SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Cuộc chiến Layer 2: zkSync vs StarkWare - Đâu là kẻ thống trị cuộc chơi ZK Rollup?

Cùng Coin98 Insights tìm hiểu về 2 dự án ZK-Rollup nổi bật nhất hiện nay, zkSync và StarkWare, liệu hai dự án này có gì ưu việt hơn các giải pháp Layer 2 khác?
LilYang
Published Mar 03 2022
Updated May 02 2024
24 min read
zksync và starkware

Vitalik Buterin, người sáng lập dự án Ethereum đã từng nói: "Các giải pháp Layer 2 sẽ là chìa khóa cho sự mở rộng của Ethereum, hệ sinh thái này sẽ all in vào các giải pháp roll-up để mở rộng. Trong tương lai gần và trung hạn là sự ưu tiên dành cho Optimistic Rollup, nhưng trong tương lai dài hạn, ZK roll-up sẽ là giải pháp được yêu thích nhất."

Vậy đâu sẽ là giải pháp ZK roll-up có tiềm năng chiến thắng cuộc chơi layer 2 này?

Bài viết hôm nay Coin98 Insights sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về:

  • Các giải pháp mở rộng L2 của Ethereum.
  • Đào sâu 2 dự án top tier của giải pháp ZK roll-up: zkSync và StarkWare.

Lưu ý: Bài viết chỉ mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên đầu tư cho bất kì dự án nào, các bạn hãy nhớ DYOR nhé!

Các giải pháp Layer 2 của Ethereum

Tại sao cần Layer 2?

Layer 2 có thể xem là một giải pháp mở rộng được xây dựng trên Layer 1 (Ethereum) với mục đích mở rộng hệ sinh thái mà vẫn giữ nguyên bảo mật từ chain gốc. Điều này giúp các giải pháp L2 xử lý nhiều giao dịch hơn với chi phí rẻ và tốc độ giao dịch cao hơn rất nhiều so với Layer 1 Ethereum.

Các giải pháp này đều được sinh ra để giải quyết một bài toán duy nhất, khắc phục những hạn chế nhằm mở rộng Ethereum:

  • Với số lượng validator hiện tại, Ethereum vẫn là hệ sinh thái mang đặc tính phi tập trung và bảo mật cao nhất (không tính Bitcoin).
  • Hiện tại trên Ethereum đang có gần 3000 ứng dụng phi tập trung (dApp) khác nhau, bên cạnh đó là một cộng đồng developers hùng hậu và giàu tính sáng tạo, Ethereum vẫn là cái nôi phát triển của những dự án chất lượng.
số lượng developers ethereum hàng tháng đến 2021
Số lượng Developers hoạt động hàng tháng trên Ethereum tính đến cuối năm 2021. (Nguồn: Electric Capital)

Tình hình các dự án Layer 2 hiện tại

Hiện tại, trên thị trường đã có rất nhiều các giải pháp khác nhau tham gia vào cuộc đua này. Nhìn vào bảng so sánh ưu nhược điểm dưới đây, Rollups chính là giải pháp nổi bật dễ thấy.

Đọc thêm: Cách hoạt động của các giải pháp mở rộng Ethereum

cuộc chiến layer2
Tình hình các dự án Layer 2 hiện tại

Trong Rollup lại chia làm 2 loại là Optimistic Rollup và ZK Rollup. Ở thời điểm hiện tại các dự án thuộc Optimistic Rollup như Arbitrum, Optimism đang chiếm thế thượng phong, các dự án này vốn dĩ đã tương thích EVM nên các developers có thể dễ dàng mang những dApp đã có từ Ethereum sang, điều này giải thích cho sự áp đảo về TVL và Market Share hiện tại của các dự án Optimistic Rollup so với phần còn lại.

Đọc thêm: Tổng quan về hệ thống Rollup Economics: Optimism và Arbitrum One

các layer 2
Nguồn: L2BEAT

Nhưng các dự án này vẫn tồn đọng 2 điểm yếu nếu so với các dự án thuộc mảng ZK Rollup:

  • Phí giao dịch trên Ethereum đã giảm đi nhiều do thị trường hạ nhiệt, nhưng có thể thấy phí giao dịch trên các dự án Optimistic Rollup vẫn cao gần gấp 2 lần so với các dự án ZK Rollup.

