100+ thuật ngữ Crypto và Blockchain quan trọng cần biết!
Thông tin trong crypto rất đa dạng và có nhiều thuật ngữ mới lạ, để giúp anh em dễ dàng hơn trong việc hiểu các thuật ngữ cũng như nghiên cứu thông tin các dự án, Coin98 Insights đã lên một danh sách các thuật ngữ Blockchain quan trọng và thường dùng trong thị trường crypto để anh em tham khảo.
Anh em muốn tìm thuật ngữ nào thì có thể sử dụng phím tắt Ctrl + F và nhập từ khóa để tìm kiếm nhanh hơn và chính xác hơn. Nếu anh em thấy bất kỳ từ nào không có trong danh sách thì anh em comment để Coin98 Insights cập nhật đầy đủ hơn nhé!
Altcoin
Altcoin là tên gọi chung của những loại cryptocurrency khác với Bitcoin. Phần lớn các Altcoin trước đây đều là những phiên bản cải tiến của Bitcoin. Hiện nay, các Altcoin là Token Utility (token đa dụng) đại diện cho một dự án và có giá trị sử dụng trong hệ sinh thái của dự án.
Ví dụ: LINK token dùng để thanh toán Node Operator, BNB dùng để trả phí giao dịch trên sàn Binance.
Nhắc đến Altcoin chúng ta sẽ thường nghe đến "Mùa altcoin". Mùa Altcoin là khoảng thời gian các đồng Altcoin đồng loạt tăng giá rất mạnh với mức lợi nhuận x2, x3 thậm chí là x10 lần trong vài tuần. Vậy làm sao để nhận biết mùa altcoin để không bỏ lỡ cơ hội?
Tìm hiểu ngay: Dấu hiệu nhận biết mùa Altcoin sắp đến.
AMA - Hỏi tôi bất cứ thứ gì
AMA là viết tắt của Ask Me Anything - Hỏi tôi bất cứ thứ gì, là một sự kiện online giải đáp các câu hỏi của cộng đồng. AMA có thể là Livestream, hoặc live giải đáp trên Facebook, Telegram... giải đáp thắc mắc.
AMA cũng là chuyên mục được rất nhiều anh em yêu thích của Coin98 Wallet. Hàng tuần, Coin98 Wallet sẽ có một buổi AMA với một dự án nhằm giải đáp mọi thắc mắc của cộng đồng, bên cạnh đó còn có một phần thưởng Airdrop dành cho những câu hỏi hay do chính dự án chọn.
Airdrop
Airdrop là hình thức tặng token miễn phí cho người dùng. Một số hình Airdrop thường thấy là: retroactive, hold & stake token chủ, thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của dự án,…
Airdrop thường được sử dụng trong các chiến lược quảng cáo, giới thiệu dự án ICO để thu hút người dùng tham gia vào cộng đồng dự án coin. Nhưng làm sao chọn được dự án để làm airdrop và làm airdrop như thế nào để tăng cơ hội nhận thưởng? Bài viết dưới đây sẽ giúp ích cho bạn.
Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn làm Airdrop "dễ ăn" & hiệu quả.
ASIC
ASIC (Application-Specific Integrated Circuit) là mạch tích hợp chuyên dụng được sản xuất dành riêng cho một mục đích cụ thể. Ví dụ như máy đào Bitcoin ASIC, đây là máy đào làm việc với hiệu suất khai thác tối ưu nhất vì tất cả tài nguyên của chúng sẽ tập trung để thực hiện một nhu cầu đó là đào Bitcoin.
ATH - Cao nhất mọi thời đại
ATH (All Time High) là điểm cao nhất (có thể là về giá hoặc vốn hóa) mà một đồng coin, một cổ phiếu,... đạt được trong lịch sử giá của nó.
Ví dụ: ATH của Bitcoin là $64,000.
Aggregator
Aggregator là một nền tảng tổng hợp nhiều tính năng khác nhau. Ví dụ như vừa có thể swap, vừa lending,…
Algorithmic Stablecoin - Stablecoin thuật toán
Algorithmic Stablecoin (Stablecoin thuật toán) là một mô hình Stablecoin kiểu mới, với cơ chế giữ giá tại $1 dựa vào thuật toán chứ không phải tài sản phía sau hỗ trợ.
Ví dụ của Algorithmic Stablecoin là UST với việc tăng giảm cung cầu của LUNA để giữ giá UST.
Asynchronous
Javascript là một trong những ngôn ngữ lập trình được sử dụng trong blockchain. Asynchronous là việc các câu lệnh trong Javascript được thực hiện đồng thời nhưng kết quả câu lệnh không theo đúng trình tự, do đó có thể xử lý nhiều công việc cùng lúc, tối ưu thời gian chạy và xử lý chương trình, đồng thời tối ưu sức mạnh tài nguyên.
Tuy nhiên, do các câu lệnh được thực hiện đồng thời và không theo thứ tự, dự án sẽ khó kiểm soát cũng như debug.
BAGHOLDER
BAGHOLDER là những người nắm giữ coin số lượng lớn để chờ giá lên và bán trong tương lai.
Bắt đáy
Bắt đáy (Bottom Fishing) là hành động mua vào ở giá thấp của nhà đầu tư. Với suy nghĩ rằng điểm đó là giá thấp nhất có thể và hy vọng giá sẽ tăng trở lại để kiếm lợi nhuận lớn.
Blockchain
Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian.
Hiểu đơn giản, Blockchain là một cuốn sổ cái điện tử được phân phối trên nhiều máy tính khác nhau, lưu trữ mọi thông tin giao dịch, và đảm bảo các thông tin đó không thể bị thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi thông tin được lưu trên cuốn sổ cái đó sẽ được xác nhận bởi hàng loạt máy tính được kết nối trong một mạng lưới chung. Sẽ không một cỗ máy nào có khả năng thay đổi, viết đè lên hay xóa dữ liệu trong cuốn sổ cái đó.
Vậy cấu tạo và cơ chế hoạt động của Blockchain ra sao? Tính bảo mật của Blockchain được đảm bảo như thế nào? Tìm hiểu tại đây: Tính chất và cách hoạt động của Blockchain
Bull Market (Bullish) - Thị trường Bò
Bull market (hay Bullish) là thuật ngữ chỉ một thị trường đang trong một xu hướng tăng trưởng, có sự tăng nhanh về giá các loại coin/token nhiều hơn mức bình quân trong lịch sử. Đặc biệt, chúng tăng trong một thời gian dài trong lượng mua bán lớn.
