá trị tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn. 

Tether ra mắt stablecoin USDT trên Polygon 

Tether (USDT) là stablecoin được phát hành bởi công ty Tether Limited có trụ sở chính tại Hồng Kông và kiểm soát bởi chủ sở hữu Bitfinex. Nhiều blockchain lớn đã được tích hợp USDT như Ethereum, Solana, Avalanche, Algorand, Tron, Omni, EOS, Liquid Network, Kusama và Giao thức sổ cái tiêu chuẩn của Bitcoin Cash. 

Nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của mình trên thị trường tiền điện tử, mới đây Tether đã công bố ra mắt USDT trên Polygon. Hành động này sẽ cho phép người dùng sử dụng USDT trên hệ sinh thái Polygon với hơn 19,000 ứng dụng. Sắp tới, Tether dự kiến sẽ ra mắt USDT trên nhiều blockchain ít phổ biến hơn.  

Ngoài ra, Tether cũng thông báo phát hành stablecoin GBPT hỗ trợ bởi bảng Anh vào tháng 7/2022, hoạt động trên nền tảng blockchain Ethereum. Tổng cộng Tether đang điều hành 5 loại stablecoin: USDT, EURT, GBPT, CNHT và MXNT. 

JPMorgan Chase & Co áp dụng blockchain vào thanh toán tài sản thế chấp 

Theo bước ông trùm tài chính Goldman Sachs, tập đoàn JPMorgan Chase & Co với tổng tài sản 3,954 tỷ USD mới đây đã thông báo sẽ sử dụng blockchain trong thanh toán tài sản thế chấp của mình. Đây được xem là một trong những thử nghiệm công nghệ mới nhất của Phố Wall trong giao dịch tài sản tài chính truyền thống. 

Theo JPMorgan, nỗ lực này sẽ cho phép các nhà đầu tư thế chấp nhiều loại tài sản hơn trong các giao dịch phái sinh, mua lại và cho vay chứng khoán, đồng thời sử dụng những tài sản này ngoài giờ hoạt động của thị trường. Trong thời gian tới, tập đoàn này sẽ mở rộng các trường hợp được sử dụng blockchain làm tài sản thế chấp sang cổ phiếu, thu nhập cố định và các loại tài sản khác.

jpmorgan
Tập đoàn JPMorgan Chase & Co với trụ sở tại New York. Nguồn: Reuters

Trong những năm qua, nhiều quan chức ở Phố Wall đã áp dụng blockchain vào hoạt động kinh doanh của mình như thanh toán liên ngân hàng, cho vay thế chấp và giao dịch xuyên biên giới.

Vào 2021, hai tổ chức Vanguard và State Street Corp cũng đã cho phép giao dịch các hợp đồng kỳ hạn ngoại hối sử dụng công nghệ blockchain nhằm giảm rủi ro đối tác. Tháng 4/2022, hai tập đoàn quản lý tài sản Goldman Sachs và BlackRock cũng đã bắt đầu nghiên cứu về việc mã hóa toàn bộ tài sản truyền thống. 

FTX sẵn sàng chi hàng tỷ USD để phục vụ người dùng 

Tỷ phú Sam Bankman-Fried, đồng sáng lập sàn giao dịch FTX cho biết các vòng gọi vốn với  tổng trị giá hơn 2 tỷ USD gần đây của FTX có thể được sử dụng để mua lại cổ phần của công ty khác nhằm phát triển bộ sản phẩm cung cấp cho khách hàng.

Trước đó, vào tháng 4, FTX đã mua lượng lớn cổ phần IEX Group, chủ sở hữu của nền tảng giao dịch chứng khoán nổi tiếng “Flash Boys” và 7.6% cổ phần Robinhood Markets. Ngoài ra, chi nhánh Mỹ của sàn là FTX.US cũng mua lại LedgerX, sàn giao dịch tương lai do Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ quản lý.

FTX vượt Coinbase, trở thành sàn CEX lớn thứ hai thế giới

Chỉ trong vòng 3 năm, FTX đã vượt mặt Coinbase, sàn giao dịch với tuổi đời 10 năm, để trở thành sàn CEX lớn thứ hai thế giới, sau Binance. Cụ thể, FTX chiếm 10.8% thị phần, Coinbase chiếm 9.6% thị phần và đứng đầu là Binance với 64.1% thị phần. 