Đọc thêm: Cách hoạt động của các Optimistic Rollup Protocol

  • Điểm khác biệt lớn nhất mà ZK Rollup được đánh giá cao hơn Optimistic Rollup là do thời gian hoàn thiện giao dịch (quá trình xác minh tính hợp lệ của giao dịch) trên ZK Rollup là nhanh hơn rất nhiều, dẫn đến việc thời gian rút tài sản trên ZK Rollup cũng ngắn hơn nhiều. (Như bảng so sánh trên)
phí giao dịch trên ethereum
Phí giao dịch trên mạng lưới Ethereum (Nguồn: L2Fees)

Đến đây người dùng đã có thể hiểu phần nào đánh giá của Vitalik Buterin, những gì Optimistic Rollup có thể làm được thì ZK Rollup cũng đều có thể làm (thậm chí là tốt hơn). Thiếu sót duy nhất là hiện tại các dự án ZK Rollup chưa thật sự thân thiện với nhà phát triển khi các ứng dụng xây dựng ở đây phải sử dụng logic, ngôn ngữ lập trình hoàn toàn khác.

Xem thêm: Ưu điểm, hạn chế của Zk Rollup và các dự án nổi bật

Thế nhưng trong thời gian gần đây, các dự án ZK Rollup đang phát triển với tốc độ rất cao, đẩy mạnh nghiên cứu và đã bắt đầu đưa ra giải pháp cải thiện vấn đề này. Hai dự án thuộc mảng ZK Rollup nổi bật nhất là zkSync và StarkWare lần lượt đưa ra câu trả lời với zkEVM và StarkNet.

Tiếp theo, Coin98 Insights sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết và so sánh hai dự án được cho là chìa khóa mở rộng của Ethereum này.

zkevm testnet live
advertising

zkSync vs StarkWare - Ai sẽ là kẻ thống trị cuộc chơi ZK Rollup?

Trước bắt đầu đi sâu vào chi tiết, trước tiên bạn đọc cần phải nắm định nghĩa cơ bản của hai dự án này.

zkSync và StarkWare là gì?

zkSync và StarkWare là hai giải pháp layer 2 với mục đích mở rộng Ethereum bằng cơ chế bảo mật Zero-knowledge Proof (Bằng chứng không kiến thức). Đúng như cái tên, chúng hoạt động bằng cách tách hàng trăm giao dịch ra khỏi chuỗi chính (Layer 1), sau đó đóng gói lại thành một giao dịch duy nhất và tạo bằng chứng mật mã cho giao dịch này.

Các giao dịch sẽ chỉ được xác nhận khi những bằng chứng này được xác nhận và chỉ những bằng chứng này mới được lưu trữ trên chain chính, điều này giúp cải thiện tốc độ và tiết kiệm rất nhiều phí gas so với việc phải xác minh từng giao dịch trên L1.

Đó là đặc điểm chung về cơ chế hoạt động, ngoài ra hai dự án này có điểm gì khác nhau và tại sao lại được coi như là các dự án mở ra tương lai của giải pháp mở rộng? Coin98 Insights sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu chi tiết theo những đặc điểm sau:

  • Đội ngũ phát triển và quá trình hình thành.
  • Công nghệ.
  • Khả năng tương thích EVM.
  • Network Metrics.
  • Fundraised & Backers.
  • Ecosystem & Roadmap.

Trước khi đi sâu vào so sánh chi tiết, mình có thêm một lưu ý nhỏ về StarkWare. StarkWare được cấu tạo bởi 2 phần chính:

  • StarkEx là một phương pháp mở rộng điều chỉnh phù hợp theo nhu cầu chuyên dụng của từng dự án riêng biệt
  • StarkNet là một giải pháp ZK Rollup mở phi tập trung hỗ trợ triển khai các hợp đồng thông minh, bất kì nhà phát triển nào cũng có thể viết và triển khai hợp đồng thông minh của họ một cách tự do trên StarkNet. Ở bài viết này mình sẽ đề cập chủ yếu tới StarkNet.