Trong Bull Market, nhu cầu mua sẽ lớn hơn nhu cầu bán.
Bear market (Bearish) - Thị trường gấu
Ngược lại với Bull market, Bear market (hay Bearish) là thuật ngữ chỉ thị trường đang trong một xu hướng giảm, lúc này giá các loại coin/token sẽ giảm một cách đột ngột, liên tục và kéo dài.
Trong Bear Market, nhu cầu bán sẽ lớn hơn nhu cầu mua.
Breakout - Giá phá vỡ
Breakout là một thuật ngữ trong Phân tích kỹ thuật mô tả hiện tượng giá vượt qua mức hỗ trợ hoặc mức kháng cự.
Các công cụ kỹ thuật nhằm xác định điểm phá vỡ giá được sử dụng có thể là các đường trung bình trượt, các đường xu hướng, các mẫu hình giá (như mẫu hình đầu và vai, các mẫu hình nến v.v.) cùng các chỉ số kỹ thuật khác.
Bridge - Cầu nối Blockchain
Theo đúng nghĩa đen, Bridge là cầu nối giữa các blockchain với nhau. Lý do của việc này là tài sản trên các blockchain sẽ ở các chuẩn khác nhau nên không thể giao dịch qua lại được, lúc này cần có bridge.
Như vậy, Cross-chain bridge là cầu nối cross-chain cho phép chuyển giao các tài sản crypto, tokens hay dữ liệu từ Blockchain này sang Blockchain khác, trong đó bao gồm các layer 1, layer 2, sidechain, childchain.
Cross-chain bridge hiện nay đã dần trở nên phổ biến với nhiều loại hình khác nhau, nhiều dự án với các cơ hội đầu tư đa dạng khác nhau. Bạn có thể tìm hiểu thêm về tiềm năng và xu hướng tất yếu của Cross-chain bridge trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu thêm: Cross-chain Bridge là gì?
Circulating Supply - Cung lưu thông
Circulating Supply là tổng số lượng Coin đang được lưu thông trên thị trường.
CEX - Sàn giao dịch tập trung
CEX là viết tắt của Centralized Exchange - sàn giao dịch tập trung, được quản lý bởi một bên thứ 3 (công ty hoặc tổ chức chủ sàn), mọi tài sản điện tử bạn nạp vào tài khoản trên sàn đều được quản lý và kiểm soát bởi công ty hay tổ chức đó. Ví dụ như Binance, Okex, Huobi,...
Ưu điểm của sàn CEX là tốc độ xử lý giao dịch nhanh và tính thanh khoản cao, tuy nhiên, tài sản của bạn sẽ bị kiểm soát 100% bởi sàn giao dịch đó. Do đó, ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn sàn CEX là độ uy tín của sàn.
Tham khảo thêm: Top 5 sàn giao dịch tập trung (CEX) uy tín
Child node
Child node là một loại nút trong Blockchain, được mở rộng từ một nút khác gọi là Parent node.
Collateral asset - Tài sản thế chấp
Collateral asset nghĩa là tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp là tài sản của người dùng gửi vào các dự án trên để vay ra một khoản tiền. Nếu muốn nhận về tài sản thế chấp, cần phải trả lại khoản vay kèm một phần phí (tùy dự án). Collateral asset thường được thấy cùng với các dự án Lending như MakerDAO, Venus, Unit Protocol,…
Cross-chain - Chuỗi chéo
Cross-chain là một giải pháp giúp chuyển tài sản từ chain này sang chain khác, nhằm tối ưu khả năng kết hợp giữa các chain và thường được sử dụng cho các dự án có mặt trên nhiều blockchain.
Ví dụ như người dùng có thể sử dụng dịch vụ của Sushiswap trên Polygon, Ethereum,…
Cliff
Từ này thường được thấy ở mục token release schedule của các dự án. Cliff được hiểu là một khoảng thời gian bị khóa token, những người nằm trong mục này sẽ không nhận được bất kỳ token nào. Thường sẽ áp dụng cho token của team, advisors hoặc investors nắm giữ
Ví dụ: Team Allocation: Cliff 12 tháng, vesting 12 tháng, nghĩa là 12 tháng đầu không có token cho team, từ tháng 13 tới tháng 24 sẽ trả dần 1/24 token.
CeDeFi
Sự kết hợp giữa Decentralized Finance và Centralized Finance với các ứng dụng đóng vai trò là cầu nối giữa CeFi và DeFi. Với CeDeFi, các cá nhân và tổ chức có thể tiếp cận với thị trường Crypto và DeFi một cách dễ dàng hơn trong khi vẫn đảm bảo việc tuân thủ các quy định về pháp luật.
Dapp - Ứng dụng phi tập trung
Dapp (Decentralized Applications) là ứng dụng phi tập trung, các ứng dụng này được xây dựng trên các nền tảng & giao thức đã có sẵn. Các Dapp sẽ tập trung giải quyết vấn đề trong một lĩnh vực nào đó và các token sẽ được sử dụng bên trong Dapp.
Vì các Dapp được xây dựng trực tiếp trên các nền tảng nên tính chất của các ứng dụng phi tập trung này sẽ phụ thuộc vào các nền tảng đó. Ví dụ như tốc độ giao dịch, tps, khả năng mở rộng, tính ổn định.
Derivatives - Phái sinh
Derivatives (hay phái sinh) là tên gọi của công cụ tài chính. Nó cho phép nhà đầu tư giao dịch nhiều sản phẩm dựa trên giá cả mà không cần sở hữu sản phẩm đó. Sử dụng các sản phẩm phái sinh cho phép nhà đầu tư mua với số lượng lớn hơn nhiều (đòn bẩy) số tài sản mà họ đang sở hữu.
Ví dụ: Giao dịch phái sinh dầu, Bitcoin, thời tiết,...
DeFi - Tài chính phi tập trung
DeFi (Decentralized Finance) có nghĩa là tài chính phi tập trung. Có thể hiểu đơn giản đây là các ứng dụng tài chính được phát triển trên nền tảng blockchain. Bạn được tự do sử dụng bất kỳ ứng dụng nào, ở bất kỳ đâu mà không cần phụ thuộc vào bên thứ 3 đáng tin cậy như ngân hàng vì chính anh em là người nắm giữ tài sản của mình.