Điều này xảy ra do thời gian gần đây, Coinbase đã phải đối mặt với vô số rắc rối. Bắt đầu là khoản lỗ 430 triệu USD trong quý 1/2022, khiến cổ phiếu COIN giảm hơn 72% từ 258 USD xuống còn 71 USD, đến việc nền tảng gặp vấn đề và việc gửi tiền bị trì hoãn đến vài ngày, hay giao diện người dùng của thị trường NFT Coinbase không được ủng hộ. 

Trong khi đó, FTX liên tục mở rộng phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng của mình với việc thành lập chi nhánh tại Mỹ (FTX US), tại châu Âu (FTX Europe), tại Úc (FTX Australia), tại Nhật Bản (FTX Japan), cho phép người dùng tại Mỹ giao dịch cổ phiếu, thực hiện chiến dịch marketing tại Miami Heat…

Ngân hàng Trung ương Nga chấp nhận Bitcoin 

Nga là quốc gia có lượng người dùng Swift lớn thứ hai thế giới sau Mỹ với khoảng 300 tổ chức tài chính. Cuộc chiến của Nga với Ukraine đã khiến một số ngân hàng của Nga bị ngắt kết nối với hệ thống Swift và ảnh hưởng lớn đến khả năng giao thương của Nga với thế giới vì các lệnh trừng phạt chống lại Nga của Mỹ và Liên minh châu Âu.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 31/5, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẵn sàng chấp nhận Bitcoin và Crypto trong thanh toán quốc tế. Cụ thể là trong giao dịch dầu mỏ, khí đốt, kim loại và những loại hàng hóa khác. Ngoài ra, Nga cũng đang phát triển hệ thống thanh toán blockchain để thay thế hệ thống SWIFT. Dù vậy, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga cũng nhắc lại rằng ngân hàng vẫn xem việc sử dụng tiền điện tử rộng rãi ở Nga là một mối đe dọa tài chính. 

Các quan chức Nga vẫn đang vật lộn với việc điều tiết thị trường tiền điện tử khi trước đó, vào tháng 1/2022, Ngân hàng Trung ương Nga đã đề xuất cấm sử dụng crypto trước khi đồng ý xem crypto như một loại tiền tệ vào tháng 2/2022. 

ngân hàng trung ương nga
Ngân hàng Trung ương Nga với trụ sở chính tại Moscow. Nguồn: Reuters

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ đưa Web3 vào y học 

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ, đoàn công tác Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Genetica và Oasis Labs. 

Cụ thể, Genetica là công ty giải mã gene tiên phong trong ứng dụng công nghệ blockchain vào bảo mật dữ liệu, được sáng lập bởi các nhà khoa học và quản trị gốc Việt. Oasis Labs là mạng lưới blockchain chuyên quản lý dữ liệu phi tập trung và điện toán bảo mật.

Sự hợp tác giúp Genetica sử dụng mạng lưới blockchain của Oasis Labs để bảo mật 100,000 dữ liệu gene của mình, giúp khách hàng kiểm soát và bảo mật dữ liệu gene dưới dạng GeneNFT. 

Thỏa thuận này mở ra kỷ nguyên mới cho nền y học thế giới, giúp cá nhân hóa và tối ưu phương thức điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, điều này cũng giúp đưa blockchain và Web3 đến gần với sự chấp nhận toàn cầu hơn khi các chính phủ bắt đầu chấp nhận crypto.

đại diện genetica
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (thứ 2 từ trái sai) cùng đại diện Genetica và Oasis Labs - Nguồn: Genetica

Quỹ Three Arrows Capital (3AC) đối mặt với nguy cơ phá sản

Three Arrows Capital (3AC) là một quỹ đầu tư dạng hedge fund, được thành lập vào năm 2012 bởi Su Zhu và Kyle Davies, tập trung vào việc tìm kiếm các khoản lợi nhuận cao với ít rủi ro.Ở thời kỳ đỉnh cao, 3AC đã quản lý hơn 18 tỷ USD, đồng thời đầu tư thành công vào nhiều dự án như Ethereum (ETH), Near Protocol (NEAR) và Avalanche (AVAX). 

Sự kiện UST và LUNA sụp đổ đã gây ảnh hưởng đến không ít nhà đầu tư, trong đó có 3AC. Trước đó, một số nguồn tin cho biết quỹ đầu tư mạo hiểm này đã dùng 559.6 triệu USD tiền của nhà đầu tư để đầu tư vào LUNA trước khi gửi vào Anchor Protocol để nhận lãi suất 20%/năm. Hiện khoản đầu tư LUNA gần 600 triệu USD của 3AC ước tính chỉ còn khoảng 670 USD. 