Đội ngũ phát triển & quá trình hình thành

Để có thể đánh giá tiềm năng của một dự án, không thể không nhắc tới đội ngũ phát triển của dự án đó, dự án có thể thực hiện tầm nhìn đặt ra hay không, đội ngũ dự án có uy tín không, đều là những yếu tố quan trọng để đánh giá một dự án.

zkSync - Matter Labs

Đứng sau dự án zkSync là Matter Labs, một đội kỹ sư với niềm đam mê dành cho blockchain và máy tính. Matter Labs được thành lập vào cuối năm 2019, đặt trụ sở chính ở Berlin và bắt đầu giới thiệu dự án zkSync ra công chúng vào mùa hè 2020.

Đội ngũ hoạt động theo tôn chỉ đề cao tự do mỗi cá nhân, khiêm tốn, điều quan trọng duy nhất là hoàn thành công việc - What matters is getting things done.

matterlabs

Matter Labs được sáng lập bởi 2 thành viên: Alexandr Vlasov và Alex Gluchowski. Alex Gluchowski là một kĩ sư phần mềm với kinh nghiệm 19 năm, ông đã làm CTO cho một vài công ty công nghệ, trong đó có một công ty chuyên về Ethereum R&D trước khi bắt đầu dồn tâm huyết cho zkSync.

StarkWare

Đội ngũ StarkWare được thành lập vào tháng 5/2018, trụ sở chính được đặt tại Israel. StarkWare sáng tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ STARK, xây dựng sản phẩm hoạt động một cách an toàn, phi tập trung và có thể tạo ra các ứng dụng blockchain.

đội ngũ starkware
Đội ngũ StarkWare

StarkWare được cấu thành bởi một đội nhóm các chuyên gia tầm cỡ thế giới trong lĩnh vực kĩ thuật, mật mã học công nghệ. Trong đó:

  • Co-Founder của dự án, Eli Ben-Sasson đã từng là nhà nghiên cứu chính của Zcash, đồng thời là người đi đầu trong lĩnh vực Zero-knowledge, co-inventor của STARK.
  • Uri Kolodny (Co-Founder) là một doanh nhân, đồng sáng lập nên nhiều công ty công nghệ trong đó có OmniGuide và Mondria.
  • Ngoài ra các thành viên khác của team đều được công khai và đều là những người có thành tích nổi bật, không ít trong số họ đã từng làm việc tại các công ty công nghệ lớn như Apple, Microsoft, HP, Technion,...

⇒ Nhìn chung thì cả 2 đội ngũ phát triển đều là những người có năng lực và tầm nhìn, nhưng StarkWare cho thấy sự vượt trội hơn một chút về thành tích cũng như sự minh bạch của đội ngũ.

Công nghệ

Về cơ bản cả hai dự án có cấu trúc công nghệ tương tự nhau, đều sử dụng ZK Rollup như mình đã nói ở trên. Nhưng đó là về cách hoạt động dữ liệu on-chain, ngoài ra, về dữ liệu off-chain, còn có 2 nhân tố khác cùng tham gia để phát triển mạng lưới:

  • Prover (Người chứng minh): Một số lượng nhỏ các nodes phụ trách việc tính toán, xử lý tất cả các giao dịch và tổng hợp các giao dịch đó thành các bằng chứng ZK ngắn gọn.
  • Validator (Người xác thực): Số lượng lớn các nodes trong mạng lưới phụ trách kiểm duyệt, nhiệm vụ chính là xác minh tính hợp lệ của các bằng chứng ZK do các Provers gửi. Ai cũng có thể chạy node này mà không cần một phần cứng chuyên dụng nào.

Một vấn đề tồn đọng với hệ thống công nghệ ZK Proof là không thân thiện với nhà phát triển, không hỗ trợ khả năng tổng hợp, mỗi ứng dụng khác nhau lại phải sử dụng một loại ZK rollup khác nhau, điều này dẫn đến các ứng dụng trong cùng layer không thể tương tác. Ngoài ra mỗi mạng lưới lại có ngôn ngữ riêng và chưa thể hỗ trợ máy ảo EVM, khiến cho devlopers gặp nhiều khó khăn khi muốn build trên các ZK Rollup.