Hạn chế lớn nhất của nền tài chính truyền thống đó là tính tập quyền hay tập trung quyền lực. Và DeFi ra đời để giải quyết vấn đề này. Vậy nó giải quyết vấn đề của nền tài chính truyền thống như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất và tiềm năng của DeFi.
Tìm hiểu thêm: Bản chất DeFi và cách chọn DeFi coin tiềm năng.
Đu đỉnh
Đu đỉnh là từ dân Trader Việt Nam hay gọi khi anh em lỡ mua vào một đồng coin hoặc token ở giá cao nhất, nhưng sau đó giá tụt xuống anh em không kịp bán, dẫn đến lỗ lâu dài.
DYOR - Tự mình nghiên cứu
DYOR là viết tắt của Do Your Own Research - có nghĩa là khuyên người đọc tự nghiên cứu và tìm hiểu về một vấn đề nào đó. Thuật ngữ này thường đặt ở đầu hoặc cuối bài viết như một lời tuyên bố từ chối trách nhiệm (disclaimer) của tác giả về mọi hành động mà người dùng sẽ thực hiện dựa trên các thông tin trong bài viết.
DYOR được đặt vào bài thông thường nhằm mục đích khuyên người đọc nên tìm hiểu kĩ về vấn đề, không nên nghe một chiều từ người viết. Điều này đặc biệt đúng trong Crypto, nơi có rất nhiều người viết tốt về dự án mà họ đã mua token từ trước, nhằm lôi kéo mọi người mua vào.
Những dự án này có cả tốt lẫn xấu. Tốt và xấu ở đây chỉ việc đội ngũ dự án thực sự muốn xây dựng sản phẩm và đi lâu dài cùng Crypto, hay chỉ muốn lấy lợi nhuận ngắn hạn. Vậy DYOR như thế nào để có kết quả đầu tư tốt?
Tìm hiểu thêm: Cách DYOR hiệu quả trong crypto.
DEX - Sàn giao dịch phi tập trung
DEX (Decentralized Exchange) là sàn giao dịch phi tập trung, tức là khi giao dịch tiền điện tử trên các DEX, sẽ không có người hay tổ chức nào đứng sau điều hành mà chỉ có bên mua và bên bán liên kết với nhau, không thông qua trung gian nào cả, ví dụ như Uniswap, Sushiswap, PancakeSwap,… Đối lập với DEX là CEX.
DAO - Tổ chức tự trị phi tập trung
DAO là viết tắt của Decentralized Autonomous Organization - một tổ chức được vận hành bởi các thành viên dựa trên một bộ quy tắc được mã hóa bằng code (bộ quy tắc này có thể là consensus hoặc smart contract).
Tất cả các thành viên đều có quyền biểu quyết các quyết định quan trọng của DAOs. Đổi lại, các thành viên tham gia DAOs phải có phần thưởng khi tham gia vận hành DAOs.
Anh em cứ hiểu đơn giản rằng đây là nhiều nhóm người phối hợp với nhau theo 1 bộ quy tắc để đi đến 1 mục đích chung và sẽ có phần thưởng dành cho từng người tham gia vào quá trình đó.
Dữ liệu on-chain
Dữ liệu on-chain là số liệu của một tài sản trên blockchain, số liệu này có thể là số ví đang giữ token, số lượng giao dịch trong khoảng thời gian nhất định, tình trạng nạp rút trên sàn giao dịch,… Dữ liệu on-chain dùng để dự đoán tình hình hiện tại của tài sản và từ đó đưa ra các giả thuyết trong tương lai, liệu giá sẽ tăng hay giảm, cung cầu thế nào,…
Ecosystem - Hệ sinh thái của Blockchain
Ecosystem là hệ sinh thái của blockchain. Hệ sinh thái trong Crypto là một hệ thống gồm nhiều sản phẩm kết nối và hỗ trợ lẫn nhau bên trong một Blockchain, mỗi Blockchain lúc này cũng giống như một công ty cung cấp cơ sở hạ tầng, họ cũng sẽ muốn phát triển một hệ sinh thái đầy đủ của bản thân.
Không hẳn là có một định nghĩa chính xác một hệ sinh thái sẽ có bao nhiêu dự án, nhưng cũng không quá khó để nhận ra một hệ sinh thái.
Một số hệ sinh thái phổ biến hiện nay là Ethereum, Binance Smart Chain, Solana, Terra, Near,…
Ethereum 2.0
Ethereum 2.0 là bản nâng cấp của Ethereum với việc chuyển từ POW (Proof-of-Work) sang POS (Proof-of-Stake), nhằm cải thiện tốc độ giao dịch và khả năng mở rộng trên Ethereum.
Etherscan
Etherscan là công cụ theo dõi, tìm kiếm, tra cứu các giao dịch đã diễn ra trên mạng lưới Blockchain của Ethereum. Người dùng có thể tìm thông tin tất cả token, địa chỉ ví ERC-20, các giao dịch được thực hiện,… trên Ethereum thông qua Etherscan.
Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn sử dụng Etherscan.
ERC-20
ERC-20 (Ethereum Requetst For Comment) là một trong những công nghệ trong hệ thống Ethereum Network. Đây là một tiêu chuẩn phổ biến nhất được sử dụng cho các Smartcontract trên Ethereum Blockchain khi phát hành Token.
Ngoài ERC-20, còn có các chuẩn token khác trên mạng lưới của Ethereum như ERC-721, ERC223...
EMA
EMA (Exponential Moving Average) là đường trung bình động lũy thừa, dùng trong phân tích kỹ thuật. Các EMA có thể được xem như kháng cự, hỗ trợ của nến.
Fiat
Tiền Fiat còn được gọi là tiền pháp định, là đồng tiền được phát hành bởi chính phủ. Fiat không có giá trị nội tại, giá trị của Fiat dựa trên khả năng sử dụng và tiềm lực tài chính của quốc gia.
Đồng tiền Fiat có sức nặng nhất hiện nay là USD do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát hành dưới sự bảo lãnh của Chính phủ liên bang Hoa Kỳ.
