SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Tổng quan tình hình doanh thu các dự án DeFi trong 2022

Doanh thu là một con số quan trong nói lên sức khỏe của dự án. Và đây là "State Of Revenue" thuộc chuỗi series "State of DeFi". Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu doanh thu của những dự án đứng đầu thị trường crypto.
Avatar
linhha
Published Aug 14 2022
Updated Dec 04 2023
21 min read
thumbnail

Series "State of DeFi" nhằm cung cấp cho người đọc các thông tin tổng quan về tình hình hoạt động và hướng phát triển của các nhóm dự án thuộc các nhánh khác nhau trong DeFi. Chủ đề trong bài viết này là "State of Revenue".

Kiến thức trọng tâm:

  • Dự án sẽ có lợi thế lớn nếu có doanh thu, điều này càng được củng cố nếu thị trường bước vào giai đoạn khó khăn.
  • AMM DEX và NFT Marketplace đang tạo ra nhiều doanh thu nhất, trong khi Lending/Borrowing và Derivatives chỉ chiếm một phần nhỏ.
  • Những dự án có top doanh thu như Uniswap, PancakeSwap, Aave, OpenSea, dYdX... và những dự án khác có doanh thu tăng trưởng đang được chú ý trong xu hướng Real Yield.
  • Mô hình chia sẻ doanh thu mang tới nhiều giá trị lâu dài cho dự án.

Khái niệm doanh thu

Doanh thu là gì?

Doanh thu là số tiền thu được từ những giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa, cung cấp dịch vụ và hoạt động tài chính. Các công ty hoặc cá nhân thường lập bản báo cáo doanh thu để theo dõi số tiền thu về trong suốt quá trình kinh doanh hoặc sản xuất. Do đó, doanh thu là một chỉ số quan trọng của bức tranh tài chính.

Doanh thu đến từ đâu?

Doanh thu có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, phụ thuộc vào mô hình kinh doanh được vạch ra bởi những người điều hành công ty. Tuỳ vào chiến lược, ban đầu công ty có thể sẽ không có doanh thu hoặc có doanh thu ngay.

Trong thị trường crypto, các dự án thường thiết kế mô hình tạo ra doanh thu ngay từ đầu để chứng minh tính khả thi của mình. Ví dụ:

  • Uniswap V3 thu 0.3% phí dựa trên khối lượng giao dịch swap thành công.
  • Curve Finance thu 0.04% phí dựa trên khối lượng giao dịch swap. 

Tại sao doanh thu quan trọng?

Dự án sẽ có lợi thế lớn khi có doanh thu. Cụ thể, với doanh thu được tạo ra, dự án sẽ có thể phát triển mạnh hơn. Ngoài ra, nhiều dApp sử dụng mô hình chia sẻ doanh thu nhằm giữ chân người dùng.

Thay vì liên tục ra thêm token sẽ tăng tổng số token lưu hành, các dApp có thể sử dụng doanh thu để mua lại token dự án, sau đó phân phát cho người có đóng góp qua hình thức liquidity mining, incentive program hoặc airdrop.

Ví dụ Uniswap V3 thu phí 0.01%, 0.05%, 0.3% hoặc 1% cho mỗi giao dịch swap trên nền tảng của họ, dựa trên cặp giao dịch. Trong đó:

  • Một phần phí sẽ được chuyển cho người cung cấp thanh khoản (liquidity provider) để làm động lực cho họ tiếp tục cung cấp thanh khoản.
  • Phần còn lại sẽ sẽ chuyển tới cho nhà đầu tư nắm giữ UNI.

Nếu doanh thu lớn hơn chi phí vận hành + lượng token ra thị trường, điều này sẽ củng cố khả năng tăng trưởng dài hạn của dự án. Ngoài ra, bạn có thể xem thêm video này để kết hợp chỉ số Total Value Lock & Doanh thu. Đây là 2 công cụ đắc lực giúp bạn định giá trong DeFi.

Doanh thu các dApp từ đầu năm 2022

Bài viết sử dụng những dự án crypto sau có doanh thu đứng đầu các nhóm:

  • Sàn AMM: Uniswap, SushiSwap, Curve, 1inch, Balancer, PancakeSwap, Trader Joe, Osmosis, QuickSwap và SpookySwap.
  • NFT Marketplace: OpenSea và LooksRare.
  • Giao dịch phái sinh: dYdX, GMX, và Synthetix.
  • Lending/Borrowing: Aave, Compound, MakerDAO và TrueFi.
  • Cơ sở hạ tầng (Infrastructure): Filecoin, Helium, Arweave và The Graph.