Đây là một cuộc thi nhỏ cho các dự án ZK Rollup, ai giả quyết được bài toán này sẽ có được lợi thế lớn để trở thành dự án thành công nhất, zkSync và StarkWare đưa ra 2 giải pháp với 2 công nghệ khác nhau.

zkSync

zkSync sử dụng hệ thống zk dựa trên bằng chứng zk-SNARK, zk-SNARK đã không còn xa lạ khi đã được nhiều Rollup áp dụng. zk-SNARK là viết tắt của những ký tự sau:

  • Zero-knowledge: Không tri thức, ý nghĩa là bằng chứng này giúp một cá nhân chứng minh cho đối tượng khác một điều gì đó là đúng mà không cần tiết lộ bất kì thông tin nào về điều đó.
  • Succinct: Cô đọng, các bằng chứng này có kích thước nhỏ và có thể dễ dàng xác minh nhanh chóng.
  • Non-interactive: Không tương tác. Các phiên bản cũ hơn của giao thức ZKP thường yêu cầu bên chứng minh (prover) và bên xác minh giao tiếp qua lại, nhưng với đặc tính non-interactive sẽ chỉ phải trao đổi một bằng chứng.
  • Arguments of Knowledge: zk-SNARK được đánh giá là có tính đúng đắn dựa trên sức mạnh điện toán, nghĩa là một bên chứng minh (prover) không trung thực có rất ít khả năng đánh lừa được hệ thống mà không thực sự có kiến thức (knowledge) hỗ trợ tuyên bố của họ.

Trên thực tế, zk-SNARK tuy có tính bảo mật cao nhưng gặp phải yếu điểm là với mỗi mỗi ứng dụng hay update đều cần phải thiết lập lại từ đầu. Vì vậy đội ngũ zkSync đã phát triển một phiên bản phát triển từ SNARK có tên là PLONK, hệ thống bằng chứng này chỉ cần setup một lần và có thể sử dụng trên nhiều ứng dụng khác nhau.

Đọc thêm: zk-SNARK là gì? Tại sao lại được Vitalik chú trọng

StarkWare

StarkWare đã sáng tạo ra và phát triển một công nghệ bằng chứng khác là STARK, STARK có 2 điểm khác biệt được cho là ưu việt hơn SNARK:

  • Chữ “T” thay vì chữ "N", là viết tắt của “Transparent”, hệ thống có thể hoạt động mà không cần thiết lập tin cậy (trust setup) trên từng ứng dụng.
  • Tốc độ xác thực giao dịch cao hơn 10 lần so với SNARK.

⇒ Cho dù zkSync đã cố gắng tối ưu nhưng công nghệ STARK của StarkWare vẫn được đánh giá nhỉn hơn SNARK do có tốc độ cao hơn nhiều. Điểm trừ duy nhất là STARK của StarkWare còn khá mới, chưa được hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhiều như SNARK, thêm nữa là rất khó tương thích EVM. Thêm một bài toán nữa mà hai dự án cần giải.

Tương thích EVM

StarkWare

StarkWare đã có Cairo, một ngôn ngữ lập trình chuyên dụng được StarkWare sáng tạo, cho phép chạy các chương trình tùy ý do STARK hỗ trợ.

Nhưng tất nhiên, rất ít người muốn học một ngôn ngữ lập trình mới để chạy smart contracts. Vì vậy StarkWare đã tìm đến giải pháp là hợp tác với Nethermind để tạo ra Warp, một ngôn ngữ mới với vai trò là trình chuyển đổi mã nguồn (transpiler), có nhiệm vụ chuyển đổi các hợp đồng thông minh ở Solidity thành Cairo từ đó StarkWare trở nên tương thích với EVM.