Fibonacci
Fibonacci là một chỉ báo trong phân tích kỹ thuật có nguồn gốc từ một lý thuyết toán học của Leonardo Fibonacci sống ở thế kỷ 12. Các trader thường sử dụng fibonacci để vẽ các đường kháng cự hỗ trợ, tìm điểm ra vào lệnh cũng như vị trí chốt lời, cắt lỗ.
FOMO - Hội chứng sợ bỏ lỡ
FOMO là viết tắt của Fear of Missing Out, tức hội chứng sợ bỏ lỡ, sợ mất cơ hội. Đây là tâm lý rất phổ biến của nhà đầu tư, có mặt trong hầu hết các hình thức giao dịch từ chứng khoán, đến tiền điện tử,...
Full lock duration
Bao gồm cả giai đoạn Cliff (nếu có). Đa phần các trường hợp nếu không có Cliff thì full lock duration = vesting period.
Ví dụ team/seed token thì sau TGE thường không bắt đầu vest liền, mà thường có clift 1 thời gian. Nếu clift 12 tháng, vesting linear 24 tháng tức là 12 tháng đầu không có phân phối coin, sau đó từ tháng 13 đến tháng 36 nhận mỗi tháng 1/24 số coin
Full node
Full node có khả năng tải bản sao hoàn chỉnh của mạng lưới Blockchain nào đó và kiểm tra giao dịch mới nào dựa trên nguyên tắc đồng thuận - Consensus.
Flash Loan - Khoản vay nhanh
Flash Loan là hình thức vay không cần tài sản thế chấp (uncollateralized) với điều kiện số tiền vay phải được trả lại cho nền tảng cho vay trong cùng một giao dịch. Nghĩ đơn giản là, anh em vay sau đó làm ABC với khoản vay đó, sau cùng trả lại số tiền đã vay tất cả các hoạt động đó được diễn ra trong 1 giao dịch.
FUD - Sợ hãi, không chắc chắn, nghi ngờ
FUD là viết tắt của Fear, Uncertainty & Doubt, đây là một trạng thái lo lắng, hoài nghi, không chắc chắn về thị trường của các nhà đầu tư. Trạng thái này thường xuất hiện khi các tin xấu của thị trường xuất hiện, sẽ khiến cho các nhà đầu tư bán tháo.
FOMO và FUD đều là những yếu tố ảnh hưởng lớn lên quá trình ra quyết định giao dịch tiền điện tử của các trader. Bởi nó có thể khiến tài sản của bạn bị giảm dần sau mỗi lần bị FOMO hoặc FUD, đồng thời khiến các trader không còn tin vào nhận định, quyết định của bản thân. Thế thì phải làm sao để tránh tâm lý FOMO & FUD?
Tìm hiểu thêm: 4 cách vượt qua tâm lý FOMO và FUD.
FDV
FDV là viết tắt của Fully Diluted Cap, cách tính là (tổng số token tối đa của dự án * giá trị 1 token tại thời điểm đó). Thông thường, CoinGecko và CoinMarketCap đều có ghi FDV trong từng token.
Gas fee - Phí Gas
Khi người dùng thực hiện bất kỳ transaction nào trên blockchain (mua bán, approve,…) mà cần thực hiện đưa transaction vào block, cần tốn một khoản phí, gọi là Gas Fee. Gas fee được tính dựa trên Gwei, Gwei càng lớn, gas fee càng tốn nhiều hơn, nhưng bù lại giao dịch sẽ được thực hiện nhanh hơn.
Công thức tính phí gas: Gas Fee = Gas Limit * Gas Price
Tìm hiểu thêm: Gas Limit & Gas Price là gì?
Gas war
Gas war là thuật ngữ chỉ hành động nhiều người dùng cố tình tăng gwei, trả tiền nhiều hơn để giao dịch hoàn thành. Việc này ảnh hưởng đến mạng lưới blockchain, bởi vì những người dùng khác sẽ phải trả phí đắt hơn rất nhiều để giao dịch diễn ra. Hành động Gas war thường được thực hiện bởi bot là chính.
Gem
Gem - hay Hidden Gem, là từ dùng để chỉ những dự án tiềm năng nhưng giá token/coin vẫn còn thấp. Những dự án này thường là Low Cap hoặc Mid Cap, được kì vọng là tăng trưởng rất cao (x5, x10,... thậm chí x100).
Hackathon - Cuộc thi phát triển phần mềm
Hackathon là những cuộc thi dành cho các nhà phát triển, tạo ra các dự án tiềm năng cho một hệ sinh thái nào đó. Sẽ có các giải thưởng dành cho các dự án, được chấm bởi các ban giám khảo.
Một số ví dụ về hackathon là: DeFi Connected Hackathon của Terra, Solana Season Hackathon của Solana,…
Halving
Halving là sự kiện giảm một nửa phần thưởng khối. Cứ sau khoảng 4 năm, Bitcoin lại trải qua sự kiện quan trọng này, gọi là Bitcoin Halving.
Đây là một tính năng mô phỏng quá trình khai thác vàng, làm tăng tính khan hiếm và sự khó khăn trong quá trình khai thác. Không chỉ riêng Bitcoin, Litecoin và một số đồng coin khác cũng có sự kiện Halving như thế.
Hard Cap - Vốn huy động tối đa
Hard Cap là mức vốn tối đa mà dự án muốn huy động thông qua ICO, IEO...
Hard fork
Hard fork là một bản cập nhật của hệ thống Blockchain sẽ gây xung đột với phiên bản cũ, điều này dẫn đến từ một hệ thống Blockchain bị chia thành hai hệ thống.
Một hard fork đình đám của Bitcoin đó là Bitcoin Cash, Bitcoin Cash Hard Fork ra từ Bitcoin để nâng dữ liệu của khối lên 8MB.
Hodl/Hold Coin
Hodl (Hold on to dear life) hay Hold coin là thuật ngữ trong thị trường crypto ám chỉ việc nắm giữ tiền điện tử. Hold coin là hình thức đầu tư dài hạn, nhà đầu tư mua và trữ trong thời gian dài chờ tăng giá. Một số ví dụ thường gặp về từ này: “Hold to die”, “Hodl hay xả”, “Hold con nào?”...
Người hold thường được gọi là Holder. Trái ngược với Holder là Trader.