Lưu ý: Những dự án được nhắc tới là những cái tên nổi bật và có doanh thu đứng đầu nhóm, nhưng vẫn tồn tại các dApp khác có doanh thu nhưng không đáng kể hoặc dữ liệu chưa đầy đủ nên sẽ không được đưa vào bài viết. Tuy nhiên, chúng ta có thể trích xuất những thông tin hữu ích từ dữ liệu hiện tại.

tổng quan doanh thu defi 2022
Tổng quan doanh thu đầu năm 2022

Từ đầu năm 2022, nhìn chung, doanh thu các dApp có xu hướng giảm - chung xu hướng với thị trường giai đoạn downtrend. Đầu năm 2021, tổng doanh thu của các dApp lên đến hơn 1 tỷ USD, nhưng đến tháng 6 và tháng 7 chỉ còn dưới 250,000 USD mỗi tháng. Con số này cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ được cung cấp bởi các dApp giảm mạnh cũng như việc người dùng khó kiếm lợi nhuận trong thời gian downtrend.

Doanh thu nhóm AMM DEX (10 dApp) và NFT Marketplace (2 dApp) đứng đầu toàn thị trường, lần lượt chiếm khoảng 38% và 49% tổng doanh thu 8 tháng đầu năm 2022 của các nhóm. Doanh thu các nền tảng AMM DEX thường đến từ phí giao dịch do người dùng trả. Tương tự, doanh thu của các NFT marketplace cũng đến từ phí giao dịch NFT của các trader.

Trong khi đó, tổng doanh thu mảng Lending/Borrowing (4 dApp) và Derivatives (3 dApp) chỉ chiếm khoảng 12% tổng doanh thu 8 tháng đầu năm 2022. Điều này cho thấy so với nhu cầu giao dịch NFT hoặc swap token cơ bản, nhu cầu vay hoặc trade margin của các nhà đầu tư còn khá thấp.

Cơ sở hạ tầng là nền tảng nhằm phát triển các ý tưởng hoặc ứng dụng công nghệ blockchain. Vì dữ liệu mảng này còn hạn chế, trong bài viết này, chúng ta chỉ có thể phân tích một số dự án mảng storage.

Doanh thu các AMM DEX

DEX trên Ethereum

Hiện tại, Ethereum vẫn là hệ sinh thái phát triển nhất trong thế giới crypto, nên chúng ta sẽ xem tình hình doanh thu của các DEX nổi bật trên Ethereum, bao gồm: Uniswap, SushiSwap, Curve, 1inch và Balancer.

doanh thu amm dex 2022
Doanh thu dự án Uniswap, SushiSwap, Curve, 1inch, và Balancer

Từ đầu năm 2022, Uniswap là nền tảng DEX có có doanh thu nổi bật nhất trên Ethereum, luôn chiếm tỷ lệ trên 50% tổng doanh thu. Mặc dù từ đầu năm tới nay tổng doanh thu của các DEX trên Ethereum có xu hướng giảm, nhưng Uniswap vẫn áp đảo các nền tảng khác về doanh thu. Đặc biệt, tỷ lệ tăng đều từ 70% (tháng 5) tới 80% (tháng 7).

Nền tảng DEX aggrigator 1inch có doanh thu tăng đột biến, với 10 triệu USD trong tháng 5, mặc dù các tháng còn lại doanh thu đều vào khoảng 1-3 triệu USD. Theo trang dữ liệu on-chain, Dune Analytics, giữa tháng 5/2022, trước sự kiện UST mất peg, khối lượng giao dịch của 1inch tăng đột biến, với 2.2 tỷ USD vào ngày 12/5/2022 - cao hơn gấp 8 lần khối lượng giao dịch trung bình của nền tảng này.

amm top dex
Mức giảm doanh thu của các dự án DEX

Doanh thu theo tháng cao nhất của Uniswap là 134 triệu USD (tháng 1) và thấp nhất là 51 triệu USD (tháng 7), giảm thấp nhất 60%.

Tương tự Uniswap, từ đầu năm tới nay, doanh thu Balancer giảm thấp nhất, khoảng 68%.

Trong khi đó, doanh thu SushiSwap, Curve và 1inch giảm thấp nhất lần lượt là 87%, 93% và 89%.