Một số dự án mà 3AC đầu tư bao gồm ETH, SOL và LUNA cũng giảm lần lượt 77%, 90% và 99.7% từ giá ATH, theo CoinGecko.  

Quỹ đầu tư mạo hiểm 3AC cũng mở lệnh long trên nhiều sàn giao dịch. Việc thị trường liên tục giảm khiến quỹ này liên tục bị gọi ký quỹ. Tuy nhiên, quỹ 3AC đã phản hồi bằng cách im lặng, khiến các sàn giao dịch không còn cách nào khác là thanh lý vị thế của 3AC. Cuối cùng, quỹ 3AC bị thanh lý nhiều vị thế trên sàn FTX, Deribit, BitMEX, BlockFi... Theo nhiều nguồn tin, số tiền 3AC bị thanh lý lên đến hơn 400 triệu USD. 

Ngoài ra, quỹ 3AC cũng vay 15,250 BTC và 350 triệu USDC từ Voyager Digital, công ty cung cấp dịch vụ môi giới tiền điện tử với hạn trả là ngày 27/6. Dữ liệu on-chain cho thấy 3AC đang bán những tài sản điện tử mình sở hữu để trả nợ, bao gồm cả những tài sản có giá trị chỉ khoảng gần 200 USD. Hiện quỹ 3AC đang cân nhắc bán tài sản hoặc bán lại 3AC cho một công ty khác. Những token 3AC sở hữu đang bị lock cũng có khả năng bị bán khi unlock để trả nợ. 

Trong năm 2022, 3AC đã dẫn đầu vòng gọi vốn Series B trị giá 150 triệu USD của Layer 1 Near Protocol, tham gia vòng đầu tư Series A trị giá 9 triệu USD của Bastion, đồng dẫn đầu vòng gọi vốn trị giá 20 triệu USD của game Civitas và đầu tư chiến lược một số tiền không tiết lộ trong vòng gọi vốn 200 triệu USD của Layer 1 Aptos. 

Tìm hiểu thêm: Three Arrows Capital (3AC) sụp đổ: Bong bóng vay nợ phát nổ và cái giá phải trả

Celsius tạm ngưng hoạt động của người dùng

Celsius là nền tảng cho vay cá nhân (person-to-person) phi tập trung được thành lập vào tháng 07/2017, từng nắm giữ 11.8 tỷ USD với hơn 1.7 triệu người dùng. Nền tảng hoạt động tương tự ngân hàng, cho phép người dùng gửi tiền điện tử và nhận lãi suất hàng năm lên đến 18.6%, trước khi cho người dùng khác vay những khoản tiền gửi này hay sử dụng để kiếm lợi nhuận trên nền tảng khác.

Đây là mức lãi suất gây sốc nếu so với ngân hàng truyền thống ở Mỹ khi trung bình, mức lãi suất hàng năm người dùng nhận được cho tài khoản tiết kiệm chỉ khoảng 0.07%, theo Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).

Sáng ngày 13/6, trong bối cảnh giá Bitcoin giảm xuống dưới mức trước đại dịch Covid và stETH mất peg, Celsius đã tạm ngưng cho phép người dùng nạp, rút và thực hiện giao dịch vì gặp vấn đề thanh khoản. Điều này gây hoang mang và lo ngại trong giới đầu tư vì Celsius không được quản lý như ngân hàng truyền thống và không có biện pháp bảo vệ cơ bản như bảo hiểm tiền gửi, khiến người dùng Celsius có khả năng mất tiền. 

Nhiều người dùng trên Celsius đã thế chấp tài sản crypto để vay tiền, khi giá tài sản crypto xuống, người dùng cần nạp thêm tiền để tránh bị thanh lý. Tuy nhiên, vì Celsius ngưng nạp/rút, những người dùng này đã không thể nạp thêm tiền dẫn đến bị thanh lý. 

Nexo, nền tảng cho vay thế chấp, đối thủ của Celsius đã ngỏ ý mua lại một phần hoặc tất cả các khoản vay có thế chấp, được đảm bảo bởi Celsius. Lời đề nghị này có giá trị từ 13/6 đến 20/6. Tuy nhiên, lời đề nghị này của Nexo đã không được Celsius chấp nhận. 

Vào ngày 15/6, Celsius thuê các luật sư chuyên tái cấu trúc doanh nghiệp từ Akin Gump Strauss Hauer & Feld LLP để giúp công ty điều hướng tình hình tài chính trong bối cảnh tình trạng thanh khoản diễn ra căng thẳng, theo The Wall Street Journal đưa tin. Các luật sư được kỳ vọng sẽ đề xuất nhiều giải pháp khả thi giúp giảm thiểu vấn đề tài chính đang gia tăng của Celsius. 