HYIP - Chương trình đầu tư siêu lợi nhuận
HYIP là viết tắt của cụm từ "High Yield Investment Programs", tức các chương trình đầu tư siêu lợi nhuận. Tuy nhiên hầu như 100% các dự án ủy thác đầu tư lợi nhuận lớn đều sẽ scam.
Vậy tại sao nhiều nhà đầu tư vẫn bỏ tiền vào các dự án HYIP? Bởi vì không phải tất cả những ai đầu tư vào mô hình HYIP đều mất trắng, nếu như bạn biết cách chọn lọc và có kế hoạch đầu tư hợp lý.
Tìm hiểu thêm: Có nên đầu tư HYIP không?
ICO - Phát hành Coin lần đầu
ICO (Initial Coin Offering) có nghĩa phát hành đồng tiền lần đầu, đây là một cách gọi vốn trong thị trường Crypto. Tương tự với IPO (Initial Public Offering) là một hình thức gọi vốn của các công ty thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu.
IDO
IDO là từ viết tắt của của Initial Decentralized Exchange Offering. Đây cũng là một hình thức gọi vốn, nhưng nơi gọi vốn không phải là sàn tập trung (Centralized Exchange) như Binance, mà là các nền tảng phi tập trung như Polkastarter, Poolz, Dao Maker,..
IEO
IEO là từ viết tắt của Initial Exchange Offering, nó cũng giống như ICO, cũng là một hình thức kêu gọi vốn. Nhưng IEO là crowdfunding thông qua việc chào bán token trên các sàn giao dịch.
Chắc anh em có lẽ quen thuộc với Binance Launchpad, các dự án niêm yết trên này đều được chào bán với hình thức IEO, một số dự án gần đây như Injective Protocol (INJ), Sandbox (SAND),...
IFO
IFO là từ viết tắt của Initial Farm Offering. Tương tự IDO, ICO, cũng là một hình thức gọi vốn. Nhưng IFO sẽ dùng LP token (token nhận được khi cung cấp thanh khoản) để làm vé tham dự IFO.
IPO
IPO (Initial Public Offering), mang nghĩa gốc là “Phát hành lần đầu ra công chúng”. Thuật ngữ này được dùng để chỉ một công ty lần đầu tiên huy động vốn rộng rãi từ công chúng thông qua việc lần đầu phát hành cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán.
Impermanent loss (IL) - Tổn thất vô thường
Impermanent loss đôi khi được một số nơi dịch là “tổn thất vô thường”, đây là từ chỉ việc giá trị tài sản bị giảm khi so sánh giữa việc cung cấp thanh khoản và mua để nguyên trong ví, không làm gì hết. Thuật ngữ này trở nên phổ biến vào khoảng tháng 8/2020, khi phong trào Yield Farming trở nên hot.
KYC - Xác minh danh tính
KYC (Know your customer) có nghĩa là biết khách hàng của bạn, là một quy định buộc các công ty hoạt động trên thị trường Crypto phải biết về khách hàng của họ. Quy định này là các để các chính phủ chống việc rửa tiền và các hành động phi pháp trên thị trường tiền ảo.
Layer
Layer chỉ các lớp blockchain. Layer 1 là blockchain, Layer 2 là giải pháp cho các hạn chế của Layer 1. Layer 2 hiện tại chỉ xuất hiện ở Ethereum bởi những bất lợi về phí giao dịch cao, dễ tắt nghẽn, không mở rộng được,…
Leaf node
Đây cũng là một loại nút bên trong các Blockchain. Leaf node là nút không có child node nào.
Launchpad
Launchpad là nơi các dự án hiện nay sử dụng để phát hành token và gọi vốn IDO, có thể kể đến một vài cái tên như Polkastarter, DAO Maker, Solstarter, BSCPad,…
Leverage - Đòn bẩy
Leverage là đòn bẫy, chỉ việc người dùng mượn tiền của sàn để long/short. Việc này sẽ giúp người chơi ít vốn kiếm được nhiều tiền hơn nếu giá đi theo chiều hướng thuận lợi (Long xong giá tăng, hay short xong giá giảm), nhưng cũng làm người chơi mất tiền khi giá đi theo chiều ngược lại (Long mà giá lại giảm, hay short mà giá lại tăng).
Liquidity - Thanh khoản
Liquidity là thanh khoản trên sàn DEX hoặc CEX. Nếu thanh khoản nhiều, đồng nghĩa với việc giao dịch sẽ không bị lệch giá quá nhiều, do nhu cầu mua bán của thị trường cao.
Một ví dụ của tài sản thanh khoản cao là BTC và ETH, nếu mua bán số lượng khoảng $10,000 cũng không làm thị trường biến động giá nhiều, nhưng nếu dùng $10,000 mua những token mới ra mắt, sẽ đẩy giá lên rất cao vì không có ai bán.
Liquidity Provider - Người cung cấp thanh khoản
Đây là những người cung cấp thanh khoản cho sàn DEX (Uniswap, Sushiswap,…), đổi lại họ sẽ nhạn được một phần/hoàn toàn phí giao dịch, có thể kèm thêm một số lợi ích khác như token dự án. Tuy nhiên, việc này nếu không tính toán kĩ sẽ dẫn đến Impermanent lost.
Long - Mua có đòn bẩy
Long là hành động mượn tiền của sàn theo một đòn bẫy nhất định để mua một tài sản, sau đó đợi giá cao thì bán ra và trả lại vốn (kèm phí mượn) cho sàn.
Ví dụ: Người chơi có $100, sử dụng đòn bẫy x10, có nghĩa là đang mượn sàn $900 để tạo ra vốn $1,000. Sau đó khi giá tài sản lên thì đóng lệnh long, bán ra và trả lại sàn $900 + phí, phần lời và vốn sẽ thuộc về người chơi. Tuy nhiên, nếu giá tài sản giảm mạnh, sẽ bị thanh lý và mất $100 vốn. Đây là phương pháp giao dịch rủi ro cao, lợi nhuận cao.
Mainnet - Mạng chính thức
Mainnet là mạng chính thức - phiên bản Blockchain chính thức sau khi các nhà phát triển (developer) thử nghiệm trên testnet thành công.