Điều này có nghĩa là StarkWare không hỗ trợ EVM một cách native, mà cần sử dụng Warp để chuyển đổi từ Solidity sang Cairo.

nethermind

zkSync

zkSync cũng có một ngôn ngữ lập trình riêng là Zinc, tất nhiên điều này cũng là một trở ngại với các developers đã quen với Ethereum muốn viết và triển khai smart contract trên ZK Rollup này.

Vì vậy, zkSync sử dụng zkSync Compiler để chuyển đổi các smart contracts sử dụng Solidity/Vyper thành zkEVM mà không cần bất kì một bộ chuyển đổi trung gian nào để chuyển đổi ngược về Zinc.

zkevm compiler

⇒ Tuy rằng công nghệ SNARK mà zkSync sử dụng chậm hơn đáng kể so với STARK của StarkWare nhưng zkSync lại đang tiến tới việc tương thích với EVM theo cách tự nhiên hơn so với StarkWare. Điều này giúp các nhà phát triển có thể tiếp cận với zkSync dễ hơn.

Network Metrics

starkware tvl

Các chỉ số về TVL, tổng số giao dịch của StarkWare là vượt trội so với zkSync, khi những con số này với zkSync chỉ là 80 triệu USD TVL, 6.3 triệu tổng số lượng giao dịch.

Đọc thêm: Network Effect là gì? Cách ứng dụng Network Effect để đầu tư Crypto

Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý những con số này chủ yếu đến từ StarkEx chứ không phải StarkNet. StarkEx được sử dụng chuyên biệt cho các dự án khác nhau, trong đó có những nền tảng lớn như dYdX, Immutable, DeversiFi. Cả zkSync và StarkNet vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu phát triển.

Fundraised & Backers

StarkWare

starkware investors

Vào tháng 11/2021, StarkWare đã kêu gọi được 50 triệu USD ở vòng Series C, một con số khá khủng, tuy nhiên đấy chỉ là con số gần nhất, cùng mình điểm lại những lần gọi vốn trước đó của StarkWare:

  • Seed Round (T5/2018): 6 triệu USD từ Pantera, Naval Ravikant và được biệt là Vitalik Buterin, founder của Ethereum.
  • Series A (T10/2018): 30 triệu USD từ Paradigm, Sequoia Capital, Coinbase Ventures, Consensys, Multicoin Capital,...
  • Series B (T3/2021): 75 triệu USD từ Paradigm, Three Arrows Capital, Alameda Research,...
  • Series C (T11/2021): 50 triệu USD từ Sequoia Capital, Paradigm, Three Arrows Capital, Alameda Research,...

⇒ Tổng số tiền dự án gọi vốn được đã lên tới 161 triệu USD, và được định giá khoảng 2 tỉ USD, một con số rất lớn. Dự án đã trải qua nhiều lần gọi vốn và những nhà đầu tư đều là những nhân vật, quỹ vô cùng nổi tiếng và thuộc hàng sừng sỏ trong giới crypto. Có thể thấy StarkWare có sự ủng hộ của các ông lớn, cũng như là Vitalik và Ethereum Foundation.

zkSync

zksync backers

zkSync thì lại có lịch sử gọi vốn ngắn gọn hơn:

  • Series A (T3/2021): 6 triệu USD từ Binance, Coinbase Ventures, Balancer, Aave, Curve,...
  • Series B (T11/2021): 50 triệu USD từ a16z, Blockchain.com, Crypto.com, Bybit, Consensys, OKEx, Covalent,...
  • Tháng 1 vừa qua, Matter Labs đã được thông qua khoản đầu tư trị giá 200 triệu USD từ BitDAO để xây dựng hệ sinh thái zkSync.

⇒ Có thể thấy nhà đầu tư của zkSync ít cái tên đình đám hơn, nhưng cũng không phải là không chất lượng và số tiền hiện tại đã kêu gọi được của zkSync lên tới 256 triệu USD.

Điều quan trọng là dự án được back bởi rất nhiều sàn CEX lớn (Binance, Coinbase, Huobi, Bybit...) và cả những cái tên gạo cội trong làng DeFi (Curve, Aave, Balancer...), điều này giúp cho zkSync nhanh chóng được tích hợp ở cả các sàn tập trung và các ứng DeFi, từ đó đưa zkSync tiếp cận người dùng và được chấp nhận, sử dụng rộng rãi hơn rất nhiều.