Vào ngày 16/6, hội đồng chứng khoán của bang Texas, New Jersey, Alabama, Washington và Kentucky đã tiến hành điều tra hành động ngưng nạp, rút và giao dịch của Celsius với lo ngại hành động này có thể gây nguy hiểm cho tài chính người dùng. Phản hồi sự việc, Celsius đang tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. 

Circle ra mắt stablecoin hỗ trợ bởi đồng Euro 

Circle là công ty dịch vụ tài chính sử dụng công nghệ blockchain cho các khoản thanh toán ngang hàng và các sản phẩm liên quan đến tiền điện tử. Đây cũng là công ty phát hành stablecoin USDC, đối thủ của USDT. 

Vào ngày 16/6, Circle đã thông báo ra mắt stablecoin mang tên Euro Coin (EUROC). Đồng Euro Coin sẽ được phát hành trên Ethereum blockchain như một ERC-20 token vào ngày 30/6. 

Giống như USDC, Euro Coin là một stablecoin được hỗ trợ bởi các khoản dự trữ, trong trường hợp này là Euro. Điều này có nghĩa là mỗi EUROC lưu hành sẽ được hỗ trợ bởi một Euro tương đương được lưu giữ tại các tổ chức tài chính do Mỹ quản lý. Sự ra đời của EUROC sẽ cho phép người dùng tiếp cận tính thanh khoản cao của đồng Euro, và sử dụng EUROC để thanh toán, giao dịch, cho vay và đi vay. 

Euro hiện là đồng tiền pháp định lớn thứ hai trên thế giới sau USD, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Vốn hóa thị trường của stablecoin toàn cầu đang là 154.9 tỷ USD, theo CoinMarketCap, trong đó USDC chiếm 55.9 tỷ USD.

Không chỉ có Circle mà Tether, nhà phát hành stablecoin USDT cũng đã phát hành stablecoin hỗ trợ bởi đồng Euro mang tên EURT vào năm 2021.

Quỹ Purpose Bitcoin ETF bán tháo hơn 24,000 BTC 

Bitcoin ETF là từ chỉ các quỹ hoán đổi danh mục mô phỏng sự biến động giá của Bitcoin hoặc những tài sản liên quan đến giá của Bitcoin. Thông qua Bitcoin ETF, người dùng có thể mua Bitcoin dưới dạng cổ phiếu thông qua sàn giao dịch truyền thống một cách đơn giản mà không cần sở hữu ví điện tử, private key hay chuyển fiat sang tiền điện tử. Nhược điểm là người dùng sẽ không được thực sự sở hữu Bitcoin. 

Vào ngày 16/6, Purpose Bitcoin ETF là quỹ Bitcoin ETF lớn nhất thế giới với 47,818 Bitcoin hoạt động dưới sự quản lý của mình. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, lượng Bitcoin này giảm mạnh 51% xuống còn 23,307 Bitcoin. Điều này nghĩa là Purpose Bitcoin ETF đã bán 24,511 Bitcoin, tương đương 500 triệu USD ra thị trường với giá market, làm tăng áp lực bán lên một thị trường vốn đã run rẩy. Vào ngày 18/6, Bitcoin giảm xuống còn 17,783 USD, mức thấp hơn đỉnh của chu kỳ cũ. 

Điều này khiến Purpose Bitcoin ETP nhường vị trí Bitcoin ETP lớn nhất thế giới cho ProShares Bitcoin Strategy ETF (BITO), tính theo lượng tài sản quản lý. Trái ngược hoàn toàn với Purpose, ProShares đã chứng kiến dòng tiền đổ vào lớn trong tuần trước với 4,115 Bitcoin, nâng tổng mức Bitcoin mà quỹ quản lý lên khoảng 31,500 Bitcoin, tương đương 668 triệu USD.

Bên cạnh đó, quỹ 3iQ CoinShares Bitcoin ETF cũng chứng kiến sự chảy máu dòng tiền tương tự khi lượng Bitcoin mà quỹ quản lý giảm từ 23,917 BTC vào ngày 1/6 xuống còn 12,668 BTC vào ngày 17/6. Điều này thể hiện tâm lý mua đang suy yếu một cách đáng báo động giữa những nhà đầu tư có kinh nghiệm nhất về tiền điện tử. Lý do phía sau điều này được cho là do tác động của việc stETH mất peg và 2 quỹ Celsius, 3AC gặp khó khăn về tài chính. 