Khi mainnet được phát hành, đồng nghĩa với việc đồng coin đó có mạng Blockchain độc lập, có nền tảng ví riêng... Tuy nhiên, mainnet có thể bị thay đổi khi xuất hiện những cập nhật mới từ nhóm dự án.
Margin - Giao dịch đòn bẩy
Margin (hay Margin Trading) là cách thức giao dịch mượn tài sản của sàn để nâng cao vốn, sau khi chốt lời hoặc bị thanh lý, tài sản sẽ được trả về sàn. Margin bao gồm long/short (mua, bán khống).
Mint
Mint nghĩa là đào, tạo ra token, có thể gặp ở các dự án yêu cầu sử dụng tài sản thế chấp để vay ra token mong muốn (mint).
Money Flow - Dòng tiền
Money Flow được hiểu là dòng tiền của thị trường nói chung. Khi dòng tiền đổ vào một hệ sinh thái, sẽ làm cho các token trong hệ tăng giá. Có thể hiểu là “nước lên thuyền lên”.
Multichain - Đa chuỗi
Multichain chỉ các dự án được xây dựng tích hợp với nhiều blockchain, việc này giúp các tài sản trên blockchain khác nhau có thể sử dụng dịch vụ của dự án mà không cần chuyển đổi qua một blockchain cụ thể nào.
Market cap - Giá trị vốn hóa
Market cap là giá trị vốn hóa, tính bằng công thức Giá đồng coin x Số lượng coin lưu thông.
MasterNodes
Những máy chủ thực hiện các chức năng khác nhau trên hệ thống. Trong thực tế, masternode là những ví Blockchain, chạy online tại một địa chỉ IP tĩnh cố định.
Minning, Minner
Mining là hoạt động đào coin và Miner là những người tham gia đào coin.
MMO - Kiếm tiền Online
MMO là thuật ngữ được viết tắt của từ “Make Money Online” hay còn được gọi là kiếm tiền online. Đây là công việc bạn sử dụng một chiếc máy tính hoặc điện thoại (phần lớn là máy tính) có kết nối mạng Internet để làm các công việc với mục đích cuối cùng là kiếm tiền.
NFT
NFT là viết tắt của Non-fungible token, nghĩa là token không thể thay thế. Ví dụ như một tờ tiền $5 của bạn A sẽ có thể đổi với tờ tiền $5 của bạn B vì giá trị như nhau (đó là ví dụ của token thay thế được). Nhưng một căn nhà của bạn A không thể nào đổi với căn nhà của bạn B vì tính chất hoàn toàn khác nhau (đó là ví dụ của token không thể thay thế được).
NFT thường dùng cho nghệ thuật, game là chính với những định dạng khác nhau như ERC721, ERC1155,…
Non-custodial
Non-custodial thường chỉ sàn DEX và ví không lưu trữ tiền của người dùng. Nghĩa là nhà sản xuất chỉ có việc tạo ra sản phẩm, người dùng sẽ giữ tài sản của mình. Khác với DEX là CEX, người dùng phải tạo tài khoản và nạp tiền lên sàn, nghĩa là sàn sẽ giữ số tiền này.
Một điều nữa để phân biệt Non-custodial và Custodial là việc người dùng có nắm passphrase, private key của ví hay không. Nếu có thì là Non-custodial.
Tìm hiểu thêm: Cách lưu trữ Private Key & Passphrase an toàn, bảo mật nhất.
Nonce
Blockchain gồm 3 thành phần chính: Block (khối), Node và Miner (thợ đào). Mỗi block trong blockchain lại chứa 3 thành phần cơ bản bao gồm: Dữ liệu, Nonce và Hash (hàm băm). Nonce là một số nguyên 32 bit (4 byte), được thêm vào hàm băm trong một blockchain. Đây là con số các thợ đào cần tìm ra để nhận thưởng. Chẳng hạn, mining trên Ethereum blockchain sẽ giúp thợ đào nhận về 5 ETH.
Độ khó của việc xác định nonce trên một blockchain để thêm vào hàm băm là như nhau. Nếu trong một thời gian nhất định, các thợ đào không tìm ra số nonce phù hợp, dự án sẽ điều chỉnh độ khó của block đó. Nonce là một phần không thể thiếu trong quá trình khai thác các đồng tiền điện tử.
OTC
OTC (Over the counter) là một thuật ngữ dùng để chỉ thị trường phi tập trung. Tức là mua bán ngoài các sàn giao dịch truyền thống. OTC có thể là một nhà môi giới cá nhân, hay công ty thương mại OTC ủy nhiệm.
Ví dụ: Như nền tảng C2C của Huobi, Binance OTC... nhà môi giới OTC cá nhân có thể cung cấp cho bạn dịch vụ mua bán BTC, USDT hay chứng khoán - trực tiếp với VND thông qua Banking.
Oracle
Oracle là mảnh ghép quan trọng trong DeFi, những dự án làm về Oracle sẽ giúp các dự án khác trong crypto có thể cập nhật được dữ liệu ngoài đời thực. Ví dụ các dự án làm trong mảng này là Chainlink, Band Protocol, DIA,…
Order-book
Có thể hình dung đây là một cuốn sổ đặt hàng, người dùng muốn mua bán gì thì tạo lệnh, lệnh sẽ được list ra, và đợi cho người dùng khác vào mua/bán. Ví dụ cho sàn sử dụng Order-book là CEX như Binance, Okex, Huobi, Kucoin,…
Parent node
Nút chứa những nút mở rộng (nút con).
Pump & Dump
Pump và Dump được hiểu là hình thức thao túng thị trường.
- Pump: “Làm giá”, “bơm thổi giá” thị trường lên cao.
- Dump: Dìm giá thị trường xuống mức thảm hại bằng cách xả hàng số lượng lớn trên sàn.
Pump & Dump rất phổ biến trong các thị trường như chứng khoán, Crypto thậm chí là vàng.
Pump (bơm giá lên) và Dump (dìm giá xuống) thực chất là hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, thị trường crypto chưa có đủ khung pháp lý nên tình trạng này vẫn thường xuyên diễn ra.
Pool
Thường thấy ở các dự án DEX và Lending. Pool chỉ một “cái hồ”, nơi người dùng cho tài sản vào và đợi người khác mua bán, vay mượn theo nhu cầu. Đổi lại, người bỏ tài sản vào pool được gọi là Liquidity Provider, và nhận về phí giao dịch.