Thật vậy, hiện nay đã có Binance, FTX, Coinbase thông báo hỗ trợ chuyển tài sản từ sàn giao dịch sang Layer 2 là zkSync sử dụng LayerSwap.

zksync ecosystem round

Ecosystem & Roadmap

StarkWare

Hệ sinh thái của StarkNet đã khởi động những bước đầu tiên, các dApp bắt đầu được build native trên StarkNet. Các mảnh ghép cơ bản như AMM, Launchpad, Lending đã xuất hiện những dự án đầu tiên, tuy nhiên phát triển mạnh nhất phải kể đến mảng Game và NFT. Có thể thấy đây cũng là xu hướng phát triển và sự tập trung chính của StarkNet.

hệ sinh thái starknet
Hệ sinh thái StarkNet (Nguồn: Coin98 Analytics)

Về Roadmap, StarkWare chia ra bốn giai đoạn như sau:

  • Step 0 – Foundations.
  • Step 1 – Planets: Single-app rollups.
  • Step 2 – Constellations: Multi-app rollups.
  • Step 3 – Universe: A decentralized rollup.
starknet roadmap

Với những dApp được build chuyên biệt với StarkEx, StarkWare đã hoàn thành Step 1.

Vào tháng 11/2021, dự án ra mắt bản Alpha Mainnet của StarkNet đánh dấu khởi đầu của Step 2. Hiện tại StarkNet vẫn còn có phần tập trung, các dự án muốn build trên StarkNet phải tham gia whitelist giống như ở Optimism.

Vào giai đoạn Universe tiếp theo, dự án đã lên kế hoạch dần dần phát triển mạng lưới để rồi tiến đến một StarkNet phi tập trung hoàn toàn.

zkSync

zksync ecosystem
zkSync Ecosystem (Nguồn: Coin98 Analytics)

Hệ sinh thái zkSync cũng còn rất sơ khai, có thể thấy trên zkSync ưu tiên tích hợp các mảnh ghép cơ sở hạ tầng trước. Tuy chưa có các mảnh ghép DeFi nhưng ở các mảng như Oracle, Tools, Wallet hay đặc biệt là Bridge có thể thấy sự tích cực với sự xuất hiện của nhiều cái tên khác nhau. Do zkEVM mới được ra mắt bản testnet gần đây nên đa phần các dApp lớn từ Ethereum sang mới đang ở các phiên bản beta/testnet trên zkSync.

⇒ Có thể thấy rõ zkSync đang đi chậm hơn StarkWare một bước trong việc phát triển hệ sinh thái do zkEVM sinh sau đẻ muộn, nhưng theo mình, hướng đi của zkSync là khá chắc chắn. Tuy đi chậm, nhưng zkSync đi theo hướng xây dựng các cơ sở hạ tầng, tools, bridge, tích hợp với CEX và thu hút các dự án lớn trên Ethereum để thu hút users, tạo điều kiện để dòng tiền dễ dàng chảy vào hệ sinh thái trước sau đó mới bắt đầu build các dApp native sau.

Trái lại, StarkWare tập trung vào build các dApp riêng, native trên StarkNet và có phần nghiêng nhiều về mảng Game, NFT.

Đọc thêm: Nghiên cứu GameFi: Chìa khoá thành công của một dự án GameFi

Roadmap của zkSync cũng được chia thành 4 giai đoạn như sau:

roadmap zksync

Giai đoạn đầu tiên tương ứng với zkSync 1.0 được ra mắt vào tháng 6/2020, chỉ đơn giản là một phương thức thanh toán và chưa tích hợp smart contracts. Giai đoạn 2 là của zkSync 2.0, với khả năng kết hợp với các smart contracts và tương thích EVM, thêm vào đó là ngôn ngữ lập trình riêng Zinc cùng với zkPorter. zkPorter hiểu đơn giản là một PoS chain để xử lý thông tin giao dịch trên zkPorter thay vì Ethereum.