Điều này cho thấy Uniswap và Balancer có doanh thu ổn định hơn so với SushiSwap, Curve và 1inch. 

DEX trên hệ sinh thái khác

amm dex overview 2022
 Doanh thu dự án PancakeSwap, Trader Joe, Osmosis, QuickSwap và SpookySwap

Dựa vào hình trên, chúng ta sẽ tìm hiểu doanh thu các nền tảng DEX tiêu biểu của các hệ sinh thái:

  • PancakeSwap trên BSC có doanh thu 5 tháng đầu năm 2022 ổn định, nhưng tháng 6 tháng 7 giảm mạnh.
  • Trader Joe trên AVAX có doanh thu giảm đều từ đầu năm 2022.
  • Osmosis thuộc Cosmos có doanh thu bốn tháng đầu năm 2022 ổn định, tháng 5 tăng trưởng mạnh nhưng sang tháng 6 và tháng 7 giảm mạnh theo các DEX khác.
  • So với các DEX khác, QuickSwap trên Polygon có doanh thu không cao nhưng ổn định. 
  • SpookySwap trên Fantom có doanh thu nổi bật trong thị trường với tháng 1 (26 triệu USD) và tháng 2 (38 triệu USD). Tuy nhiên, từ tháng 3/2022, doanh thu của dự án không có dấu hiệu tăng trưởng. Từ lúc Andre Cronje rời dự án, hệ sinh thái của Fantom giống như “rắn không đầu”. Điều này tác động lớn tới doanh thu của SpookySwap. 
amm dex rev
Mức giảm doanh thu của một số dự án DEX

PancakeSwap và QuickSwap có doanh thu giảm thấp nhất trong 8 tháng đầu năm 2022, lần lượt là 74% và 78%. Trong khi đó, doanh thu của các DEX khác như Trader Joe, Osmosis và SpookySwap đều giảm hơn 90%. Điều này cho  hệ sinh thái BSC và Polygon vẫn có nhiều hoạt động giúp DEX tạo ra nhiều doanh thu.

Doanh thu nhóm Lending trên Ethereum

Mảng Lending/Borrowing trên Ethereum được kỳ vọng mang lại doanh thu ổn định vì ngay cả trong downtrend vẫn có các nhà đầu tư vay vốn để mở những vị trí long/short. Hiện tại, hệ sinh thái Ethereum có những dự án đã trải qua nhiều năm phát triển như Aave (AAVE), Compound (CMP) hay MakerDAO (MKR). 

doanh thu lending

Doanh thu dự án Lending: Aave, Compound, MakerDAO và TrueFi

mức giảm doanh thu của lending
Mức giảm doanh thu của dự án Lending

Aave đang là dự án hàng đầu mảng lending trên Ethereum. Doanh thu của Aave cao hơn và ổn định hơn các nền tảng khác (luôn chiếm hơn 50% tỷ lệ tổng doanh thu của bốn nền tảng trong hình). Cụ thể:

  • Tháng 7/2022, Aave thu về 9 triệu USD doanh thu (giảm 66% so với tháng 1), trong khi doanh thu của Compound và MakerDAO đều giảm hơn 85%.
  • Aave V3 ra mắt vào tháng 4/2022, sau đó Aave có mặt trên Optimism vào tháng 7 và ngay lập tức đứng đầu hệ sinh thái Optimism về TVL.

Điều này khiến Aave giữ được vị thế đứng đầu và doanh thu không giảm quá mạnh.

TrueFi (TRU) là đại diện tiêu biểu cho những dự án cho vay sử dụng tín nhiệm. Nhà đầu tư có thể vay nhiều hơn với điều kiện họ được những nhà đầu tư stake TRU bỏ phiếu thông qua. Tuy nhiên, với cơ chế này, để vay vốn người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân cho nền tảng.

Trong tháng 4/2022, doanh thu của TrueFi tăng mạnh với 9 triệu USD. Theo dữ liệu của TrueFi, trong thời gian này, nền tảng có hai khoản cho vay là Wintermute Trading (vay 92 triệu USD) và Alameda Research (vay 85 triệu USD). Đây là số tiền cao nhất TrueFi cho các cá nhân/tổ chức vay.

tvl của các dự án lending
TVL của một số dự án Lending

Xét về tổng giá trị khóa giữa 2022, nền tảng Aave và MakerDAO có dấu hiệu hồi phục trong khi Compound lại đi ngang. Hiện tại, tổng giá trị cho vay của TrueFi còn rất nhỏ so với những nền tảng lớn.