PoA - Bằng chứng ủy quyền
PoA là viết tắt của Proof of Authority, tức bằng chứng ủy quyền. Đây là một một thuật toán đồng thuận dựa trên danh tiếng, mang lại một giải pháp thực tế và hiệu quả cho các mạng blockchain.
PoB - Bằng chứng đốt cháy
PoB là viết tắt của Proof of burn, tức bằng chứng đốt cháy. Đây là một thuật toán đồng thuận thay thế cố gắng giải quyết vấn đề tiêu thụ năng lượng của POW. Thay vì sử dùng máy đào, thì các Minner cần đốt cháy hoặc phá hủy các token, cho phép họ viết các khối theo tỷ lệ tương ứng với các đồng tiền bị cháy.
PoD - Bằng chứng nhà phát triển
PoD là viết tắt của Proof of Developer, tức bằng chứng nhà phát triển. Đây là một cơ chế được phát triển trở lại vào năm 2014. Như là một phương tiện cho các dự án tiền điện tử và ICO để xác minh rằng chúng được quản lý tích cực bởi (các) nhà phát triển. PoD trong Crypto thường bị nhầm với Proof of Delivery trong tài chính.
PoS - Bằng chứng cổ phần
PoS là viết tắt của Proof of Stake, tức bằng chứng cổ phần. Đây là một hình thức đào coin dựa trên số coin đang nắm giữ. Người nắm giữ 5% coin thì có thể đào 5% số coin.
PoW - Bằng chứng hoạt động
PoW là viết tắt của Proof of Work, tức bằng chứng hoạt động. Đây là một hình thức đào coin dựa trên công suất của máy tính. Máy ai có công suất mạnh hơn thì sẽ đào được nhiều hơn.
Ponzi
Ponzi là mô hình lừa đảo đa cấp dạng kim tự tháp. Ponzi hoạt động bằng cách trả lãi suất cao cho người tham gia đầu tư. Thực chất là lấy tiền người sau trả cho người trước. Khi không thể trả lãi cho nhà đầu tư thì dự án Ponzi sẽ scam không cho nhà đầu tư rút vốn.
Ví dụ các dự án Ponzi: Bitconnect, Ifan, Pincoin...
QR code - Mã QR
QR Code là viết tắt của Quick response code. Đây là một dạng mã vạch phản hồi nhanh. Nó có dạng hình vuông thường dùng để mã hóa đường link trang web.
Replay Attack
Replay attack (tấn công phát lại) là loại hình tấn công nhắm vào một mạng lưới nhất định, trong đó các dữ liệu sẽ bị chặn lại hoặc truyền tải chậm do tác động từ các ứng dụng độc hại. Điều này dẫn đến việc lặp lại liên tục các thông tin nhiều lần trên toàn hệ thống.
Root node
Nút cao nhất trong mạng lưới Blockchain.
Rekt - Toang
Rekt là một khái niệm để chỉ sự thất bại hoặc thể hiện sự gục ngã, thua cuộc của ai đó. Trong giao dịch coin, người ta sử dụng từ Rekt để chỉ sự thua lỗ nặng, giống như từ “toang”.
ROI - Tỷ suất hoàn vốn
ROI là viết tắt của Return On Investment, đây là chỉ số tỷ suất hoàn vốn. Nói một cách đơn giản là “lãi” - lợi nhuận (tính theo %) trên tổng số tiền đầu tư.
SHA
SHA là viết tắt của Secure Hash Algorithm, bao gồm 5 thuật toán được chấp nhận bởi FIPS – Tiêu chuẩn Xử lý Thông tin Liên bang, dùng để chuyển dữ liệu. Có thể hiểu là một dạng mã hóa từ A mã hóa thành B , nhưng dịch ngược lại B thành A thì không thể.
Trong đó bao gồm:
- SHA-1 (trả lại kết quả dài 160 bit).
- SHA-224 (trả lại kết quả dài 224 bit).
- SHA-256 (trả lại kết quả dài 256 bit).
- SHA-384 (trả lại kết quả dài 384 bit).
- SHA-512 (trả lại kết quả dài 512 bit).
Sibling node
Nút kết nối với cùng một nút lớn - parent node.
Satoshi
Satoshi Nakamoto được cho là người đã tạo ra Bitcoin. Satoshi hay sat cũng là đơn vị tiền tệ nhỏ nhất của Bitcoin: 1 BTC = 100,000,000 sat.
Shill - Bơm thổi tin tức
Shill là đơn vị tiền tệ trước đây của Anh và Áo. Tuy nhiên, trong Crypto thuật ngữ này dùng để chỉ hành động bơm thổi tin tức về dự án nhằm nâng cao giá trị của đồng coin nào đó.
Smart contract - Hợp đồng thông minh
Smart Contract là một thuật ngữ mô tả khả năng tự đưa ra các điều khoản và thực thi thoả thuận của hệ thống máy tính bằng cách sử dụng công nghệ Blockchain.
Toàn bộ quá trình của Smart Contract được thực hiện tự động và không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Soft fork
Soft fork là những thay đổi phần mềm tương thích với giao diện cũ. Thường không yêu cầu người dùng nâng cấp phiên bản mới nhất cho giao diện hiện tại.
Tuy nhiên, việc nâng cấp sẽ giúp phần mềm của bạn khắc phục những hạn chế của phiên bản cũ và khả năng tương thích cao hơn với các ứng dụng mới.
Stablecoin
Stablecoin là đồng coin được gắn vào một tài sản cố định nào đó nhằm ổn định thị trường tiền mã hoá.
Stablecoin phải được hỗ trợ bởi các tài sản mà nó “neo” vào như vàng (Digix Gold Tokens - DGX), một loại tiền pháp định nào đó (Tether - USDT), hoặc các loại tiền mã hoá khác (MarketDAO - DAI).
Short - Bán có đòn bẩy
Ngược lại với Long, Short chỉ hành động mượn tài sản của sàn theo một đòn bẫy nhất định và bán ra ngay, sau đó đợi giá thấp thì mua lại trả sàn (kèm phí mượn).