Các thợ đào bán tháo Bitcoin 

Mùa đông crypto, chi phí đào gia tăng, lợi nhuận giảm, tình hình lạm phát trên thế giới căng thẳng đã khiến cho các thợ đào Bitcoin gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động của mình. Thậm chí, nhiều thợ đào Bitcoin đã hoạt động không có lãi, rơi vào nợ nần và buộc phải rời khỏi thị trường tiền điện tử. 

Dữ liệu mới nhất từ Arcane Research cho thấy các công ty khai thác Bitcoin công khai đã bán toàn bộ lượng Bitcoin mà họ kiếm được vào tháng 5 thay vì 30% trong những tháng trước đó. Tình hình thị trường vào tháng 6 đã trở nên khó khăn hơn, điều này nghĩa là các thợ đào sẽ còn bán nhiều Bitcoin hơn nữa. 

Một số liệu dữ liệu cho thấy lượng BTC được gửi lên sàn giao dịch từ các nhà khai thác Bitcoin cũng đạt mức cao mới vào tháng 6, mức chưa từng thấy kể từ tháng 1/2021.

Theo CoinMetrics, các công ty khai thác Bitcoin là một trong những con cá voi lớn nhất, nắm giữ khoảng 800,000 bitcoin, trong đó các công ty khai thác Bitcoin công khai sở hữu khoảng 46,000 Bitcoin. Nếu những công ty này quyết định tiếp tục bán một phần đáng kể số Bitcoin mà họ nắm giữ, giá Bitcoin sẽ xuống thấp hơn nữa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá BTC liên tục giảm và các thợ đào rơi vào khủng hoảng, nhiều nhà đầu tư tin rằng đây là tín hiệu giá của Bitcoin đang ở mức đáy, đặc biệt khi các thợ đào bắt đầu bỏ cuộc.

Một số thông tin kinh tế vĩ mô

Vào ngày 16/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông báo sẽ tăng lãi suất lên 0.75%. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994 nhằm thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, giúp nền kinh tế chậm lại để chống lại mức lạm phát cao nhất trong 40 năm qua. Hiện lãi suất quỹ liên bang chuẩn của Fed đang ở phạm vi từ 1,5% đến 1,75%.

Việc tăng lãi suất sẽ khiến doanh nghiệp tốn nhiều tiền hơn để vay, lợi nhuận thấp hơn, kinh tế giảm nhiệt, từ đó dòng tiền chảy vào tài sản rủi ro sẽ giảm dần. Trong quá khứ, mỗi lần FED tăng lãi suất mạnh đều khiến nền kinh tế đi vào giai đoạn suy thoái. 

Giá dầu thế giới đã tăng hơn 58% trong vòng 12 tháng qua, từ 68 USD một thùng vào tháng 6/ 2021 lên gần 117 USD vào tháng 6/2022. Mức lạm phát của Anh cũng đã cán mốc 9.1%, mức cao nhất trong 40 năm qua. Ngân hàng trung ương Anh dự đoán mức lạm phát sẽ tăng lên 11% vào tháng 10 năm nay. Có vẻ như thị trường đã bắt đầu phản ánh sự ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraina. Nếu tình hình chiến sự tiếp tục leo thang và Nga bắt đầu thắt chặt xuất khẩu dầu sang châu Âu, giá dầu có thể tăng đến 150 USD/thùng vào cuối năm nay và 200 USD vào năm sau. 

Tại Đức, với chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao, chỉ số lạm phát của Đức đã tăng 8.7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 60 năm vừa qua và là mức kỷ lục kể từ Thế Chiến II. 

Chỉ số Điều kiện Tài chính Quốc gia (NFCI) do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago công bố vào ngày 25/5 cũng đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng Euro năm 2011. Với tình hình kinh tế chính trị trên thế giới ngày càng trở nên căng thẳng, nhiều nhà đầu tư vẫn tìm đến Bitcoin như một nơi trú ẩn an toàn khỏi lạm phát, bao gồm Michael Saylor, Kevin O'Leary, Paul Tudor Jones…

Tổng kết 

Trên đây là thông tin nổi bật trong các hệ sinh thái cùng những sự kiện lớn diễn ra trong tháng 6/2022. Bài viết sẽ cập nhật liên tục ngay khi có thông tin mới. Nếu có sai sót trong việc tổng hợp thông tin hay bất kì vấn đề gì, Coin98 Insights thực sự mong độc giả góp ý thông qua phần bình luận phía dưới.

RELEVANT SERIES