⇒ Lending/Borowing phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Trong xu hướng tăng thì nhu cầu tăng, ngược lại với xu hướng giảm. Aave và TrueFi có doanh thu 8 tháng đầu năm nổi bật hơn Compound và MakerDAO.

Bên cạnh đó, các dữ liệu trên toàn thị trường cũng cho thấy mảng Lending & Borrowing đang dẫn kém thu hút các nhà đầu tư hơn, bạn có thể đọc chi tiết tại bài viết dưới đây.

Tìm hiểu thêm: Lending & Borrowing kém hấp dẫn, người cho vay phải làm sao?

Doanh thu nhóm NFT marketplace

OpenSea với LooksRare

Trong thế giới crypto, luôn có những cuộc cạnh tranh trực tiếp giữa các dự án với nhau để giành thị phần. Những cuộc chiến tranh người dùng chưa bao giờ hết nóng. Chúng ta có những cú vampire attack như:

  • SushiSwap (SUSHI) sử dụng chiến lược thu hút người dùng của Uniswap (UNI) bằng cách thưởng SUSHI cho người nắm giữ LP token của Uniswap.
  • Dự án NFT Marketplace LooksRare (LOOKS) sử dụng chiến thuật tương tự để thu hút người dùng của OpenSea - nền tảng giao dịch NFT lớn nhất thị trường crypto.
  • Trước đó, Zora và OpenDAO (SOS) cũng sử dụng chiến thuật này để thu hút người dùng trên OpenSea.

Đội ngũ phát triển LooksRare sử dụng dữ liệu on-chain để tìm ra những ví có hoạt động tích cực (khối lượng giao dịch trên 3 ETH trong vòng 6 tháng) trên OpenSea và airdrop tới những ví này tổng 120 triệu token LOOKS (12% tổng cung). Để claim được airdrop, người dùng phải list 1 NFT trên LooksRare.

Về tính ứng dụng của LOOKS, người nắm giữ có thể stake để nhận thêm LOOKS và phí giao dịch trên nền tảng LooksRare. Ngoài ra, LooksRare thu 2% phí dựa trên giá trị NFT được trao đổi, trong khi OpenSea thu 2.5% phí. Để cạnh tranh với OpenSea, LooksRare còn tập trung vào nhà đầu tư nắm giữ token và cung cấp dịch vụ rẻ hơn.

doanh thu opensea và looksrare 2022
Doanh thu của OpenSea và LooksRare

Chiến thuật vampire attack của LooksRare bắt đầu từ tháng 1/2022, chạm “long mạch” của OpenSea và đạt hiệu quả tức thì. Cụ thể, doanh thu của LooksRare trong tháng 1 và tháng 2/2022 lần lượt là 240 triệu USD và 154 triệu USD, bằng khoảng 50% doanh thu của OpenSea. Điều này đã tạo đà phát triển tốt cho dự án.

Mặc dù có khởi đầu thuận lợi nhưng doanh thu nền tảng LooksRare nhanh chóng suy giảm. Sáng tháng 6 và tháng 7/2022, doanh thu của dự án chỉ còn khoảng 6-7 triệu USD, thấp hơn doanh thu của OpenSea tới 8 lần. 

opensea dd revenue
Mức giảm doanh thu của OpenSea và LooksRare

Sử dụng vampire attack giúp LooksRare bứt phá giai đoạn đầu khi cạnh tranh công khai với OpenSea, nhưng người dùng đã rời khỏi nền tảng sau khi được airdrop hoặc incentive không còn quá hấp dẫn. Điều này khiến doanh thu của LooksRare giảm thấp nhất đến 97%. 

Magic Eden

doanh thu magic eden
Doanh thu của Magic Eden

Xét về doanh thu, Magic Eden đang không sở hữu các con số ấn tượng như những NFT Marketplace trên Ethereum là OpenSea hay LooksRare. 

Tổng hợp sự kiện nổi bật của Magic Eden trong năm 2022:

  • Tháng 3: Gọi vốn 27 triệu USD vòng Series A.
  • Tháng 7: Gọi vốn 130 triệu USD vòng Series B định giá 1.6 tỷ USD. Ra mắt quỹ Magic Ventures tập trung vào mảng Web3 Gaming.
  • Tháng 8: Sẽ hỗ trợ NFTs trên Ethereum. Đề xuất xây dựng một NFT marketplace cho những người nắm giữ $APE.