Ví dụ: Người chơi có $100, sử dụng đòn bẫy x10, có nghĩa là đang mượn sàn một lượng tài sản tương đương $900, sau đó bán hết ra được $1,000. Khi giá tài sản giảm thì đóng lệnh short, mua lại và trả lại sàn số tài sản trên + phí, phần lời và vốn sẽ thuộc về người chơi. Tuy nhiên, nếu giá tài sản tăng mạnh, sẽ bị thanh lý và mất $100 vốn. Đây là phương pháp giao dịch rủi ro cao, lợi nhuận cao.
Testnet - Mạng thử nghiệm
Testnet là mạng thử nghiệm - phiên bản Blockchain dành cho các nhà phát triển (developer) để thử nghiệm tính năng mới mà không ảnh hưởng đến giao thức hiện tại.
Thông thường, bất kỳ đồng coin nào cũng có testnet của nó để phục vụ cho việc thử nghiệm những tính năng mới.
Trader - Nhà giao dịch
Trader là các nhà giao dịch nói chung. Nhưng đôi khi, trader thường chỉ những nhà đầu tư ngắn hạn, có thể mua và bán trong thời gian khoảng vài ngày, vài tuần hay vài tháng, hoặc sử dụng margin làm công cụ giao dịch.
Trái ngược với Trader là Holder.
TVL - Tổng giá trị bị khóa
Thuật ngữ này xuất hiện khi trend DeFi hình thành, Total Value Locked (TVL) chỉ tổng giá trị tài sản được người dùng bỏ vào các dự án DeFi, mà đa phần thuộc về DEX và Lending thông qua cung cấp thanh khoản. Anh em có thể kiểm tra TVL hiện tại ở defillama.com hoặc defipulse.com.
TPS
TPS (Transaction per Second) là số lượng giao dịch mà một mạng lưới có khả năng xử lý được mỗi giây. TPS được tính theo công thức:
TPS = (Kích thước block tối đa / Kích thước giao dịch trung bình) / Thời gian block mục tiêu.
Chẳng hạn, một blockchain với kích thước block 1MB, kích thước giao dịch trung bình là 1KB, thời gian block là 30 giây thì TPS theo lý thuyết được tính:
TPS = (1MB/1KB)/30 giây = 33.
TPS càng cao, mạng blockchain càng hoạt động hiệu quả và quản lý tắc nghẽn tốt. Những blockchain này mang lại hiệu quả thanh toán cao hơn và có cơ hội được các cơ quan, tổ chức lớn chấp nhận cao hơn. Dù vậy, có TPS cao không luôn luôn đồng nghĩa với việc thành công ở cấp độ cao nhất hay thậm chí cạnh tranh với Ethereum và Bitcoin. Hiệu suất và tính bảo mật cũng đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề này.
Vesting
Từ này thường được thấy ở mục token release schedule của các dự án. Vesting được hiểu là một khoảng thời gian token được trả dần, những người nằm trong mục này sẽ nhận token từ từ, cho đến thời điểm cuối cùng là nhận được toàn bộ token. Thường sẽ áp dụng cho token của team, advisors hoặc investors nắm giữ.
Ví dụ: Team Allocation: Cliff 12 tháng, vesting 12 tháng, nghĩa là 12 tháng đầu không có token cho team, từ tháng 13 tới tháng 24 sẽ trả dần token.
Vesting period
Giai đoạn token được phân phối rỉ rả theo vesting schedule.
Ví dụ: Linear vesting theo tháng trong 12 tháng tức mỗi tháng nhận được 1/12 tổng số token
Volatility - Độ biến động thị trường
Volatility là độ biến động của thị trường. Đây là chỉ số đo lường mức độ biến động giá của một tài sản tài chính được giao dịch như chứng khoán, tiền mã hoá, vàng...
Chỉ số volatility càng cao, giá trị của tài sản càng dễ bị thay đổi (tăng/giảm) đột ngột trong khoảng thời gian ngắn.
Ví lạnh (Cold Wallet)
Ví lạnh là ví quản lý khóa bí mật ở trạng thái ngoại tuyến đã bị ngắt kết nối hoàn toàn với Internet. Do đó không liên quan đến môi trường bên ngoài và không có nguy cơ bị hack ngoại trừ một số cơ hội kết nối với Internet khi gửi và nhận tiền.
Volume - Khối lượng giao dịch
Volume (hay khối lượng giao dịch) là số liệu đo lường khối lượng tiền được giao dịch trong một khung thời gian nào đó. Khối lượng giao dịch được tính bằng tổng số lượng coin/token mua vào và bán ra trong một khoảng thời gian nhất định.
Whitelist - Danh sách trắng
Whitelist có thể nói là một thuật ngữ không thể thiếu nếu bạn đầu tư vào một ICO nào đó. Nói một cách dễ hiểu thì Whitelist là danh sách trắng. Nó có nghĩa rằng bạn có thể tham gia mua token trong đợt kêu gọi vốn của dự án đó.
Và thông thường bạn cần hoàn tất KYC để được vào danh sách này.
Yield Farming
Yield Farming là một nhánh nhỏ trong DeFi, là hình thức anh em kiếm lợi nhuận bằng việc vay hoặc cho vay tài sản của mình trên các giao thức DeFi.
YTD
YTD (Year to date) là chỉ số đề cập đến một khoảng thời gian bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm hiện tại hoặc năm tài chính cho đến ngày hiện tại.
Permissionless blockchain
Permissionless blockchain là một blockchain công khai, nơi mọi người có thể tham gia vào quy trình đồng thuận, xác nhận tính hợp lệ của các giao dịch và dữ liệu được thêm vào blockchain. Mọi người hoàn toàn bị phân tán và không cần tin tưởng nhau để hoạt động.
Crypto asset management
Crypto asset management hoạt động mua, bán và quản lý các tài sản kỹ thuật số để đầu tư và có được sự tăng trưởng tổng thể về giá trị. Quản lý tài sản không phải là một phương pháp mới, nhưng quản lý danh mục tài sản tiền điện tử hoặc một phần của danh mục đầu tư trở thành nhu cầu cần thiết vì tiền điện tử thường có độ biến động cao hơn các tài sản tài chính khác.
Tổng kết
Trên đây là các thuật ngữ Blockchain phổ biến thường gặp trong Crypto, anh em có thể bình luận ở phía dưới nếu thấy thiếu bất kỳ thuật ngữ nào nhé, mình sẽ bổ sung ngay!