Ở giai đoạn 3, dự án sẽ tập trung vào Privacy và unlock một vài tính năng đặc biệt của zkRollups. Giai đoạn cuối cùng sẽ là hướng đến phi tập trung và không cần kiểm duyệt bằng cách loại bỏ hoàn toàn quyền kiểm soát của Matter Labs lên mạng lưới.

Một vài quan điểm cá nhân

Mình đánh giá tốc độ phát triển của các dự án L2 nói chung và ZK-Rollup nói riêng là rất nhanh, trước đây, người ta cho rằng phải mất vài năm nữa để các dự án ZK-Rollup có thể đạt được tương thích EVM, nhưng zkSync và StarkWare đã làm tốt và đưa ra các giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề này.

Với tốc độ phát triển này, tuy các dự án vẫn cần thời gian để testnet, nhưng trong năm nay có thể sẽ là năm bùng nổ của ZK-Rollup, với vụ nổ đầu tiên là zkEVM testnet vừa qua. zkSync và StarkWare cũng có khả năng cao tương lai sẽ trở thành cặp đôi hiện tượng như Arbitrum Optimism hiện nay. Trong dài hạn, các dự án này được cho là tương lai cho khả năng mở rộng của Ethereum.

StarkWare là một dự án thật sự ấn tượng trong mảng ZK-Rollup với đội ngũ dự án có thể xem như là “toàn sao”, dàn backers & investors chất lượng hàng đầu thị trường, tầm nhìn  dài hạn cũng như nhiều ý tưởng sáng tạo đặc biệt.

Nhưng có một vài điều người dùng cần lưu ý là StarkNet chuyển đổi Solidity sang Cairo qua Warp là trình chuyển đổi trung gian, điều này có thể là một sự bất tiện nhất định và có thể xuất hiện vấn đề với lỗi smart contract. Hơn nữa, StarkWare cũng đã được định giá 2 tỉ USD ở thời điểm hiện tại, và phía dự án không hề có ý định cũng như kế hoạch launch token.

Ở phía ngược lại, zkSync xây dựng zkEVM một cách native và không cần đánh đổi điều gì, dự án tích hợp với nhiều sàn CEX và dự án DeFi giúp tăng độ tiếp cận người dùng, đây chính là những lợi thế lớn có thể giúp zkSync chiếm ưu thế.

Đặc biệt hơn cả, phía zkSync đã xác nhận sẽ phát hành token riêng để phục vụ việc phi tập trung hóa mạng lưới, đây có thể là một token được phát hành ra cộng đồng qua hình thức fair launch hoặc khả năng cao là airdrop.

zksync token soon
Token soon?

Đây là một cơ hội để người dùng trải nghiệm Ethereum với phí giao dịch siêu rẻ mà lại có khả năng cao nhận airdrop. Không chỉ native token của mạng lưới đồng thời để ý tới những dự án được build trên những Rollups này, vì sự khác biệt về công nghệ, có thể mô hình AMM sẽ không còn phù hợp (StarkWare đã nghiên cứu model mới là dAMM…).

Đọc thêm: Hướng dẫn làm testnet, săn airdrop trên zkSync

Lời kết

zksync vs starkware
Bảng so sánh tổng kết

Như vậy là Coin98 Insights đã cùng bạn ôn lại kiến thức về Layer 2 và đi sâu vào tìm hiểu hai dự án tiên phong của mảng ZK-Rollup. Hai dự án này đều là những builders hàng đầu và bài viết chỉ là quan điểm cá nhân của mình, bạn hoàn toàn có thể có những đánh giá và nhận định riêng, nhưng có lẽ bạn cũng đã hiểu tại sao Vitalik lại đánh giá giải pháp ZK-Rollup về dài hạn sẽ có sức ảnh hưởng đến vậy.

Lưu ý một lần nữa là bài viết chỉ mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên đầu tư cho bất kì dự án nào. Bạn nên cân nhắc và DYOR trước khi đầu tư nhé! Nếu bạn đọc có bất kì thắc mắc nào cũng đừng ngần ngại tham gia các nhóm của Coin98 Insights và thảo luận cùng các admin và nhiều member khác trong cộng đồng.

RELEVANT SERIES