Trong tháng 8/2022, Magic Eden ra thông báo sẽ hỗ trợ NFT trên Ethereum sau khi đã hoàn toàn áp đảo mảng NFT Marketplace trên Solana. Trước đó, vào tháng 4, OpenSea ra thông báo hỗ trợ NFT trên mạng Solana. Điều này tạo nên cuộc đua cạnh tranh thị phần giữa OpenSea và Magic Eden trên Ethereum và Solana.

Tìm hiểu thêm: Ai sẽ là người lật đổ gã khổng lồ OpenSea?

Doanh thu nhóm Derivatives 

dYdX thông báo sẽ đổ bộ hệ sinh thái Cosmos

dYdX là dự án cho phép người dùng giao dịch phái sinh hàng đầu trong thị trường. Nền tảng này trở nên phổ biến nhờ chiến lược airdrop token khủng, 75 triệu DYDX (7.5% tổng cung) cho khoảng 64,000 ví crypto hợp lệ, tức mỗi ví trung bình  nhận ít nhất 1,000 DYDX (giá cao nhất 27 USD, giá hiện tại khoảng 2 USD). Ở thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư thay đổi vị thế nhờ airdrop của dYdX.

doanh thu dydx synthetic gmx
Doanh thu của dự án Derivatives: dYdX, Synthetix, và GMX

Doanh thu của dYdX đang áp đảo các dự án cùng nhóm derivatives. Trong 4 tháng đầu năm 2022, doanh thu dYdX đều hơn 40 triệu USD. Đến giữa năm 2022, bối cảnh thị trường tiếp tục bearish cộng thêm sự bứt phá doanh thu của dự án Synthetix khiến doanh thu của dYdX giảm nhưng không nhiều.

tvl nhóm dự án derivatives
TVL của một số dự án Derivatives

Trong tháng 6/2022, dYdX ra thông báo phát triển blockchain Layer 1 riêng chuyên giao dịch trên Cosmos (chi tiết tại đây). Điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu và TVL của dYdX. 

Narrative Real Yield tập trung vào Synthetix và GMX

Trong bối cảnh thị trường bearish, xu hướng Real Yield (lợi nhuận được tính sau khi trừ đi lạm phát) bắt đầu nổi lên. Các dự án DeFi tạo ra doanh thu và lợi nhuận được kỳ vọng có cơ hội sống sót cao qua mùa đông crypto, hoặc ít nhất là sống lâu hơn các dự án khác. Trong mảng derivatives, xu hướng Real Yield tác động tích cực lên hai dự án sàn giao dịch phái sinh là Synthetix và GMX.

doanh thu synthetix gmx
Doanh thu của Synthetix và GMX

Synthetix (SNX) cho phép các trader giao dịch phái sinh các tài sản tổng hợp như crypto, vàng, tiền pháp định, chứng khoán… Doanh thu nền tảng này tăng đột biến giữa năm 2022. Cụ thể, doanh thu tháng 6 và tháng 7 của nền tảng lần lượt là 9 triệu USD và gần 10 triệu USD, trong khi doanh thu các tháng trước đó chỉ khoảng 1 triệu USD. Với doanh thu tăng hơn 9 lần, Synthetix đang được cộng đồng crypto chú ý.

Lý do đằng sau cú bứt phá của Synthetix có thể là do vào tháng 5/2022, nền tảng này tham gia Curve War với stablecoin sUSD (được tạo ra khi stake SNX), Ngoài ra, dự án hợp tác với Lyra Finance (LYRA) - nền tảng giao dịch option trên Optimism - để tạo thêm incentive nhằm thu hút veCRV vào sUSD pool. 

Bên cạnh đó, sự vươn lên của Layer 2 Optimism mang lại lợi ích lớn cho Synthetix. Theo DeFiLlama, trong tháng 7 và tháng 8, TVL của hệ sinh thái Optimism tăng 4 lần, chỉ từ khoảng 250 triệu USD lên hơn 1 tỷ USD. Synthetix đang là protocol có TVL lớn thứ 2 trong hệ sinh thái Optimism, chỉ sau nền tảng lending Aave. Do đó, dự án sẽ có nhiều không gian phát triển trên Optimism.

GMX (GMX) là nền tảng giao dịch spot và phái sinh hoạt động chính trên mạng Arbitrum và Avalanche. Nền tảng có 2 loại token: GMX là token quản trị và GLP là token của người cung cấp thanh khoản. Người dùng có thể sử dụng các tài sản crypto để mint GLP và redeem crypto bằng việc trả lại token GLP. Ngoài việc nhận thưởng GMX, người nắm giữ GLP nhận được 70% phí giao dịch trên nền tảng GMX. 

Từ đầu năm đến nay, nền tảng giao dịch GMX giữ doanh thu ở mức bền vững. Trong suốt 8 tháng, doanh thu của GMX xoay quanh khoảng 4-7 triệu USD, không có dấu hiệu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường giai đoạn downtrend.

Thị trường diễn biến xấu nhưng hầu hết mọi chỉ số của GMX đều đi ngược lại xu hướng thị trường, đặc biệt khi TVL của GMX đứng đầu hệ sinh thái Arbitrum. Giữa năm 2022, xu hướng dự án tạo ra doanh thu và xu hướng blockchain Layer 2 phát triển, giúp GMX được hưởng lợi lớn, vì GMX vừa là dự án có doanh thu vừa được các nhà đầu tư đầu cơ vào khi Arbitrum chưa ra token.

⇒ Mô hình chia sẻ doanh thu cho người nắm giữ GLP của GMX cho thấy định hướng lâu dài của dự án với thị trường. Hơn nữa, GMX đã chứng minh thực lực khi doanh thu 8 tháng đầu năm ở mức ổn định. Do đó, có thể nói GMX đang là dự án nổi bật trong category Derivatives.

Để hiểu thêm về mô hình của GMX và cách dự án tạo ra lợi ích cho người dùng, tham khảo: Phân tích mô hình hoạt động GMX

Doanh thu nhóm Infrastructure

doanh thu nhóm infrastructure 2022
Doanh thu của một số dự án Infrastructure: Filecoin, Helium, Arweave, The Graph

Doanh thu của Filecoin tăng trưởng từ đầu năm 2022 đến nay. Doanh thu tháng 1 khoảng 1 triệu USD nhưng tháng 3 và tháng 4 đều có doanh thu khoảng 5 triệu USD. Mô hình kinh doanh của Filecoin tương tự các công ty lưu trữ đám mây, theo đó người dùng trả phí theo hợp đồng với Filecoin để lưu trữ dữ liệu trên blockchain. 

Bên cạnh Filecoin, một dự án khác tên Arweave cũng tham gia mảng decentralized storage. Arweave là một mạng lưới lưu trữ phi tập trung cho phép người dùng tải lên dữ liệu. Tuy nhiên, doanh thu theo tháng của Arweave trung bình chỉ khoảng 50,000 USD, lý do có thể nền tảng này sử dụng cơ chế trả một lần và lưu mãi mãi thay vì cơ chế đăng kí như Filecoin.

Gần đây, dự án Helium gây tranh cãi gần đây với lợi nhuận của các điểm phát sóng vật lý (Hotspot node của mạng lưới Helium) không  như mong đợi. Trong 4 tháng đầu năm, doanh thu của dự án ở mức ổn định, khoảng 5 triệu USD một năm, nhưng doanh thu lại giảm trong hai tháng tiếp theo.

Trong đầu năm 2022, dự án The Graph (GRT) có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng. Cụ thể, 4 tháng đầu năm, dự án có doanh thu ở mức thấp, dưới 5,000 USD. Đến giữa năm, dự án có doanh thu dương, với 60,000 USD trong tháng 6 và 43,000 USD trong tháng 7. Tuy nhiên, mức doanh thu này so với 1 tỷ USD vốn hóa thị trường của GRT (tại thời điểm viết bài) vẫn còn rất nhỏ.

⇒ Nhìn chung, doanh thu một vài dự án tiêu biểu nhóm infrastructure đều ở mức ổn định. Điều này cho thấy dù downtrend nhưng những dự án infrastructure vẫn là một phần không thể thiếu.

Tổng kết

Thị trường crypto đang ở giai đoạn có những dự án sở hữu doanh thu thực sự, điều này tạo lợi thế cạnh tranh về dài hạn. Hai mảng AMM DEX và NFT Marketplace tạo ra nhiều lợi nhuận và những dự án đứng đầu đang chiếm ưu thế về mặt doanh thu. Tuy nhiên, thị trường vẫn có những dự án đang vươn lên với chiến lược lâu dài và hợp lý, do đó, theo dõi doanh thu của những dApp này có thể đưa tới những dự đoán trong dài hạn.

RELEVANT SERIES